Về với trí tuệ của các bậc cổ Thánh tiên hiền, chúng ta sẽ tìm thấy lối thoát cho bản thân, cho nhân loại, đó là: tự xét lỗi mình, từ đó quay về với các giá trị đạo đức truyền thống kính Trời lễ Phật, ước thúc bản thân, phục hồi đạo đức. Hay như ngày nay người ta vẫn nói: “Chỉ cần bạn lương thiện, trời xanh tự có an bài”.
Trung Quốc – nơi xảy ra nhiều dịch bệnh
Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán hay còn gọi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ đầu năm 2020, sau đó rất nhanh chóng lan ra hầu hết các khu vực trên thế giới. Số lượng người nhiễm bệnh và số lượng người tử vong tăng lên từng ngày khiến cả thế giới kinh hoàng.
Tính đến ngày 6 tháng 2 năm 2020, Trung Quốc đã phải phong tỏa Vũ Hán, sau đó nhanh chóng ban lệnh phong tỏa ra khắp 36 thành phố, thậm chí Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải nhận trách nhiệm vì có “các sai sót và khó khăn trong phản ứng với dịch bệnh”.
Ở Trung Quốc, dịch bệnh đã trở thành thảm họa khi vượt quá sự kiểm soát của chính phủ, khả năng của hệ thống y tế và nguồn tài lực, nhân lực, vật lực của quốc gia, khiến lãnh đạo ĐCSTQ Trung Quốc phải “hạ mình” kêu gọi sự trợ giúp quốc tế, đặc biệt là sự trợ giúp từ “kẻ thù lớn nhất” là Hoa Kỳ.
Có một câu hỏi mãi vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng, đó là tại sao trong những năm gần đây, hầu như các loại dịch bệnh nguy hiểm đều nhắm vào Trung Quốc, chẳng hạn như: dịch bệnh SARS, cúm gia cầm H5N1, H1N1, bệnh dịch lợn, bệnh dịch bò, bệnh dịch hạch, bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Brucella… và hiện nay là dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Chính vì chưa tìm ra nguyên nhân gốc rễ của các dịch bệnh nên mặc dù trong thế kỷ 20 và 21, khi các thành tựu khoa học y tế phát triển đến đỉnh cao, khi các loại thuốc mới, vaccine mới liên tiếp xuất hiện, nhưng dịch bệnh chẳng vì thế mà giảm bớt; trái lại, xuất hiện ngày càng nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có nhiều loại bệnh dịch cũ nhưng do các chủng virus biến thể gây ra. Và y học hiện đại lại hớt hải chạy theo để xử lý dịch bệnh bằng những sản phẩm Vaccine mới.
Những hiện tượng bí ẩn xảy ra trong dịch bệnh
Hiện nay các quốc gia đều tăng cường các biện pháp phòng chống, cách ly, thậm chí cấm người vùng dịch bệnh nhập cảnh, cách ly người lây nhiễm… Rõ ràng các biện pháp đó có thể giảm thiểu, nhưng không thể hoàn toàn ngăn chặn được dịch bệnh vì cơ chế lây lan dịch bệnh hiện nay vẫn còn gây tranh cãi. Ví dụ, dịch đại dịch cúm bùng phát ở Mỹ năm 1918, phải mất 3 tuần mới truyền từ Boston đến New York, trong khi đó đại dịch này xảy ra ở Ấn Độ chỉ sau Mỹ khoảng một, hai ngày.
Hoặc như bệnh dịch hạch lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ 5 TCN, xảy ra ở Ấn Độ; 600 năm sau, đến thế kỷ thứ 1, bệnh dịch hạch xảy ra ở Bắc Phi, và đến năm 540, dịch bệnh này lại bùng phát ở Đế quốc La Mã khiến 16.000 người tử vong mỗi ngày, chỉ riêng dân số La Mã ở Địa Trung Hải đã chết mất 25 triệu người.
