Trong cõi nhân sinh đằng đẵng, một trong những điều khiến con người hao tâm tổn lực nhất chính là: Làm thế nào để được hưởng phúc? Những triết gia, thi sĩ, văn nhân… nhắc đến hai chữ “hạnh phúc”, hẳn cũng phải bóp trán, chau mày mà chẳng tìm được câu trả lời toàn vẹn. Vậy đâu mới thực sự là cẩm nang hạnh phúc, là bí quyết an vui của đời người?
Muốn hiểu “hạnh phúc”, có lẽ cần nói đến “khổ đau” trước. Đời người, từ khi sinh ra cho đến lúc xuôi tay nhắm mắt, quả là không nằm ngoài hai chữ: truy cầu. Cầu danh, cầu lợi, cầu quyền, cầu tình…, thậm chí có người lòng tham không đáy, đêm ngày tính kế chiếm đoạt tiện ích của người khác. Đơn giản là họ không biết đủ, không biết điểm dừng, không biết làm thế nào để vui với những gì đang có. Thực là:
“Đua chen danh lợi dập dồn
Thức khuya dậy sớm chẳng còn tự do
Mong tuấn mã khi cưỡi lừa.
Làm quan tể tướng, lại mơ vương hầu.
Mệt nhoài cơm áo tranh nhau
Chẳng lo quỷ sứ bắt chầu Diêm vương
Mải mê vun đắp cháu con
Nào ai tỉnh giấc tìm đường hồi tâm?”
(Thơ trong “Tây Du Ký” – bản dịch Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh)
Chương thứ 33 trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường. Tri túc giả phú, cường hành giả hữu chí”. Tạm dịch là: “Biết người là khôn. Biết mình là sáng. Thắng người là kẻ có sức; tự thắng là kẻ mạnh. Biết đủ là giàu; cố gắng là người có chí”. Tư tưởng Lão – Trang luôn đề cao sự “tri túc” ấy. Biết thế nào là đủ, biết thế nào nên dừng, biết tiến biết thoái, ấy là lẽ xuất xử của cổ nhân vậy.
Đời người vốn không thiếu vắng hạnh phúc, điều ta thiếu chính là cặp mắt nhận ra hạnh phúc, là cái tâm biết đủ vô dục vô cầu.
Trong cuộc sống, hạnh phúc và lo buồn thường sẽ cùng lúc mở toang cánh cửa trước mặt mỗi người, ai bước vào cửa nào thì chính là chọn lấy cách sống ấy. Bất hạnh thường bắt nguồn từ bản thân mình, phiền não thường khởi đầu từ so sánh, đố kỵ, khổ đau thường bởi tâm ta không biết đủ. Cuộc sống nguyên vốn không có đau khổ, bởi có dục vọng nên mới bị đau khổ quấn chặt lấy thân tâm.
“Người biết đủ ắt tự an vui”, đây là câu cửa miệng được dùng để khuyên người khuyên mình hàng nghìn năm nay. Kiệt tác của cuộc đời càng nhâm nhi thì càng thấy có hương vị, càng nhâm nhi thì càng thấy được ý vị bên trong. “Biết đủ” là sự tu dưỡng, “an vui” là một loại cảm xúc thư thái, an nhiên.
Muốn biết đủ, trước tiên cần phải chiến thắng bản thân mình, cần bỏ đi những cố chấp, buông xuống những oán giận, thay vào đó hãy tăng thêm hoạt bát hồn nhiên, cộng thêm tình cảm chân thành. Có như vậy, mới khiến cuộc đời ngập tràn ánh mặt trời.
Biết đủ rồi, sẽ không so đo.
Biết đủ rồi, sẽ không đố kỵ.
Biết đủ rồi, sẽ không toan tính.
Biết đủ rồi, sẽ không thấy buồn.
Biết đủ rồi, chẳng còn phiền não.
Muốn khiến sự tình trở nên phức tạp thì rất dễ, khiến sự tình trở thành giản đơn thì mới khó. Phát huy tốt sở trường của bản thân, có thể khiến cuộc đời của bạn tăng thêm giá trị. Phát huy sở đoản của mình thì chỉ có thể khiến bạn đời bạn mất giá.
