‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 20: Viễn giao cận công [1]

tieudam minh chan tuong
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong tiết mục ‘Tiếu Đàm Phong Vân’ của Đài truyền hình Tân Đường Nhân. (Ảnh: NTD)

Lời bạch: Trang phục người Hồ cưỡi ngựa bắn cung của Triệu Vũ Linh Vương đã khiến cho nước Triệu cấp tốc quật khởi về mặt quân sự, chẳng những đã tiêu diệt  được nước Trung Sơn và các bộ lạc dân tộc thiểu số phương Bắc, mà còn khiến cho nước Triệu trở thành nước có thể chống lại nước Tần.

Triệu Vũ Linh Vương thậm chí còn lên kế hoạch tiến quân từ Bao Đầu thuộc Nội Mông Cổ hiện nay, tiêu diệt nước Tần từ phía Bắc, nhưng kế hoạch này bởi vì chính biến cung đình mà thành sinh non. Triệu Huệ Văn Vương không có hào khí và dã tâm như người cha, cũng chưa từng có dự định đối kháng với nước Tần, nhưng mà đối với việc nước Tần muốn thống nhất Trung Nguyên, nước Triệu lại không thể không diệt. Bởi vậy, cuộc quyết chiến giữa hai cường quốc Tần-Triệu là không thể tránh khỏi.

Ước chừng vào năm 272 (TCN), một người từ nước Ngụy đến nước Tần, đã vì nước Tần chế định ra một chiến lược cướp đoạt thiên hạ một cách có hệ thống, lấy nước Hàn và nước Ngụy làm mục tiêu công kích đầu tiên, cũng trực tiếp thúc đẩy Tần Triệu quyết chiến. Vậy người này có thể là ai?

Người này trong “Sử Ký” viết là Phạm Tuy, trong “Tư Trị Thông Giám” viết là Phạm Thư, căn cứ khảo chứng của đời sau, người này phải gọi là Phạm Thư. Ông cùng Trương Nghi đều là người nước Ngụy, từ nhỏ gia đình đã rất nghèo, mãi không có cơ hội nào để xuất thân, sau khi lớn lên ông đầu quân cho một Đại phu nước Ngụy gọi là Tu Giả, làm môn khách nhà Tu Giả.

Đại phu Tu Giả là người chuyên môn phụ trách công việc ngoại giao giữa các chư hầu. Có một lần Tu Giả đi sứ nước Tề, đem Phạm Thư cùng đến nước Tề. Tề Vương nghe nói Phạm Thư rất có bản lĩnh, liền lén phái người đưa thịt bò, rượu, còn có mười cân vàng, hy vọng Phạm Thư có thể lưu tại nước Tề phục vụ cho Tề Vương. Nhưng việc này đã bị Phạm Thư từ chối.

Tu Giả nghe được chuyện này thì cảm thấy rất không vui, bởi vì lúc ấy ông ta với thân phận là sứ giả của quốc gia đến nước Tề, việc ông ta muốn làm liên tiếp hơn mấy tháng đều không có có kết quả gì, cho thấy Tề Vương không coi trọng ông ta, nhưng bây giờ Tề Vương coi trọng Phạm Thư như vậy. Tu Giả cảm thấy mình thật mất mặt, liền bảo Phạm Thư đem trả lại mười cân vàng, chỉ để lại thịt bò và rượu.

Sau khi giải quyết xong việc công, Tu Giả vừa về tới nước Ngụy lập tức báo cáo với tướng quốc Ngụy Tề. Ngụy Tề là tôn thất nước Ngụy, tính tình rất thô bạo. Tu Giả nói, “Tề Vương không thể nào vô duyên vô cớ cho Phạm Thư thịt bò, rượu và vàng. Tôi nghi ngờ Phạm Thư đã tiết lộ cho Tề Vương một số cơ mật của nước Ngụy.”

Lúc ấy ngay tại trước mặt quan khách ở đại tiệc, Ngụy Tề lập tức phái người bắt Phạm Thư tới, hỏi Phạm Thư rốt cục đã tiết lộ cho nước Tề bí mật gì? Phạm Thư đương nhiên không thừa nhận. Thế là Ngụy Tề lệnh cho lính ngục đánh Phạm Thư, đánh đến mấy canh giờ, đánh cho toàn thân gãy xương nát thịt, đánh đến mức rơi cả răng. Phạm Thư trong lúc bị đánh đau đớn ngất đi, người phía dưới cho là ông ta chết rồi, liền nói với Ngụy Tề là người này đã bị đánh chết.

