Người hiện đại thường cho rằng Tây y có thể phẫu thuật, còn Trung Y thì làm sao có thể làm phẫu thuật được? Kỳ thực, phẫu thuật của y học cổ truyền Trung Hoa vô cùng phát triển, trong các thư tịch cổ xưa đều có ghi chép lại.
Vào thời nhà Tùy, có một cuốn sách rất nổi tiếng do thái y Sào Nguyên Phương viết có tên là “Chư bệnh nguyên hậu luận (Luận về nguồn gốc bệnh tật)”, trong đó có kể một câu chuyện: “Người bị chém tại bụng, ruột bị đứt đoạn, hai dây ruột lòi ra, cần phải nhanh chóng khâu nối chúng lại.
Đầu tiên dùng kim khâu lại hai khúc ruột bị đứt, sau lấy máu gà bôi lên chỗ tiếp nối để tránh nhiễm tà khí và nhanh chóng đẩy chúng vào bên trong bụng. Tuy nhiên, đối với những người có vết thương bị lở loét đau đớn thì nên được điều trị bằng chỉ tơ tằm, sẽ rất tốt cho mạch máu tuần hoàn.” Đoạn ghi chép này đã mô tả rõ quá trình thái y nối lại ruột của bệnh nhân bị chém đứt.
Vậy y học cổ truyền Trung Hoa đã sử dụng những công cụ gì để thực hiện các cuộc phẫu thuật và chúng hoạt động như thế nào? Tại sao phẫu thuật ngoại khoa của Trung Y không được truyền lại cho đời sau? Sau đây, chúng tôi sẽ giải thích sơ lược về điều này.
Thuốc gây mê được sử dụng trong phẫu thuật của Trung Y cổ đại
Khi nhắc đến phẫu thuật cổ đại, người ta nghĩ ngay đến thần y Hoa Đà – ông tổ của ngành phẫu thuật y học cổ truyền Trung Hoa. Hoa Đà đã phát minh ra Ma Phi Tán, loại thuốc gây mê xuất hiện đầu tiên trên thế giới.
Bệnh nhân uống Ma Phi Tán với rượu sẽ mất đi tri giác, cơ thể không còn cảm giác nào, khi đó thầy thuốc có thể làm phẫu thuật “mổ bụng hoặc lưng, cắt bỏ hoặc hút ra các loại tích tụ bên trong,” tức là giải phẫu mở ổ bụng, loại bỏ các khối u, ung bướu.
Đáng tiếc là phương pháp chế tạo Ma Phi Tán sau đó bị thất truyền. Nhưng sau Ma Phi Tán, những loại thuốc gây mê khác cũng xuất hiện.
Ví dụ, nhà phẫu thuật ngoại khoa thời nhà Minh Trần Thực Công đã viết sách “Ngoại Khoa Chính Tông”, trong đó có ghi chép về việc ông đã sử dụng thuốc gây mê “Hồi Hương Thảo Tán” khi phẫu thuật polyp mũi. Hồi Hương Thảo Tán là loại thuốc gây tê cục bộ được làm từ Hồi Hương (còn gọi là hạt Thì là/Thìa là) kết hợp với Sơn Khương Tử (còn gọi là Riềng nếp/Hồng đậu khấu).
Ông đã mô tả trong sách như sau: Đầu tiên dùng Hồi Hương Thảo Tán thổi vào niêm mạc mũi hai lần, sau đó dùng một sợi tơ quấn lên khối u thịt dư trên niêm mạc lỗ mũi, xoắn chặt, và kéo xuống, khối u thịt dư sẽ tự động rơi rụng đi.
Dao mổ trong phẫu thuật Trung Y cổ đại như thế nào?
Từ thời Hoa Đà rất lâu về trước, đã có nhiều ghi chép về các dụng cụ trong phẫu thuật Trung Y cổ đại. Trong “Sơn Hải Kinh” có ghi chép rằng, “Trên núi của nhà họ Cao, có rất nhiều ngọc và đá biêm thạch, chúng có thể chế tạo mài dũa làm thành mũi kim biêm châm, có khả năng trị các loại ung nhọt, sưng mủ cho người bệnh.”
