Kỳ trước: ‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 6 – Khoái ý ân cừu (Phần 1)
Thân Bao Tư tận trung nỗ lực khôi phục nước Sở
Trong phong thư có một câu nói, “Nhân chúng giả thắng thiên, thiên định diệc năng thắng nhân” (người đông có thể thắng Trời, Trời định lại có thể thắng người). Ở Trung Quốc đại lục có một câu thành ngữ “Nhân định thắng thiên”. Chúng ta nhất định phải làm sáng tỏ một khái niệm rằng, thời Trung Quốc cổ đại không có câu thành ngữ này. Câu nói gần giống nhất là do Thân Bao Tư viết, gọi là “Nhân chúng giả thắng thiên, thiên định diệc năng thắng nhân”. Ý của câu này là, nếu muôn người đều cùng một lòng, thì có khả năng thay đổi được an bài của thiên thượng, nhưng cuối cùng an bài của thiên thượng mới là trọng yếu nhất, cho nên nói “Thiên định diệc năng thắng nhân”.
Một người làm chuyện tốt hay chuyện xấu, đó đều là sự lựa chọn tự do của chính bản thân, nhưng họ phải chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình. Tôi nhớ ở đại lục có một vị giáo sư khi giảng lịch sử, đã từng bàn luận một vấn đề, chính là “Thượng đế rốt cuộc có phải là toàn thiện, toàn tri, toàn năng không?” Vị này đã đưa ra một ví dụ và nói rằng, nếu như khi Adam và Eva ăn quả táo, Thượng đế không biết, như vậy Thượng đế chính là không toàn tri; nếu như Thượng đế biết nhưng không ngăn cản, như vậy Thượng đế chính là không toàn năng, hoặc là không toàn thiện.
Kỳ thực vấn đề này rất dễ trả lời. “Thiện” của Thượng đế thể hiện ở chỗ Ngài đã nói cho con người biết không thể ăn quả đó, nhưng mỗi người đều có ý chí tự do. Bởi vì khi Thượng đế tạo ra con người, Ngài đã trao cho con người quyền tự do, dùng ngôn ngữ hiện đại thông thường của chúng ta để nói, chính là “Trời trao nhân quyền”. Nếu như nói con người quyết định điều gì, làm bất kỳ động tác nhỏ bé nào, mỗi suy mỗi nghĩ đều cần Thượng đế quyết định thay, vậy thì Thượng đế tạo ra một cỗ máy là được rồi, sao phải tạo ra một con người đây? Tạo ra một con người, nên đã cấp cho họ ý chí tự do.
Thượng đế nói cho con người không thể ăn quả táo, đây chính là “Thiện” của Ngài. Con người có thể lựa chọn ăn hay là không ăn, đây chính là lựa chọn của con người. Chỉ cần bạn ăn, thì bạn nhất định phải chịu trách nhiệm cho kết quả. Đây là lý do vì sao bạn có thể ăn quả táo, nhưng bạn phải bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Cho nên tôi thấy khi Adam và Eva lựa chọn ăn quả táo, sau đó bị đuổi khỏi vườn địa đàng, tôi liền nhớ tới một câu nói trong cuốn “Thái thượng cảm ứng thiên” của Trung Quốc, đó là “Phúc họa không cửa, chỉ là do con người tự rước lấy, thiện ác có báo ứng, như bóng theo hình”.
