Tác giả: Thoại Bản tiên sinh
[ChanhKien.org]
Càn khôn chính trung nhất trần vi,
Danh viết Tam giới lai vô quy.
Mang mang thiên địa thường canh tuyển,
Thương hải tang điền nguyệt doanh khuy.
Khả tri thử cảnh thị thùy tạo?
Chỉ vi giải cứu hồng vũ nguy.
Hồi lô trùng tố tân vũ Thần,
Lực vãn cuồng lan đại từ bi.
Tạm dịch:
Một hạt bụi trần trong càn khôn,
Gọi tên Tam giới đến không về.
Mênh mang thiên địa thường đắp đổi
Thương hải tang điền nguyệt đầy vơi.
Nào biết cảnh này là ai tạo?
Chỉ vì giải cứu vũ trụ nguy.
Quay về trùng tổ Thần, tân Vũ,
Kéo ngọn sóng cuồng, đại từ bi.
Dịch nghĩa:
Có một hạt bụi li ti ở chính giữa vũ trụ
Gọi tên là Tam giới, một khi đến sẽ không thể quay về
Thiên địa mênh mang này vẫn không ngừng luân chuyển
Tháng năm đằng đẵng, ánh trăng kia hết khuyết lại tròn
Nào ai biết được cảnh vật này do ai tạo ra?
Chỉ vì giải cứu vũ trụ to lớn khỏi nguy nan
Quay về trùng tổ lại Thần và Vũ trụ mới
Ghìm lại ngọn sóng dữ, quả là bậc đại từ bi
Nói rằng, Tam giới không biết đã trải qua bao lần đại biến, thiên địa hủy rồi lại tái tạo, tái tạo rồi lại hủy, màn kịch xếp lớp rồi lên diễn, diễn rồi lại xếp lớp lại… lặp đi lặp lại, hiện giờ đã trải qua 80 kỷ, câu chuyện trong kỷ thứ 81 đã bắt đầu…
Một ngày nọ, tại một tầng cao trong Tam giới có hai vị Bồ Tát đang nói chuyện.
Một trong hai vị hỏi: “Kỷ này từ khi bắt đầu đã trải qua ngàn vạn năm rồi, vị trí của Ngọc Đế đã được đặt định rồi chăng?”
Vị còn lại nói: “Đã được đặt định”.
“Ngọc Đế trong kỷ này, có thể bổ khuyết chỗ bất toàn của kỷ trước chăng?”
“Có thể. Để bổ khuyết cho những bất toàn của kỷ trước, thì cần không được để cho âm dương đảo lộn, dương càng thêm dương, âm càng thêm âm. Ngọc Đế trong kỷ này khiêm tốn hiền hậu, tâm đại lượng vô hạn, Vương Mẫu của kỷ này đoan trang uy nghiêm”.
Vị Bồ Tát còn lại khẽ gật đầu, mỉm cười rồi nói: “Từ khi kỷ này bắt đầu, các Vương và Chủ trên thượng giới liên tiếp hạ thế, vở diễn lần này nhất định sẽ ưu việt xuất sắc. Chỉ có điều, các Vương và Chủ nhiều như vậy lo rằng sẽ chiến loạn bất phân, vậy nên Chủ của Tam giới trong kỷ này cần có tấm lòng độ lượng, năng dung, năng nhẫn”.
Vị Bồ Tát còn lại cũng gật đầu: “Quả không sai, năng dung năng nhẫn mới thật sự là trượng phu. Vương Mẫu trong kỷ này cũng được chúng Thần cân nhắc kỹ lưỡng, quyết định chọn một vị uy nghiêm hơn một chút, một là để “tế âm bổ dương”, hai là để bảo toàn bản tính trinh tiết của nữ nhi…”
Hai vị Bồ Tát cùng nhau thảo luận, không biết từ lúc nào đã cùng hướng mắt về phía Tam giới…
Trên đỉnh của Vô Cực Đại La Thiên nơi Tam giới, cũng có hai vị Chân nhân Đạo gia đang nói chuyện. Một vị trong đó là sư phụ của Thái Thượng Lão Quân, Nguyên Thủy Thiên Tôn và Thông Thiên Giáo Chủ — Hồng Quân lão tổ.
