‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 7 – Nuôi ngựa ở Thạch Ốc (Phần 3)

‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 7 – Nuôi ngựa ở Thạch Ốc (Phần 1)
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong tiết mục “Tiếu đàm phong vân”. (Ảnh: Tân Đường Nhân)

Kỳ trước: ‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 7 – Nuôi ngựa ở Thạch Ốc (Phần 2)

Câu Tiễn chất cành cây làm giường, nằm gai nếm mật 

Lời bạch: Văn Chủng dùng ba tấc lưỡi, vừa uy hiếp vừa lấy lợi ích dụ dỗ, đã giành được ủng hộ của Bá Bỉ, Bá Bỉ lại lấy lý lẽ ngang ngược càn quấy thuyết phục Phù Sai đồng ý cầu hòa của nước Việt. Lần tranh luận này giữa Bá Bỉ và Ngũ Tử Tư đã tạo thành vết rạn nứt trong mối quan hệ giữa Ngô Vương Phù Sai và Ngũ Tử Tư. Điều này trở thành khởi đầu cho sự nghi kỵ của Ngô Vương đối với Tử Tư, cũng là chôn xuống mầm tai họa diệt vong của nước Ngô. Mặc dù Ngô Vương đã đồng ý cầu hòa của Việt Vương, nhưng Việt Vương nhất định phải mang theo thê tử đến nước Ngô bắt đầu kiếp sống nô lệ đầy khuất nhục. Vậy Câu Tiễn làm thế nào vượt qua được những năm tháng gian nan này, để cuối cùng trở về nước Việt đây?

Câu Tiễn đã không còn sự lựa chọn nào, ông trở về nước Việt thu thập của cải, sau đó đến nước Ngô làm nô lệ. Rốt cuộc Câu Tiễn có đến nước Ngô làm nô lệ hay không, chuyện này trong “Sử ký” nói rất mơ hồ, trong cuốn “Quốc ngữ” có nói đến rõ ràng hơn một chút. Cuốn “Quốc ngữ” do Tả Khâu Minh viết, ghi lại rằng “Câu Tiễn lệnh cho quan đại phu Chủng trông coi đất nước, cùng với Phạm Lãi đi đến nước Ngô làm người hầu, để cho người Ngô sai khiến ba năm”.

Phù Sai cởi bỏ vương phục của Câu Tiễn, đem ba người phu thê Câu Tiễn và Phạm Lãi vào một gian thạch ốc (căn nhà đá). Gian thạch ốc nằm ngay trước mộ phần của Hạp Lư, chẳng khác nào để Câu Tiễn trông coi mộ phần cho Hạp Lư, đồng thời còn sai Câu Tiễn nuôi ngựa cho Phù Sai. Mỗi lần Ngô Vương xuất hành, Câu Tiễn cầm roi ngựa đứng trước xe ngựa của Phù Sai. Dân chúng nước Ngô sẽ chỉ chỉ trỏ trỏ nói, ngươi xem cái người cầm roi ngựa kia chính là Việt Vương Câu Tiễn. Câu Tiễn liền cúi đầu, không nói câu nào. Ngô Vương cũng không biết đến cùng có phải Việt Vương vẫn còn ôm quyết tâm báo thù rửa nhục hay không, nên thường xuyên phái người theo dõi Việt Vương.

Mỗi sáng sớm, Việt Vương chải kiểu tóc của tiều phu, ngồi ở trong sân bắt đầu cắt cỏ cho ngựa, thê của ông xách nước quét nhà rửa sân, dọn sạch phân ngựa. Phạm Lãi sáng sớm mỗi ngày đi ra bên ngoài đốn củi, trở về nấu cơm cho ba người, hình dáng tiều tụy. Mỗi ngày ba người làm việc từ sáng sớm đến chiều tối, cứ làm như thế không nói lời nào với nhau, hơn nữa đêm về cũng không nghe thấy tiếng than thở nào.

