Trong ngôn ngữ hiện đại, hai chữ “bần cùng” thường gắn liền với nhau. “Bần” và “cùng” đều có nghĩa là nghèo, nhưng hàm nghĩa lại không như nhau. Bần không đáng sợ, nhưng “cùng” mới thực sự là khảo nghiệm nhân tâm. Vì sao nói như vậy?
Chữ “Bần” (貧) gồm hai chữ ghép thành, phía trên là “Bối” (貝), phía dưới là “Phân” (分).
Thời cổ đại, người ta dùng vỏ sò làm phương tiện trao đổi hàng hóa, gọi là bối tệ. Do đó chữ “Bối” (貝 – vỏ sò) đại biểu cho tài phú, hầu hết những chữ có bộ Bối đều có liên quan đến tiền, như “Tài” (財 – tiền tài), “Quý” (貴 – phú quý), “Tiện” (賤 – rẻ), “Quý” (貴 – đắt), “Bồi” (賠 – lỗ), “Trám” (賺 – lãi), v.v. Còn chữ “Phân” (分 – phân chia) vừa biểu ý lại vừa biểu âm, hợp lại thì nhiều mà phân ra thì ít. Kết hợp cả “Bối” và “Phân” tạo thành chữ “Bần” (貧), mang ý nghĩa ít tiền, thiếu tiền.
Cổ nhân nhìn nhận rằng thanh bần không đáng ngại, nghèo mà trong sạch thì đâu có gì đáng lo? Khổng Tử lo Đạo chứ không lo bần, Nhan Hồi tuy thân ở nhà hẹp, sống trong ngõ hẻm, ăn cơm thô canh nhạt, người khác có thể không chịu được nhưng Nhan Hồi thì vẫn phơi phới niềm vui.
Ngược lại, đại phú đại quý mà không tu dưỡng đức hạnh thì sẽ chiêu mời tai họa. Có câu chuyện kể rằng, vào thời Tây Tấn có một người vô cùng xa hoa giàu có tên là Thạch Sùng. Thạch Sùng sở hữu rất nhiều lầu các nguy nga, bên trong giăng toàn lụa là gấm vóc, có thể nói là vinh hoa phú quý bậc nhất trong thiên hạ. Ấy vậy nhưng Thạch Sùng vẫn luôn tranh giành với người khác, vì tiền mà chiêu mời tai họa, kết quả khiến toàn gia bị hại, bản thân ông cũng phải bỏ mạng trên pháp trường.
“Quốc Ngữ – Tấn Ngữ” viết: “Nhược bất ưu đức chi bất kiến, nhi hoạn hóa chi bất túc, tương điếu bất hạ”. Nghĩa là: Nếu như không lo tu dưỡng đức hạnh mà chỉ sầu não vì tài sản không đủ, vậy mới thực sự khiến người ta bi ai.
Vậy thì, nên đối diện thế nào khi sống trong thanh bần và phú quý?
Tử Cống là người giàu có nhất trong các học trò của Khổng Tử, được mệnh danh là ‘Nho thương thủy tổ’. Mặc dù gia cảnh tài phú, nhưng Tử Cống lại trăn trở về cảnh giàu và nghèo trong đời người. Trong “Luận Ngữ – Học nhi đệ thập ngũ”, Tử Cống hỏi: “Nghèo mà không siểm nịnh, giàu mà không kiêu ngạo, như vậy thì sao?”. Khổng Tử đáp: “Như thế cũng được, nhưng vẫn không bằng nghèo mà sống hạnh phúc vui vẻ, giàu mà sống có yêu thích lễ”.
Khổng Tử dạy học trò theo nguyên tắc “nhân tài thi giáo” (theo tài năng của từng người mà dạy). Trước câu hỏi của Tử Cống, ông biểu thị sự tán thành và đồng thời nói rõ quan điểm của mình: làm được như vậy là tốt nhưng vẫn chưa đạt đến cảnh giới cao thâm. Khổng Tử cho rằng, thái độ đối đãi với giàu và nghèo nên là: “Tuy bần cùng khước lạc ư đạo, tuy phú hữu khước khiêm tốn hiếu lễ” (Tuy bần cùng nhưng vui với Đạo, tuy phú quý nhưng khiêm tốn hiếu lễ).
Thế nào là “Cùng”?
Nếu như “bần” chỉ là nghèo về vật chất thì “cùng” lại không chỉ là thiếu thốn về tiền tài, mà còn là chịu đựng nỗi thống khổ về mặt tinh thần.
“Thuyết văn giải tự” viết: “Cùng, cực dã, tòng huyệt cung thanh”.
“Cùng” là chữ hình thanh hội ý, bên trên là chữ “Huyệt” (穴), bên dưới là chữ “Cung” (躬). Về chữ “Huyệt”, hầu hết những từ có bộ “Huyệt” đều có quan hệ với lỗ hổng, lỗ thủng, ví dụ như “Không” (空 – trống rỗng), “Diêu” (窯 – lò nung), “Đột” (突 – xuyên qua, chọc thủng), “Oa” (窩 – lỗ, lõm, lúm), v.v. Còn chữ “Cung” (躬) là chỉ thân thể. Thân nằm dưới huyệt, bị giam hãm trong không gian chật hẹp, không thể vươn duỗi cũng không thể tự do cử động, khiến bản thân rơi vào trạng thái vô cùng túng quẫn, khốn khó.
