“Tiếu đàm phong vân” – Tập 13: Tôn-Bàng đấu trí (P2)

tieu dam phong van minh chan tuong 4
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong tiết mục “Tiếu đàm phong vân”. (Ảnh: Tân Đường Nhân)

Bàng Quyên được trọng dụng, lập mưu tàn hại Tôn Tẫn

Chúng ta biết, vào năm 506 TCN Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư tấn công nước Sở. Khi Bàng Quyên và Tôn Tẫn xuống núi là khoảng năm 356 TCN, như vậy hai thời điểm cách nhau khoảng 150 năm. Sau khi Tôn Vũ đánh bại nước Sở, ông không nhận phong thưởng của Ngô Vương lúc đó, còn đem 13 thiên binh pháp do ông viết giao cho Ngô Vương.

Sau này Câu Tiễn đốt thành Cô Tô, cũng thiêu hủy bản binh pháp kia, nhưng nơi của Quỷ Cốc Tử còn lưu lại một bản sao, và truyền lại cho Tôn Tẫn. Khi Tôn Tẫn nhận được cuốn sách này, ngày đêm nghiền ngẫm đọc. Ông đọc trong ba ngày, đã thuộc lòng toàn bộ cuốn sách.

Bàng Quyên đến nước Ngụy, được Ngụy Vương phong làm tướng quân. Bàng Quyên đánh trận đúng là rất lợi hại. Nếu như chúng ta đọc “Sử ký – Lục quốc niên biểu”, năm 356 TCN có bốn quốc gia Tống, Lỗ, Vệ và Trịnh đến nước Ngụy để triều kiến, các quốc gia này đều bị Bàng Quyên đánh bại.

Sau đó Bàng Quyên lại ngăn chặn một lần tấn công của nước Tề. Trước mặt Ngụy Vương, Bàng Quyên rất có thể diện. Còn Tôn Tẫn hiện vẫn đang ở tại Quỷ Cốc, chờ ngày Bàng Quyên tiến cử mình.

Quỷ Cốc Tử có một người bạn tên là Mặc Địch, chúng ta biết, Mặc Tử là người sáng lập ra phái Mặc gia. Có một lần Mặc Tử và đồ đệ của ông là Cầm Hoạt Ly đến làm khách ở Quỷ Cốc, gặp và nói chuyện cùng Tôn Tẫn. Ông thấy rằng lời lẽ và thái độ khi nói chuyện của Tôn Tẫn rất tốt, và quả thực còn là người thấu hiểu binh pháp.

Mặc Tử hỏi Tôn Tẫn rằng, ngươi đã học được đến trình độ này, vì sao không ra làm quan? Tôn Tẫn đáp lại, con có một sư đệ tên là Bàng Quyên, giữa chúng con có một ước định, nếu như tương lai sư đệ phát đạt, đệ ấy sẽ tiến cử con. Mặc Tử nói, cậu ta hiện giờ rất đắc chí đó, thanh danh Bàng Quyên đã rất lớn rồi. Ta thay ngươi đi hỏi cậu ta một chút.

Vì vậy ông liền đi đến nước Ngụy. Sau khi Mặc Tử gặp Bàng Quyên, thấy Bàng Quyên vênh vang đắc ý, dương dương tự đắc, căn bản không có ý muốn sẽ tiến cử Tôn Tẫn.

Mặc Tử đã tự mình đi gặp Ngụy Vương, tiến cử Tôn Tẫn với Ngụy Vương. Ngụy Vương vừa nghe nói Tôn Tẫn và Bàng Quyên là bạn đồng môn, Bàng Quyên đã lợi hại như thế, Tôn Tẫn khẳng định cũng rất lợi hại. Ông hỏi Bàng Quyên rằng vì sao ngươi không bảo sư huynh của ngươi đến? Bàng Quyên thưa, sư huynh của thần là người nước Tề, thần là người nước Ngụy, thần e ngại sau khi sư huynh đến đây, không mưu tính cho nước Ngụy, mà mưu tính cho nước Tề trước.

Đây chính là lý do vì sao thần không dám gọi huynh ấy đến. Ngụy Vương cũng không phải là người hồ đồ, nói “Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ”, chỉ cần ta đối đãi với hắn thật tốt, hắn sẽ dốc sức cho nước Ngụy. Ngụy Vương viết một bức thư mời Tôn Tẫn đến nước Ngụy.