Chỉ nghe Hồng Quân lão tổ nói: “Ngô Nhi còn lại mấy kiếp?”
Vị còn lại đáp: “Chỉ còn hai kiếp nữa thôi, Chu Tâm kiếp và Đao Tâm kiếp”.
Hồng Quân lão tổ khẽ vuốt chòm râu dài, gật gù nói với tiểu đồng bên cạnh: “Đã rất lâu rồi không gặp Ngô Nhi, mau đi gọi Thanh Hư đến đây!”
Thanh Hư là ai? Thế nhân chỉ biết rằng Hồng Quân lão tổ có ba vị đệ tử: Thái Thượng Lão Quân, Nguyên Thủy Thiên Tôn và Thông Thiên Giáo Chủ, mà không biết rằng, sư phụ của Đạo gia thường hay thiên vị, họ thường sẽ thu nhận thêm một đệ tử nữa gọi là “đệ tử quan môn” (đóng cửa dạy riêng), vị đệ tử quan môn này thì người thường không được biết đến, sẽ được mật thụ một số công pháp cao thâm hơn, cũng có thể nói là công pháp chân truyền.
Người mà Hồng Quân lão tổ gọi là “Ngô Nhi” – Thanh Hư, chính là “đệ tử quan môn” của ngài ấy. Thanh Hư cũng không phải là một nhân vật tầm thường, là Chủ của Đông Thắng Thần Châu, xưng hiệu là “Đông Thắng Huyền Phủ Thanh Hư Vương”.
Không lâu sau, Thanh Hư ngồi trên thuyền của đạo đồng đi tới Vô Cực Đại La Thiên. Tại sao phải ngồi thuyền mà tới? Cần biết rằng, Vô Cực Đại La Thiên nằm trên đỉnh của Tam giới, ngoại trừ mấy vị lão tổ của Đạo gia thì những sinh mệnh khác đều không đến đây được, chiếc thuyền nhỏ này giống như một đường thông đạo vậy.
Khi ấy chỉ nhìn thấy một thanh niên có cặp mày thanh tú, gương mặt trang nghiêm, cốt cách anh tuấn cưỡi thuyền mà tới. Trên đầu người này có đội mũ miện bằng ngọc, trên thân khoác một chiếc áo xanh, màu xanh này tựa như gam màu nằm giữa màu xanh nước biển và màu xanh lục của lá cây, nhẹ nhàng ưu mỹ, thanh ưu thoát trần.
Sau khi xuống thuyền, người thanh niên tiến đến cửa động rồi quỳ gối dập đầu ba cái, bước vào trong động lại hành lễ khấu đầu, khi bước tới bảo tọa nơi Hồng Quân lão tổ ngồi lại khấu đầu ba cái, nói: “Đồ nhi bái kiến sư tôn”.
Hồng Quân lão tổ mỉm cười nói: “Mau đứng dậy!”
Thanh Hư khởi thân đứng dậy.
Hồng Quân lão tổ: “Đã lâu rồi không gặp Ngô Nhi, dường như con có chút hao gầy, xem ra tu luyện không chút giải đãi”.
Thanh Hư gượng cười lắc đầu nói: “Đệ tử ngu dốt, e rằng có tinh tấn hơn nữa cũng không thấu hiểu được ý nghĩa cốt lõi của đạo pháp, vậy nên không dám giải đãi”.
Hồng Quân lão tổ nhìn Thanh Hư, nói một cách từ ái: “Ngô Nhi, nay ta truyền gọi con tới là để tặng cho con một thứ”. Nói rồi lão tổ rút từ trong ngực ra một cuốn sách đưa cho Thanh Hư.
“Đây là mật tịch, con cầm về tham ngộ, trong đó có những tiên pháp thần thông cần nên luyện tập nhiều hơn, sau này nhất định sẽ có lúc cần dùng tới”.
Thanh Hư đưa hai tay đỡ lấy, hành lễ: “Đồ nhi tuân mệnh!”