Thời nhà Minh, Trung Quốc, vào năm 1633, bệnh dịch hạch khởi nguồn ở Sơn Tây, đến năm 1641 thì lan đến Bắc Kinh. Năm đó lại xảy ra đại hạn, nạn châu chấu, mất mùa, lại thêm cả dịch bệnh khiến 60% người dân thiệt mạng. Sử sách ghi chép: “Ngoài đường người chết đói ngổn ngang, người chết chỉ được chôn bằng manh chiếu”. Cũng trong năm đó, quân Thanh tiến vào Trung Nguyên, Thuận Trị đăng cơ xưng đế. Điều kỳ lạ là quân đội nhà Thanh đi đến đâu thì bệnh dịch rút hết đến đó, và binh lính nhà Thanh cũng không ai bị nhiễm bệnh.
Hiện nay, phương pháp hữu hiệu nhất là cách ly người bị dịch bệnh, vùng bị dịch bệnh để tránh lan rộng. Tuy nhiên, trong quá khứ vẫn có rất nhiều người không phòng hộ, sống chung với người bệnh, thậm chí tiếp xúc thân cận mà vẫn không mắc bệnh.
Đại dịch bệnh lần thứ tư ở La Mã là bệnh dịch hạch xảy ra vào thời kỳ thống trị của Justinianus năm 541, sử sách gọi là “Dịch hạch Justinianus”. Người trải qua đại dịch đó là Iva Griels – nhà sử học đương thời. Ông đã viết rằng:
“Có người chạy trốn khỏi thành phố bị lây nhiễm, bản thân họ cũng rất mạnh khỏe, nhưng họ lại đem dịch bệnh lây truyền đến quần thể người chưa mắc bệnh. Cũng có một số người thậm chí sống cùng với những người nhiễm bệnh, họ không những không bị lây bệnh, thậm chí có người còn tiếp xúc với những người chết, nhưng họ hoàn toàn không bị lây nhiễm”.
Những loại người khiến dịch bệnh tránh xa
Ngoài những chi tiết kể trên, còn có rất nhiều những hiện tượng kỳ lạ được ghi nhận trong các đại dịch của lịch sử. Xem ra dịch bệnh bạo tàn có thể “đột phá” vòng cách ly, “siêu vượt” khoảng cách xa hàng ngàn hàng vạn dặm, nhưng lại né tránh một số loại người. Đó là những loại người nào? Chúng ta cùng xem xét hai câu chuyện dưới đây.
Tà không xâm phạm được chính, dịch bệnh chẳng hại được bậc đại nhân đại nghĩa
Trong thời kỳ Bắc Ngụy đến những năm đầu triều Tùy, vùng Mân Châu Trung Quốc (thuộc Cam Túc ngày nay) chưa được khai hóa văn minh, chính vì vậy dân chúng rất sợ hãi đối với “dịch bệnh”. Nếu trong nhà có một người mắc bệnh thì bị cả gia đình xa lánh hắt hủi thậm chí bỏ lại, chẳng kể gì đến tình thân hay luân thường đạo lý nữa.
Vì người bệnh không có người chăm nom nuôi dưỡng, nên thường là chỉ có một con đường chết. Phong tục hủ lậu bạc bẽo này đã hoàn toàn thay đổi sau khi một người đến vùng Mân Châu, đó chính là viên quan hiền năng Tân Công Nghĩa.
Tân Công Nghĩa sinh ra ở Bắc Triều, có thể nói là xuất thân từ gia tộc “Thứ sử”. Ông nội của ông là Tân Huy làm Thứ sử Từ Châu của Bắc Triều. Phụ thân là Tân Quý Khánh làm Thứ sử Thanh Châu. Nhưng Tân Công Nghĩa lại sớm mồ côi cha. Mẫu thân của ông là người có học thức phong phú, đã dạy bảo ông học tập các kinh điển, sử, truyện.