Ngụy Tề vẫn chưa hết cơn giận, sai người dùng chiếu cỏ cuốn thi thể Phạm Thư lại, ném vào trong nhà vệ sinh, sau đó để tân khách đi tiểu trên người Phạm Thư. Con người Phạm Thư này rất chú trọng nghĩa khí, ông ta lúc ấy không chịu lưu tại nước Tề, bởi vì ông ta cùng Đại phu Tu Giả đến từ nước Ngụy, theo lý là phải đồng xuất đồng nhập; ông cũng rất có khí phách, chính là những sự việc mà ông không làm, thì tuyệt đối không thừa nhận, đánh chết cũng không thừa nhận.

Ông ta khi bị ném vào nhà vệ sinh, đến ban đêm thì tỉnh lại, nhìn thấy bên cạnh một lính canh đang trông chừng mình. Ông ta liền nói với lính canh, “Ngươi nhìn bộ dạng ta hiện nay, ước chừng là sống không lâu nữa. Nếu như ngươi chịu để người nhà của ta đưa ta về, để cho ta chết trên chiếc giường ở nhà, trong nhà ta còn một ít tiền, số tiền này đều cho ngươi để tỏ lòng cảm tạ.”

Lính canh ngục bèn đi gặp Ngụy Tề, hắn nói, “Tướng quốc à, người chết này đã bốc mùi trong nhà vệ sinh, có thể đem vứt đi được không?” Khi đó Ngụy Tề đã uống say, ông ta nói, “vậy thì vứt nơi đồng hoang đi, để chó hoang chim rừng ăn thịt của hắn.” Thế là lính canh liền lặng lẽ thông báo cho người nhà Phạm Thư đưa ông ta về nhà.

Người nhà giúp ông tẩy rửa vết thương, cho ông ăn ít đồ. Phạm Thư nói người trong nhà là không thể đợi được, ông nói: “Ngụy Tề bây giờ đã uống say rồi, cho người đem vứt ta đi. Sáng ngày mai sau khi tỉnh rượu, nhất định sẽ đi truy xét tung tích của ta, khi đó thì rất nguy hiểm. Ta có một người bạn tốt là Trịnh An Bình, tối hôm nay các ngươi hãy âm thầm đưa ta đến nhà ông ấy, sau đó sáng ngày mai làm lễ tang, giống như ta đã chết rồi.”

Sáng ngày hôm sau, Ngụy Tề quả nhiên đi tìm tung tích của Phạm Thư, vừa nhìn thấy ngoài cánh đồng có một chiếc chiếu không, người hầu nói có thể là thi thể của ông ta bị chó hoang tha đi rồi. Ngụy Tề lại phái người đến nhà của Phạm Thư, xem xét  thấy trong nhà đang làm tang lễ. Ngụy Tề cho rằng Phạm Thư đã chết rồi, nên cũng chẳng quan tâm thêm nữa. 

Để tránh khỏi thù nhà, Phạm Thư đã đổi tên mình thành Trương Lộc, mai danh ẩn tích ở nước Ngụy. Chúng ta có thể thấy con người Phạm Thư rất lý tính, trong tình huống thống khổ như vậy, ông vẫn nghĩ đến ngày hôm sau Ngụy Tề sẽ đến tìm ông.

Lời bạch: Phạm Thư đổi tên mình thành Trương Lộc, mai danh ẩn tích trốn tránh kẻ thù. Sau một quãng thời gian, sứ giả nước Tần là Vương Kê đi sứ đến nước Ngụy. Trịnh An Bình lấy thân phận người hầu tiếp cận Vương Kê, thừa cơ tiến cử Phạm Thư, cũng sắp xếp cho hai người bí mật gặp mặt. Vương Kê bị tài học của Phạm Thư thuyết phục, thế là trộm đưa Phạm Thư  về nước Tần.