Trước khi Tôn Tẫn rời núi, Quỷ Cốc Tử nhìn thấy Tôn Tẫn đã thu xếp xong hành trang, cũng không nỡ ngăn cản. Ông nói với Tôn Tẫn rằng, bây giờ con đi rút một đóa hoa cho ta, ta dùng đóa hoa đó để gieo cho con một quẻ thử xem, giảng giải một chút về tiền đồ vận mệnh của con.

Tôn Tẫn ngay lúc ấy thấy trên bàn của Quỷ Cốc Tử có một bình đồng, trong bình đồng cắm một đóa hoa cúc. Tôn Tẫn đi tới, cầm hoa cúc nhấc lên, thưa với Quỷ Cốc Tử, xin sư phụ dùng đóa hoa cúc này gieo quẻ, sau đó đem hoa cắm lại vào bình như cũ.

Tiếu đàm phong vân,
Tranh vẽ Qủy Cốc Tử. (Ảnh: Tài sản công)

Quỷ Cốc Tử đã nói ra bốn tầng ý nghĩa.

Ông nói, thứ nhất đóa cúc này đã bị bẻ gãy rồi, không còn toàn vẹn, nhưng hoa cúc có tính chịu khí hàn, chịu qua sương giá mà không bị hư hỏng, cho dù bị sương đánh, hoa cúc cũng sẽ không rơi rụng, cho nên tuy có bị tổn hại, nhưng không phải đại hung, đây là điểm thứ nhất. 

Điểm thứ hai, hoa được cắm trong bình đồng, đồng được chúng ta dùng để đúc chuông và đỉnh, là những đồ dùng trong việc cúng tế rất long trọng hoặc là dùng đúc nhạc khí, nên tương lai tên của con sẽ được khắc trên chung đỉnh, nói cách khác con sẽ được lưu danh sử sách.

Điểm thứ ba, đóa hoa này trải qua hai lần đề bạt. Lần đầu bị người ta bẻ gãy rồi được cắm vào trong bình, sau đó Tôn Tẫn lần thứ hai rút nó từ trong bình ra rồi cắm trở lại, cho nên Quỷ Cốc Tử nói, hoa này trải qua hai lần đề bạt. Con xuống núi lần thứ nhất, sợ rằng cũng không như ý, cũng không thể thực hiện được hoài bão của con, hoặc là biểu hiện tài năng chân chính của con.

Điểm thứ tư, hoa này được đưa trở lại trong bình, tương lai đường công danh của con cuối cùng là ở quê hương con, tại nước Tề. Một động tác như vậy, rút ra một cành hoa lại cắm lại trong bình đồng, mà Quỷ Cốc Tử đã giảng ra bốn tầng ý nghĩa.

Tên thật ban đầu của Tôn Tẫn không phải là Tôn Tẫn, mà tên là Tôn Tân. Quỷ Cốc Tử nói rằng, ta muốn đổi tên của con, rồi thêm một chữ nguyệt (月) vào bên trái chữ Tân (宾), trở thành chữ Tẫn (膑). Chữ Tẫn có nghĩa là khoét đi xương đầu gối. Quỷ Cốc Tử đã biết trước Tôn Tẫn phải chịu hình phạt như thế, nhưng thiên cơ không thể tiết lộ, ông không nói rõ ra với Tôn Tẫn.

Tôi nghĩ điều này đã trả lời cho chúng ta vấn đề thứ ba và vấn đề thứ tư ở đoạn trên. Vấn đề thứ ba là vì sao Bàng Quyên không phải là người tốt, nhưng Quỷ Cốc Tử lại đem binh pháp truyền cho hắn ta? Vấn đề thứ tư chính là tên thật của Tôn Tẫn là gì? Tên thật của Tôn Tẫn là Tôn Tân, Quỷ Cốc Tử đem đổi thành Tôn Tẫn. Trên thực tế, việc nhận Bàng Quyên làm đồ đệ, hay việc Tôn Tẫn chịu hình phạt, đều là những việc đã được định trước trong số mệnh.

Tôn Tẫn sau khi rời núi thì đến nước Ngụy. Ngụy Vương thấy Tôn Tẫn thì thật cao hứng, chuẩn bị phong Tôn Tẫn làm Phó quân sư. Bàng Quyên tâu với Ngụy Vương rằng, Tôn Tẫn là sư huynh của thần, sao có thể để sư huynh làm trợ thủ cho thần được, thần đề nghị phong Tôn Tẫn làm Khách khanh.

