Vân du chốn nhân gian: Chuyện luân hồi của Tô Đông Pha

van du chon nhan gian chuyen luan hoi cua to dong pha minh chan tuong min
(Ảnh: Pixabay)

Tô Đông Pha là vị thanh quan yêu dân như con, đồng thời cũng là bậc văn hào lừng danh thời Bắc Tống. Câu chuyện nhân sinh của ông có muôn màu muôn vẻ, và hành trình luân hồi của ông cũng vô cùng kỳ diệu.

Tô Đông Pha, bậc danh nhân đã in dấu vào sử xanh, sau khi chuyển sinh sẽ có diện mạo như thế nào? Nếu được lựa chọn kiếp sau, ông sẽ tiếp tục con đường quan lộ, làm thi sĩ, hay là tăng nhân? Câu chuyện luân hồi của ông sẽ mở ra cánh cửa cho chúng ta hiểu được ý nghĩa chân chính của nhân sinh, mục đích cuối cùng của sinh mệnh.

Ký ức luân hồi

Vào năm Nguyên Phù thứ ba thời Bắc Tống (năm 1100), Tô Đông Pha đã lưu lại một bài thơ trên bức tường ở chùa Bảo Đà, núi Linh Phong, Hồ Châu, Trung Quốc:

Linh Phong sơn thượng Bảo Đà tự
Bạch phát Đông Pha hựu đáo lai
Tiền thế Đức Vân kim ngã thị
Y hi do ký Diệu Cao đài

Tạm dịch:

Bảo Đà chùa cổ núi Linh Phong
Đông Pha tóc bạc lại đến thăm
Kiếp trước Đức Vân nay bản ngã
Diệu Cao đài cũ thấp thoáng trông

Nhìn lại quãng thời gian ấy, cuộc sống của ông đã đến điểm giới hạn của sinh mệnh. Tô Đông Pha một đời thơ văn lai láng, hôn nhân vẹn toàn, được sánh duyên với người ông yêu thương, dù quan vận thăng trầm nhưng dẫu sao cũng lập được nhiều công lao vì dân vì nước. Nếu đường đời của ông là những ngã rẽ của hoạn lộ, thi từ, tình duyên, tu Đạo… vậy điều ông tâm huyết nhất trong cuộc đời là gì?

Trở lại với bài thơ đề trên tường chùa Bảo Đà, chúng ta có thể nghe thấy huyền âm trong giai điệu chính của sinh mệnh Tô Đông Pha: “Tiền thế Đức Vân kim ngã thị, Y hi do ký diệu cao đài”. Đài Diệu Cao trên chùa Kim Sơn đã dẫn dắt ông trở về với ký ức xa xưa.

kim son tu dieu cao dai minh chan tuong 1
Kim Sơn tự, Diệu Cao đài. (Ảnh: Shutterstock)

Ngược dòng thời gian trở lại 15 năm trước đó, Tô Đông Pha từng viết một bài thơ là “Kim Sơn Diệu Cao đài”, thơ rằng:

“Ngã dục thừa phi xa, Đông phỏng Xích Tùng Tử.
Bồng Lai bất khả đáo, Nhược thủy tam vạn lý
Bất như Kim Sơn khứ, Thanh phong bán phàm nhĩ,
Trung hữu Diệu Cao đài, Tuyết phong tự cô khởi

Hà tu tầm Đức Vân, Tức thử Tỳ Kheo thị
Trường sinh vị hạ học, Thỉnh học trường bất tử”

Tạm dịch:

Ta muốn cưỡi xe bay, Đông thăm Xích Tùng Tử
Bồng Lai chẳng thể đến, Nhược thủy ba vạn dặm
Chẳng thà đến Kim Sơn, Gió nhẹ nửa cánh buồm
Trong có Diệu Cao đài, Đỉnh tuyết đứng lẻ loi

Sao phải tìm Đức Vân, Vị ấy là Tỳ Kheo
Trường sinh vị hạ học, Thỉnh học trường bất tử