Không ngờ, mới vừa vào nước Tần, liền gặp cậu của Tần Chiêu Tương Vương là tướng quốc Ngụy Nhiễm. Ông ta từng cùng Thái hậu Mị Bát Tử thắng cuộc trong chính biến cung đình, cũng cùng hai người em là Tần Vương Cao Lăng Quân Doanh Hiển và Kính Dương Quân Doanh Khôi trở thành người thực tế nắm giữ quyền lực của nước Tần, thời gian giữ chức dài tới gần 40 năm.

Ngụy Nhiễm hàng năm phải đi đến các nơi trong cả nước tuần tra, làm một số việc kiểm tra và giám sát công việc, đồng thời vỗ về dân chúng, kiểm duyệt xe ngựa, v.v, là một chức vị rất phong quang. Lần này vừa đúng lúc tuần hành các quận huyện thì ông ta đụng phải Vương Kê từ nước Ngụy trở về.

Phạm Thư nói với Vương Kê, “Ta nghe nói Ngụy Nhiễm, con người này không thích nhân tài từ các nước chư hầu tới, cũng không thích người du thuyết. Nếu như ông ta thấy tôi, ông ta sẽ đuổi tôi đi, cho nên tôi tốt nhất vẫn là tránh một chút.”

Thế là Phạm Thư và Trịnh An Bình, hai người liền ẩn nấp trên xe, không xuống xe. Xe ngựa của Ngụy Nhiễm đến trước mặt Vương Kê, liền hỏi Vương Kê, việc công làm được như thế nào, công việc ngoại giao làm được như thế nào. Sau khi hỏi một số tình hình, cuối cùng ông ta hỏi Vương Kê, “Ngươi có mang kẻ sĩ từ nước khác tới du thuyết hay không?” Vương Kê nói “không có”.

Ngụy Nhiễm nói, “Loại người này chuyên môn ỷ vào mồm mép, hôm nay nói thế này, ngày mai nói thế kia. Loại người này là không thể tin nhất, cũng là người vô dụng nhất, dạng người như vậy tuyệt đối không nên đưa đến nước Tần”. Ông ta cảnh cáo một chút, sau đó thì rời đi.

Phạm Thư trong xe nhìn Ngụy Nhiễm đi xa rồi, bèn từ trong xe ra nói với Vương Kê: “Nơi này không thể ở nữa. Tôi nay phải nhanh chóng tìm một chỗ trốn, Tướng quốc Ngụy Nhiễm không thích kẻ sĩ du thuyết.” Vương Kê nói: “Ông không cần phải trốn đâu. Ông ta đã đi rồi, vừa nãy đã nói xong rồi.”

Phạm Thư nói: “Tôi vừa rồi ngồi trong xe trộm nhìn người này. Người này lòng trắng mắt tương đối nhiều, người ta nói sắc trắng mà nhiều nhìn đâu cũng thấy tà, cách nhìn người bị lệch lạc. Loại người này tính cách có đặc điểm là tính đa nghi mà nhìn sự việc chậm trễ, chính là nghi tâm nặng, nhưng mà ra quyết định chậm. Cho nên ông ta đi rồi, một lúc sau ông ta chắc chắn sẽ phái người đến lục soát xe này.”

Phạm Thư cùng Trịnh An Bình sau khi xuống xe thì trước tiên là chạy, chạy tìm một chỗ để trốn. Quả nhiên đi được không quá ba dặm, đằng sau liền có một đội quân mã đuổi theo tới, nói phụng mệnh Tướng quốc Ngụy Nhiễm kiểm tra một chút, rốt cuộc xem có người từ các nước Chư hầu tới hay không. Bọn họ lật tung xe ra một lượt, xem xét không có gì liền rời đi.

Vương Kê nghĩ thầm, Trương Lộc – người này thật sự là một kẻ sĩ mưu trí, thế là liền đưa Trương Lộc, chính là Phạm Thư tới đô thành Hàm Dương.

Vương Kê trở lại Hàm Dương, Tần Vương tiếp kiến ông ta, hỏi các sự việc. Ông ta thừa cơ nói với Tần Vương: “Thần lần này mang về một tân khách của chư hầu tên là Trương Lộc, người này rất có tài cán. Nước Tần hiện nay rất nguy hiểm, nhưng mà hắn có một sách lược có thể làm cho nước Tần được an toàn, hắn không muốn viết tin cho Đại Vương, sợ trong thư nói không rõ ràng. Hy vọng Đại Vương có thể cho hắn một chút thời gian, gặp mặt nói về vấn đề này.” Tần Vương lúc ấy không tin.