Cái gọi là Khách khanh, là tương đương với cố vấn của chúng ta hiện nay, làm thần tử không chịu sự quản lý của Quốc quân, giống một người khách vậy. Quốc quân đối với người ấy rất tôn trọng, nhưng cũng không cấp cho người đó quyền lực thực tế. Bàng Quyên nói tương lai nếu như có một ngày, sư huynh của thần lập được chiến công, thần nguyện ý đem chức vị quân sư nhường lại cho huynh ấy. Lời của Bàng Quyên nói nghe thật hay, thế nhưng Tôn Tẫn đã không có được thực quyền, mà bị biến thành Khách khanh.

Bàng Quyên và Tôn Tẫn vốn là sư huynh đệ tốt với nhau. Khi cùng dùng bữa, Bàng Quyên hỏi Tôn Tẫn về binh pháp, Tôn Tẫn vừa nói, Bàng Quyên đã biết mình thua kém Tôn Tẫn rất xa. Ông hỏi Tôn Tẫn những binh pháp này từ đâu mà học được? Tôn Tẫn vốn thật thà, không hề phòng bị mà nói rằng đây là binh pháp sư phụ truyền cho ta, là do tổ tiên Tôn Vũ của ta viết ra.

Bàng Quyên nói, hồi ấy sư phụ cũng đã từng giảng cho đệ, có thể do đệ không dụng tâm, nên không học được, xin sư huynh có thể chép lại binh pháp kia hay không, đệ cũng muốn học. Tôn Tẫn đã đồng ý.

Bàng Quyên thấy rằng, cho dù mình và Tôn Tẫn học được binh pháp như nhau, thì Tôn Tẫn vẫn lợi hại hơn mình, nên ông ta nghĩ một biện pháp khiến cho Tôn Tẫn vĩnh viễn cũng không thể đoạt được thực quyền. Ông không thể để Tôn Tẫn phân chia sủng ái của Ngụy Vương cùng với mình được, ông liền nghĩ ra một kế nham hiểm độc ác.

Lời bạch: Bàng Quyên tìm người giả làm anh họ của Tôn Tẫn viết cho Tôn Tẫn một phong thư, hy vọng Tôn Tẫn có thể trở về nước Tề, tảo mộ cho phụ mẫu. Tôn Tẫn tin thật, đã viết thư hồi âm, nói rằng bản thân đã làm quan ở nước Ngụy, không tiện đi đến nước Tề ngay được, đợi đến khi lập được công lao, sẽ nghĩ cách về.

Bàng Quyên lấy được thư hồi âm, ông ta cho làm một lá thư giả mạo nét chữ của Tôn Tẫn, nói mình tuy rằng thân ở nước Ngụy, tâm vương vấn cố hương, chỉ cần Tề Vương không chê, sẽ nguyện ý tận sức vì nước Tề. Bàng Quyên lại khuyến khích Tôn Tẫn viết thư cho Ngụy Vương xin được về nước Tề tảo mộ, và nói bản thân mình rất được Ngụy Vương sủng ái và tin tưởng, chỉ cần nói tốt vài câu, việc Tôn Tẫn về nước Tề thăm và tảo mộ người thân cũng không thành vấn đề.

Sau khi biểu tấu của Tôn Tẫn được trình lên cho Ngụy Vương, Ngụy Vương rất giận dữ, nói rằng ta đối với Tôn Tẫn ngươi không tệ, ngươi lại luôn mong muốn quay về nước Tề. Bàng Quyên lại nói góp vài lời gièm pha rằng: Tài năng của Tôn Tẫn rất lớn, nếu như hắn ta giúp nước Tề, đây là mầm họa nguy hiểm cho việc tranh bá của nước Ngụy. Kết quả Ngụy Vương nảy sinh chủ ý giết người.

Bàng Quyên thưa hiện nay vẫn chưa thể giết Tôn Tẫn, chi bằng khoét đi xương đầu gối và xăm chữ lên mặt ông ta, như thế suốt đời ông ta sẽ không thể được nước khác chiêu mời nữa. Ngụy Vương đồng ý với kiến nghị của Bàng Quyên. Bàng Quyên trở về vẫn giả làm người tốt, nói với Tôn Tẫn rằng: Ngụy Vương rất tức giận, trách đệ khuyên huynh dâng biểu tấu nên đã hại huynh rồi.