Bài thơ trên đã thể hiện rất rõ tấm lòng chân tâm cầu Đạo của ông. Hai bài thơ cách nhau 15 năm nhưng đều cho thấy duyên phận thâm sâu của Tô Đông Pha với Diệu Cao đài và Kim Sơn tự.

tranh ve to thuc luu thai do thoi tu trung minh chan tuong min
Tô Đông Pha và thiền sư Phật Ấn tại chùa Kim Sơn, tranh vẽ “Tô Thức lưu đái đồ” của Thôi Tử Trung (Ảnh: Bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Bắc)

Sau trăm năm xác thịt có thể tan vào đất, nhưng tấm lòng cầu Đạo thì vĩnh viễn trường tồn, tùy theo những ký ức thâm sâu đã được khắc cốt ghi tâm nơi nguyên thần mà đến đời kế tiếp, tới lúc này ký ức sẽ lại được hồi sinh.

400 năm sau, chuyển sinh thành Hàm Sơn đại sư

Vào năm Gia Tĩnh thứ 25 (năm 1545) thời Minh Thế Tông, ở huyện Toàn Tiêu, Nam Kinh, gia đình Thái Ngạn Cao sinh được một bé trai vô cùng đặc biệt, có Phật duyên thâm sâu. Trước khi cậu bé chào đời, phu nhân của Thái Ngạn Cao là Hồng Thị nằm mộng thấy Quan Âm Đại Sĩ dẫn theo một đồng tử đến nhà. Hồng Thị mừng vui khôn xiết, đón lấy đứa trẻ và ôm vào lòng, không lâu sau liền mang thai. Đứa trẻ vừa sinh ra đã được bao bọc trong lớp vải trắng, khi tắm rửa hương thơm thoang thoảng khắp căn phòng.

Lên 1 tuổi, cậu bé mắc bệnh nặng gần như không thể qua khỏi. Hồng Thị vô cùng lo lắng, chắp tay chân thành cầu nguyện với Quan Âm Đại Sĩ: Xin đức Quan Âm phù hộ cho con trai con được khỏi bệnh, sau này con sẽ cho con trai nương tựa nơi cửa Phật. Khi đứa bé hoàn toàn hồi phục, người nhà liền gọi cậu bằng biệt danh “Hòa Thượng” và gửi cậu làm con đỡ đầu trong chùa Trường Thọ (theo phong tục cũ, nhiều gia đình vì muốn con cái lớn lên thuận lợi bèn giao đứa trẻ làm con đỡ đầu cho một vị hòa thượng hoặc ni cô trong chùa).

“Hòa Thượng” từ nhỏ đã thích tĩnh lặng một mình. Người nhà thấy kỳ lạ khi cậu bé đã lên 3 mà không biết chơi đùa, chỉ thích ngồi yên giống như khúc gỗ vậy. Mẹ cậu là Hồng Thị luôn tín phụng Quan Âm Đại Sĩ, mỗi lần bà lên chùa thắp hương lễ bái, Hòa Thượng đều theo sau mẹ. Năm Hòa Thượng 9 tuổi, cậu đã biết đọc tụng kinh Quan Âm Đại Sĩ cho mẹ nghe, giọng nói như thốt ra từ một vị lão tăng vậy.

Năm Hòa Thượng 12 tuổi, cha cậu có ý cưới vợ cho con trai, cậu biết tin liền một mực từ chối. Lúc ấy, nghe nói chùa Báo Ân ở Ứng Thiên (Nam Kinh) có một vị tăng nhân đại đức là hòa thượng Tây Lâm, cậu nhất tâm muốn đến theo ngài học Phật Pháp. Mặc dù cha không cho phép, nhưng nhờ có mẹ luôn ủng hộ, Hòa Thượng cuối cùng cũng được toại nguyện, trở thành cư sĩ trong chùa Báo Ân.

Tây Lâm hòa thượng thấy rằng đứa trẻ này cốt khí phi phàm, rất có căn cơ tu luyện, nếu chỉ làm một tục tăng thì thật đáng tiếc. Lúc ấy Thích Phùng Lễ bộ Thượng thư tên là Triệu Đại Châu cũng có mặt tại đó, ông cao hứng nói rằng đứa trẻ này có thể làm đến “Nhân thiên sư”. Ông Triệu xoa đầu cậu bé và hỏi: “Con thích làm quan hay làm Phật?”. Cậu bé lập tức đáp rằng: “Con muốn làm Phật!”.

