Tìm lại giấc mộng Đôn Hoàng (P.2): Đại chiến sa mạc – Sử thi hào hùng

Vệ Thanh
Vệ Thanh đã lập nhiều đại công trong các trận đánh ở Diêm Môn, Hà Nam, Mộ Nam và Định Tường. Ông được phong làm đại tướng quân, và lập nhiều kỷ lục mới đầy huy hoàng trong lịch sử chiến tranh nhà Hán. (Ảnh: The Epoch Times)

Thành Đôn Hoàng toạ lạc ngay tại trung tâm giao lưu văn hoá giữa phương Đông và phương Tây. Trong hàng ngàn năm lịch sử, nó được tôn vinh với nhiều mỹ danh như: Thánh địa Phật giáo, pháo đài quân sự, trọng trấn thương mại, thông đạo quan trọng của Hành lang Hà Tây, thành phố quốc tế giao thoa giữa Trung Nguyên và các nền văn hoá nước ngoài.

Khởi nguyên của các nền văn minh, ngọn nguồn của mơ ước đều có xuất phát điểm là từ chiến công khai phá Tây Vực của Trương Khiên thời nhà Hán. Vốn dĩ đây là hành động chiến lược quân sự, nhưng vô tình lại đặt nền móng cho việc khám phá Tây Vực của Trung Nguyên.

Sứ thần Trương Khiên, tuy không thể hoàn thành sứ mệnh được giao phó, nhưng lại thành tựu được những ý nghĩa to lớn hơn về thương mại, văn hoá và tín ngưỡng. Quỹ đạo phát triển của lịch sử luôn xuất hiện những điều nằm ngoài dự liệu của con người, nhưng cũng lại là những sắp đặt tinh tế từ trong cõi vô minh.

Trang lịch sử tiếp theo, vẫn phải giao cho Hán Vũ Đại Đế viết tiếp. Với khát vọng khai phá Hà Tây, ông đã tuyển mộ nhiều tướng giỏi, huấn luyện tinh binh, phát động nhiều cuộc đại chiến với người Hung Nô. Tuyến đường trọng yếu dài và hẹp đó cũng hết lần này đến lần khác chứng kiến tài thao lược túc trí đa mưu, tài dụng quân như Thần của các đấng nam nhi nhà Hán.

Đại chiến Hà Tây

Trong mười mấy năm Trương Khiên đi Tây Vực, Hán Vũ Đế hùng tài đại lược vẫn luôn ấp ủ kế hoạch xua đuổi người Hung Nô. Sự kiện Mã Ấp Chi Mưu vào năm Nguyên Quang thứ hai (năm 133 TCN) chính là bước ngoặt trong mối quan hệ Hán-Hung từ thế hoà sang thế chiến. Đồng thời, Hán Vũ Đế đã tiến hành cải cách chính trị, cắt giảm quyền lực trong tay chư hầu, huấn luyện binh sĩ, chuẩn bị chiến mã, v.v.

Ngoài ta, Hán Vũ Đế còn có tài nhìn người, phong cho hai chiến thần Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh làm Đại tướng. Trận đại chiến Hán-Hung sắp xảy ra, nhà Hán cũng sắp sửa mở ra thời kỳ hoàng kim, uy danh lẫy lừng, bốn bề quy phục.

Đôn Hoàng
Chiến tranh sắp nổ ra, Hán Vũ Đế đã tiến hành cải cánh chính trị, mạnh tay cắt
giảm quyền lực trong tay chư hầu, huấn luyện binh sĩ, chuẩn bị chiến mã, v.v.
Ông còn sáng suốt phong cho hai chiến thần Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh làm
Đại tướng. Hình ảnh tranh bích hoạ thuần hoá ngựa trong Hang 290 thuộc Hang
Mạc Cao – Đôn Hoàng. (Ảnh: Tài sản công)

Vào năm Nguyên Quang thứ tư (năm 129 TCN), Hung Nô một lần nữa gây hấn tại phương bắc của nhà Hán. Thế là Hán Vũ Đế đã tổ chức cuộc phản công quy mô lớn lần đầu tiên nhắm vào Hung Nô. Ông triệu kiến các tướng lĩnh già trẻ gồm Vệ Thanh, Công Tôn Hạ, Công Tôn Ngạo, Lý Quảng đến họp bàn.