Hồng Quân lão tổ khẽ xoa đầu Thanh Hư nói: “Sau khi trở về Đông Châu, nhất định phải tu hành tinh tấn”.
Thanh Hư khẽ gật đầu, khấu bái hành lễ xong thì rời đi, Hồng Quân nhìn theo bóng Thanh Hư khuất dần, trong đôi mắt hiện lên vẻ suy tư sâu thẳm…
Nói đến Nguyên Thủy Thiên Tôn, ngày hôm đó, ngài ấy đang cùng Thông Thiên Giáo Chủ đánh cờ.
Lúc ấy, một tiểu đệ tử của Thông Thiên Giáo Chủ tìm đến bẩm báo: “Sư phụ! Thiếu Bảo Nhi bị một con hổ trắng trên núi Côn Luân đánh gãy một chân, Đa Bảo Nhi liền tới đó để đòi lại công bằng cho Thiếu Bảo Nhi, giờ vẫn chưa trở về, sư phụ, nơi núi Côn Luân đầy rẫy sự “hiểm ác”, Đa Bảo Nhi không biết có gặp nguy hiểm gì không?”
Thông Thiên Giáo Chủ đang chuyên chú vào bàn cờ, lưỡng lự chưa đặt quân cờ xuống, cũng chưa trả lời câu hỏi của đồ nhi.
Nguyên Thủy Thiên Tôn nghe vậy khẽ “hừm” lên một tiếng nói: “Nghe nói, Bạch Hổ núi Côn Luân trước nay chưa từng làm tổn hại người vô tội”.
Thông Thiên Giáo Chủ ngẩng đầu liếc mắt nhìn sư huynh một cái (chỉ Nguyên Thủy Thiên Tôn) nói: “Nước đi này của sư huynh thật là ‘xuất cờ bất ý’ (ý nói ra tay khi đối phương không để ý)!” Nói xong quay đầu nhìn đồ nhi rồi hỏi: “Vì sao lại để người ta đánh thương một chân?”
“Bẩm sư tôn, Thiếu Bảo mấy ngày trước có nuôi chín thần thú Long Điệt, mọi người đều nói nước nơi núi Côn Luân rất tốt, vậy nên Thiếu Bảo đã đem mấy thần thú đến đó dạo chơi, kết quả, cả chín thần thú Long Điệt đều chết dưới móng vuốt của Bạch Hổ, Thiếu Bảo tức giận liền đánh nhau với Bạch Hổ, kết quả… bị đánh gãy một chân”.
Nguyên Thủy Thiên Tôn nghe xong khẽ mỉm cười một tiếng rồi nói: “Sư đệ, ván cờ này đệ thua rồi”.
Thông Thiên Giáo Chủ chau mày: “Đi! Mau lệnh cho Ngọc Đẩu đem theo Tứ Tượng Tháp, tìm Đa Bảo Nhi trở về, nhân tiện bắt luôn con súc sinh đó!”
“Tuân lệnh!”
Ván cờ kết thúc, Nguyên Thủy Thiên Tôn thắng.
Nguyên Thủy Thiên Tôn dựng thẳng hông, nói: “Sư đệ à, ta còn có việc phải đi, đệ ngồi đây uống trà chút nhé”.
Thông Thiên Giáo Chủ đáp: “Không cần, đệ cũng cần phải đi”.
Thông Thiên Giáo Chủ phẩy nhẹ tay áo rời đi, Nguyên Thủy Thiên Tôn giơ ngón ta ra khẽ bấm, trên mặt lộ ra vẻ vui mừng, rồi đi về hướng núi Côn Luân…
Lại nói về đồ nhi của Thông Thiên Giáo Chủ nói rằng nơi núi Côn Luân đầy hiểm ác, có thật vậy không? Núi Côn Luân rốt cuộc là hiểm ác ở chỗ nào?
Kỳ thực, không phải là hiểm ác, chỉ là có điều thần bí kỳ dị.