Do đó, chữ “Cùng” (窮) ngoài ý nghĩa là cuối cùng, tận cùng, ví dụ như “lý khuất từ cùng” (cạn lời đuối lý), “cùng đồ mạt lộ” (đến bước đường cùng), “kiềm lư kỹ cùng” (tài cùng lực kiệt), “cùng hung cực ác” (tà ác cùng cực), v.v. thì còn có ý là nghèo túng, thiếu thốn. Nhưng đó không chỉ là nghèo đơn thuần, mà là nghèo đến cực điểm, hoàn toàn không có gì cả. Trong “Tuân Tử – Đại lược”, Tuân Tử nói: “Người có nhiều thì phú, người có ít thì bần, người không có gì thì cùng”.
So với “bần”, “cùng” là thể hiện cảnh ngộ khốn ách, có chí nhưng bất thành, chứ không chỉ là nghèo về vật chất tiền tài. Nhân thế ngả nghiêng, nhân sinh chìm nổi, mọi việc trong đời đều nằm ngoài tay với, khi đối mặt với những thuận nghịch trong đời, mỗi người lại có cách nhìn nhận và thái độ khác nhau.
Bậc quân tử đối đãi với bần cùng
Khổng Tử chu du liệt quốc, có lúc ông gặp phải kẻ đương quyền khinh miệt, bị hiểu lầm và bị nhạo báng, lại có lúc gặp phải khốn khó, chịu đói khát nhiều ngày trời. Ban đầu Khổng Tử đến nước Vệ, Vệ Linh Công nghi ngờ ông là gian tế nên đã sai người giám sát. Sau đó Khổng Tử đến nước Tống, đại phu nước Tống đố kỵ tài năng của ông nên lập kế hãm hại. Khi đến nước Trần thì hết sạch lương thực, những đệ tử đi theo ông đều ốm đói đến mức không thể dậy được.
Tử Lộ chứng kiến cảnh ấy thì vô cùng bi thương, bèn nói với Khổng Tử: “Quân tử cũng có lúc túng quẫn đến mức không còn biện pháp nào sao?”.
Khổng Tử đáp: “Người quân tử khi khốn cùng vẫn vững lòng giữ tiết tháo chí hướng, nhưng kẻ tiểu nhân khốn cùng thì phóng túng, làm càn”.
Tuy quân tử cũng có lúc hết đường xoay xở, nhưng điểm khác biệt giữa quân tử và tiểu nhân là: Quân tử khi khốn cùng vẫn có thể kiên trì chính Đạo, còn tiểu nhân gặp lúc nguy nan sẽ dám tùy tiện làm xằng.
Mạnh Tử cũng cho rằng: “Cùng bất thất nghĩa, đạt bất ly đạo” (bần cùng nhưng không thất nghĩa, hiển đạt nhưng không xa rời Đạo), và: “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm tể thiên hạ“ (Bần cùng thì lo tu dưỡng đạo đức bản thân, thành đạt thì tạo phúc cho thiên hạ).
Khuất Nguyên khi đối mặt với hiện thực nghiệt ngã, không cách nào xoay xở, ông đã lựa chọn giữ gìn danh tiết, ngọc nát hơn ngói lành. Trong “Cửu chương – Thiệp giang”, ông viết: “Ngô bất năng biến tâm nhi tòng tục hề, cố tương sầu khổ nhi chung cùng”. Nghĩa là: Ta không thể thay đổi lòng mà theo thế tục, ta đành trọn đời mà ôm sầu. Ông không thay đổi chí hướng, không thuận sóng theo dòng, thà rằng sầu khổ mà suốt đời bất đắc chí.
Cảnh ngộ càng cùng quẫn gian nan, tâm chí càng phải kiên cường. Trong “Đằng vương các tự”, Vương Bột đã để lại những câu thơ đầy cảm hứng:
“Lão đương ích tráng, ninh tri bạch thủ chi tâm?
Cùng thả ích kiên, bất truỵ thanh vân chi chí”.
Dịch thơ: (bản dịch của Mai Lăng)
Phải mạnh lên lúc đà có tuổi,
Nên hiểu lòng cho lão tóc sương.
Lúc cùng càng phải kiên cường,
Không nên làm lỡ bước đường mây xanh.
“Chu Dịch – Hệ Từ” viết: “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”, nghĩa là: Sự vật phát triển tới cực điểm, khi cùng tận thì tất phải biến hóa, sau khi biến hóa liền thông đạt, nhờ thông đạt mà được trường cửu, dài lâu.
Sự vật phát triển đến cực điểm sẽ phát sinh biến hóa, gọi là “vật cực tất phản”, “bĩ cực thái lai”. Cho dù bần cũng vậy, cùng cũng vậy, cho dù đã đến nơi sơn cùng thủy tận tưởng chừng như không còn đường đi, thì chỉ cần giữ được cái tâm ban đầu, kiên trì theo chính Đạo, thì sẽ phát hiện phía trước là bầu trời, ngày mai sẽ là một ngày tươi sáng.
Minh Hạnh
Theo Lý Việt – Epoch Times
Nguồn: NTD Việt Nam
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!
[email protected]
Cảm ơn bạn nhiều nhé, mong bạn thường ghé Minh Chân Tướng nha!