Hoa cúc đã được trồng ở Trung Quốc từ khoảng năm 1500 trước Công nguyên. Loài hoa này lần đầu tiên được giới thiệu và phổ biến như một loại trà vào thời nhà Tống (960–1279 sau Công nguyên). Trà hoa cúc ngoài hương vị dễ chịu còn có công dụng giải độc, làm thanh mát vòm họng, giúp bổ gan, sáng mắt.
Hoa cúc trong y học Trung Quốc
Hoa cúc được giới tinh hoa trí thức Trung Quốc cổ đại tôn kính là một trong bốn loài thực vật cao quý nhất và được đánh giá cao về các đặc tính y học của chúng.
Ghi chép sớm nhất về lợi ích chữa bệnh của hoa cúc đến từ một trong những cuốn sách về thảo mộc cổ nhất của Trung Quốc, “Thần Nông Bản thảo kinh” được biên soạn vào thời Đông Hán (năm 25 –220 sau Công nguyên). Quyển sách này mô tả hoa cúc là một loại thảo mộc hàng đầu để trẻ hóa và kéo dài tuổi thọ.
Theo “Thần Nông”, uống trà hoa cúc trong thời gian dài giúp ích khí (năng lượng), lưu thông máu và làm chậm quá trình lão hóa, khiến nó trở thành loại trà yêu thích của nhiều đạo sĩ. Trà hoa cúc được sử dụng trong y học Trung Quốc để điều trị nhiều loại bệnh, chẳng hạn như các bệnh về mắt, chóng mặt, viêm nhiễm, thấp khớp và các bệnh trầm trọng hơn do thời tiết ẩm ướt, gió lạnh và tắc nghẽn mạch máu do tuần hoàn máu kém.
Trong suốt thời nhà Minh (1368–1644 sau Công nguyên), một trong những y học gia vĩ đại nhất của Trung Quốc, Lý Thời Trân, cũng đã ghi lại những lợi ích chữa bệnh của hoa cúc trong “Bản thảo cương mục”. Hoa cúc là một loại thảo mộc không độc hại, có thể thanh trừ nhiệt và độc tố ra khỏi cơ thể, khử hỏa gan và cải thiện thị lực.
Lợi ích sức khỏe của trà hoa cúc
Những lợi ích sức khỏe của trà hoa cúc rất nhiều. Trà hoa cúc không chứa caffeine nên giúp làm dịu thần kinh. Trà cũng giúp điều chỉnh mức cholesterol và huyết áp. Ngoài ra, nó còn có tác dụng giải nhiệt, có tác dụng hỗ trợ điều trị say nắng, hỗ trợ tiêu hóa khi dùng chung với thức ăn, đặc biệt là thức ăn nhiều dầu mỡ và chiên giòn.
Hoa cúc chứa:
- Beta-carotene, chuyển đổi thành Vitamin A, giúp cải thiện hệ thống miễn dịch và giảm các vấn đề về da.
- Mức độ cao của kali và canxi, và các khoáng chất khác, chẳng hạn như sắt, magiê và phốt pho.
- Vitamin B, chẳng hạn như choline, axit folic, niacin và riboflavin.
- Vitamin C, giúp giảm tắc nghẽn xoang, làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và cúm.
Trà hoa cúc có đặc tính kháng virus, kháng khuẩn và có thể giúp cơ thể ức chế nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như tụ cầu, E. coli, liên cầu, C. diphtheriae và B. dysenteriae.
Trà cũng có tác dụng giải độc. Nó làm sạch máu và cải thiện lưu lượng máu. Nó giải độc gan và giúp cải thiện thị lực và thính giác. Nó cũng giúp làm khỏe phổi và giảm khó thở.
Cuối cùng, trà hoa cúc không chứa calo khi uống mà không có đường hoặc mật ong. Do đó, nó là một thức uống rất tốt cho những người đang trong chế độ giảm cân.
Cách pha trà hoa cúc
Có một số cách để pha trà hoa cúc. Một số người thêm hoa cúc khô vào trà xanh hoặc trà đen, và bạn có thể mua các loại trà pha sẵn có chứa hoa cúc khô.