Trên núi Côn Luân có rất nhiều kỳ hoa dị thảo, sông hồ ao suối, cùng các loại thần thú kỳ lạ, thông thường “trong rừng có rừng, trong hồ có hồ”. Điều đó là có ý gì? Núi Côn Luân nằm ở giao giới giữa Tây Ngư Hạ Châu và Nam Thiệm Bộ Châu, cũng là nói Nam Châu và Tây Châu có cách một ngọn núi cao chính là núi Côn Luân. Có thể vì nằm tại vị trí giao giới như vậy nên khi Sáng Thế Chủ tạo ra nó liền khiến nó giống như một mê cung khó tiếp cận.
Những khu rừng trên núi Côn Luân không chỉ cái này tiếp giáp với cái kia, mà có đôi lúc còn chồng lên nhau, những sinh linh không thông thuộc địa hình khi đi đến đây rất dễ bị lạc đường. Trong rừng có rất nhiều hồ nước và những dòng suối chảy, có những lúc nhìn thì là một mặt hồ phẳng lặng, nhưng nếu đi vào bên trong sẽ phát hiện ra nơi đó còn có thể có một đường hầm rất sâu ẩn giấu bên dưới, hoặc sẽ có đường dẫn tới một sơn động ở một nơi sâu thẳm tịch mịch khác hay một sơn động của một vị Tiên nhân nào đó.
Trên đỉnh núi Côn Luân, có một vương quốc tên gọi là “Khương”. Những sinh linh trong vương quốc này phần nhiều là cầm thú, nhưng đều là “tiên cầm”, “tiên thú” (thần thú), bọn họ thích bảo vệ những sinh linh nhỏ bé khác, trảm tà trừ ác. Bạch Hổ đánh gãy chân Thiếu Bảo Nhi chính là một trong những linh thú của Khương Quốc trên đỉnh núi Côn Luân.
Thần thú trong Khương Quốc có hổ vằn, kỳ lân, sô ngu, các loại chim có phượng hoàng, nghê tước, thương loan, trong nước có mỹ giao (cá mập), xích như, huyền quy,… Chỉ có duy nhất Bạch Hổ là không có nhiều, mặc dù có ít nhưng thần thông và pháp thuật của Bạch Hổ lại thuộc hàng đầu trên núi Côn Luân.
Thần thú Bạch Hổ này toàn thân có màu bạch ngọc, vằn màu vàng nhạt, hai bên sườn có mọc cánh, con ngươi giống như mũi khoan nhọn, ánh mắt sáng quắc như ngọn đuốc, lúc chuyển động thì nhanh như tia chớp, khi tĩnh tại lại vững chãi như bàn thạch.
Một bước của Bạch Hổ có thể xa tới 4-5 mét, khi Bạch Hổ nhún chân nhảy phốc một cái thì khoảng cách đã xa tới 7-8 trượng, lúc Bạch Hổ gầm lên một tiếng thì ngàn vạn cây rừng phải rung chuyển, trong tâm chỉ cần động một cái thì chữ “Vương” trên trán Bạch Hổ sẽ lấp loáng phát sáng.
Bởi vì chín Long Điệt mà Thiếu Bảo Nhi đem lên núi Côn Luân không phải là thiện thú, mỗi con đều mọc ra một cái đuôi (chín đầu chín đuôi), trông giống như chó lại giống cáo, lại có chút giống sư tử, nói chung rất khó nhìn, nhưng thanh âm của chúng là giống như một đứa trẻ đang khóc . Chúng đứng tại giao giới giữa Tây Châu và Nam Châu, dùng âm thanh đó đánh thức bách tính trong Nam Châu thức dậy (thu hút bách tính trong Nam Châu đến) rồi ăn thịt họ, thật vô cùng giảo hoạt và tàn nhẫn.
Long Điệt sau khi ăn thịt mười mấy người vẫn còn muốn dùng cách thức này để đánh thức nhiều người hơn nữa thức dậy, may mà Bạch Hổ phát hiện ra. Bạch Hổ vốn là nhân thú (thiện thú) sao có thể gương mắt nhìn lũ bại thú này ở nơi đây mà làm điều ác!