Ngô Vương Phù Sai cho rằng ý chí của Việt Vương Câu Tiễn đã bị làm cho hao mòn không còn mong muốn báo thù, vì vậy không thèm để ý đến nữa.

Năm đó Câu Tiễn bao nhiêu tuổi? Năm đó Câu Tiễn mới 21 tuổi. Kỳ thực nếu chúng ta đọc giai đoạn lịch sử thời Ngô-Việt này, sẽ phát hiện Câu Tiễn không hề làm chuyện gì có lỗi với nước Ngô. Tiên vương Hạp Lư thiệt mạng, nhưng đó chẳng phải là do Hạp Lư đem quân khiêu chiến nước Việt trước sao? Nhân lúc nước Việt có tang sự mà tấn công, nước Việt đánh lại chỉ là phòng vệ, là thuộc về phòng vệ chính đáng; hơn nữa trong khi chiến tranh thì đao thương không có mắt, cũng không phải chính Việt Vương Câu Tiễn giết chết Hạp Lư, mà do thủ hạ của ông là đại tướng Linh Cô Phù giết, cho nên từ góc độ này mà nói, Việt Vương Câu Tiễn cũng không làm việc gì có lỗi.

Ở dưới tình huống này, nếu như ngươi còn muốn đến nước Ngô làm nô lệ, làm những công việc hạ tiện như vậy, bị người khác sỉ nhục, người bình thường trong lòng sẽ rất tức giận, trừ khi người đó không tim không phổi, giống như Lưu Thiện vui quên nước Thục vậy. Nhưng Lưu Thiện là “vui quên nước Thục”, ông ta rất vui vẻ, nếu như để cho Lưu Thiện đi chăm ngựa, quý vị thử xem ông ta có còn nghĩ đến nước Thục không. Còn Câu Tiễn trong tình huống như thế, vậy mà không biểu hiện ra tâm thái oán hận chút nào, đến đêm khuya nằm ngủ cũng không nghe ông ta thở dài. Cho nên có thể thấy người này bụng dạ cực sâu.

Việt Vương ở thạch ốc nước Ngô nuôi ngựa ba năm, cuối cùng làm thế nào mà ông được trở về cố quốc? Trong các tài liệu chính sử không có ghi lại, nói rất mơ hồ. Nhưng trong “Đông Chu liệt quốc chí” và “Ngô Việt Xuân Thu” lại có ghi chép. Chúng ta rất khó khảo chứng tính thật giả của nó. Nhưng Việt Vương Câu Tiễn đã làm một việc cực kỳ ghê tởm, cũng cực kỳ hạ tiện, lập tức đã làm cho Ngô Vương Phù Sai cảm động. Phù Sai có chút mềm lòng, ông ta bèn quyết định đặc xá cho Việt Vương Câu Tiễn về nước, quãng thời gian từ lúc bị bắt đến nước Ngô cho đến lúc đó là ba năm.

Lời bạch: Sau khi mất nước, Câu Tiễn mang theo thê tử và quan đại phu Phạm Lãi đến nước Ngô làm nô lệ. Ông ta kiệt lực che giấu hận thù của mình, làm ra vẻ một bộ dáng cúi đầu nhẫn nhục. Nhưng Ngũ Tử Tư nhìn thấu rõ Câu Tiễn. Ông nói với Phù Sai rằng: “Có câu rằng ‘Hổ khom người, tất sẽ tấn công. Ly co thân, tất sẽ vồ mồi’. Câu Tiễn bên trong mang lòng dạ hổ lang, bên ngoài làm bộ ôn hòa cung kính. Ông ta đã hạ mình nếm phân của Đại Vương, thực ra là muốn ăn tim Đại Vương.” Người này một khi được thả trở về, an nguy của nước Ngô khác nào đem quả trứng gà đặt dưới tảng đá nghìn cân, còn có thể hy vọng quả trứng gà ấy được an toàn sao? Nhưng cuối cùng Ngô Vương Phù Sai vẫn là thả Câu Tiễn. Đó là vào năm 491 TCN.