Đạo lý này giống như Thân Bao Tư nói, “Người đông thì thắng Trời”. Mọi người có thể ở một mức độ nào đó, tại một thời khắc nào đó, bằng lòng thành của mình, hoặc là nhất định muốn làm sự việc gì, cuối cùng cũng khiến sự việc đó thành công. Nhưng bạn đã vi phạm thiên ý, tương lai “Trời định lại có thể thắng người”, đây chính là báo ứng tương ứng mà bạn nhất định phải gánh lấy. Cho nên với một người có tín ngưỡng tôn giáo mà nói, họ rất dễ dàng làm việc tốt. Tại sao vậy? Bởi vì họ tin vào thiên mệnh, tin rằng khi Thần tạo ra vũ trụ, đã chế định ra một quy tắc công bằng tuyệt đối. Dưới một nguyên tắc công bằng tuyệt đối, nếu như bạn đối đãi tốt với người khác thì sẽ nhận được thiện báo, kỳ thực là đối xử tốt với bản thân mình; nếu như bạn đối đãi không tốt với người khác thì sẽ nhận được ác báo, cũng có nghĩa là đối đãi không tốt với bản thân. Một người tin vào thiên mệnh, thì người đó rất dễ dàng trở thành một người có đạo đức.
Lời bạch: Giữa Thân Bao Tư và Ngũ Tử Tư có một ước định, Thân Bao Tư vì trọn nghĩa với bạn, mà không bắt Ngũ Tử Tư. Ông để cho Ngũ Tử Tư diệt đi nước Sở. Nhưng về sau, vì tận trung với nước, muốn khôi phục nước Sở, ông đã viết một phong thư cảnh báo Ngũ Tử Tư. Cho dù con người nỗ lực có thể tạm thời đạt được mục đích của mình, nhưng tuyệt đối không thể làm việc trái với Đạo Trời, nếu không cuối cùng sẽ trả giá đắt. Như vậy Ngũ Tử Tư liệu có nghe theo lời khuyên của Thân Bao Tư hay không?
Sau khi Ngũ Tử Tư đọc qua thư của Thân Bao Tư đã trầm ngâm hồi lâu, ông nói với người đưa thư rằng, ta hiện nay bận rộn việc quân, không có thời gian viết thư trả lời cho ông ấy [Thân Bao Tư], ngươi truyền lời đến Thân Bao Tư thay ta, nói ta giống như một người lữ hành ở bên ngoài, mặt Trời đã xuống núi, nhưng ta còn phải đi một quãng đường rất xa, nên ta không thể không làm việc trái với lẽ thường được. Nguyên văn trong “Sử ký” viết, “Nhật mộ nhi đồ viễn, ngô cố đảo hành nhi nghịch thi chi” (mặt Trời sắp lặn rồi mà đường còn xa, ta buộc phải đi ngược làm trái). Ở đây lưu lại hai câu thành ngữ, Nhật mộ đồ viễn (mặt Trời sắp lặn đường lại còn dài) và Đảo hành nghịch thi (làm điều trái ngược lẽ thường), chính là xuất phát từ câu chuyện này.
Sứ giả trở về báo lại với Thân Bao Tư, Thân Bao Tư liền nói quyết tâm diệt Sở của Ngũ Tử Tư không thể thay đổi được rồi, có thể cứu được nước Sở chỉ có nước Tần. Thân Bao Tư bèn chuẩn bị đi đến nước Tần cầu cứu. Vì sao vậy? Bởi vì ngày trước Sở Bình Vương cưới Mạnh Doanh, Mạnh Doanh là em gái của Tần Ai Công, Quốc quân của nước Tần. Trên thực tế Sở Chiêu Vương phải gọi Tần Ai Công là cậu ruột. Xem như hai nước kết tình thông gia, sau khi nước Sở bị diệt, Thân Bao Tư cho rằng theo lý nước Tần nên xuất binh.
Vào lúc này đây Hạp Lư đang làm gì? Mỗi ngày ở quốc đô của nước Sở bày yến tiệc, mọi người đều ăn mừng thắng lợi. Đứng trước trận thắng cực kỳ to lớn này, Tôn Vũ vẫn giữ đầu óc thanh tĩnh. Ông đưa ra một kiến nghị vô cùng quan trọng với Hạp Lư. Tôn Tử nói chúng ta nên đưa công tử Thắng trở về nước Sở, lập cậu ấy làm Quốc quân của nước Sở. Vì công tử Thắng được Ngũ Tử Tư nuôi dưỡng lớn lên, mặc dù nói Quốc quân chính là công tử Thắng, nhưng kỳ thực toàn bộ chính quyền nước Sở đã bị nước Ngô khống chế. Nhưng rút cuộc Hạp Lư không nghe.
