Hồng Lâu Mộng: Khuyên nhủ con người khám phá Đạo Thần Tiên trong chốn hồng trần

Hồng Lâu Mộng con người khám phá Đạo Thần Tiên Minh Chân Tướng
Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng xuất gia. Tranh màu của Tôn Ôn thời Thanh. (Ảnh: Tài sản công)

Thời trẻ đọc “Hồng Lâu Mộng”, tôi không hiểu ngụ ý của tác phẩm là gì, lại bị cái gọi là “Hồng học gia” (Hồng Lâu Mộng học – ngành học chuyên nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng) của nhiều thế hệ trước làm cho hiểu nhầm, liền cho rằng đây là tiểu thuyết nói về chuyện tình yêu nam nữ, quan trường chìm nổi, thói đời nóng lạnh một thời… Đến tuổi 40 đọc lại “Hồng Lâu Mộng”, lại nhận ra một thế giới khác, thì ra tác phẩm có ý nghĩa sâu xa, khuyên con người khám phá con đường Thần Tiên ở cõi hồng trần. Tại sao lại nói như vậy? 

Thật thật giả giả, ẩn chứa thiên cơ

Trên thực tế, “Hồng Lâu Mộng” là một bộ sách khuyên răn của Phật và Đạo, căn cứ vào đâu lại nói như vậy? Là có những câu kệ làm chứng: Ở hồi thứ nhất có câu “Giả tố chân thời chân diệc giả, vô vi hữu xử hữu hoàn vô” (Khi cái giả làm cái thật thì thật cũng giả, nơi cái không làm cái có thì có cũng thành không), là nói sự huyền ảo của thế gian, hiển lộ cái lý của Phật và Đạo. Trong đó vế trước ẩn hàm tu “Chân” của Đạo gia; vế sau là nói đến “Không” của Phật gia, từ đó dung nhập Phật – Đạo hòa làm một thể, bao gồm các pháp lý của Phật gia và Đạo gia trong vũ trụ. 

Cũng ứng với câu “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (Phàm cái gì có hình tướng đều là hư ảo) trong Phật gia. Người đời lấy giả làm thật, lấy không làm có, buồn thay! Những danh tác cổ điển Trung Quốc đều ẩn hàm pháp lý của Phật gia và Đạo gia, ví như “Thủy hử truyện” (mạch truyện truyền thừa Đạo giáo), “Tây du ký” (mạch truyện truyền thừa Phật giáo), còn “Hồng Lâu Mộng” này lại dung nhập cả pháp lý Phật – Đạo, huyền diệu sâu sắc toàn diện hơn, tuyệt không thể tả.

Trong toàn bộ tác phẩm chỗ thật-giả điên đảo khắp nơi đều có, một Tăng một Đạo sĩ xuyên suốt toàn bộ cuốn sách, mặt ngoài thì thấy một người thọt chân một người điên, rách rưới bẩn thỉu, thật ra là “chân nhân bất lộ tướng”. 

Cái tên “Chân Sĩ Ẩn” kỳ thực là “Chân Sự Ẩn” (ẩn giấu chân tướng sự thật), “Chân Sĩ Ẩn” cũng là “Chân Ẩn Sĩ” (ẩn sĩ chân chính), “Chân Sự Ẩn” là đem chân tướng sự thật ẩn giấu đi, “Chân Sĩ Ẩn” hay “Chân Ẩn Sĩ” là Chân nhân, cũng ngụ ý chính là ẩn sĩ.

Ở hồi thứ nhất đã nói rõ: 

“Mãn chỉ hoang đường ngôn,
Nhất bả tân toan lệ!
Đô vân tác giả si,
Thuỳ giải kỳ trung vị?”

Tạm dịch:

Cả sách đầy chuyện hoang đường
Từng trang đều chứa nước mắt đầy chua cay!
Ai ai cũng nghĩ tác giả si ngây,
Nào ai hiểu được ý vị ở bên trong này?