Năm 491 TCN, Câu Tiễn trở về nước Việt, trong tâm ông luôn nhớ đến nỗi nhục ở Cối Kê nên ông đã xây dựng một tòa thành lớn ở đó [Cối Kê]. Người chủ trì việc xây dựng lúc đó chính là Phạm Lãi. Câu Tiễn dời quốc đô của nước Việt từ Gia Ký (hiện nay là vùng phụ cận Kim Hoa và Hàng Châu tỉnh Chiết Giang) đến Thiệu Hưng, chính là Cối Kê.

Bởi vì năm đó giao tranh đã có rất nhiều binh sĩ thanh niên trẻ khỏe tử vong, cho nên Câu Tiễn bèn thi hành sách lược nghỉ ngơi dưỡng sức. Tỷ như quy định không cho phép kết hôn nếu như tuổi tác giữa người nam và người nữ có chênh lệch quá lớn, chính là vì để họ nhanh chóng sinh nhiều con hơn, có thể làm cho nước Việt có nhiều hơn binh sĩ có khả năng chiến đấu. 

Đồng thời, khi mùa nông vụ đến, Câu Tiễn tự mình mang theo nông cụ cùng trồng trọt với người dân của mình; vợ của ông tự mình dệt vải để làm y phục cho chính mình. Câu Tiễn khi ăn cơm không ăn hai món, không mặc y phục có hai màu trở lên.

Vì để không quên nỗi nhục ở Cối Kê, Câu Tiễn không đặt giường nơi ông ở thường ngày, ông chỉ “chất cành cây nhỏ mà nằm”. Ở trên đầu treo một túi mật đắng, mỗi ngày dùng đầu lưỡi mà nếm, để nhắc nhở mình không được quên nỗi nhục ở thạch ốc chăm ngựa năm ấy. Câu thành ngữ trứ danh “nếm mật nằm gai” được lưu truyền đã phát xuất từ câu chuyện này.

Trong bảy năm Câu Tiễn không tăng thuế của người dân, tháng nào cũng phái sứ thần đến nước Ngô thăm hỏi ân cần Ngô Vương, cống tặng cho Ngô Vương rất nhiều tài bạc, và rất nhiều thứ tốt. Vì sao vậy? Câu Tiễn là vì tránh cho Ngô Vương hoài nghi ông ta.

Đại thần Văn Chủng bèn hiến “Bảy kế sách diệt Ngô” với Câu Tiễn. Bảy kế sách này gồm: “Quyên hiến tiền tài, làm cho quân thần họ vui vẻ; thu mua lúa gạo của họ với giá cao, làm cho họ suy yếu dần dần. Dâng mỹ nữ, để mê hoặc tâm chí họ; tặng thợ thủ công giỏi và gỗ tốt, để họ xây dựng cung điện, làm khánh kiệt tiền tài của họ. Mua chuộc nịnh thần, làm rối loạn mưu tính của họ; ép bề tôi khuyên ngăn của họ tự sát, nhằm làm suy yếu sự trợ giúp. Tích lũy tiền của, huấn luyện binh sĩ, tiếp tục chờ thời cơ”.

Đại ý chính là nói, đầu tiên phải làm cho nước Ngô xây dựng nhà cửa. Chúng ta biết, trong “Lễ Ký-Đại học” có một câu, “Giàu có trang hoàng nhà cửa, có đức thì tốt cho bản thân, thân tâm thư thái”. Cũng giống như người hiện đại, có tiền thì trang hoàng, xây dựng nhà lớn. Mà vào lúc này, thực lực của nước Ngô giàu mạnh, nên Việt Vương chỉ hy vọng Ngô Vương có thể xây dựng một cung điện thật đường hoàng. Việt Vương bèn tìm kiếm những cây gỗ lớn ở trong núi, xem cây nào cao lớn nhất, loại gỗ nào tốt nhất, cuối cùng tìm được một cây gỗ lớn, cao khoảng 400 thước (80m), sau khi chặt xuống thì cho thợ thủ công khéo léo dùng màu vẽ lên trên đó rất nhiều hình vẽ khác nhau vô cùng đẹp đẽ. Bởi vì cây gỗ quá lớn, không thể nào vận chuyển bằng đường bộ được, phải dùng đường thủy để vận chuyển, đưa đến đô thành nước Ngô.