Trong sách “Tố vấn” cũng có ghi chép như sau, “Tại khu vực phía đông… phương pháp chữa trị tốt nhất cho các loại bệnh ung nhọt, sưng mủ… chính là sử dụng kim châm làm từ biêm thạch.”
Khi đó người ta sử dụng biêm thạch để chế tạo ra một số dụng cụ nổi tiếng cho các danh y như kim biêm châm, dao biêm liêm với nhiều kích cỡ khác nhau. Biêm liêm tương tự như một lưỡi dao, có thể dùng để cắt bỏ các khối u hoặc những vùng bị hoại tử.
Dao biêm liêm là di chỉ thời nhà Thương được khai quật tại Đài Tây, Cảo Thành, tỉnh Hà Bắc, là con dao mổ xuất hiện sớm nhất trên thế giới từ cách đây 3,400 năm. Không chỉ vậy, bản thân biêm thạch còn được dùng để dưỡng sinh, chữa bệnh, có chức năng điều hòa khí huyết, đả thông kinh lạc. Y học hiện đại cũng phát hiện rằng biêm thạch có chứa ít nhất 30 loại nguyên tố vi lượng có lợi cho cơ thể con người.
Với sự phổ biến ngày càng gia tăng của đồ đồng và đồ sắt, người ta bắt đầu sử dụng các kim loại như đồng và sắt để làm kim châm, dao, liềm và nhiều dụng cụ phẫu thuật khác.
Sau triều đại nhà Tần và nhà Hán, dụng cụ phẫu thuật tiếp tục phát triển. Các dụng cụ phẫu thuật thông thường như nhíp, kéo đã được tìm thấy trong các di tích văn hóa khai quật thời nhà Đường.
Đến thời nhà Tống, các dụng cụ phẫu thuật thông dụng tương đối hoàn chỉnh như kim, kéo, dao, kềm, đục đã xuất hiện, chúng đều được ghi chép trong sách “Thế y đắc hiệu phương” và sách “Vĩnh loại kiềm phương.”
Một lô dụng cụ y tế thời nhà Minh đã được khai quật ở huyện Giang Dương, tỉnh Giang Tô, ngoài lưỡi dao phẳng làm từ sắt và đồng, kéo nhỏ và nhíp, còn có một con dao phẫu thuật hình lá liễu với một đầu sắc bén, rất giống với con dao phẫu thuật ngày nay.
Sách “Ngoại khoa minh ẩn tập” được viết bởi thầy thuốc Hà Cảnh Tài thời nhà Thanh có mô tả ngắn gọn về một số dụng cụ phẫu thuật như dao rạch, kim châm ba cạnh, dao lưỡi phẳng, dao lưỡi bán nguyệt, kéo và kẹp.
Dao rạch là loại mỏng nhất, sắc bén nhất, tốc độ rạch rất nhanh; kim châm ba cạnh dùng để đả thông khí huyết ứ trệ, rạch mở rộng để nước ứ chảy ra; dao lưỡi phẳng dùng để cắt bỏ da chết, sử dụng rất thuận tiện; dao lưỡi bán nguyệt dùng để cắt lớp thịt thối rữa sâu bên trong; cái kẹp dùng để kẹp giữ phần da thịt thối còn lại, để dao có thể cắt dễ dàng hơn.
“Dây tơ tằm” dùng để khâu vết mổ
Chỉ khâu cũng là một phát minh quan trọng trong lịch sử phẫu thuật của y học cổ truyền Trung Hoa. “Dây tơ tằm” là một trong những loại chỉ khâu thường được sử dụng. Trong sách “San phồn phương” có ghi chép về phương pháp chữa bệnh loét ruột là “dùng chỉ tơ tằm để khâu ruột và da, dùng chung với bột phấn Bồ Hoàng.”
Trong sách “Khuê xa chí” triều Tống có viết, ” ……. khi người bệnh dùng dao tự sát, như mổ bụng mà không chết, thì thầy thuốc sẽ dùng chỉ tơ tằm để khâu vết thương lại, rồi bôi thuốc lên.”