Dường như là nói tác giả mê dại, mà những câu cuối cùng của tác phẩm lại là: 

“Thuyết đáo tân toan xử,
Hoang đường dũ khả bi.
Do lai đồng nhất mộng,
Hưu tiếu thế nhân si!”

Tạm dịch:

Nói đến phần chua xót
Hoang đường càng sầu bi.
Xưa nay chung giấc mộng
Chớ cười người đời si!

Điều này đã nói rõ không phải tác giả mê dại, mà chính là người đời mê. Mê ở đâu? Đó là nhầm xem mây khói thoáng qua, nhân sinh như mộng là nơi trở về. Cái gì là “Do lai đồng nhất mộng”? Chính là giấc mộng Hồng Lâu với giấc mộng của người đời (ai mà không có giấc mộng hoàng lương?) đều là cùng một giấc mộng! Mà hai câu “Giả khứ chân lai chân thắng giả, vô nguyên hữu thì hữu phi vô” (giả đi thật đến, thật thắng giả, không nguyên là có, có nào phải không) trong phần cuối cùng của hồi thứ nhất, đã nói rõ cảnh giới sau khi con người nhìn thấu giả tướng thì chính là “Thật” thật sự, hư giả trở thành chân thực, hư vô biến thành có thực.

Trong lịch sử có không ít “Hồng học gia” nghiên cứu ra rằng “Hồng Lâu Mộng” là “Giả Ngữ Thôn Ngôn” (nghĩa là ‘lời quê mùa không thật’, đồng âm với Giả Vũ Thôn Ngôn – lời nói của Giả Vũ Thôn, tác giả đặt tên cho nhân vật là Giả Vũ Thôn), nhưng lại không biết vì sao lại là “Giả Ngữ Thôn Ngôn”? Là biết nó như vậy, nhưng không biết vì sao lại như vậy! “Giả đi chân đến, chân thắng giả; Không nguyên là có, có nào phải không”, rõ ràng nói chính là lời thật, nhưng ở hồi cuối lại có đoạn: “Té ra toàn là chuyện bày đặt viễn vông cả! Không chỉ tác giả không biết, người chép không biết, mà cả người đọc cũng không biết nữa. Chẳng qua chỉ là thứ văn chương giải trí, để cho thích thú tính tình mà thôi.” Đến tận đây lại đem chân tướng ẩn đi. Từ đầu đến cuối tác phẩm thật thật giả giả, giả giả thật thật, dùng thật làm rối loạn giả, dùng giả làm rối thật, đều là vì làm thế nhân mê hoặc mà thôi.

Độc giả nói: Hà cớ gì lấy giả làm thật? Lấy thật làm giả? Vào thời đại của Tào Tuyết Cần không tồn tại vấn đề bị phê phán cho là phong kiến mê tín, cần gì phải nói ẩn ý? Kỳ thực, mọi người không biết việc này không liên quan với chính trị, điều khó nói đều là vì “thiên cơ bất khả lộ”. 

Từ câu kệ “Giả đi chân đến, chân hơn giả; không nguyên là có, có nào phải không”, xem kỹ thì không khó nhận ra đại Đạo bên ngoài sự huyền ảo: Thật ắt thắng giả, có ắt thắng không. Chỗ giả giả thật thật, cốt là ở cái ngộ của người đời! Hay cho một câu thật-giả, đã làm mê đảo bao người thế gian!