Tân Công Nghĩa chuyên cần khắc khổ học tập, rất nổi tiếng dưới triều Bắc Chu, vì vậy ông được tuyển chọn vào Thái học. Sau đó ông lại được tuyển chọn vào Cam Lộ Học – trường chuyên giáo dục cho các Hoàng thái tử và con em quý tộc. Những người cùng học trong Thái học rất ngưỡng mộ học vấn của ông. Rất nhiều lần ông luận đàm học vấn cùng các bậc đại Nho trước mặt vua. Những kiến giải của ông thường khiến mọi người thán phục.
Sau này khi làm quan triều nhà Tùy, Tân Công Nghĩa được đề bạt làm Chủ khách Thị lang, được ban tước vị Nam tước huyện An Dương, thực ấp 200 hộ.
Năm Khai Hoàng thứ nhất, Tân Công Nghĩa đến Giang Lăng để an định biên cương. Ông là một viên quan hiền năng văn võ song toàn nên đã bình định được triều Trần, chiến công ấy khiến ông được bổ nhiệm làm Thứ sử Mân Châu.
Đến Mân Châu, Tân Công Nghĩa cảm thấy rất lo lắng vì phong tục “sợ bệnh” của người dân, và càng lo nghĩ hơn khi thấy người dân không có luân thường đạo lý, chẳng hiểu đức hiếu, nghĩa. Vì vậy ông dốc sức muốn cải thiện thay đổi những phong tục bất chính này. Ông phái một số quan thuộc cấp đi thị sát khắp các nơi trong châu, chỉ cần tìm thấy người mắc bệnh liền dùng kiệu đưa về công đường, là nơi làm việc của Thứ sử. Tân Công Nghĩa còn sắp xếp phòng ăn làm chỗ ăn nghỉ cho người bệnh.
Mùa hè, khi bệnh dịch hoành hành, số người bệnh lên đến con số hàng trăm, nơi nghỉ dưỡng của bệnh nhân ở phòng ăn trong công đường đều đã dùng hết. Tân Công Nghĩa đặt một chiếc chõng gấp có thể nằm hoặc ngồi ở phòng ăn và ở đó đêm ngày cùng người bệnh, vừa làm việc vừa trông nom người bệnh, mệt thì nằm ngủ trên chõng.
Ông dùng toàn bộ bổng lộc của mình mua thuốc men, tìm thầy thuốc chữa trị cho bệnh nhân. Ông còn đích thân khuyên bảo động viên người bệnh ăn uống. Cứ như thế, những người bệnh ở công đường của ông đều khỏi bệnh hoàn toàn.
Lúc này, ông triệu tập người thân của những người bệnh đến, khuyên bảo họ rằng: “Sống chết do mệnh, chứ không liên quan đến tiếp xúc qua lại lẫn nhau. Trước kia vì mọi người bỏ rơi người thân mắc bệnh, do đó họ mới chết. Mọi người xem, tôi đã đưa bệnh nhân tập trung cả lại đây, ngày đêm tôi sống cùng với họ. Nếu nói bệnh dịch ở nhân gian lây nhiễm, sao tôi không bị chết? Hơn nữa những người bệnh này giờ đều đã khỏi hẳn rồi, mọi người chớ tin vào truyền thuyết phong tục xưa nữa”.
Con cháu những người bệnh đều cảm thấy rất hổ thẹn, tới tấp khấu đầu tạ ân rồi đưa người nhà trở về.
Sau này, mỗi khi có người mắc bệnh là người ta lại tìm đến “mẹ hiền” Tân Công Nghĩa. Ông thu nhận những người không có gia quyến và chăm sóc họ. Người Mân Châu từ đó biết yêu thương nhau, phong tục sợ bệnh dịch, bỏ trốn cũng đã bị diệt trừ hoàn toàn.
Đức “Hiếu” cảm động Trời Đất
Bệnh dịch đã tránh xa người đại nghĩa, biết xả thân để cứu trăm họ. Vậy với người có hiếu thì sao? Xin hãy xem câu chuyện dưới đây.
