Thêu Kinh Phật cầu phúc cho cha bị mù cả hai mắt, hiếu nữ cưỡi Phượng bay về cõi Tiên.

thêu Kinh Phật

Bức tranh thêu Kinh Phật trong ngôi chùa cổ đã kể lại cho chúng ta một câu chuyện cảm động suốt trăm năm qua. 

Cô con gái ngoan ngoãn, hiếu thảo vì để cầu phúc cho cha, đã cắt đi mái tóc của mình để làm chỉ thêu tượng Phật và kinh Phật trên tấm lụa khổng lồ. Sau hai năm ròng rã, cuối cùng cô đã bị mù cả hai mắt. Đã vậy, khi người cha qua đời, cô còn bị người thân phản bội… Số mệnh nghiệt ngã của cô gái ấy cuối cùng sẽ ra sao?

Trong ngôi chùa Đông Hải Lượng Võng có cất giữ một bức tranh thêu Kinh Phật. Bức tranh dài gần 9 mét, rộng 2.7 mét. Khuôn mặt của Đức Phật tròn trịa như vầng trăng, trước ngực đeo sợi dây chuyền đan hình mạng nhện. Tay trái của Đức Phật để trước ngực, tay phải cầm quạt lông vũ, mặc áo cà sa thêu họa tiết, cánh tay phải và chân để trần, cao cao tại thượng ngồi trên đầu rồng Đà Long. Con rồng đang ngâm nửa mình dưới biển, lắc lư bốn chân, ngẩng đầu há miệng phun ra những ánh hào quang sáng chói. Những ánh hào quang ấy lại bay thẳng lên trời và biến thành vô vàn đình đài lầu các, núi sông nhật nguyệt.

thêu Kinh Phật
Thêu Kinh Phật cầu phúc cho cha bị mù cả hai mắt, hiếu nữ cưỡi phượng bay về cõi Tiên (Ảnh: Tài sản công)

Bên dưới bức tranh thêu Phật là các chúng sinh đang lũ lượt đến chiêm bái Đức Phật, mỗi người một vẻ. Đức Phật mở khẽ đôi mắt, đang từ bi nhìn chúng sinh, lộ ra dáng vẻ thương xót. Mặt trên của bức thêu tượng Phật là một bộ Kinh Phật, nét chữ nhỏ nhắn rõ ràng, mềm mại như lông mày.

Cuối đoạn kinh văn ghi chú: Năm Gia Tĩnh, tín nữ Diệp Bình Hương thân tâm sạch sẽ cầm kim thêu thùa. Khoảng trống bên trái ghi lại tình cảnh của nàng, từng chữ đều do đích thân nàng thêu, đoạn văn rất dài, đại khái như sau:

Vào thời nhà Minh, Diệp Công Đại Chung, người gốc Chiết Giang, giữ chức Thị ngự sử trong Hàn Lâm Viện, tính tình chính trực, thường dâng tấu luận tội những kẻ lộng quyền. Tể tướng Nghiêm Tung từng phái người đến tặng ông nhiều văn thư họa phẩm và đồ cổ quý giá để mua chuộc ông nhưng đều bị ông kiên quyết cự tuyệt. Không những thế, Diệp Công lại càng dốc sức vạch trần tội ác của kẻ gian thần.

Không lâu sau, Diệp Đại Chung bị kẻ xấu hãm hại, bọn hải tặc nghe người khác xúi giục đã vu oan cho Diệp Công tội nhận hối lộ. Diệp Công bị cách chức, sau trận tra tấn trước công đường thì thập tử nhất sinh. Sau đó, Hoàng Đế hạ chiếu giam giữ ông trong đại lao của Hình bộ, chờ lệnh chém đầu.

Hai người con trai của Diệp Công lực bất tòng tâm. Con gái của ông là Bình Hương, tính tính ngoan ngoãn hiền lành, lại vô cùng hiếu thảo. Khi nghe tin cha lâm nguy, nàng ngày đêm cầu khấn, cuối cùng cũng nhận được cảm ứng từ cõi vô minh. Cô thiếu nữ 14 tuổi rất giỏi thêu thùa may vá, nên đã mua một tấm lụa hoa khổng lồ, rồi cắt bỏ mái tóc mềm mượt của mình, lại dùng dao vàng tước mỗi sợi tóc thành 4 sợi chỉ thêu. Bằng cách này, nàng đã cẩn thận thêu từng đường kim mũi chỉ thành hình tượng Phật và một bộ Kinh Phật lên tấm lụa dài. 

Trải qua hai năm bức tranh mới hoàn thành. Đến ngày hoàn thành, phụ thân của nàng đã nhận được Thiên ân, may mắn được đặc xá ra tù. Diệp Công kể từ đó không còn làm quan, xin cáo lão hồi hương, không còn tham gia vào chuyện triều chính.