Sau đó, ông quyết định triển khai chiến lược phân binh đột kích, hạ lệnh cho bốn tướng mỗi người thống lĩnh một đại quân, dọc theo bốn hướng tiến thẳng đến biên cương, để giáng cho quân Hung Nô một đòn thật nặng.

Có thể nói, đây là một trận đại chiến buồn vui lẫn lộn. Bốn lộ đại quân, một lộ quay về mà không lập được công trạng gì, hai lộ thất bại, khiến Hán Vũ Đế vô vùng buồn lòng. Chỉ có đội xa kỵ của tướng quân Vệ Thanh giành được chiến thắng. Vệ Thanh không áp dụng chiến lược lúc đầu, mà ông cho kỳ binh trực tiếp vào quấy phá Long Thành, thánh địa cúng tế của Hung Nô.

Chiến tích đầu tiên của ông là bắt được 700 tù binh Hung Nô. Đây cũng chính là sự kiện chiến thắng Long Thành vang danh thiên hạ, Vệ Thanh nhờ đó mà thành danh, vì lập chiến công nên được phong làm Quan Nội Hầu.

Trước sức phản công mạnh mẽ của quân Hán, Hung Nô cũng điên cuồng triển khai một kế hoạch báo thù. Vệ Thanh sau khi liên tiếp lập được chiến công to lớn trong trận chiến Nhạn Môn, trận Hà Nam Địa, trận Mạc Nam và trận Định Tương, ông được thăng chức làm Đại tướng quân và nhiều lần lập kỷ lục huy hoàng trong lịch sử chiến tranh của quân Hán.

Cháu ngoại của Vệ Thanh là Hoắc Khứ Bệnh chỉ mới 17 tuổi, cũng là tướng sĩ dũng mãnh nhất ba quân trên chiến trường, sau trở thành một trong những vị tướng kiệt xuất nhất của Hán triều.

Trương Khiên từ Tây Vực trở về, tiếp tục bắt tay vào hành trình mới phát triển đất nước. Vì am hiểu sâu sắc đặc điểm tác chiến và hành quân trên sa mạc của Hung Nô, Trương Khiên một lần nữa đến Tây Vực để làm dẫn đường cho quân Hán.

Ông chỉ dẫn tuyến đường hành quân và lập các phương án bày binh bố trận. Những kiến thức của Trương Khiên học được ở Tây Vực càng khiến Hán Vũ Đế ý thức được vị trí chiến lược của Hành lang Hà Tây. Vì vậy, ông quyết định phát động một chiến dịch mới – Chiến dịch Hà Tây. Nếu thành công, nó sẽ giúp khai thông và kiểm soát được con đường duy nhất đến đi tới Tây Vực.

Đôn Hoàng
Vì Đôn Hoàng nằm ở cực tây của Hành lang Hà Tây nên nó trở thành căn cứ
phòng thủ và tấn công tốt nhất trong chiến tranh biên giới. Cảnh tượng công phá
thành trong trận đồ An Lạc Hành cuối đời nhà Đường trong hang 12 thuộc Hang
Mạc Cao – Đôn Hoàng. (Ảnh: Tài sản công)

Nếu giành chiến thắng trong trận đánh này, nhà Hán không chỉ đạt mục tiêu chặt đứt “cánh tay phải” của Hung Nô, mà còn chiếm được cứ điểm quan trọng để giao lưu với các nước phương Tây. Trong chiến dịch này, vị tướng dũng mãnh thiện chiến Hoắc Khứ Bệnh đã trở thành ứng cử thống lĩnh phù hợp nhất trong lòng Hán Vũ Đế.