Theo lời của các thầy thuốc trung y tiền bối kể lại, cách làm sợi chỉ tơ tằm trước tiên là gọt bỏ lớp vỏ cây dâu tằm bên ngoài, chọn khúc vỏ có đường vân thô dày tại lớp vỏ cây bên trong, rồi xé nhỏ, tước kéo mỏng chúng.
Sau khi kéo đến phần da bên ngoài thì lau sợi chỉ bảy lần từ đầu đến cuối để sợi chỉ mịn và mượt, rồi cất đi. Đến lúc sử dụng, hơ sợi chỉ trên nước sôi, sợi chỉ sẽ mềm như mới. Sợi chỉ dâu tằm có thể được cơ thể hấp thụ nên không cần rút chỉ sau khi khâu.
Sợi tơ tằm rất dễ sử dụng lại không dễ đứt. Không chỉ vậy, vỏ cây dâu tằm có dược tính nhẹ, ôn hoà, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và làm lành vết thương.
Y học cổ truyền Trung Hoa đã làm thế nào để sát trùng và cầm máu cho bệnh nhân?
Trong phẫu thuật ngoại khoa Trung y cổ đại có nhiều loại thuốc mỡ, nước rửa sát khuẩn cũng như các loại thuốc dùng trong phẫu thuật có tác dụng tuyệt vời như giảm đau, tăng trưởng cơ, làm se vết thương, giúp cầm máu và chữa lành vết thương sau phẫu thuật .v.v…
Tại sao phẫu thuật ngoại khoa của Y học cổ truyền Trung Hoa bị thất truyền?
Việc phát hiện ra những dụng cụ phẫu thuật này cũng như những ghi chép về phương pháp phẫu thuật và thuốc phẫu thuật trong các sách cổ đủ để minh họa mức độ phát triển của phẫu thuật y học cổ truyền Trung Hoa.
Đáng tiếc là những điều quan trọng thiết yếu này lại không được lưu truyền cho thế hệ sau nên ngày nay ít người biết cách kết hợp y học cổ truyền Trung Hoa và phẫu thuật.
Nguyên nhân của điều này một phần do tư duy của người dân đang dần bị Tây hóa, ngoài ra nó còn liên quan đến tập quán truyền thừa của Trung Y cổ đại và thậm chí là sự thay đổi của toàn bộ môi trường xã hội.
Các đệ tử truyền thừa y học cổ truyền Trung Hoa tương tự như của Đạo gia. Các danh y mặc dù thu nhận rất nhiều đệ tử, nhưng trong đó chỉ có một người là đệ tử chân truyền.
Một số danh y có bí kíp của tổ tiên và kinh nghiệm quý về y học Trung Hoa thường tìm người có đạo đức, tâm tính và ngộ tính tốt, để bảo đảm sau khi họ học thành tài sẽ trở thành người có đầy đủ cả y đức và y thuật, như vậy những điều tinh túy chân chính trong đó mới có thể được truyền thụ lại.
Trong xã hội ngày nay, việc đào tạo về y học cổ truyền Trung Hoa đã được tây phương hóa, Trung y cũng được đào tạo cả về Tây y và phải có bằng cấp và chứng chỉ thì mới được xã hội công nhận.
Cho dù một số thầy thuốc dân gian của y học cổ truyền Trung Hoa được thừa hưởng các bài thuốc cùng y thuật tốt, nhưng vì không có trình độ học vấn của xã hội hiện đại nên không được mọi người chấp nhận.
Thêm vào đó là sự lưu truyền hỗn loạn các bài thuốc thật giả trong xã hội khiến người dân bình thường khó có thể phân biệt được, những điều thật sự quý giá cũng không dễ tìm và bảo tồn để lưu truyền cho thế hệ sau.
Thầy thuốc Trung Y Chu Nhã Lị biên soạn
Lý Thanh Phong biên tập
Hân Bình biên dịch
- Xem thêm:
- Thiền định và nghe nhạc: Những cách giúp chữa lành DNA sau tổn thương do COVID-19
- Tu luyện có thể sản sinh năng lượng siêu thường
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!