Phù Sai thấy cây gỗ lớn đã rất kỳ kinh ngạc. Một cây gỗ to như thế, có thể xây dựng được một cung điện rất cao rồi. Phù Sai vốn muốn xây một tòa cung điện, sau khi khúc gỗ này được đưa đến, ông ta lập tức tăng quy mô công trình trước đó lên rất nhiều lần, kết quả khiến cho rất nhiều bách tính nước Ngô vất vả cực nhọc, cũng khiến cho nước Ngô tiêu tốn rất nhiều tiền của.

Trong khi Phù Sai xây dựng cung điện, Văn Chủng nói với Câu Tiễn, cung điện một khi xây dựng xong, Ngô Vương nhất định muốn có mỹ nữ tuyệt sắc, ở trong cung điện nhảy múa ca hát cho ông ta xem, cho nên nhân lúc hiện giờ cung điện chưa xây xong, nhanh chóng tìm kiếm tuyển chọn mỹ nữ. Kết quả Câu Tiễn đã tìm được hai vị mỹ nữ ở trong nước của mình, một người tên là Tây Thi, một người nữa tên là Trịnh Đán. Sau khi tìm được rồi, Câu Tiễn không lập tức mang tặng cho Phù Sai, mà ông cho tìm các thầy chuyên dạy lễ tiết, chuyên dạy ca múa, dạy các nàng lễ tiết ứng đối, dạy ca vũ, bồi dưỡng kỹ năng cho họ. Đợi đến ba năm sau, khi tất cả tài nghệ của họ đều đã thành thục, cung điện phía nước Ngô cũng đã xây xong. Câu Tiễn liền đem hai nàng mỹ nữ này, đưa đến trước mặt Phù Sai.

Phù Sai nhìn thấy hai mỹ nữ, cảm thấy như là thần tiên giáng hạ, hồn phách đều tiêu tán. Lúc ấy Ngũ Tử Tư nói, Hạ Kiệt là vì Muội Hỉ mà chết, Thương Trụ là vì Đát Kỷ mà diệt vong, Tây Chu là vì Bao Tự mà diệt. Ý của Ngũ Tử Tư chính là mỹ nữ họa quốc, không thể lưu hai mỹ nhân này. Nhưng Phù Sai không những không nghe, mà ông ta đối với Ngũ Tử Tư càng ngày càng chán ghét. Phù Sai cảm thấy Ngũ Tử Tư thường xuyên nói mấy lời phản đối mình, ngay khi xây dựng cung điện, Ngũ Tử Tư cũng ngăn cản mình.

Lúc này Phù Sai đã xây xong cung điện, vui vẻ nhận Tây Thi, tiêu xài rất nhiều tiền bạc. Trong sử sách, chúng ta không thấy được cụ thể Tây Thi đã làm những gì, đoán chừng là Phù Sai đặc biệt thích nàng ta, mỗi ngày đều quyến luyến cùng nàng đàn hát, bỏ bê công việc quản lý đất nước.

Tranh vẽ Tây Thi. (Ảnh: Phạm vi công cộng)
Tranh vẽ Tây Thi. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Văn Chủng nói với Câu Tiễn, chúng ta nên tiến hành bước tiếp theo, chính là tìm cách làm cho giá gạo của nước Ngô cao lên. Thời đó, Trung Quốc lấy nông nghiệp làm căn bản lập quốc, lúa gạo một khi đắt đỏ, bách tính sẽ trở nên nghèo đói.