Sĩ Ẩn ngộ Đạo, tự rõ chốn trở về

Kỳ thực ở Hồi thứ nhất đã nói rõ hết thảy, đã tiết lộ nơi đến cuối cùng của con người. Nhân sinh dù hoàn mỹ ra sao cũng có chỗ không như ý của con người. Sĩ Ẩn đã là vọng tộc, lại không có con trai, điều không như ý thứ nhất. Đến già mới có con gái, con gái lại bị người khác bắt đi, ấy là điều không như ý thứ hai. Sau đó gặp hỏa hoạn thiêu rụi toàn bộ gia sản, là điều không như ý thứ ba. Cầm cố ruộng đất lại giao nhầm người, ăn nhờ ở đậu nhà người, buồn bực không thoải mái, là điều không như ý thứ tư. Bởi vậy nghèo túng buồn bực sinh bệnh, ngày càng sa sút, lâm vào cảnh tiêu điều. Vì thế khi Sĩ Ẩn nghe được bài “Hảo liễu ca” của đạo sĩ điên, bèn giật mình ngộ Đạo, bài ca rằng: 

“Thế nhân đô thuyết thần tiên hảo, duy hữu công danh vong bất liễu!
Cổ kim tương tướng tại hà phương, hoang trủng nhất đôi thảo một liễu.
Thế nhân đô thuyết thần tiên hảo, duy hữu kim ngân vong bất liễu!
Chung triêu chích hận tụ vô đa, cập đáo đa thì nhãn bế liễu.
Thế nhân đô thuyết thần tiên hảo, chích hữu kiều thê vong bất liễu!
Quân tại nhật nhật thuyết ân tình, quân tử hựu tùy nhân khứ liễu.
Thế nhân đô thuyết thần tiên hảo, chích hữu nhi tôn vong bất liễu!
Si tâm phụ mẫu cổ lai đa, hiếu thuận nhi tôn thùy kiến liễu?”

Dịch thơ:

Người đời đều cho thần tiên hay, mà chuyện công danh lại vẫn say!
Xưa nay tướng soái nơi nào đây, một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy!
Người đời đều cho thần tiên hay, những hám vàng bạc lòng không khuây!
Suốt ngày những mong chứa cho đầy, đến lúc đầy rồi nhắm mắt ngay!
Người đời đều cho thần tiên hay, nhưng thích vợ đẹp lòng không khuây!
Lúc sống ái ân kể suốt ngày, lúc chết liền bỏ theo người ngay!
Người đời đều cho thần tiên hay, muốn đông con cháu lòng không khuây!
Xưa nay cha mẹ thực khờ thay, con hiền cháu thảo ai thấy đây?

(Bản dịch của nhóm dịch giả Vũ Bội Hoàng)

Sĩ Ẩn nghe bài ca này, bèn đuổi theo Đạo sĩ điên hỏi: “Ông nói những điều gì? Chỉ nghe được ‘hảo’ ‘liễu’, ‘hảo’, ‘liễu’ vậy.” Vị Đạo sĩ cười nói: “Ngươi nếu đã nghe được hai chữ ‘hảo’ ‘liễu’, xem như ngươi sáng suốt. Phải biết vạn sự trên đời, ‘hảo’ thì phải ‘liễu’, ‘liễu’ thì sẽ ‘hảo’. Nếu không ‘liễu’ thì không ‘hảo’; nếu muốn ‘hảo’ thì phải ‘liễu’.” [‘hảo’ nghĩa là tốt, ‘liễu’ nghĩa là hết, kết thúc]. 

Sĩ Ẩn vốn là người thông tuệ, vừa nghe lời ấy, tâm sớm đã hiểu thấu… Bèn nói một tiếng: “Đi thôi! Rồi đỡ ngay cái tay nải trên vai đạo sĩ, đeo lên lưng mình, lại không về nhà nữa, cùng với đạo sĩ nhẹ nhàng mà đi…” Đây chính là “Chỉ trong một niệm, phàm trần bỗng yên ổn”.

Kỳ thực, chỉ trong hồi thứ nhất đã nói rõ đạo lý quan trọng của “Hồng Lâu Mộng” rồi!

