Giới thiệu về Tam Tự Kinh
Tam Tự Kinh là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn. Điều thần kỳ nhất là nó đem nội hàm căn bản của Nho học và văn học, lịch sử, triết học, thiên văn địa lý cô đọng tại đây, như một phiên bản thu nhỏ của văn hóa truyền thống Trung Quốc, được cổ nhân tôn sùng là “kinh” thư. Kinh, là đạo lý bất biến. Đó là khuôn mẫu đầy giá trị ý nghĩa mà cổ nhân đã nhận ra, đáng để tất cả mọi người noi theo và học tập.
Ba chữ một câu, có thể nhanh chóng dìu dắt tâm trí, khai mở cửa lớn nền quốc học truyền thống, giúp con người quay về với chính đạo, khiến cho người ta ấp ủ chí lớn.
Bài 2
Nguyên văn
昔(1)孟母(2),擇(3)鄰(4)處(5),
子(6)不學(7),斷(8)機杼(9)。
竇燕山(10),有義方(11),
教五子(12), 名(13)俱(14)揚(15)。
Bính âm
昔(xí) 孟(mèng) 母(mǔ), 擇(zé) 鄰(lín) 處(chǔ),
子(zǐ) 不(bù) 學(xué), 斷(duàn) 機(jī) 杼(zhù)。
竇(dòu) 燕(yān) 山(shān), 有(yǒu) 義(yì) 方(fāng),
教(jiào) 五(wǔ) 子(zǐ), 名(míng) 俱(jù) 揚(yáng)
Chú âm
昔(ㄒ一ˊ) 孟(ㄇㄥˋ) 母(ㄇㄨˇ),
擇(ㄗㄜˊ) 鄰(ㄌ一ㄣˊ) 處(ㄔㄨˇ),
子(ㄗˇ) 不(ㄅㄨˋ) 學(ㄒㄩㄝˊ),
斷(ㄉㄨㄢˋ) 機(ㄐ一) 杼(ㄓㄨˋ)。
竇(ㄉㄡˋ) 燕(一ㄢ) 山(ㄕㄢ),
有(一ㄡˇ) 義(一ˋ) 方(ㄈㄤ),
教(ㄐ一ㄠˋ) 五(ㄨˇ) 子(ㄗˇ),
名(ㄇ一ㄥˊ) 俱(ㄐㄩˋ) 揚(一ㄤˊ)。
Âm Hán Việt
Tích Mạnh mẫu, Trạch lân xứ,
Tử bất học, Đoạn cơ trữ.
Đậu Yên Sơn, Hữu nghĩa phương,
Giáo ngũ tử, Danh câu dương.
Tạm dịch
Mạnh mẫu ngày xưa, chọn nơi mà ở,
Con không chịu học, mẹ cắt tấm vải.
Lão Đậu Yên Sơn, có phương pháp tốt,
Dạy dỗ năm con, thành danh đều cả.
Từ vựng
(1)昔 (tích): ngày xưa, quá khứ, ngày trước.
(2)孟母 (Mạnh mẫu): mẹ của Mạnh Tử. Bà là người thấy rằng hoàn cảnh có ảnh hưởng rất lớn đối với một cá nhân, từ đó khích lệ Mạnh Tử phải phấn đấu chuyên cần học tập, và vì điều này mà từng chuyển nhà ba lần. Người đời sau thường dùng điển tích “Mạnh mẫu ba lần chuyển nhà” để hình dung sự giáo dục của gia trưởng đối với con trẻ, cũng như sự khổ tâm để lựa chọn cho con cái một hoàn cảnh học tập vừa ý.
(3)擇 (trạch):tuyển trạch, tuyển chọn, lựa chọn.
(4)鄰 (lân):láng giềng, hàng xóm.
(5)處 (xứ):sinh sống, cư trú, cư ngụ.
(6)子 (tử):cách người Trung Quốc xưa gọi con cái; ở đây là chỉ con trai Mạnh mẫu.
(7)不學 (bất học):bỏ học, không chuyên tâm vào học tập.
(8)斷 (đoạn):cắt bỏ, cắt đứt.
(9)機杼 (cơ trữ):khung cửi;機 (cơ):khung cửi bằng gỗ;杼 (trữ):con thoi khung cửi.
(10)竇燕山 (Đậu Yên Sơn):Đậu Vũ Quân, một người sống vào thời Hậu Tấn, vì sống tại Yên Sơn nên cũng gọi là Đậu Yên Sơn. Ông cực kỳ coi trọng việc giáo dục con trẻ, và cả năm người con của ông đều đỗ đạt, đương thời gọi là “ngũ long họ Đậu”.
(11)義方 (nghĩa phương):phương pháp tốt, thường là chỉ đạo lý giáo hóa của bậc Thánh hiền.