Ngụy Vương giận dữ muốn giết huynh, đệ chỉ có thể ở một bên tận lực khuyên giải, kết quả Ngụy Vương đồng ý miễn tội chết. Nhưng pháp luật của nước Ngụy vẫn phải chấp hành, đành phải khoét đi xương đầu gối của huynh, sau đó xăm chữ lên mặt huynh.

Tôn Tẫn thở dài than, lúc ấy khi ta rời núi, sư phụ đã từng nói với ta bông hoa cúc đó tuy rằng có thương tổn, nhưng không phải là đại hung, dù sao thì bông hoa ấy vẫn đã bị bẻ gãy rồi. Tôn Tẫn nói xem ra hình phạt khoét xương đầu gối là không tránh được. Bàng Quyên đưa cho Tôn Tẫn mấy bình rượu, Tôn Tẫn uống rất nhiều rượu rồi say, sau đó đem xương đầu gối của Tôn Tẫn khoét đi.

Lúc ấy Tôn Tẫn đau đến ngất đi, Bàng Quyên dùng vải bố quấn lên đầu gối Tôn Tẫn, dĩ nhiên còn xăm chữ lên mặt ông. Sau đó mỗi ngày Bàng Quyên đem rượu và thức ăn ngon cho Tôn Tẫn, để Tôn Tẫn dưỡng thân thể. Qua một thời gian, Tôn Tẫn lúc này đã không thể làm Khách khanh được nữa, nên ông cũng không có tiền, những đồ ăn thức uống ông dùng đều do Bàng Quyên đem đến. Trong lòng Tôn Tẫn rất áy náy.

Một hôm Bàng Quyên nói, dù sao sư huynh không có việc gì làm, huynh có thể đem binh pháp Tôn Tử chép lại hay không? Tôn Tẫn đồng ý. Ông phải báo ân mà, ông cảm thấy Bàng Quyên đối với mình rất tốt. Nhưng lúc ấy tâm tình Tôn Tẫn không tốt, bỗng chốc đã trở thành tàn phế, thân thể cũng không khỏe. Sau khi khoét đi xương đầu gối, người không thể đứng lên được, ông ngồi cũng mệt, cho nên khi đó mỗi ngày Tôn Tẫn chủ yếu là nằm, thỉnh thoảng ngồi dậy, chỉ viết được mấy dòng binh pháp trên vài thẻ tre.

Cứ như vậy qua khoảng một tháng, có một hôm Bàng Quyên hỏi người hầu hạ Tôn Tẫn, người hầu này tên gọi là Thành Nhi. Bàng Quyên hỏi, Tôn Tẫn hiện nay mỗi ngày chép binh pháp, có thể viết được bao nhiêu? Thành Nhi trả lời, mỗi ngày đại nhân viết khoảng hai ba cái thẻ tre. Bàng Quyên nói, theo tốc độ này, đến khi nào có thể viết xong đây? Có vẻ rất tức giận. Thành Nhi rất lấy làm lạ, vì sao chủ nhân thúc giục gấp gáp đối với Tôn Tẫn đến như vậy?

Thành Nhi rất có tâm, đã lén lút hỏi người bên cạnh Bàng Quyên. Người kia đã nói với Thành Nhi rằng, ngươi còn không biết sao, chủ nhân bây giờ giữ lại mạng của Tôn Tẫn, là vì để ông ta viết lại binh pháp, một khi viết xong binh pháp ông ta sẽ bị đem giết. Người này tiện thể đem toàn bộ âm mưu nói với Thành Nhi.

Thành Nhi nghe xong lập tức trở về đem tin tức nói cho Tôn Tẫn. Tôn Tẫn trước giờ không hề nghĩ rằng Bàng Quyên sẽ làm hại mình, nhưng làm sao bây giờ đây? Quý vị nghĩ xem, xương đầu gối của ông cũng không còn, đúng không? Ông muốn đi cũng không đi được, chỗ nào cũng đều là binh lính của Bàng Quyên. Suốt một ngày mà Tôn Tẫn không nghĩ ra được biện pháp.

Sau đó ông đột nhiên nhớ ra, trước khi ông rời núi, Quỷ Cốc Tử đã từng cho ông một túi gấm, nói cho ông biết đến lúc cấp bách, lúc cùng đường, hãy mở túi gấm ra xem. Tôn Tẫn liền mở túi gấm, nhìn thấy bên trên viết ba chữ: “trá phong ma” (giả điên), đây là nói ông phải giả điên. 

(Còn tiếp)

Do Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo 
bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x