Tại sao Tôn Vũ đưa ra một kiến nghị như vậy? Đây là một biện pháp vô cùng thông minh. Chính vì nước Ngô là một quốc gia nhỏ bé, dân cư ít, đất đai nhỏ hẹp, quân đội cũng rất ít. Nếu như dùng dân cư ít ỏi như thế, quân đội nhỏ yếu như thế để chiếm cứ một quốc gia rất rộng lớn, chỉ dựa vào quân sự để chinh phục, thì căn bản là khống chế không được quốc gia đó. Cho nên chúng ta thấy một quốc gia nhỏ sau khi đánh chiếm được một quốc gia lớn, thường phải lập ra và nâng đỡ một chính phủ bù nhìn. Vào thời Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc đã dựng nên một quốc gia gọi là Ngụy Mãn Châu quốc, sau đó lại nâng đỡ chính phủ bù nhìn Uông Tinh Vệ. Vì sao lại như vậy? Chính là vì một quốc gia nhỏ sau khi giành được thắng lợi quân sự, chiếm giữ được một quốc gia lớn, nếu nó không lập ra và giúp đỡ một chính phủ bù nhìn, thì không thể hoàn toàn khống chế được quốc gia này.
Lúc đó Tôn Vũ đã đưa ra một kiến nghị như vậy, lập công tử Thắng làm Quốc quân của nước Sở. Nhưng cuối cùng Hạp Lư không nghe theo.
Vào lúc này, Thân Bao Tư đã rời khỏi nước Tùy, chính là nơi Sở Chiêu Vương ẩn trốn, bắt đầu đến nước Tần. Lúc ấy nước Tùy ở vùng lân cận thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc, còn nước Tần ở vùng lân cận thành phố Bửu Kê, tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Lúc đó vùng này có tên gọi là Ung, lộ trình đi rất xa. Thân Bao Tư ngày đêm gấp rút đi đường, đi đến nỗi gót chân cũng nứt ra, mỗi bước đi đều chảy máu. Sau khi đến được nước Tần, ông thuyết phục Tần Ai Công nhanh chóng xuất binh, nước Ngô “tham như phong thỉ, độc như trường xà”, chính là tham lam giống như con heo lớn, độc như rắn dài, một khi đã chiếm xong nước Sở rồi, thì phạm vi cai quản đã đến sát biên giới phía Đông và phía Nam của nước Tần. Bước tiếp theo nếu như nước Ngô tiếp tục bành trướng, nước Tần sẽ gặp nguy hiểm, nên xin nước Tần bây giờ nhanh chóng xuất binh.
Tần Ai Công căn bản không muốn xuất binh, năm đó Sở Bình Vương đã trực tiếp lấy em gái của ông, trong lòng ông có lẽ cũng không thoải mái lắm, nên không đáp ứng Thân Bao Tư. Trong lòng Thân Bao Tư nóng như lửa đốt, đứng giữa sảnh lớn của nước Tần khóc rống nghẹn ngào, khóc lóc liên tục bảy ngày bảy đêm, một ngụm nước cũng không uống, cuối cùng khóc cho nước mắt đều cạn, máu thay nước mắt. Trong cuốn “Tả truyện Định Công tứ niên” ghi lại, “Thân Bao Tư đứng, dựa vào bức tường trong sân mà khóc, tiếng khóc ngày đêm không dứt, bảy ngày không uống ngụm nước nào”. Cuối cùng lòng dạ Tần Ai Công thực sự không thể tiếp tục cứng rắn nữa, nói với Thân Bao Tư, ta thay ngươi xuất binh, mời đại phu ngài ăn chút cơm, uống chút nước đã. Nói xong Tần Ai Công cởi áo của mình ra, khoác lên người Thân Bao Tư.