Trừ khử mấy con Long Điệt kia không phải là việc gì khó, nhưng Bạch Hổ vì thế mà cũng bị thương ở hai vai. Bạch Hổ đang trong lúc ngồi bên bờ sông dùng lưỡi liếm nước hồ để rửa vết thương thì Thiếu Bảo Nhi đùng đùng tìm tới.
“Ta tưởng rằng là mãnh thú gì? Hóa ra chỉ là một con hổ cái nhãi nhép! Dám giết linh sủng (linh thú được sủng ái) của ta, xem ta sẽ lột da ngươi như thế nào!”
Thiếu Bảo Nhi nói xong liền xách đao lao tới, hướng về phía Bạch Hổ mà xuất chiêu, nhanh như cắt Bạch Hổ nghiêng thân tránh đường đao đang chém xuống, đao của Thiếu Bảo Nhi chém xuống nước, khiến nước hồ bắn lên tung tóe, nước hồ bắn vào mắt khiến Thiếu Bảo Nhi bị mất kiểm soát, đang trong lúc còn chưa kịp mở mắt ra thì Bạch Hổ từ phía sau dùng lực mạnh đá một cái, tức thì khiến cho Thiếu Bảo Nhi bị gãy một bên chân. Sau đó, Bạch Hổ nhanh chân chui vào trong rừng, không để lại dấu vết.
Thiếu Bảo Nhi què chân khập khiễng bước đi, chạy về nhà vừa khóc lóc vừa kêu lớn, tìm đại ca giúp mình đi báo thù, vậy nên Đa Bảo Nhi mới tìm lên núi Côn Luân.
Thiếu Bảo và Đa Bảo là huynh đệ, đều là đệ tử của Thông Thiên Giáo Chủ, nhưng pháp lực thần thông của hai người lại khác nhau rất xa. Đa Bảo là đại đệ tử của Thông Thiên Giáo Chủ, pháp lực cao cường, Thiếu Bảo không chịu học hành lại biếng nhác, điều gì cũng chỉ làm qua loa đại khái.
Thế nhưng địa thế nơi núi Côn Luân kỳ dị thần bí, Đa Bảo lần đầu tới đây, chưa nhìn thấy bóng dáng của Bạch Hổ đâu thì đã lạc đường mất phương hướng.
Đang lúc Đa Bảo lúng túng chưa biết làm sao thì từ xa thấp thoáng xuất hiện ánh kim quang, Đa Bảo định thần quan sát, thì ra là ánh sáng của Tứ Tượng Tháp, vậy nên bèn dùng lực nơi đan điền phát ra một âm thanh lớn: “Ta ở đây!”
Ngọc Đẩu nghe thấy tiếng gọi biết rằng đó là sư huynh của mình, bèn lần theo âm thanh tìm được Đa Bảo.
Ngọc Đẩu nói với Đa Bảo: “Sư huynh, sư phụ lệnh cho đệ trước tiên tìm được huynh sau đó sẽ dùng Tứ Tượng Tháp thu phục con quái thú đó”.
Đa Bảo nói: “Được, chúng ta có thể lần theo vết máu của Thiếu Bảo tìm đến con Bạch Hổ đó”.
Hai người họ lần theo vết máu, tìm đến nơi Bạch Hổ đánh trọng thương Thiếu Bảo, nhưng Bạch Hổ lại không có ở đây.
Đa Bảo nói với Ngọc Đẩu: “Sư muội, hãy xem ta khiêu khích nó như thế nào!”
Đa Bảo vận khí đan điền, dùng khí nơi đan điền mà nói: “Tên súc sinh kia! Mau mau hiện hình! Ta xem ngươi còn chịu được đến khi nào? Ngươi có dám đấu với ta một trận hay không?”
Trong rừng vẫn không có động tĩnh gì.
Đa Bảo lại tiếp tục nói: “Nghe nói loài hổ vốn dĩ là vương trong rừng, ngươi đánh trọng thương người, còn dám ẩn nấp? Há chẳng phải đã làm mất đi phẩm cách của một vị Vương hay sao? Đợi khi ta tìm được ngươi, sẽ lột da ngươi làm thảm chùi chân!”
