“Tiếu đàm phong vân” – Tập 14: Nhất minh kinh nhân (P.4)

tieu dam phong van minh chan tuong 4
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong tiết mục “Tiếu đàm phong vân”. (Ảnh: Tân Đường Nhân)

Tề Uy Vương chấn chỉnh quan lại – Công khai ngôn luận – Trọng dụng nhân tài

Lời bạch: Năm 385 TCN, Điền Hòa qua đời, con trai của ông là Điền Ngọ, cũng được gọi là Tề Hoàn Công, lên kế vị. Vì vậy trong lịch sử có hai vị Tề Hoàn Công. Một người là Bá chủ thời kỳ Xuân Thu, một người là Quốc Quân thứ hai thuộc họ Điền ở nước Tề.

Tề Hoàn Công họ Điền này tại vị được sáu năm thì mất, con trai là Điền Nhân Tề lên nối ngôi, đây là Tề Uy Vương nổi tiếng hiển hách trong lịch sử.

Khi mới lên kế vị, Tề Uy Vương luôn bỏ bê triều chính, nước Tề rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm. Trong “Sử ký” có ghi chép thế này: “Năm đầu của Tề Uy Vương, Tam Tấn phạt ta ở Linh Khâu; năm thứ sáu nước Lỗ phạt ta tiến vào Dương Quan, nước Tấn phạt ta ở Bác Lăng; năm thứ bảy, nước Vệ phạt ta lấy Tiết Lăng; năm thứ chín, nước Triệu phạt ta lấy đất Chân”.

Có thể thấy chín năm đầu của Tề Uy Vương, các nước thay phiên uy hiếp và đánh chiếm, Tề Vương mỗi trận đánh đều bị bại, nước Tề lúc đó mang mối lo mất nước. Lúc đó Thuần Vu Khôn, là một kẻ sĩ đi du thuyết, đến khuyên gián Tề Uy Vương.

Chúng ta đã nhắc đến cái tên Thuần Vu Khôn trong khi nói về “Tôn Bàng đấu trí”, ông ta không trực tiếp khuyên Tề Uy Vương, mà đưa cho Tề Uy Vương một câu đố. Ông nói: “Trong nước có một con chim lớn, đậu ở cung đình của Vua, ba năm không bay cũng không kêu, ngài có biết là chim gì không?”.

Câu trả lời của Tề Uy Vương là một thành ngữ rất nổi tiếng, ông nói con chim lớn này “Tam niên bất phi, nhất phi xung thiên, tam niên bất minh, nhất minh kinh nhân” (Tạm dịch: Ba năm không bay, một khi bay là bay thẳng lên trời; ba năm không kêu, vừa kêu một tiếng là tiếng kêu kinh người). Sau đó Thuần Vu Khôn vội rời đi.

tieu dam phong van minh chan tuong
Thuần Vu khôn lấy hình tượng con chim làm ẩn ngữ khuyên can Tề Uy Vương, lưu lại điển cố “Nhất minh kinh nhân”.

Kỳ thực, Tề Uy Vương đã lừa gạt Thuần Vu Khôn, hoàn toàn không có chuyện sau khi Thuần Vu Khôn đi, ông có thể “nhất minh kinh nhân” (vừa kêu một tiếng là tiếng kêu kinh người). Ông ròng rã chơi thêm sáu năm, có khả năng lúc ông lên ngôi còn rất trẻ, tại vị ba năm thì gặp Thuần Vu Khôn, sau đó lại chơi tiếp sáu năm. Đến Tề Uy Vương năm thứ chín, đột nhiên có một ngày chuẩn bị xử lý quốc chính, ông làm ba việc trọng đại.

Việc thứ nhất là chỉnh đốn tác phong và uy tín của quan lại. Ông đem hai đại phu của nước Tề khi ấy, một người trấn thủ thành Tức Mặc, một người trấn thủ thành A Thành.

Ông cho triệu hai vị đại phu này đến đô thành của nước Tề, bởi vì mỗi ngày đều có người nói với Tề Uy Vương về đại phu Tức Mặc không tốt như thế nào, Đại phu A Thành tốt như thế như thế. Ngày Tề Uy Vương triệu kiến hai vị đại phu, trên triều đặt một nồi dầu lớn, dầu đã nấu sôi rồi, tất cả mọi người cảm thấy ông ta nhất định sẽ cho ném đại phu Tức Mặc vào trong chảo dầu.