Trong năm đó, mùa màng ở nước Việt không tốt lắm, Văn Chủng liền đến nước Ngô cầu xin Phù Sai đem một phần lúa gạo trong quốc khố phân phối, cứu giúp dân nghèo nước Việt. Ngũ Tử Tư lại đứng ra ngăn cản. Ông nói ngàn vạn lần không thể giúp đỡ nước Việt, vì nước Việt là kẻ địch, một khi giúp đỡ bọn họ, bọn họ giàu rồi, chúng ta nghèo đi, chúng ta không phải là đã lâm nguy rồi sao? Phù Sai nói người hiếu thuận giống như Việt Vương sao có thể làm phản? Con dân của nước Việt chính là con dân của nước Ngô, người dân nước Việt sung túc rồi, bọn họ có nhiều tiền hơn, còn có thể tiến cống cho ta. Cho nên việc cứu tế dân bị đói vẫn là phải làm. Phù Sai đã đem lượng lớn gạo lúa từ trong quốc khố cứu tế nước Việt.

Kết quả qua năm sau, nước Ngô gặp nạn đói lớn, mùa màng tại nước Việt lại thu hoạch rất tốt. Ngô Vương liền phái sứ giả đến nước Việt nói rằng, năm ngoái ta cho ngươi mượn rất nhiều lúa gạo, năm nay có thể trả lại cho ta hay không, bởi vì quốc gia ta cũng không may gặp thiên tai. Việt Vương thương lượng với thuộc hạ xem rốt cuộc có nên trả hay không. Nếu như trả lại, chẳng phải năm ngoái mượn phí công rồi sao? Nếu như không trả, nước Ngô đến đánh chúng ta thì làm sao bây giờ?

Văn Chủng nói nên trả, nhưng trước khi trả lại, chúng ta phải chọn những hạt lúa to, tròn đầy nhất, dùng nước sôi ngâm qua một lần. Những hạt lúa như vậy được đưa về nước Ngô, họ nhất định cho rằng hạt giống của nước Việt rất tốt. Họ sẽ đem những hạt lúa này làm hạt giống, mang đi trồng trọt. Bởi vì đã từng ngâm qua nước sôi, cho nên hạt giống sẽ không nảy mầm, như thế nạn đói ở nước Ngô sẽ càng tăng thêm. Mọi người thấy con người Văn Chủng có chút âm hiểm, chính là không có giới hạn đạo đức, khiến cho bách tính bình thường của nước Ngô, khiến những người không sức chiến đấu chịu đựng nạn đói như vậy. Đó là vào năm 484 TCN.

Ở thời điểm này, nước Việt bắt đầu đi tìm tuyển những cao thủ võ lâm để huấn luyện binh sĩ của mình. Lúc ấy họ tìm được hai người, một người tên là Xử Nữ, một người tên gọi là Trần Âm. Một người cao minh về kiếm thuật, một người bắn cung rất chuẩn xác, bắt đầu dạy và huấn luyện binh sĩ nước Việt về kiếm pháp và bắn cung.

Tin tức truyền đến nước Ngô. Khi Phù Sai vừa nghe nói Việt Vương bắt đầu ngày đêm huấn luyện binh sĩ, liền cảm thấy chính mình đang bị uy hiếp. Ông ta muốn nhân lúc quân đội của nước Việt còn chưa huấn luyện được tốt, đem nước Việt tiêu diệt trước, giải quyết mối họa trong lòng ông ta. Ngay khi Ngô Vương chuẩn bị xuất binh, một môn đồ của Khổng Tử đã đi đến nước Ngô, ngăn cản việc này. Vậy người này là ai? Mời quý vị xem tiếp tập “Ngô Việt tranh bá”. Xin cảm ơn!

(Còn tiếp)

Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo 
bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x