Bạn cũng có thể dễ dàng pha trà hoa cúc đơn giản với hoa cúc khô bán sẵn ở các cửa hàng tạp hóa. Tôi thường mua những nụ hoa cúc chỉ lớn hơn hạt đậu xanh một chút và khi ngâm sẽ nở ra thành những bông hoa li ti có đường kính khoảng hai phân.
Nhiều cửa hàng tạp hóa châu Á cũng bán trà hoa cúc pha sẵn dưới dạng gói hoặc lon nhưng những loại này thường chứa nhiều đường, vì nhiều lý do nên tốt nhất bạn nên tránh. Theo quan điểm của y học Trung Quốc, đường mang tính âm (lạnh), và bởi vì trà hoa cúc đã là một thức uống tương đối mát âm, thêm đường có thể làm cho nó quá hàn.
Ngược lại, nếu bạn có thể trạng quá dương hoặc bạn sống ở vùng nhiệt đới thì trà hoa cúc là một cách giải nhiệt tuyệt vời. Vào những ngày mát mẻ hơn, có thể thêm một chút muối biển, có tính dương và tính ấm, để cân bằng tác dụng làm mát của nó.
Bạn cần chuẩn bị:
- 6–8 hoa cúc khô hoặc nụ hoa cúc khô
- Nước nóng
- Tách trà có nắp
Các bước pha trà:
- Đặt hoa cúc khô vào cốc.
- Thêm một ít nước nóng để rửa sạch hoa.
- Lắc nhẹ và sau đó đổ nước đi. Đây là bước để rửa sạch bụi bẩn bám bên ngoài hoa cúc.
- Đổ thêm nước nóng và đậy nắp cốc
- Để trà ngấm trong năm phút.
- Uống khi còn nóng.
Bạn có thể dùng một tách trà bằng thủy tinh trong suốt để có thể ngắm nhìn những bông hoa cũng sẽ rất dễ chịu.
Bạn có thể tái sử dụng các nụ hoa nhiều lần bằng cách cho thêm nước nóng vào hoa sau khi bạn uống xong nước đầu tiên của trà.
Nước trà có màu trong, hơi vàng và có mùi thơm của hoa. Bạn có thể thưởng thức nóng hoặc lạnh. Và với nhiều lợi ích chữa bệnh, trà hoa cúc có thể là sự thay thế hoàn hảo cho trà hoặc cà phê thông thường.
Lưu ý: Thực phẩm tự nhiên này là để duy trì sức khỏe và thể trạng của bạn. Chúng không dùng để thay thế bất kỳ phương pháp điều trị y tế nào. Nếu bạn có một tình trạng được chẩn đoán, hoặc nghi ngờ, bạn nên luôn tìm kiếm lời khuyên của bác sĩ.
Hoa cúc trong văn hóa Trung Quốc
Nhiều loài hoa và thực vật có ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa Trung Quốc. Hoa cúc tượng trưng cho sự chính trực. Chúng thường được đặt cùng với hoa mai, lan, trúc để tượng trưng cho sự cao quý, khí chất thi sĩ, sức mạnh đạo đức và sự chính trực.
Từ xa xưa, các học giả Trung Quốc đã ca tụng hoa cúc. Hoa cúc là một chủ đề phổ biến trong thơ ca, thư pháp, tranh vẽ và các tác phẩm nghệ thuật khác được khắc họa trên hộp sơn mài và đồ sứ.
Người Trung Quốc cổ đại tôn kính hoa cúc vì khả năng sinh trưởng ở bất cứ đâu; cây phát triển mạnh trên các sườn núi, ven đường, nông trại, và trong vườn của thường dân cũng như các học giả. Hoa cúc còn có khả năng chịu đựng thời tiết cực kỳ lạnh giá và nở vào cuối mùa thu và đầu mùa đông, khi tất cả các loài hoa khác đã héo tàn và chết. Như vậy, nó thường được ví như một người có học thức, không màng danh lợi mà coi trọng cuộc sống bình yên và giản dị của một người dân thường.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Thiền định và nghe nhạc: Những cách giúp chữa lành DNA sau tổn thương do COVID-19
- Tu luyện có thể sản sinh năng lượng siêu thường
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!