Tháng 3 năm Thuận Trị thứ 11 (năm 1654), khu vực Thành Đông của kinh thành xảy ra đại dịch. Dịch bệnh phát triển nhanh chóng qua lây nhiễm. Có những gia đình chết hết toàn bộ nhân khẩu, có những con ngõ chỉ còn lại vài người sống sót. Mọi người đều cảm thấy kinh sợ, thân tâm đều run rẩy. Ai nấy đều tránh xa khu vực Thành Đông, không dám đi qua, thậm chí người thân thiết nhất cũng không dám đến thăm hỏi bệnh tình của bệnh nhân.
Con dâu gia đình họ Cố ở Thành Đông là Tiền thị – vợ của Hùng Lễ. Trước khi dịch bệnh hoành hành, cô có việc về nhà mẹ đẻ. Rồi khi ở đó, cô nghe nói bố mẹ chồng bị nhiễm bệnh dịch, sau đó lây sang các con. Cả nhà có 8 người bệnh tình nghiêm trọng, nằm bẹp trên giường, chỉ biết phó mặc cho mệnh Trời.
Tiền thị biết tin lập tức muốn về ngay, nhưng cha mẹ cô không đồng ý. Tiền thị nói với cha mẹ rằng: “Người ta lấy vợ vốn là để phụng dưỡng cha mẹ. Giờ đây, cha mẹ chồng bị bệnh nặng như thế này mà con không về, như thế khác gì cầm thú đâu?”
Cha mẹ khuyên can thế nào đi nữa cũng không ngăn được, Tiền thị một mình lên đường về nhà chồng.
Người con dâu hiếu thuận này đã nhanh chóng về đến nhà. Khi cô vừa bước vào nhà thì ông Cố bỗng nhiên nghe thấy tiếng quỷ nói: “Chúng Thần đều bảo hộ cô con dâu hiếu thuận này trở về, chúng ta mau chóng trốn đi, nếu không sẽ bị trừng phạt không nhẹ đâu”.
Thế là bệnh dịch của cha mẹ chồng cô và cả nhà đều khỏi hẳn. Y học gia nghiên cứu bệnh dịch có thành tựu đời Thanh là Lưu Khuê (hiệu Tùng Phong) nói: “Tà không thể xâm phạm chính được, hiếu có thể cảm động Trời, quả đúng là phương thuốc tốt trừ dịch bệnh”.
Nguyên nhân gốc rễ của dịch bệnh
Các học giả Cơ Đốc khi nghiên cứu về những lần đại dịch hoành hành, họ nhận thấy một sự việc: thời Đế quốc La Mã 4 lần bức hại các tín đồ Cơ Đốc thì cả 4 lần đều xảy ra dịch bệnh, đặc biệt đại dịch lần thứ 4 là bệnh dịch hạch xảy ra năm 541, tỷ lệ tử vong lên đến 75%, cuối cùng khiến Đế quốc La Mã bị diệt vong.
Tuy nhiên cũng vào thời đó, có rất nhiều tín đồ Cơ Đốc giáo đã không sợ sinh tử, trong đại dịch đã dốc hết sức giúp đỡ những người mắc bệnh, họ cầu xin Thượng Đế giúp người bệnh, ở cùng với người bệnh, tiếp xúc thân mật, giúp họ thanh lý thi thể người nhà. Vì vậy rất nhiều học giả Cơ Đốc cho rằng, những dịch bệnh này là “sự trừng phạt của Thượng Đế đối với tội ác của nhân loại”.
Trần Đoàn, tông sư của Đạo gia, ông tổ của môn tướng mệnh, tử vi đã trước tác rất nhiều tác phẩm bất hủ, trong đó cómột tác phẩm truyền thế có tên là Tâm tướng thiên, lấy ý từ câu “tướng do tâm sinh”. Trần Đoàn cho rằng:
“Tướng mặt con người có tốt có xấu, căn bản là ở tâm. Vận mệnh tốt xấu từ tâm chúng ta là có thể biết được, mà hành vi là phản ứng của tâm, do đó có thể thông qua hành vi để xem tương lai họa phúc của một người. ‘Tâm là cái gốc của tướng mạo, xem xét cái tâm thì có thể tự biết được tốt xấu. Hành vi là xuất phát từ cái tâm, xem xét hành vi thì có thể biết được họa phúc”.