Lòng càng đơn giản, mọi chuyện cũng theo đó mà trở nên đơn giản. Mọi chuyện đơn giản rồi, cuộc sống cũng sẽ đơn giản theo. Cuộc đời giảm bớt tham lam, thêm phần biết đủ. Giảm thiểu dục vọng, thêm phần thanh bạch, hạnh phúc nhất định sẽ luôn ở bên bạn!
***
Nhân sinh như mộng, người sống trên đời, thân mình còn khó giữ, chẳng tránh khỏi sinh lão bệnh tử. Một ngày kia, tóc điểm màu sương, người thay cảnh đổi, chẳng được lâu bền. Thế thì những thứ hư vinh ảo vọng, địa vị, quyền thế, ngọc ngà báu châu… cũng chẳng thể trường tồn. Biết đủ thì mới an yên lẽ là như vậy. Lòng người giản đơn thì tâm tham sẽ ít, tâm tham ít rồi sẽ dễ dàng biết đủ. Biết đủ rồi thì dễ dàng có được hạnh phúc.
Người xưa ít dục vọng, cho nên nghiệp lực cũng ít. Người nay quá nhiều thứ vọng tưởng, u mê, dục niệm nhiều vô kể, nghiệp lực cũng thế mà cứ chất chồng. Người có tâm tham thì mãi không biết bao giờ là đủ, không biết đủ thì tâm chẳng thể tĩnh. Tâm không tĩnh thì phiền não, khổ đau chẳng biết bao giờ mới hết.
Nhớ khi xưa, Đức Phật xuất thân là Thái tử, có đủ của ngon vật lạ trên đời, cung vàng điện ngọc. Thế mà Ngài vẫn tình nguyện từ bỏ tất cả, xuất gia tu hành, tam y nhất bát, miệng không nếm đến của ngon vật lạ, mắt không nhìn đến vàng bạc, mĩ nhân, nhất tâm tu luyện. Câu chuyện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại một thiên điển tích soi sáng nghìn năm cho người tu luyện: biết buông bỏ những thứ vật chất tầm thường để có được Đại Đạo, Đại Pháp.
Tô Đông Pha (1037-1101), một thân tài hoa, đứng đầu Bát đại gia Đường – Tống xứng đáng là một bậc thầy về lẽ xuất xử trong đời. Cuộc đời làm quan của ông nếm đủ phong ba bão táp, cay đắng ngọt bùi, thậm chí suýt mất mạng vì âm mưu hiểm độc chốn quan trường. Nhưng chẳng vì thế mà Tô Đông Pha hận đời, hận người. Thái độ của ông vẫn rất hào sảng lạc quan, vẫn ung dung tự tại, đọc sách làm thơ, vui thú điền viên. Bởi vậy nên đọc thơ của ông, người ta thấy đủ mùi vị ưu nhã, tình cảm, hào sảng, tình tứ… Trong khó khăn, nghịch cảnh, ông vẫn giữ cho mình một trái tim cao cả, khoáng đạt. Ví như bài từ “Định phong ba” rất nổi tiếng của họ Tô:
“Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh
Hà phương ngâm khiếu thả từ hành
Trúc trượng mang hài khinh thắng mã
Thuỳ phạ!
Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh
Liệu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh
Vi lãnh
Sơn đầu tà chiếu khước tương nghinh
Hồi đầu hướng lai tiêu sắt xứ
Quy khứ
Dã vô phong vũ dã vô tình”
Dịch thơ:
“Rừng động đừng nghe chuyển lá cành
Ngâm nga chậm bước chẳng đi nhanh
Gậy trúc giầy rơm say chếnh choáng
Nào ngán
Áo tơi mưa khói mặc bình sinh
Vi vút gió xuân say chợt tỉnh
Hơi lạnh
Đầu non bóng ngả cũng tương nghinh
Ngoảnh lại những nơi tiêu sắt trước
Rời bước
Cũng không mưa gió cũng không hanh”
(Nguồn: Nguyễn Chí Viễn, Tuyển tập từ Trung Hoa – Nhật Bản, NXB Văn hoá – Thông tin, 1996)
Câu chuyện “Ô đài thi án” (Vụ án thơ Ô Đài) xảy ra vào năm Nguyên Phong thứ 2 thời Hoàng đế Tống Thần Tông (năm 1079). Tô Thức bị mưu hại và bị giam vào ngục Ngự sử đài. Sau 130 ngày chịu đày đọa trong tù ngục, ông bị giáng chức và phái đến Hoàng Châu, vùng đất được mệnh danh là chim không thể đẻ trứng. Khi bị áp giải đến Thái Hồ, ông đã từng nghĩ tới việc nhảy cầu tự sát. Tất nhiên ý định bất thành, bởi vậy mà ngày nay người ta mới có thể đọc được những bài thơ kiệt xuất như “Định phong ba”.