Tề Uy Vương triệu đại phu Tức Mặc đến trước mặt nói: “Từ sau khi ngươi đến thành Tức Mặc, mỗi ngày ta đều nghe bên tai những lời nói xấu về ngươi, nhưng khi ta phái người đi thị sát, phát hiện nơi đó đất hoang đã được khai khẩn, bách tính sinh sống rất sung túc, việc quốc gia không bị chậm trễ, đồng thời phương Đông cũng rất yên ổn. Đây đều là kết quả của việc ngươi thay ta trấn thủ thành Tức Mặc”. Thế là ông trọng thưởng cho đại phu Tức Mặc phong ấp một vạn nhà.

Sau đó ông lại cho gọi đại phu trấn thủ A Thành đến trước mặt và nói: “Từ sau khi ngươi đến đất A Thành làm đại phu, “lời khen ngày nào cũng có”, luôn có người ở bên cạnh ta nói lời tốt về ngươi. Nhưng khi ta phái người đến nơi này thị sát, phát hiện đất đai cằn cỗi, dân chúng khốn khổ, công việc quốc gia trên cơ bản ngươi cũng không có làm gì, mấy năm trước khi nước Triệu đến đánh chiếm chúng ta, ngươi giả giả vờ không biết.

Ngươi mỗi ngày chỉ làm một chuyện, chính là vơ vét tiền tài của bách tính, sau đó hối lộ người bên cạnh ta, ở bên tai ta nói lời tốt cho ngươi, vậy ta tại sao lại phải cho ngươi làm đại phu của ta?”. Ông sai người đem đại phu A Thành ném vào trong chảo dầu bên cạnh.

Tề Uy Vương vẫn chưa nguôi cơn tức giận, ông nói với những người xung quanh mình: “Các ngươi là tai mắt, là người thân tín nhất của ta, nhưng các ngươi luôn gạt ta. Các ngươi nhận tiền của đại phu A Thành mà nói lời tốt về đại phu A Thành, không thu được tiền của đại phu Tức Mặc, nên cả ngày nói xấu ông ta. Ta muốn các ngươi làm tai mắt cho ta có tác dụng gì?”. Ông muốn đem tất cả những người này ném vào trong chảo dầu.

Những người kia sợ quá, quỳ trên mặt đất cầu xin tha thứ, sau đó ông chọn mấy người được coi là thân tín hơn cả vứt vào trong chảo dầu. Ông vừa làm việc này xong, các đại thần sau đó đã không dám lừa ông nữa. Đây là bước đầu tiên của ông, chỉnh đốn tác phong và uy tín của các quan lại, các đại phu bên dưới cũng trở nên thanh liêm.

Việc thứ hai là mở rộng đường ngôn luận. Tề Uy Vương để cho mọi người đưa ra các kiến nghị có lợi cho quốc gia, và nêu ra khuyết điểm của bản thân, đây là một câu chuyện rất nổi tiếng. Chúng ta biết, có một câu chuyện trong “Chiến Quốc sách”, chúng ta đã học qua trong sách giáo khoa ngữ văn, gọi là “Trâu Kỵ phúng Tề Vương nạp gián”.

Tề Uy Vương cho Trâu Kỵ đảm nhận chức Tướng quốc. Trâu Kỵ là người khôi ngô tuấn tú, một hôm sau khi thức dậy soi gương, nhìn vào thấy mình, oa! Ta sao mà đẹp vậy! Sau đó ông hỏi thê tử của mình: “Ta và Từ Công ở thành Bắc ai đẹp hơn?”

Từ Công là một mỹ nam tử rất nổi tiếng, thê tử của ông đáp đương nhiên là tướng công đẹp, ông không tin, lại hỏi một người thiếp của mình, “nàng xem ta và Từ Công ai đẹp hơn”, tiểu thiếp nói đương nhiên là phu quân đẹp.

Qua hai hôm sau, có một người khách đến, trong khi nói chuyện, ông lại hỏi người khách, “ta và Từ Công ở thành Bắc ai đẹp hơn”, người khách nói đương nhiên là ông rồi. Ba người đều nói như thế, Trâu Kỵ liền tin là thật. Kết quả có một lần Từ Công đến chơi, Trâu Kỵ vừa nhìn, thì thấy đây mới chính là mỹ nam tử, đẹp hơn ông ta rất nhiều!

Đợi đến khi Từ Công đi rồi, Trâu Kỵ đem gương ra soi, ai da, càng nhìn càng thấy không bằng được Từ Công. Ông nghĩ, vì sao thê thiếp của ta, khách của ta đều nói ta đẹp hơn? A! thê tử của ta vì yêu ta, nên tình cảm đã chiến thắng lý trí, nói ta đẹp; còn thiếp của ta, là vì sợ ta, nên nói ta đẹp; người khách hôm đó nói ta đẹp vì ông ta đến để nhờ vả ta, ông ta đương nhiên nói ta đẹp.