Vào đầu xuân năm 121 TCN, Hoắc Khứ Bệnh mới chỉ 20 tuổi đã làm Phiếu kỵ tướng quân, thống lĩnh một vạn đại quân, từ Ô Sao Lĩnh xuất chinh đến Hành lang Hà Tây. Sau đó, tiến hành sách lược đột kích cấp tốc, đưa quân đi sâu hơn một ngàn dặm vào lãnh thổ của Hung Nô. Trong sáu ngày đại chiến, năm bộ lạc của Hung Nô bị quét sạch.

Hoắc Khứ Bệnh lại đưa quân vượt qua núi Yên Chi, đi tiếp 500 km, bách chiến bách thắng, tiêu diệt gần 9,000 kẻ địch, xử trảm Chiết Lan Vương, Lư Hầu Vương, bắt giữ Hồn Tà Vương Tử cùng nhiều tướng quốc, đô uý của địch.

Hai tướng đang trấn thủ ở Hà Tây là Hưu Đồ Vương và Hỗn Tà Vương, đã dẫn nhóm tàn quân bỏ chạy. Hoắc Khứ Bệnh tiếp tục truy đuổi đến tận Đôn Hoàng. Vì Đôn Hoàng nằm ở cực tây của Hành lang Hà Tây, nên nó đã trở thành điểm xuất phát từ Trung Nguyên tiến vào Tây Vực.

Cộng thêm địa hình núi đồi và ốc đảo được thiên nhiên ban tặng, nó bắt đầu đóng vai trò quan trọng làm căn cứ phòng thủ và tấn công tốt nhất trong chiến tranh biên giới. Chiến lược mở rộng lãnh thổ của Hán Vũ Đế khiến vùng đất vô danh này nhanh chóng trở thành một trấn địa quân sự quan trọng.

Thành lập quận Đôn Hoàng

Vì muốn vây đánh quân chủ lực của Hung Nô, Hán Vũ Đế lại lên kế hoạch cho một đợt phản công mới. Ông áp dụng sách lược tác chiến lưỡng tuyến, ra lệnh cho Hoắc Khứ Bệnh thống lĩnh đại quân chủ lực lần nữa, từ phía tây đi vòng vào hậu phương của Hung Nô.

Sau đó, hợp lực với quân của tướng Công Tôn Ngạo tấn công ở phía đông, kẹp Hung Nô từ hai bên quanh hành lang Hà Tây. Bác Vọng Hầu Trương Khiên và Phi tướng quân Lý Quảng mỗi người dẫn theo một nhánh quân phụ trách chặt đứt quân chi viện của Hung Nô.

Đôn Hoàng
Hán Vũ Đế áp dụng sách lược tác chiến lưỡng tuyến, mệnh lệnh cho Hoắc Khứ
Bệnh thống lĩnh đại quân chủ lực lần nữa, từ phía tây đi vòng vào hậu phương
của Hung Nô. Sau đó, hợp lực với quân của tướng Công Tôn Ngạo tấn công ở
phía đông, kẹp Hung Nô từ hai bên quanh hành lang Hà Tây. (Ảnh: Epoch
Times)

Mùa hè năm đó, quân Hán thừa thắng xông lên, Hung Nô cũng phái hàng vạn đại quân ra nghênh chiến. Đại chiến Hà Tây giữa Hán triều và Hung Nô nhanh chóng đẩy lên cao trào. Ba lộ quân phò trợ của Hán triều lại tiếp tục gặp phải vô vàn khó khăn.

Điều đáng mừng là Hoắc Khứ Bệnh đã điều chỉnh kế hoạch tác chiến khi gần ra trận, đích thân thống lĩnh kỵ binh tinh nhuệ đi sâu vào hậu phương của địch hơn một ngàn km. Lần này, Hoắc Khứ Bệnh đã một mình hoàn thành trọng trách đánh đuổi kẻ địch ra khỏi Hà Tây.