Điều này khiến người ta nhớ đến câu “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Đức Chúa Trời” trong Kinh Thánh. Thử nghĩ, nếu Chân Sĩ Ẩn đại phú đại quý, lại không có mấy lần không như ý, ông liệu có còn nhìn thấu được hồng trần? Đồng thời ở đây còn nói đến căn cơ, “Sĩ Ẩn vốn là người thông tuệ”! Xem ra người muốn ngộ Đạo tất phải có cả thông tuệ và khó nạn, như Tư Mã Thiên nói: “Văn Vương bị giam giữ nên diễn giải ‘Chu Dịch’, Trọng Ni gặp nạn mà viết ‘Xuân Thu’, Khuất Nguyên đi đày mới làm ‘Ly Tao’, …”, họ đều là gặp khó nạn lớn. Kỳ thực, cả Tư Mã Thiên cũng là bị thiến và bị cầm tù mà viết nên “Sử ký”. Có thể thấy được thông tuệ và khó nạn, thiếu một thì khó thành cực phẩm.

Hồng lâu mộng Minh Chân Tướng
Tranh màu minh họa “Hồng Lâu Mộng” hồi thứ 37 do Tôn Ôn triều Thanh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Vạn sự do duyên, đều từ “Không” đến

Có người muốn từ trong “Hồng Lâu Mộng” học được một chút gì về kinh nghiệm nhân sinh và thói đời của người khác, nghiên cứu chút hưng suy biến đổi v.v. Kỳ thực, những gì Sĩ Ẩn trải qua, mối tình si của Bảo Ngọc – Đại Ngọc, Vũ Thôn chìm nổi, Vinh – Ninh phủ phồn vinh suy bại… đều là mặt ngoài của nhân sinh. Bởi vì mỗi con người ở thế gian đều là một bộ bách khoa toàn thư, ai không nếm trải ngọt bùi cay đắng, cớ gì phải cầu tìm bên ngoài? Giả Vũ Thôn luồn cúi cơ hội “Thân hậu hữu dư vong súc thủ, nhãn tiền vô lộ tưởng hồi đầu” (Sau lưng còn chỗ không quay lại, trước mắt không đường muốn quay đầu), tranh đấu đến già, cuối cùng là ở bến Giác Mê (ý chỉ bến mê) của dòng Cấp Lưu “trước mắt không đường muốn quay đầu”, rơi vào hối hận cả đời.

Chính như Chân Sĩ Ẩn giải “Hảo liễu ca”: 

“Lậu thất không đường,
Đương niên hốt mãn sàng;
Suy thảo khô dương,
Tằng vi ca vũ trường;
Chu ty nhi kết mãn điêu lương,
Lục sa kim hựu tại bồng song thượng.
Thuyết thậm ma chỉ chính nùng,
Phấn chính hương,
Như hà lưỡng mấn hựu thành sương?
Tạc nhật hoàng thổ lũng đầu mai bạch cốt,
Kim tiêu hồng tiêu trướng để ngọa uyên ương.
Kim mãn tương,
Ngân mãn tương,
Chuyển nhãn khất cái nhân giai báng;
Chính thán tha nhân mệnh bất trường,
Na tri tự kỷ quy lai táng?
Huấn hữu phương,
Bảo bất định nhật hậu tác cường lương.
Trạch cao lương,
Thuỳ thừa vọng lưu lạc tại yên hoa hạng!
Nhân hiềm sa mạo tiểu,
Trí sử toả gia cang;
Tạc liên phá áo hàn,
Kim hiềm tử mãng trường:
Loạn hồng hồng nhĩ phương xướng bãi ngã đăng trường,
Phản nhận tha hương thị cố hương;
Thậm hoang đường,
Đáo đầu lai đô thị vi tha nhân tác giá y thường.”