Ông ta đi gặp Uy Vương, tâu rằng hậu cung của Đại Vương có nhiều người như thế, không có ai là không yêu Đại Vương; Đại thần của Đại Vương nhiều như thế, không có ai là không sợ Đại Vương; Quốc gia của Đại Vương lớn như thế, bách tính không có ai là không cầu cạnh Đại Vương, như vậy xem ra, Đại Vương muốn nghe lời nói thực quả là rất khó.

Tề Uy Vương lập tức ra mệnh lệnh: Người trong nước, nếu như có thể trước mặt quả nhân mà chỉ rõ sai lầm, sẽ nhận phần thưởng hạng nhất; Nếu như viết thư cho ta, chỉ ra khuyết điểm của ta, sẽ nhận thưởng hạng trung; Nếu trên phố bàn luận về ta, để ta nghe được, nếu như là ý kiến hay, sẽ nhận thưởng hạng ba. Chiếu lệnh của ông vừa được ban ra, rất nhiều người đã đến kiến nghị với ông.

Việc này đã lưu lại một câu thành ngữ, nguyên văn được ghi trong “Chiến Quốc Sách” như sau: “Lệnh sơ hạ, quần thần tiến gián, môn đình nhược thị”(Lệnh mới ban ra, quần thần tiến đến can gián, đông như trẩy hội).

Thành ngữ “Môn đình nhược thị” (Đông như trẩy hội) đã ra đời như thế. Cách Tề Uy Vương thu nhận ý kiến can gián rất nổi tiếng, do vậy nước Tề cũng nhanh chóng sửa chữa được các khuyết điểm, trị lý quốc gia cũng rất tốt. Đây là việc làm thứ hai của ông, chính là rộng đường ngôn luận. Việc thứ nhất chỉnh đốn tác phong và uy tín của các quan lại, việc thứ hai là rộng đường ngôn luận.

Việc thứ ba ông làm là trọng dụng nhân tài. Ông phong cho Trâu Kỵ làm tướng quốc, Điền Kỵ làm tướng quân, Tôn Tẫn làm quân sư. Nhân tài dưới trướng của ông rất nhiều.

Vào thời Chiến quốc, chúng ta biết có bốn người rất nổi danh. Họ được gọi là “dưỡng sĩ”, đó là những người nuôi dưỡng một số nhân tài. Ví dụ như Mạnh Thường Quân của nước Tề, Bình Nguyên Quân nước Triệu, Tín Lăng Quân nước Ngụy, Xuân Thân Quân nước Sở. Tứ công tử này rất nổi tiếng thời Chiến quốc, Tư Mã Thiên đã viết về mỗi người họ một truyện.

Nhưng kỳ thực thủy tổ về dưỡng sĩ lại chính là Tề Uy Vương. Sau khi làm vương, ông cho xây dựng một học phủ, gọi là Tắc Hạ Học Cung, nằm tại bên ngoài cửa đông – cửa Tắc Môn, ở đô thành Lâm Truy của nước Tề (nay là Lâm Truy ở Sơn Đông). Tắc Hạ Học Cung mới bắt đầu là nơi tổ chức hội họp, sau đó đã phát triển nhanh chóng cho đến đời con của ông là Tề Tuyên Vương.

Tiếu đàm phong vân,
Dưới thời Tề Uy Vương, Tắc Hạ Học Cung phát triển rất rực rỡ.

Trong “Sử ký” thời đó có ghi chép rằng, người trong Tắc Hạ Học Cung “Bất trị nhi nghị luận”, nghĩa là họ không cần quản lý những chuyện nhỏ của quốc gia, mỗi ngày chỉ làm một việc chính là biện luận, cùng nhau nghị luận và tranh luận, đem học thuyết của họ nói ra.

Mỗi người đều có học thuyết của riêng mình, khi tranh luận với nhau, mỗi người đều không ngừng sửa chữa học thuyết của mình, biến nó thành một hệ thống. Đây có thể nói là trường đại học đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới, so với đại học Oxford ở nước Anh phải sớm hơn khoảng 1.500 năm.

Chúng ta sẽ nói tới Thuần Vu Khôn trước, đây là một vị nguyên lão sớm nhất trong Tắc Hạ Học Cung. Con người Thuần Vu Khôn không chỉ là một người hài hước, mà ông cũng là một người rất tài giỏi, có thể lập tức biết trong đầu đối phương đang nghĩ gì.