Sư phụ Tây Lâm dụng tâm bồi dưỡng cậu bé, giao cho các hòa thượng có học hành trong chùa dạy cậu bé đọc kinh Phật. Cậu bé rất nhanh chóng đã thuộc lòng các loại kinh văn lưu hành lúc bấy giờ. Sau đó, hòa thượng Tây Lâm lại mời các danh sư đến dạy cho cậu bé. Năm Hòa Thượng 17 tuổi, cậu bắt đầu học Cử tử khóa, bao gồm Tứ Thư Ngũ Kinh, học thuyết Bách Gia Chư Tử, Tả Truyện, Sử Ký và thi từ cổ văn, v.v. Cậu không chỉ đạt được thành tích rất tốt mà còn có biệt tài sáng tác thơ văn. Nhưng vì cơ thể yếu ớt, thường hay mắc bệnh, nên cậu có ý từ bỏ những thứ học vấn ứng thí làm quan này để chuyên tâm tu Phật.

Vào một ngày cuối năm khi Hòa Thượng lên 18 tuổi, sư phụ Tây Lâm nói rằng sau khi viên tịch ông muốn giao chức vị trụ trì cho Hòa Thượng. Ông dặn đi dặn lại các đệ tử rằng: “Đứa trẻ này tuy còn ít tuổi nhưng lại có nhận thức chín chắn. Sau khi ta qua đời, mọi chuyện lớn nhỏ trong chùa các con đều cần nghe cậu ta quyết định, chớ có thấy nhỏ mà coi thường”.

Vào năm Hòa Thượng 19 tuổi, một số học trò gửi trong chùa tham gia ứng thí và có tên trên bảng vàng. Mọi người thấy Hòa Thượng học vấn uyên bác thì đều khuyên cậu chọn con đường làm quan. Vân Cốc đại sư biết tin, ông không muốn để một người có huệ căn như vậy lầm đường lạc lối, nên đã kể cho cậu nghe rất nhiều câu chuyện cao tăng, và dặn cậu hãy đọc sách.

Trong Tàng thư các, Hòa Thượng tìm được cuốn “Trung Phong Quảng Lục” và bắt đầu đọc say sưa. Cậu vừa đọc vừa vui mừng reo lên: “Điều này thực sự khiến tâm ta hạnh phúc!”.

Từ đó, Hòa Thượng lập chí tu Phật, cậu cung kính mời sư phụ Tây Lâm cạo đầu cho mình, chính thức trở thành đệ tử xuất gia, đồng thời đốt những cuốn kinh thư và tác phẩm văn chương mà trước đây cậu đã học, nhất tâm tu hành đạo Phật.

Cậu bé Hòa Thượng trong câu chuyện trên chính là Hàm Sơn đại sư – một trong tứ đại cao tăng thời Minh mạt (1546-1623), còn gọi là Trừng Ấn, hiệu Hàm Sơn, pháp hiệu Đức Thanh, tự là Hoằng Giác thiền sư. Hàm Sơn đại sư tọa hóa vào năm 78 tuổi, ông đã lưu lại bức tượng nhục thân bất hoại nổi tiếng trong lịch sử.

kim son tu ngay nay minh chan tuong
Kim Sơn tự ngày nay (Ảnh: Shutterstock)

Trong trước tác “Mộng Du Tập”, Hàm Sơn đại sư kể rằng ông từng có lần đến Hải Môn, lên chùa Kim Sơn, thăm đỉnh Diệu Cao Phong nơi có Diệu Cao đài. Những ghi chép trong chùa Kim Sơn ở Trấn Giang cũng kể rằng: Vào những năm Nguyên Hựu thời nhà Tống, tăng nhân Phật Ấn tạc bằng đỉnh Cao Phong làm thành Diệu Cao đài, gọi đó là ‘đài phơi kinh’. Đài cao hơn mười trượng, nằm ở phía sau nơi thờ Phật, trên đài có Phật các.