Từ khi Bình Hương bắt đầu thêu tranh Phật, thị lực của nàng ngày một suy yếu, chẳng mấy chốc đã bị mù cả hai mắt. Trước cảnh éo le ấy, người địa phương không ai chịu lấy nàng làm vợ. Năm Diệp Công 60 tuổi mắc bệnh qua đời, Bình Hương lúc ấy đã 25 tuổi. Trong lúc hấp hối, Diệp Công nước mắt hai hàng, nắm chặt tay hai người con trai và tha thiết dặn dò phải chăm sóc tốt cho người em gái mù loà đáng thương của mình, đừng để cô lâm vào cảnh nghèo khổ, không nơi nương tựa. Hai người con trai cũng khóc lóc gật đầu nghe theo lời dặn của cha.

Nào ngờ, dù hai anh em vâng theo di mệnh của cha, nhưng hai người chị dâu lại thường xuyên nói xấu cô em gái trước mặt chồng mình. Họ vu oan cho nàng tham ăn lười làm, dần dần lời nói càng ngày càng chì chiết nặng nề, bắt đầu buông lời ác ý nhục mạ cô em chồng xấu số. Bình Hương yếu đuối, khóc rưng rức suốt ngày lẫn đêm, hai anh trai cũng bắt đầu chán ghét nàng.

Một ngày nọ, có một người phụ nữ đột nhiên xuất hiện, tóc búi cao, mặc váy màu xanh lục, phong thái đoan trang nhã nhặn. Nàng nhẹ nhàng nói với Bình Hương: “Hai mắt cô nương mắc bệnh là do tinh thần lao lực quá mức, khiến can phế tổn thương, chứ không phải thực sự bị mù. Ta có thể lấy trộm một ít nước Thiên Hà giúp cô nương khôi phục thị lực. Nhưng, sau khi ta chữa lành bệnh rồi, cô nương lấy gì để hồi đáp ân đức của ta?”

Bình Hương nói: “Thần tiên tỷ tỷ, nếu nàng có thể khiến những người trong địa ngục tăm tối nhìn thấy ánh sáng mặt trời một lần nữa, muội muội bằng lòng nghe tỷ tỷ giao phó.”

Người phụ nữ nói: “Cô nương giỏi thêu thùa, xin cô hãy thêu cho ta đôi chim phượng hoàng, một đỏ một trắng. Sau khi thêu xong thì đừng vội vàng điểm lên đôi mắt của con phượng hoàng, nếu không chỉ e chúng sẽ bay đi mất.”

Bình Hương đáp lại: “Dạ vâng.”

Người phụ nữ lấy ra một chiếc lược vàng từ trong tay áo, nhẹ nhàng quét qua nhãn cầu của Bình Hương, nước mắt của nàng chảy xuống như màu nước chì. Sau đó, người phụ nữ lấy ra một bình ngọc nhỏ, trong đó chứa nước cam lồ trắng như sữa, rồi nhỏ vào mắt của Bình Hương. Nàng lại bảo Bình Hương nhắm mắt lại, ngồi yên lặng một lúc. Sau một hồi, đôi mắt của Bình Hương quả nhiên sáng trở lại, hơn nữa còn tinh tường hơn lúc trước. Người phụ nữ lại đưa cho Bình Hương một loại Thần cao. Sau khi bôi xong, nàng cảm thấy tâm trí tĩnh tại thoải mái, mọi sự chán chường oán hận không cánh mà bay.

Ngày hôm sau, người phụ nữ thực sự mang một tấm lụa khổng lồ đến và tận mắt theo dõi Bình Hương thêu thùa. Nàng hàng ngày đều đến chỉ điểm Bình Hương, những sợi chỉ đa sắc kết hợp hài hoà, hoa văn tinh tế mới mẻ. Ngày thêu xong đôi chim Phượng, người phụ nữ liền đến điểm mắt cho chúng. Đôi chim bỗng sống dậy, bay quanh đình viện, vẫy vẫy đôi cánh như đang chờ đợi.

Người phụ nữ nắm lấy bàn tay Bình Hương cưỡi Phượng hoàng vén mây bay lên trời cao.

Người nhà họ Diệp ngẩng đầu gọi lớn “Bình Hương! Bình Hương!”. Nhưng đều không nghe thấy tiếng đáp của nàng, chỉ thấy người phụ nữ vén mây nhìn xuống và nói: “Người hạ giới đừng lấy làm kinh ngạc. Bình Hương hiếu thảo cảm động Đất Trời. Thiên Tôn Chức Nữ phái người đến đón nàng, phong cho nàng làm Thần Châm ở cõi Tiên. Từ nay về sau, không làm phiền mấy cô chị dâu nữa.”

Toàn bộ người dân trong thành tận mắt chứng kiến cảnh tượng Bình Hương như tiên nữ trong tranh bay lên trời, bèn thi nhau thắp hương cầu khấn. Hai người anh trai nhìn thấy cảnh tượng ấy đều vô cùng xấu hổ và hối hận.

(Theo “Dạ vũ thu đăng lục”)

 

BTV Epoch Times Hoa Ngữ

Mạt Cầu thực hiện theo Epoch Times Tiếng Việt
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x