Những chiến binh nhà Hán mang theo tinh thần xả thân báo quốc, đột nhập vào lãnh địa của Hưu Đô Vương và Hồn Tà Vương, nhanh như chớp phát động một trận quyết chiến sinh tử trên sa mạc Gobi.

Ở dưới núi Kỳ Sơn có đội quân Hung Nô nổi tiếng là dũng mạnh cường hãn, vẫn không kịp trở tay trước sức tấn công cực kỳ mạnh mẽ của quân nhà Hán, nên thua một cách thê thảm. Hoắc Khứ Bệnh tiêu diệt hơn ba vạn kẻ địch trong một trận chiến, bắt giữ hơn 70 tông thất của Hung Nô, hàng phục hơn 2,000 quan viên gồm nhiều tướng quốc và đô uý.

Chiến dịch Hà Tây đại thắng, làm tổn hại nặng nề ba phần mười binh lực của Hung Nô, Hồn Tà Vương đầu hàng, bốn vạn quân quy phục, khiến Hung Nô không còn khả năng xâm phạm biên giới Tây bắc của Hán triều. Đồng thời, giúp nhà Hán mở rộng bờ cõi ra đến toàn bộ Hành lang Hà Tây, bao gồm khu vực phía đông hồ Thanh Hải và khu vực đông bắc của núi Kỳ Liên.

Từ năm 121 TCN đến năm 101 TCN, Hán Vũ Đế thiết lập bốn quận từ phía Tây đến phía đông hành lang Hà Tây gồm Vũ Uy, Trương Dịch, Tửu Tuyền, Đôn Hoàng. Kể từ đây, Đôn Hoàng chính thức ghi tên mình vào sử sách.

Ngũ Đài Sơn Đồ
Một phần bức bích hoạ” Ngũ Đài Sơn Đồ” thời Ngũ Đại trong Hang 61 thuộc
Hang Mạc Cao – Đôn Hoàng. Bức tranh phác hoạ cổng phía đông của thành
Thái Nguyên trên đường Hà Đông. (Ảnh: Tài sản công)

Mặc dù đã bị chặt đứt cánh tay phải, nhưng triều đình của Hung Nô vẫn chưa bị tiêu diệt hẳn. Năm Nguyên Thú thứ ba (năm 120 TCN), hàng vạn binh lính Hung Nô xâm chiếm biên cương nhà Hán ở phía đông. Hán Vũ Đế sau hơn một năm chuẩn bị, đã phát động trận chiến Mạc Bắc.

Đây là cuộc viễn chinh quy mô lớn mang tính huỷ diệt với khoảng cách hành quân dài nhất, lập chiến tích lẫy lừng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Hai tướng lĩnh Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh dũng mãnh thiện chiến đã thống lĩnh mười vạn kỵ binh, mấy chục vạn bộ binh cùng quân vận, đánh thẳng vào đại bản doanh của Hung Nô.

Đại quân của Hoắc Khứ Bệnh sau khi quét sạch quân chủ lực của Hung Nô, đã đánh đuổi họ đến tận thắng địa của Hung Nô ở núi Lang Cư Tư, lập xong đàn tế trời tại đó rồi mới quay về. Trận chiến này đã triệt để lật đổ đế quốc Hung Nô, giải trừ mối lo biên cương đã de doạ Hán triều hàng trăm năm qua. Từ đó, Hán triều uy chấn Tây Vực, “vương triều ở Mạc Nam sụp đổ”.

Sau khi Hán Vũ Đế hoàn toàn kiểm soát Hành lang Hà Tây, ông coi đây là “cánh tay bên nách” của nhà Hán, tiếp tục bài binh bố trận phòng thủ, đồng thời phái thêm một lượng lớn binh lính đến trấn giữ biên cương. Đến cuối thời Tây Hán, Đôn Hoàng từ vai trò là lá chắn bảo vệ biên giới Trung Nguyên, đã phát triển thành thị trấn có hơn 11,000 hộ với dân số trên 38,000 người.