Hôm ấy trong Lăng già thất, Hàm Sơn đại sư đã nhập tĩnh thâm sâu, tiến nhập vào cảnh giới Không, trong đầu ông xuất hiện những cảnh tượng từ tiền kiếp. Ông thấy thi sĩ Tô Đông Pha sống cách mình hơn 400 năm lúc ấy đang ở tuổi lão niên, tay cầm Lăng Già Kinh, thay Trương Phương Bình hoàn thành đại nguyện.

Trương Phương Bình là đại thần thời Bắc Tống, hiệu là Nhạc Toàn cư sĩ, thụy Văn Định. Trương Phương Bình nhớ lại rằng trong tiền kiếp ông đã từng sao chép một nửa cuốn “Lăng Già Kinh”, đến kiếp này cần phải tiếp tục thực hiện chí nguyện còn dang dở ấy. Sau khi sao chép, ông lại phó thác cho người bạn thân là Tô Đông Pha, xin Đông Pha hãy khắc lại cuốn kinh thư để lưu truyền cho hậu thế.

Lúc ấy Hàm Sơn cảm thấy mỗi lỗ chân lông trên cơ thể đều thư thái, toàn thân tràn đầy sức sống, như thể mùa xuân trăm hoa cùng sinh trưởng tốt tươi. Sau này từ Phật Pháp mà ông có được ấn chứng, thì ra đây là những cảm giác lưu lại từ tiền kiếp mà thành.

Khi đã nhìn thấu quá khứ, Hàm Sơn cảm thấy như đang đi giữa mây trời, nhẹ nhàng hải khoát thiên không, phiêu diêu trong một khoảng không mênh mông sáng sủa, thấy trước mắt như có một chiếc gương lớn hình tròn treo giữa hai lông mày. Đó là một ngày mùa thu năm Mậu Tuất, Hàm Sơn đại sư và Kính Tâm thượng nhân đến thăm Đông Pha Đường, đọc những bài thơ của Tô Đông Pha, ông đột nhiên tiến nhập vào cảnh giới vượt thời không, phiêu du trong những chuyến du hành của tiền kiếp.

Kiếp trước kiếp này, đi tìm ý nghĩa của sinh mệnh

Ta là ai? Ai là ta? Hàm Sơn đại sư, Đông Pha cư sĩ, Ngũ Giới thiền sư… trong luân hồi đằng đẵng ông đã ngộ ra rằng:

“Thiên địa nhất huyễn cụ,
Vạn Pháp nhất huyễn tùng
Xuất một nhất huyễn tích
Tử sinh nhất huyễn trường
Giang sơn nhất huyễn cảnh
Lân giáp vũ mao nhất huyễn vật
Thánh phàm nhất huyễn chúng
Nhĩ ngã nhất huyễn ngộ nhĩ”

Tạm dịch:

Trời đất đều huyễn ảo
Vạn Pháp một mớ ảo
Ẩn hiện một tích ảo
Sống chết một trường ảo
Núi sông một cảnh ảo
Chim thú cá cua một vật ảo
Thánh phàm một đám ảo
Anh – tôi tương ngộ ảo

Không chỉ hiện thực này như mộng như huyễn, mà sinh mệnh trong luân hồi miên man vô tận, đến và đi đều là lướt qua nhau, tôi và bạn gặp nhau trong chớp mắt cuộc đời. Trời đất, vạn Pháp, quốc gia, vạn vật… đều không phải là vĩnh hằng. Ngay cả cuộc đời này cũng là tao ngộ trong giây phút mà thôi. Từ không gian cao tầng, sinh mệnh con người chẳng qua chỉ là một khoảnh khắc sống, một khoảnh khắc chết! Vậy thì Thượng Thiên cấp cho con người sinh mệnh sống chết là vì mục đích gì?

to dong pha kich lap do doi nha thanh minh chan tuong min
“Đông Pha kịch lạp đồ”, tranh vẽ thời nhà Thanh (Ảnh: Public Domain)