Bất kể phương thức xem bói nào về căn bản đều phải tuân theo quy luật tất nhiên thiện ác hữu báo. Ví dụ trong Tâm tướng thiên có viết: “Tại sao mắc bạo bệnh mà chết? Là do sắc dục hư hao. Tại sao mọc nhọt độc mà chết? Là do đồ béo ngọt ngưng tụ mỡ”, câu này đã nói rõ nguyên nhân thực chất của bạo bệnh, nhọt độc gây mất mạng… vẫn là ở hành vi của con người: “Háo sắc làm thân thể hư nhược, tham ăn dẫn đến béo quá mức”.
Trong toàn bộ Tâm tướng thiên, tư tưởng mấu chốt là: “Dịch bệnh tử vong không phải do vận số, mà là do nhục mạ Trời nhục mạ Đất”. Ý nói rằng nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh hoành hành đó là vì con người khinh nhờn Thần linh, xem nhẹ đạo lý. Trong dịch bệnh nếu có thể bình an vượt qua, kỳ thực không có liên quan đến vận số của con người trong quá khứ, yếu tố được xét đến chính là thái độ của con người đối với Thần linh, Trời Đất.
Khổng Tử nói rằng: “Bậc quân tử có ba cái sợ, sợ mệnh Trời, sợ đại nhân, sợ lời của Thánh nhân”. Ông cũng nói: “Tiểu nhân không biết mệnh trời nên không sợ, khinh mạn bậc đại nhân, coi thường lời nói của thánh nhân”.
Người quân tử là người tu dưỡng đạo đức theo tiêu chuẩn của Nho gia, để đạt được chữ Nhân: nhân nghĩa, nhân ái, khoan dung, như là: “Điều mình không muốn thì không làm cho người khác”, và “Điều mình muốn đạt được thì làm cho người khác đạt được”. Khi đã sống theo Đạo Nhân thì làm sao có thể ốm yếu bệnh tật, chết sớm được, bời đức Khổng Tử cũng nói rằng: “Người nhân đức thì khỏe mạnh trường thọ”.
Sách Tăng quảng hiền văn dạy con người rằng: “Người ác thì mọi người sợ nhưng Trời không sợ, người thiện thì bị người ta ức hiếp nhưng Trời không ức hiếp. Thiện ác cuối cùng đều có báo ứng, chỉ là đến sớm hay đến muộn mà thôi”.
Từ những lời dạy chứa đựng trí tuệ cổ nhân này, người hiện đại chúng ta thử ngẫm nghĩ để xét lại mình, liệu có nên chỉ vì ham muốn vật chất, hưởng thụ mà phóng túng bản thân, tàn phá núi rừng, sông biển, tận diệt muông thú, tạo ra các thứ độc hại để đầu độc môi trường tự nhiên, đầu độc lẫn nhau;
Hay là cao ngạo “đấu với Trời, đấu với Đất, đấu với người”, cho rằng “hạnh phúc là đấu tranh” nên cả đời tranh tranh đấu đấu? Thử hỏi sống trong cái thứ văn hóa tranh đấu ấy thì con người và tự nhiên tránh sao khỏi bị tổn thương? sao có thể thoát khỏi thiên tai, dịch bệnh, nhân họa?
Phật gia cũng giảng “Quay đầu là bờ”, và “Sám hối hết tội”. Về với trí tuệ của các bậc cổ Thánh tiên hiền, chúng ta sẽ tìm thấy lối thoát cho bản thân, cho nhân loại, đó là: tự xét lỗi mình, từ đó quay về với các giá trị đạo đức truyền thống kính Trời lễ Phật, ước thúc bản thân, phục hồi đạo đức. Hay như ngày nay người ta vẫn nói: “Chỉ cần bạn lương thiện, trời xanh tự có an bài”.
Trung Dung
- Xem thêm:
- Nhà tâm lý học chia sẻ cách áp dụng vô vi trong cuộc sống
- Nhân sinh là giấc mộng vô thường
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!