Ở Hoàng Châu, Tô Thức sống đời rất thanh đạm, đọc sách, ngâm thơ, vẽ tranh, viết thư pháp… Ông được một người bạn xin chính quyền địa phương cấp cho chục mẫu đất ở một trang trại tên là Đông Pha (nghĩa là: dốc ở phía Đông). Từ đó người đời gọi ông là Tô Đông Pha. Ông cất nhà, trồng rau, đào giếng, cày ruộng, vui cảnh điền viên. Và thế là, ông lại nảy sinh tình yêu với miền đất hẻo lánh này và dùng gần trọn thời gian để sáng tác thi ca, thư họa.
Có một hôm, ông cùng các nông phu đi mua hạt giống, đúng lúc đi đến con đường cát bên hồ thì trời đổ mưa. Thi sĩ họ Tô chẳng thèm tránh mưa, mà còn thong thả, ngâm nga, ngẫu hứng làm ra bài từ “Định phong ba” ấy. Đối mặt với thăng trầm trong cuộc sống, Tô Đông Pha vẫn duy trì một thái độ lạc quan, cởi mở. Sự bao dung và thoải mái này người khác rất khó làm được.
Chuyện vinh nhục được mất, cần gì phải nhớ kỹ, không nên canh cánh trong lòng. Không bằng “Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh” (Áo tơi mưa gió mặc bình sinh). Từ trong lời thơ, người đời sau có thể thấy được cảnh giới của ông đã có một bước chuyển ngoặt, vượt qua khổ nạn, tiến về cảnh giới nhân sinh càng rộng mở và khoáng đạt hơn. “Gặp sao yên vậy”, thái độ thích ứng trong mọi tình cảnh và rộng rãi xử thế của cổ nhân chính là tấm gương lớn để hậu nhân soi vào.
Một trong những cảnh giới cao nhất của kiếp nhân sinh là biết mỉm cười trong nghịch cảnh. Trong nghịch cảnh mà vẫn có thể giữ được phong thái tâm bình khí hòa, không kiêu ngạo không tự ti, thì quả thực bạn đã đạt đến một cao độ nhất định trong kiếp nhân sinh rồi.
Nếu có thể nghĩ thấu đáo, ta sẽ hiểu rằng, mọi thứ bên ngoài đều là phản chiếu từ nội tâm ta. Và nguồn sức mạnh để ta vượt qua nghịch cảnh chính là thiện tâm nghĩ cho người khác. Bởi vậy, nếu có thể luôn luôn bảo trì được tâm thái lạc quan, tường hòa, gặp phải sóng to gió lớn cũng không để ý thiệt hơn, ung dung đối đãi, thì nghịch cảnh cũng tự nhiên như làn gió mát thổi qua mà thôi.
“Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”, khởi nguồn của vạn sự và kết thúc của vạn sự thảy đều ra cái tâm này mà ra cả. Có một loại cảnh giới, gọi là “xả đắc”, có xả, có buông đi thì mới có thành quả thu về. Người biết “buông bỏ”, biết đủ thì sẽ càng dễ cảm thấy vui vẻ và hài lòng hơn so với người khác.
Lê Minh
Nguồn: NTD Việt Nam
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Huyền mộc ký (3-12)
- Sinh ra dưới cuộc bức hại của ĐCSTQ, những người sống sót nhớ lại nỗi đau, kêu gọi hành động tại buổi thắp nến tưởng niệm ở Hoa Thịnh Đốn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!