Mẹ của Tô Đông Pha là bà Trình Thị, khi đang mang thai từng có một giấc mộng kỳ lạ. Bà mơ thấy một vị tăng nhân thông minh tuấn tú đến trước mặt xin được tá túc. Sau này lớn lên, Tô Đông Pha cũng thường mộng thấy bản thân ông là một tăng nhân, thường vãng lai đến vùng Thiểm Hữu (nay là Thiểm Tây, Trung Quốc). Điều trùng hợp là Ngũ Giới thiền sư tu hành tại chùa Ngũ Tổ Sơn ở Thiểm Hữu, những năm cuối đời ông từng đến Quân Châu, và Tô Đông Pha sinh ra sau khi ông viên tịch.

Năm 49 tuổi trong tết Đoan Ngọ, Đông Pha đến Quân Châu để tìm em trai ông là Tô Triệt. Trước đó, Tô Triệt và Vân Am thiền sư cùng với Thông Thiền hòa thượng đều mộng thấy họ cùng nhau đi nghênh tiếp Ngũ Giới thiền sư. Quả nhiên vào ngày tết Đoan Ngọ, cả ba người cùng ra cửa thành nghênh đón Đông Pha.

Tô Đông Pha tự bạch: “Định tự Hương Sơn lão cư sĩ, Thế duyên chung thiển Đạo căn thâm” (Định mệnh như vị cư sĩ già ở Hương Sơn, Duyên thế tục chấm dứt, Đạo căn thâm sâu). Ông cho rằng Đạo căn của bản thân cũng giống như Bạch Cư Dị, cội nguồn sinh mệnh là bén rễ trên mảnh đất tu hành. 

Tô Đông Pha từng đề thơ lên tường chùa Bảo Đà: “Tiền thế Đức Vân kim ngã thị” (Kiếp trước là Đức Vân, nay là ta). Đức Vân là ai? “Hoa Nghiêm Kinh – Nhập Pháp Giới Phẩm” thuyết rằng: “Thiện Tài đồng tử vấn Pháp Đức Vân tỳ kheo” (Thiện Tài đồng tử hỏi tỳ kheo Đức Vân về Pháp). Tỳ kheo Đức Vân là vị tăng nhân tu hành trên đỉnh núi Diệu Phong, đã điểm ngộ cho Thiện Tài đồng tử về tu hành. Bài thơ “Kim Sơn Diệu Cao đài” của Tô Đông Pha cũng nói: “Hà tu tầm Đức Vân, tức thử tỳ kheo thị”, giải ra thấy rằng, Đức Vân mà Tô Đông Pha nhắc đến rất có thể là ký ức mờ nhạt của ông về một đời trong tiền kiếp, ông đã từng là một vị cao tăng đại đức.

Từ Ngũ Giới thiền sư đến Tô Đông Pha và sau này là Hàm Sơn đại sư, dòng chảy luân hồi trải dài suốt mấy trăm năm! Trong ký ức mơ hồ từ rất lâu về trước, ông biết mình từng là Đức Vân hòa thượng, nguyên thần qua bao kiếp bao đời vẫn luôn đi tìm con đường phản bổn quy chân, cầu Pháp, cầu Đạo. Những điều đã trải qua, những người ông đã gặp, những duyên phận đã kết, như gia đình, cha mẹ, anh em, bạn bè, vợ con… hết thảy đều đổi thay, duy chỉ có tâm kiên định cầu Đạo là bất biến, lập chí đắc Đạo trở về nơi nguyên lai của sinh mệnh – thế giới Thiên quốc – mới là mục đích cuối cùng khi đến thế gian này.

Hàm Sơn đại sư có một bài kệ: 

“Tĩnh cực quang thông đạt
Tịch chiếu hàm hư không
Dục lai quán thế gian
Do như mộng trung sự”.

Tạm dịch:

Tĩnh cực huệ quang thông
Sáng soi khắp hư không
Muốn xem thế gian sự
Đều như mộng 

Hết thảy mọi thứ trong cuộc đời đều phảng phất như mộng, nhưng nằm mộng không phải mục đích của sinh mệnh, mà là đến nơi thế gian để có được sở ngộ, nhìn thấu cái vô thường trong mộng huyễn, tìm đến chân cảnh thiện cảnh thường hằng, đó mới là quê hương ban đầu của mỗi chúng ta. 