Từ một đồng cỏ tự nhiên chỉ có dân du mục sinh sống, bắt đầu từ thời nhà Hán, Hành lang Hà Tây như được ban cho phép màu, trở nên nhộn nhịp hơn khi có người Hán đến làm chủ. Ở đó, các sắc tộc hoà trộn với nhau, văn hoá đa dạng, sinh cơ bừng bừng. Trong bối cảnh giao thoa giữa các nền văn minh, quận Đôn Hoàng cũng chuẩn bị chào đón một thời kỳ thái bình, thịnh vượng.

Khai thông Tây Vực

Chuyến đi Tây Vực của Bác Vọng Hầu Trương Khiên không chỉ mang lại cho Hán triều những thông tin toàn diện về các nước phương Tây, mà còn cung cấp sách lược quý giá để khai thông Tây Cực. Nhà Hán đã tặng nhiều lễ vật, tuyên dương đạo nghĩa… để gây dựng quan hệ hoà hảo với các nước phương Tây, khiến họ đều trung thành và quy phục.

Thế là, trong lòng Hán Vũ Đế đã phác hoạ một bản cảnh tượng vĩ đại và lâu dài về thời kỳ thịnh thế: mở rộng biên cương ra vạn dặm, thông qua chín loại phiên dịch, kêu gọi những người ngoại tộc có tập quán khác nhau vào thành Trường An, truyền bá khắp tứ hải năm châu về uy nghi và đức hạnh của Thiên tử nhà Hán.

Trương Khiên Đi Sứ Tây Vực
Hình ảnh Trương Khiên Đi Sứ Tây Vực trong tranh sử tích
Phật giáo trên bức tường phía bắc Hang 323 thuộc Hang
Mạc Cao – Đôn Hoàng. Bức hoạ miêu tả cảnh Trương
Khiên trèo đèo lội suối, đi đến Đại Hạ quốc. (Ảnh: Tài sản
công)

Lý tưởng này của Hán Vũ Đế càng trở nên rõ ràng hơn sau trận chiến Hà Tây. Kiểm soát Hành lang Hà Tây đồng nghĩa với việc sở hữu chìa khoá mở ra cánh cổng đến Tây phương. Khi đó, ông còn lên ý tưởng chiến lược quan trọng nữa là liên kết với nước Ô Tôn ở Tây Vực, chặt đứt cánh tay phải của Hung Nô. Vì vậy, năm Nguyên Thú thứ tư (năm 119 TCN), Hán Vũ Đế tiếp tục trọng dụng Trương Khiên, phái ông đi sứ Tây Vực lần thứ hai.

Khác với lần đầu tiên, lần này Trương Khiên lãnh đạo sứ đoàn 300 người, mang theo vô số những vật phẩm quý giá của Hán triều như tơ lụa, lá trà, đồ gốm, v.v. Mặc dù trên đường vẫn gặp phải nhiều gian nan trắc trở, nhưng trong đầu họ đã vẽ ra một tuyến đường chính xác và không phải lo lắng bị ngoại tộc tấn công.

Sau khi đến được nước Ô Tôn, đoàn sứ giả được quốc vương Côn Mạc tiếp đón thịnh tình. Nhưng vì nước Ô Tôn xảy ra chia rẽ nội bộ, Côn Mạc không thể nào nắm toàn quyền đất nước, không thể đưa ra bất cứ lời hứa liên minh nào cả.

Lần này, Trương Khiên vẫn không thể hoàn thành sứ mệnh quân sự, nhưng ông lại có cống hiến to lớn hơn trong việc khai thông Tây Vực. Từng nhóm phó sứ từ nước Ô Tôn khởi hành, tay cầm Hán tiết tiếp tục đi về hướng tây, chia nhau đi đến các nước như Đại Uyển, Khang Cư, Đại Nguyệt Thị, Đại Hạ, An Tức (nay thuộc vùng Iran), Thân Độc (Ấn Độ ngày nay), v.v. Phái đoàn đi đến đâu cũng đều dâng lên chỉ dụ của Thiên tử nhà Hán và truyền bá văn minh Hán triều.