Dịch thơ:

Giờ đây lều cỏ vắng tanh,
Trước kia trâm hốt sắp quanh đầy giường!
Giờ đây cây cỏ ngổn ngang,
Trước kia vũ tạ ca trường là đây,
Xà chạm kia nhện giăng đầy.
Màn the nay rũ cạnh ngay cửa bồng.
Xưa sao phấn đượm hương nồng.
Mà nay sương nhuộm như bông trên đầu ?
Bãi tha ma có xa đâu,
Là nơi màn thắm là lầu uyên ương.
Hôm kia đầy những bạc vàng.
Phút đâu hành khất bên đường là ai ?
Những tham số phận của người,
Biết đâu mình đã sa nơi vũng lầy ?
Trai thời dạy những điều hay,
Ngờ đâu trộm cướp sau này xấu xa.
Gái thời kén cửa chọn nhà,
Ngờ đâu nhắm chỗ yên hoa rơi vào!
Mũ the chê nhỏ hay sao,
Để gông cùm phải vương vào đáng lo.
Trước manh áo rách co ro,
Mảnh bào giờ khoác lại cho là dài.
Ầm ầm trên chốn vũ đài,
Người kia vừa xuống thì người này lên.
Thực là dại dại điên điên,
Quê ai mà nhận là miền làng ta.
Quay đầu giờ mới tỉnh ra,
May quần áo cưới đều là vì ai!

(Bản dịch của nhóm dịch giả Vũ Bội Hoàng)

Điểm mấu chốt của bài thơ này là ở chỗ: Đời này là tha hương! Nhân sinh ở thế gian, hình thức diễn biến chuyển động toàn bộ sinh mệnh con người bất quá là trong chớp mắt mà thôi. Thế nhưng thế nhân không hiểu, mãi ôm giữ vinh hoa phú quý, công danh lợi lộc không buông, lại xem những thứ này như chân lý của nhân sinh. Kết quả là: Người chết vì tiền, chim chết vì mồi, vội vàng bận rộn quên hết thảy, thật buồn thay tiếc thay! Tích nghiệp-nghiệt cho mình, càng thêm bi ai!

Đại Đạo vô hình, tu tâm ngộ Đạo

Câu “Nội điển ngữ trung vô Phật tính, Kim đan pháp ngoại hữu Tiên chu” (Câu chữ trong Nội điển không có Phật tính, bên ngoài pháp luyện Kim đan có thuyền Tiên) này ẩn dụ về việc tu luyện theo giáo lý Phật giáo (Nội điển) và Đạo giáo (Kim đan) đã rất khó tìm cầu, bởi vì trăm ngàn năm qua, Phật không quản thế gian, hai loại giáo lý này đã bị người đời sau giải thích sai lệch thay đổi cả nội dung, rất khó độ nhân. Một câu sau cùng của Tăng điên và Đạo sĩ điên là: “Tục duyên đã hết, còn không đi mau!”. Từ đó: “Thiên ngoại thư truyện thiên ngoại sự, lưỡng phiên nhân tố nhất phiên nhân” (Sách ngoài trời chép chuyện ngoài trời, người hai kiếp làm người một kiếp), này là chỉ người vượt kiếp trở về gốc cũ.

Toàn bộ tình tiết của “Hồng Lâu Mộng”, chẳng qua là để con người lần theo tảng đá Bảo Ngọc này ở nhân gian để thấy được “Nhân không kiến sắc, do sắc sinh tình, truyện tình nhập sắc, tự sắc ngộ không” (Từ Không hiện ra Sắc, từ Sắc sinh Tình, dẫn Tình đến Sắc, từ Sắc ngộ được Không) mà thôi! Hiện nay con người thế gian đều đã bước vào tình trạng “Từ Không hiện ra Sắc, từ Sắc sinh Tình, dẫn Tình đến Sắc”, duy chỉ còn thiếu “từ Sắc ngộ được Không” nữa mà thôi.

Ghi chú: Trong bài viết này, ngoài những câu văn trích lục có ghi rõ xuất xứ ra, còn lại đều là trích từ “Hồng Lâu Mộng”.

Hà Nhĩ thực hiện

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
1 Comment
Inline Feedbacks
View all comments
Nguyễn Duy tùng
Nguyễn Duy tùng
1 year ago

hay

1
0
Bình luậnx
()
x