Trong “Sử ký” có ghi lại một câu chuyện, Thuần Vu Khôn có một lần được người khác tiến cử đi gặp Ngụy Huệ Vương. Khi ông gặp Ngụy Huệ Vương lần đầu, ông không nói gì, chỉ ngồi đó, ngồi một lúc thì đứng lên về; lần thứ hai khi gặp Ngụy Huệ Vương, ông cũng không nói chuyện, ông lại ngồi đó, ngồi không, ngồi một lúc, ông lại đứng lên về.

Ngụy Huệ Vương rất bực mình, liền hỏi người tiến cử: “Sao Thuần Vu Khôn tới gặp ta, một câu cũng không nói? Ngươi chẳng phải đã nói với ta, Thuần Vu Khôn này so với Quản Trọng còn lợi hại hơn sao, có phải con người của ta quá ngu dốt, không đáng cho hắn cùng ta nói chuyện?”. Điều này cũng khiến người tiến cử cảm thấy thật kỳ lạ, ông ta hỏi Thuần Vu Khôn vì cớ gì hai lần gặp Ngụy Huệ Vương đều không nói?

Thuần Vu Khôn trả lời: “Lần thứ nhất khi ta ngồi cùng Ngụy Vương, trong lòng Ngụy Vương nghĩ ra ngoài đi săn như thế nào; lần thứ hai khi ta ngồi cùng Ngụy Vương, trong lòng ông ta chỉ nghĩ đi nghe ca hát như thế nào, tâm tư của ông ta căn bản không đặt tại chỗ này, vì thế ta không muốn nói chuyện với ông ta”.

Người này liền trở lại thưa với Ngụy Vương, Ngụy Vương lúc ấy rất kinh ngạc. Ngụy Vương nói: “Lần thứ nhất, vừa lúc có một người tặng ngựa, ta khi đó mặc dù không có đi xem con ngựa kia, nhưng đã nghĩ sau khi nói chuyện xong ta sẽ đến xem nó một chút; lần thứ hai, có một người dâng một kép hát, ta mặc dù không có đi nghe, nhưng đã nghĩ sau khi nói chuyện xong ta sẽ đi nghe.

Quả đúng là trong lòng ta có nghĩ đến hai chuyện kia”. Có thể thấy Thuần Vu Khôn là người có thể đoán ra suy nghĩ của đối phương.

Thuần Vu Khôn chỉ là một trong số học giả, khi đó trong Tắc Hạ học giả có hơn trăm người, xứng đáng với tên gọi trung tâm hội tụ Bách gia chư tử thời kỳ Chiến Quốc. Nho gia, Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia, Danh gia, Âm Dương Ngũ Hành gia, Tung Hoành gia, Binh gia, các loại học thuật trường phái đều từng sôi nổi trên vũ đài Tắc Hạ.

Các học giả tụ tập trong một nhà lớn, xoay quanh các chủ đề như ranh giới giữa con người và Trời, các biến hóa cổ kim, lễ pháp, vương bá, nghĩa và lợi để triển khai biện luận, bổ sung cho nhau cùng phát triển. Số người theo học đạt tới hơn nghìn người hoặc là mấy ngàn người, họ định kỳ cử hành hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá thành tích của học sinh.

Học sinh tự do tuyển chọn bài học, thầy giáo tự do chiêu sinh, khi một thầy giỏi xuất hiện, đằng sau họ sẽ có mấy trăm học sinh theo học.

Thời ấy tại Tắc Hạ trăm nhà đua tiếng, hai gia nổi tiếng về học vấn là Nho gia và Mặc gia, được xưng là “Hiển học” (học phái hiển hách). Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, Nho gia tựa như một gia đình, Mặc gia giống như một bang hội.

Tề Uy Vương đã biến nước Tề trở thành một quốc gia lớn mạnh ở phía Đông. Thương Ưởng sử dụng biến pháp khiến nước Tần trở thành một quốc gia lớn mạnh ở phía Tây, nước Sở ở phía nam cũng là một quốc gia hùng cường, ba nước Hàn-Triệu-Ngụy nằm giữa là tương đối nhỏ và yếu.

Lúc này nước mạnh muốn thôn tính thiên hạ, nước yếu chỉ mong tự bảo vệ, hình thái này đã là không thể tránh khỏi.  Vậy nước yếu sẽ tự bảo vệ mình như thế nào, nước mạnh làm cách nào để thôn tính thiên hạ? Mời quý vị xem tập sau – “Hợp tung liên hoành”. 

Do Chương Thiên Lượng thực hiện
BiHui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo 
bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x