(12)五子 (ngũ tử):năm người con
(13)名 (danh):thanh danh, danh tiếng
(14)俱 (câu):đều, cả
(15)揚 (dương):được ngợi ca
Diễn giải tham khảo
Vào thời xưa, mẹ của Mạnh Tử vì để tìm một môi trường thích hợp cho Mạnh Tử học tập, không ngại gian khổ mà ba lần chuyển nhà. Một lần nọ, Mạnh Tử bỏ học trở về nhà, mẹ Mạnh Tử đã tức giận đến mức cắt miếng vải đang dệt dở dang ra làm hai. Bà dạy con rằng: “Đi học cũng giống như dệt vải vậy. Phải đem từng sợi từng sợi vải dệt với nhau, liên tục dệt thành từng tấc, rồi mới có thể thành một thước, cuối cùng mới có thể thành tấm vải hữu dụng. Nếu như tấm vải giờ đã bị cắt ngang, nửa chừng hư hỏng, vậy thì công sức từ đầu đều bỏ phí hết.”
Vào thời Ngũ Đại, có một người cha rất coi trọng việc giáo dục con cái, đó là Đậu Vũ Quân (còn gọi là Đậu Yên Sơn). Ông tuân theo lời dạy bảo của Thánh hiền mà chú ý đến việc dạy dỗ con cái. Năm người con nhờ sự giáo dưỡng của ông cuối cùng đều thành tựu, tiếng tăm truyền khắp tứ phương.
Đọc sách luận bút
Chữ Nho “ 儒 ”của Nho gia do hai chữ Nhân “人” và Nhu “ 需 ” hợp thành. Nội hàm sâu sắc, ý là làm người cần phải có đạo lý căn bản và tài trí tế thế hiệu quả. Từ xa xưa, Khổng Tử đã đặt định ra tiêu chuẩn làm người và quy phạm đạo đức, đạo lý làm thế nào thiện đãi đối với người khác từ trong gia đình đến ra ngoài xã hội.
Vì vậy người có tu dưỡng, tức tu thân, chính là học căn bản cách lập thân xử thế ở tương lai, cho nên điều Nho gia giảng giải xem xét đầu tiên chính là nhân nghĩa 仁義 , bất kể là đối đãi với cha mẹ, anh chị em trong gia đình, hay ra bên ngoài đối xử với người lớn, bạn bè, cấp trên và cấp dưới, đều lấy tu thân mình làm gốc. Chính là tu thân tề gia, rồi mới có thể trị quốc bình thiên hạ. Xử lý các mối quan hệ gia đình và xã hội, tùy thuộc vào con người và sự việc cụ thể, tuy nội dung khác nhau, lớn nhỏ khác nhau, thân phận và mối quan hệ khác nhau, lễ nghi khác nhau, nhưng thông hiểu mục đích cơ bản thiện đãi người khác là trên hết, là đều giống nhau.
Có thể nói, Vương Ứng Lân đã gạt bỏ lớp sương mù mênh mông chói lóa của kinh điển Nho gia, đã nói trúng trọng tâm nội dung trong bài học đầu tiên, ông đã đặc biệt chỉ rõ rằng bảo vệ bản tính thiện lương bẩm sinh của con người mới là mục đích căn bản của giáo dục Nho gia, là hạch tâm căn bản, nên định ra nội dung cốt lõi của《Tam Tự Kinh》. Dù nội dung có rộng lớn thế nào, thì cũng sẽ tập trung vào việc giáo đạo và mở rộng tính thiện lương của con người.
Vì vậy ở bài học thứ hai xuất hiện một ví dụ cụ thể về giáo dục gia đình, đây là điển cố Mạnh mẫu ba lần chuyển nhà, câu chuyện này nổi tiếng trong giới giáo dục đương đại ở Nhật Bản và ai ai cũng biết, có ảnh hưởng sâu xa. Người Nhật Bản để con cái nhận được ảnh hưởng từ hoàn cảnh tốt, họ đều bắt chước Mạnh mẫu, cố ý tìm nơi có nền giáo dục tốt để mua nhà, chẳng hạn như khu Bunkyo ở thủ đô Tokyo là nơi có tổ chức giáo dục danh tiếng, đã trở thành địa khu lựa chọn mua nhà hàng đầu của các vị cha mẹ trẻ tuổi.
Nghe nói Mạnh mẫu đã từng ở gần lò sát sinh, gần chợ và gần nghĩa trang, phát hiện ra Mạnh Tử nhìn thấy cái gì thì học tập cái đó, cùng với các bạn hàng xóm chơi trò mổ heo, buôn bán và bắt chước nghi thức đưa tang. Mạnh mẫu thấy tận mắt, liên tiếp dời nhà ba lần, sau cùng dời đến địa phương có trường học, phát hiện Mạnh Tử bắt đầu bắt chước học tập, thế là định cư nơi ấy.
Câu chuyện này chính là chứng thực rằng môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em, ảnh hưởng sau đó sẽ làm thay đổi thiên tính thiện lương của trẻ, vì vậy chúng ta cần phải quan tâm đến việc giáo dục trẻ, không để bản tính bị ô nhiễm, còn phải kiên trì bền bỉ, đó là lý do mà Mạnh mẫu phải chuyển nhà ba lần, lại dạy bảo con cần phải chuyên tâm giữ vững, không được bỏ dở nửa chừng.