Lời bạch: Sau khi trải qua thập tử nhất sinh, Phạm Thư cuối cùng cũng đã có được thân người an toàn. Lúc ấy nước Tần đang giành thắng lợi liên tiếp trong chiến tranh quân sự, dựa vào danh tướng Bạch Khởi, vừa mới đánh bại nước Sở ở phía Nam, khiến cho nước Sở dời đô, tại phía Đông đánh bại nước Tề, nhiều lần đánh bại quân đội Hàn Triệu Ngụy. Từ Tần Vương cho đến tướng quốc Ngụy Nhiễm đều không thích biện sĩ, vậy Phạm Thư sẽ xuất đầu lộ diện tại nước Tần như thế nào?

Thời gian Phạm Thư ở tại nước Tần chờ đợi ròng rã hai năm, đoán chừng lúc ấy tình cảnh của ông rất quẫn bách, bị người ta coi thường, chuyện ăn chực nằm chờ có thể là thường xuyên phát sinh. Theo “Sử ký – Phạm Thư Thái trạch liệt truyện” ghi chép, Phạm Thư về sau lên như diều gặp gió, ông báo rất nhiều ân, dù là ân nghĩa một bữa cơm; ông cũng báo rất nhiều oán, chính là có người trừng mắt nhìn ông một cái, ông cũng phải báo cái oán này.

Phạm Thư đợi tại nước Tần hai năm, mãi không có cơ hội nhìn thấy Tần Vương. Khi ấy Tướng quốc nước Tần là Ngụy Nhiễm lên kế hoạch tấn công Cương Thọ của nước Tề. Cương Thọ là huyện Đông Bình tỉnh Sơn Đông ngày nay. Nước Tần muốn tiến binh từ Thiểm Tây đến Sơn Đông, ở giữa nhất định phải đi qua Hà Nam hoặc Hà Bắc, nói cách khác nhất định phải mượn đường của nước Hàn và nước Ngụy, quân Tần mới có thể đến Sơn Đông để tấn công nước Tề.

Tại sao Ngụy Nhiễm lại muốn tấn công Cương Thọ? Bởi vì đất phong của Ngụy Nhiễm tại Đào, mà Đào là một địa phương của Sơn Đông, cách Cương Thọ rất gần, là mảnh đất của nước Tần trên đất của nước Tề.

Tề Mẫn Vương khi làm Quốc quân nước Tề, có năm nước tấn công nước Tề, chủ yếu là nước Yến cầm đầu. Khi ấy sau khi tấn công nước Tề, mỗi nước chiếm được một vùng, nước Tần cũng giành được một vùng tại nước Tề, chính là Đào. Tần Vương đem đất Đào phong cho Ngụy Nhiễm, đây là một khối thuộc địa, nó không tiếp giáp với lãnh thổ nước Tần.

Ngụy Nhiễm tấn công Cương Thọ là muốn mở rộng đất phong của mình, lúc ấy đang chuẩn bị quân lương và tổ chức binh sĩ.

Phạm Thư sau khi nghe được chuyện này, ông viết cho Tần Vương một phong thư. Trong thư nói: “Thần nghe nói bậc Quân chủ hiền minh là thưởng người có công mà phạt người có tội; còn kẻ hôn quân là chuyên môn thưởng chỗ mình yêu mà phạt chỗ mình hận, người đó không phải căn cứ vào công lao hay sai lầm mà thưởng phạt, mà là căn cứ vào yêu ghét của cá nhân để thưởng phạt, Quốc gia như vậy là không có hy vọng.

Hạ thần hy vọng vì Đại Vương cống hiến sức lực, hy vọng Đại Vương có thể cho hạ thần một cơ hội, cho hạ thần một chút thời gian, để cho hạ thần nói ra ý tưởng. Nếu như thần nói có đạo lý, ngài hãy tiếp thu, nếu như Ngài thấy thần nói không có đạo lý, lãng phí thời gian của Ngài, thì dù Ngài giết hạ thần, hạ thần cũng sẽ không oán trách.”

Gần hai năm trôi qua, Tần Vương đã quên Trương Lộc, sau khi xem phong thư này, Tần Vương quyết định triệu kiến Trương Lộc. 

(còn tiếp)

BiHui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x