Bốn năm sau, Trương Khiên quay trở về nước. Quốc vương nước Ô Tôn đã đặc biệt phái người thông dịch và chỉ đường đi cùng, hộ tống đoàn sứ giả võng ngựa vinh quy. Ngoài ra, họ còn phái sứ giả đến cảm tạ Hán triều, và cũng là để khảo sát thực lực và diện mạo của Hán triều. Mấy vị sứ thần nước Ô Tôn sống lâu năm ở Tây Vực, đã vô cùng kinh ngạc trước sự phồn hoa và thịnh vượng của thành Trường An, cảm phục trước thần thái và khí chất của quân thần Hán triều.

Công phá thành trong trận đồ An Lạc Hành thuộc hang Mạc Cao
Một phần bức “Phúc Điền Kinh Biến” thời Bắc Chu trong hang 296 thuộc Hang Mạc Cao – Đôn Hoàng. Bức hoạ miêu tả đoàn thương nhân đang vội vàng lên đường. (Ảnh: Tài sản công)

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử có sự xuất hiện của người Tây Vực tại vương triều Trung Nguyên. Sứ đoàn Tây Vực về nước đã kể lại những điều mắt thấy tai nghe, miêu tả chi tiết lãnh thổ rộng lớn, bách tính sung túc, tài vật phong phú của Hán triều. Nghe xong, quốc vương nước Ô Tôn đã thực sự tâm phục khẩu phục đế quốc hưng thịnh ở phương Đông này.

Những con đường mà Trương Khiên đi từ Trường An đến Tây Vực, càng ngày càng có nhiều người qua lại. Sau khi nhà Hán đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao với các nước ở Tây Vực, sứ thần của phương Đông và phương Tây đi lại tấp nập, sự giao lưu văn hoá và kinh tế cũng từ đó mà ngày một nhiều hơn.

Sản vật và văn hoá Trung Hoa không ngừng lan truyền sang phương Tây, các môn nghệ thuật của Tây Vực như vũ đạo, âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, v.v cũng truyền vào Trung Nguyên. Các loại rau củ quả quen thuộc ngày nay như nho, cà rốt, trái lựu, cả những loài vật như lạc đà, sư tử, đà điểu, v.v cũng theo con đường này mà du nhập vào Trung Nguyên.

Sau chuyến viếng thăm Tây Vực của Trương Khiên, việc giao lưu Đông – Tây dần mở rộng thành quan hệ giao lưu quốc tế. Các nước phương Tây như An Tức, Ô Tôn, Đại Uyển, Hoan Tiềm, Xa Sư, Đại Ích, v.v lần lượt phái sứ thần đến gặp Hán đế và dâng tặng cống phẩm.

Còn Hán triều hàng năm đều phái các đoàn sứ thần lớn, ít thì một trăm người, nhiều thì vài trăm người, mang theo một lượng lớn các sản vật của Hán triều đến Tây Vực. Ngoài ra, các sứ thần nhà Hán đều lấy danh nghĩa Bác Vọng Hầu để có được sự tín nhiệm của nước khác. Đây cũng nói lên công lao vĩ đại của Trương Khiên.

“Sử Ký” ca tụng việc Trương Khiên hai lần đi sứ Tây Vực là hành trình “tạc không”, tức là từ không đến có, mang ý nghĩa là mở ra một con đường mới. Hoạt động ngoại giao vốn dĩ chỉ liên quan đến chính trị và quân sự, nhưng đã vô tình xây nên cầu nối thông thương và giao lưu văn hoá rộng rãi giữa phương Đông và phương Tây.

Trương Hiến Nghĩa thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x