Cần chú ý rằng giáo dục ở đây không phải là giáo dục theo ý nghĩa hiện đại, mà là giáo dục đạo đức của Nho học, ngày nay được gọi là quốc học, trường tư thục xưa dạy người ta đọc sách nghiên cứu học vấn, mục đích căn bản chính là ở điểm này, đồng thời khi lớn lên có thể lấy đức thiện hóa thiên hạ, cứu tế thiên hạ. Nền giáo dục quốc ngữ hiện đại của Nhật Bản gần như đã kế thừa truyền thống này.
Câu chuyện bên dưới là một điển cố khác kể về Đậu Yên Sơn dạy con. Cũng chứng thực việc dạy con làm thiện, để con trẻ có thể lập thân dương danh, đạt thành tựu sau này.
Câu chuyện Đậu Yên Sơn dạy con
Đậu Vũ Quân là người sống vào thời Hậu Tấn thuộc thời kỳ Ngũ Đại ở Trung Quốc. Ông ở tại Kế Châu, thời cổ đại chính là nước Yên, vì vậy người ta gọi ông là Đậu Yên Sơn. Gia đình ông vô cùng giàu có, thế nhưng tâm ông lại bất chính, thường khi dễ người nghèo. Vì làm việc thất đức, cũng vì thế mà 30 tuổi vẫn chưa có con. Một đêm, ông nằm mộng thấy người cha đã qua đời của ông trở về, nói: “Con tâm địa bất chính, đức hạnh không đứng đắn, lại làm việc ác như vậy, chẳng trách giờ chưa có con mà còn đoản mệnh nữa. Con phải mau sửa sai hướng thiện, tích nhiều âm đức, trợ giúp nhiều người, có như vậy mới cứu vãn được số mệnh.”
Sau đó, ông ta không còn dám làm ác nữa mà còn giúp đỡ người nghèo khổ rất nhiều nơi, thậm chí thiết lập “Nghĩa quán” trong nhà mình, mời bậc thầy danh tiếng tới dạy học, giúp cho trẻ em nhà nghèo khó không có điều kiện đều có thể đến học. Một lần nọ, ông nhặt được một túi bạc lớn ở một quán trọ, ông đã ở đó cả ngày, chờ người mất quay lại tìm, để trả lại nguyên xi số bạc.
Một đêm nọ, Đậu Yên Sơn lại nằm mộng thấy cha mình, cha ông nói: “Hiện giờ con đã tích được rất nhiều đức, ông Trời sẽ ban cho con năm đứa con trai, và thọ mệnh của con cũng được kéo dài.” Sau khi Đậu Vũ Quân tỉnh dậy, biết rằng đây chỉ là một giấc mơ, nhưng ông lại càng chăm chú tu dưỡng bản thân hơn nữa, làm nhiều việc thiện. Sau đó, vợ ông quả nhiên sinh hạ được năm người con trai.
Đậu Vũ Quân rất coi trọng sự giáo dục con cái, thường dạy con thái độ xử thế và nghĩa lý Thánh hiền. Năm người con dưới sự dạy dỗ của ông đều đỗ đạt, người quê ông không ai không khen ngợi, thanh danh Đậu Vũ Quân và năm người con vì vậy mà được truyền khắp cả nước.
Câu chuyện này và câu chuyện Chu Xứ ở bài một có chỗ tương tự, Đậu Yên Sơn và Chu Xứ là hai người ban đầu quen làm ác, sau đó sửa ác theo thiện, kịp thời cải chính và tỉnh ngộ, thành người thành công, nhưng cũng có chỗ khác biệt, ở đây còn nói đến sự tồn tại của thiên lý thiện ác hữu báo, nhất ngôn nhất hành của con người đều có Trời xem xét, ở đây tỏ rõ, Nho gia khuyên người hành thiện, xem trọng giáo dục đức hạnh, được người Trung Quốc phụng hành qua mấy nghìn năm, tuyệt đối không phải ngẫu nhiên, tất nhiên ẩn tàng an bài của thiên ý ở đằng sau. Cũng chính là để người Trung Quốc giữ vững lương thiện, thu được phúc báo về sau.
Đậu Yên Sơn chính là cảm thấy trên đầu ba thước có Thần linh, mới từ trên căn bản kính sợ Thiên Địa, bắt đầu trọng đức hành thiện, đắc được phúc báo. Thế là từ căn bản ấy hiểu được vì sao để con cái học tập nghĩa lý Thánh hiền. Cũng chính là hiểu được nguyên nhân căn bản cần tuân theo giáo đạo Nho học.
Không nói là Mạnh mẫu hay là Đậu Yên Sơn, đây đều là những tấm gương dạy con hướng thiện, thu hoạch được thành tựu to lớn điển hình, đều là những chuyện chứng thực chính xác nội dung của bài học trước.
Tác giả: Lưu Như
Nguồn ChanhKien.Org
Xem Tam Tự Kinh – Tập 3 – Vũ Huấn mở trường
Video tham khảo: Câu chuyện Đậu Yên Sơn dạy con
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!
Trẻ nhỏ lên xem những câu chuyện này