Trong luân hồi đời đời nối tiếp, sinh mệnh đã nhiều lần rơi rớt xuống, sự thuần chân ban sơ cũng đã bị che mờ. Nhưng Phật Pháp vẫn đang thức tỉnh thế nhân, cho chúng sinh nhìn thấu đời người là mộng ảo, danh lợi là phù du, chìm nổi nơi nhân thế nhưng đừng quên thệ nguyện ban sơ, đừng bỏ lỡ cơ duyên đắc Đạo trở về.

Luân hồi chuyển thế, tiếp nối Pháp duyên tiền kiếp

Hàm Sơn đại sư tu luyện đến cảnh giới cao thâm, đã lưu lại kỳ tích về nhục thân tọa hóa. Lúc viên tịch ông ngồi ngay ngắn ba ngày, sắc mặt vẫn trắng trẻo hồng hào, tay chân vẫn mềm mại như thể đang trong trạng thái thiền định, rất nhiều năm sau vẫn bảo trì được thân thể kim cang bất hoại. 300 sau, có một vị tăng nhân đến đến trước tọa tượng của Hàm Sơn đại sư và nhận ra tiền kiếp của mình.

Đó là vào thời Dân Quốc, năm 1934, một vị cao tăng đại đức trong lúc tu sửa “Tào Khê Tổ Đình” Nam Hoa tự, ông đã đứng trước tượng nhục thân của Hàm Sơn đại sư mà thắp nén nhang, đồng thời lưu lại một bài kệ:

Kim đức thanh, cổ đức thanh
Kim cổ tương phùng hoán liễu hình
Phật Pháp hưng suy thính thì tiết,
Nhập lâm nhập thảo bất tằng đình”

Tạm dịch:

Nay Đức Thanh, xưa Đức Thanh
Xưa – nay gặp gỡ đổi hình dong
Phật Pháp hưng suy theo thời tiết
Vào núi vào rừng chẳng nghỉ ngừng.

Vị cao tăng ấy có Pháp hiệu giống với Pháp hiệu của Hàm Sơn đại sư, đều là Đức Thanh, đó là ý tứ của ông khi viết “nay Đức Thanh, xưa Đức Thanh”. Vị tăng nhân ấy là cao tăng thời cuối Thanh, đầu Dân quốc – hòa thượng Hư Vân.

Trong luân hồi, đến đến đi đi thay đổi dạng hình, nhưng nguyên thần bất biến vẫn gìn giữ một ý niệm chân thành và kiên định, ấy là đắc Đạo tu hành.

Câu chuyện luân hồi của Tô Đông Pha khiến chúng ta nhận ra tu hành trở về Phật quốc mới là mục đích khi làm người. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng về loài hoa thần kỳ của Thiên giới, 3000 năm mới nở một lần – Ưu Đàm Bà La hoa. Ngày hôm nay hoa Ưu Đàm đã khai nở tại nhân gian, khải ngộ cho thế nhân rằng Chuyển Luân Thánh Vương với Pháp lực vô biên đã truyền Pháp cứu độ chúng sinh.

“Tây Du Ký” thuyết: “Thân người khó được, Trung Thổ khó sinh, Chính Pháp khó gặp. Được ba điều ấy, may mắn lắm thay”. Giờ đây chính là cơ duyên vạn cổ mà các thế hệ người tu hành đời đời đợi chờ. Bạn thân mến, bạn có tin như vậy không?

Minh Tâm
Theo Doãn Gia Huy – Epoch Times

Nguồn: NTD Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

“Hàm Sơn lão nhân mộng du tập”
“Hàm Sơn lão nhân niên phả tự tự thực lục”
“Tống Sử – Liệt truyện đệ cửu thập thất – Tô Thức”
“Tô Đông Pha toàn tập”
“Đại Tạng Kinh – cư sĩ truyện”
“Đại Tạng Kinh – Nhân thiên bảo giám”


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

4 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x