Mọi người biết, người xưa cực kỳ coi trọng y phục. Vào thời chiến tranh Sở – Hán, đã từng có người khuyên Hàn Tín tạo phản. Lúc ấy Hàn Tín nói, ta vì sao không thể tạo phản đây? Bởi vì Hán vương Lưu Bang đem xe của ông ấy cho ta ngồi, đem cơm của ông ấy cho ta ăn, đem y phục của ông ấy cho ta mặc. Sau đó Hàn Tín nói tiếp, “Thừa nhân chi xa giả tải nhân chi hoạn, y nhân chi y giả hoài nhân chi ưu, thực nhân chi thực giả tử nhân chi sự” (ngồi xe của người thì gánh hoạn nạn thay người, mặc áo của người thì lo nghĩ cho mối ưu tư của người, ăn cơm của người thì liều chết vì việc của người), ngồi xe người ta thì phải giúp người ta chia sẻ gian nan khổ cực, mặc áo người khác thì phải xem mối ưu sầu của người đó như ưu sầu của mình, ăn cơm của người khác thì phải tận trung đến chết vì người đó.
Cho nên ở thời cổ đại, dùng chung áo quần với người khác, đó là một một vinh hạnh hết sức lớn. Tần Ai Công đem áo khoác lên người Thân Bao Tư, sau đó còn viết một bài thơ có tên là “Vô y” và đã được ghi chép lại trong “Kinh Thi”:
“Khởi viết vô y?
Dữ tử đồng bào.
Vương vu hưng sư,
Dữ tử đồng cừu”.
Tạm dịch:
Há rằng khanh không có y phục?
Cùng khanh mặc chung áo bào.
Vua sắp khởi binh
Cùng khanh chung mối thù.
Chính là nói lẽ nào khanh không có y phục sao? Ta với khanh cùng khoác chung một áo bào, bây giờ ta xuất binh tiến đánh nước Ngô thay khanh, kẻ thù của khanh chính là kẻ thù của ta.
Thân Bao Tư sau khi có được lời hứa của Tần Ai Công mới bắt đầu ăn cơm uống nước. Tần Ai Công nói, ngươi ở trong dịch quán nghỉ ngơi một chút, chúng ta bây giờ bắt đầu chỉnh đốn quân đội rồi xuất binh. Thân Bao Tư nói, Quốc quân của tôi hiện giờ đang ở trong dân gian, ăn cơm đi ngủ đều không yên ổn, tôi xin được lập tức trở về, trước là thông báo cho Quốc quân của tôi biết, quân Tần đã sắp xuất binh rồi.
Sau khi Thân Bao Tư trở về nước Tùy, lúc này những tàn binh bại tướng của nước Sở cũng đã dần dần tụ tập lại, quân đội của nước Tần cũng đã đến. Thân Bao Tư nói với quân đội nước Tần rằng, để chúng tôi giao đấu với nước Ngô trước, đợi đến khi giao tranh khó phân thắng bại, thì quân Tần hãy tiến đến.
Người ứng chiến với Thân Bao Tư lúc ấy là Phù Khái, Phù Khái căn bản cũng không đem Thân Bao Tư để vào mắt. Kết quả khi đang giằng co chiến đấu, quân Tần đột nhiên xuất hiện, đánh cho Phù Khái trở tay không kịp. Khi Phù Khái vừa nhìn thấy cờ hiệu của nước Tần thì nói, quân đội của nước Tần đã đến lúc nào vậy? Lập tức hạ lệnh thu binh. Kết quả lúc đó trong phút chốc người ngựa của Phù Khái đã bị tổn thất khoảng một nửa.
(Còn tiếp)
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (4)
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (3)
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!