Lời vừa dứt, chỉ nghe thấy trong rừng có tiếng ào ào, Ngọc Đẩu và Đa Bảo đều nín thở tập trung, đợi Bạch Hổ hiện thân.
Sau đó trong rừng phát ra một tiếng gầm lớn, cây cối hết thảy đều lay động, huynh muội bọn họ vận công chuẩn bị xuất kích, kết quả là chỉ thấy từ trong rừng có một con hổ cái vẫn chưa trưởng thành bước ra, trên vai còn có vết thương, nhìn dáng vẻ lại có phần khá đáng yêu.
Vừa nhìn thấy vậy, Đa Bảo và Ngọc Đẩu bèn phá lên cười, trong lòng nghĩ Thiếu Bảo tại sao lại kém cỏi như vậy, đến một con “Tiểu Hổ” này lại đánh không lại?
Đang lúc hai người họ còn đang suy nghĩ, thì Bạch Hổ liền lao đến, Đa Bảo vẫn chưa kịp phòng vệ liền bị Bạch Hổ dùng đuôi quất trúng, đuôi của Bạch Hổ giống như đuôi báo vậy, vừa dài vừa nặng, chẳng khác gì một chiếc roi da đang quất tới.
“Sư muội cẩn thận! Con hổ này rất tinh lanh đấy!”
Một lúc sau, Đa Bảo và Ngọc Đẩu đã nắm được đường nước của Bạch Hổ, liền bắt đầu nỗ lực tấn công, Bạch Hổ có phần đánh không lại, định dang cánh nhảy thoát nhưng đã bị Ngọc Đẩu dùng kiếm đánh bị thương đôi cánh.
“Sư muội! Mau dùng Tứ Tượng Tháp!”
Đang lúc Ngọc Đẩu rút ra Tứ Tượng Tháp, Bạch Hổ liền ngửa mặt lên trời gầm lên một tiếng, tức thì trời đất trở nên tối sầm, Đa Bảo và Ngọc Đẩu đều không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Hai người cố gắng quan sát, dường như là một đôi cánh lớn đã che mất Mặt Trời, khi hai người còn chưa định thần trở lại thì liền thấy một con chim loan màu xanh (thanh loan) cõng theo Bạch Hổ mà bay về hướng Tây.
“Đuổi theo!”
Huynh muội hai người cưỡi mây bay lên, đuổi theo phía sau, khi gần đuổi kịp Thanh Loan, Đa Bảo liền lấy ra những viên ngọc trên chiếc vòng tay của mình đang đeo, hướng về phía hai cánh của Thanh Loan mà bắn tới.
Thanh Loan bị trúng thương kêu lên những tiếng thảm thiết, từ từ bay chậm lại, Bạch Hổ thật sự rất nghĩa khí, không nỡ nhìn Thanh Loan bị thương nên đã dùng thân mình mà chắn lấy những viên “đạn ngọc” đang bay tới, nhưng chẳng ngờ Bạch Hổ liền bị trượt chân té ngã xuống đám mây bên dưới.
May mắn thay, Bạch Hổ rơi xuống và bị mắc vào cành cây Dao bên dưới nên không bị thương nặng.
Trùng hợp là, cây Dao này cũng có màu giống như bạch ngọc, cành lá đan lẫn vào nhau, trông chẳng khác gì màu lông của Bạch Hổ.
Bạch Hổ rơi xuống cây Dao bên dưới, chẳng khác gì như đã ẩn thân đi vậy, Ngọc Đẩu và Đa Bảo tìm mãi vẫn không thấy dấu tích của Bạch Hổ ở đâu.
“Sư huynh, Bạch Hổ rơi xuống chỗ này mà, sao lại không thấy dấu vết gì cả?”
Ngọc Đẩu và Đa Bảo nghĩ mãi mà không ra, khi vừa quay lại nhìn bỗng phát hiện ra cây Dao giống như màu bạch ngọc, hai người có chút nghi ngờ nên liền bước tới.
Đột nhiên, chỉ nghe thấy tiếng gọi: “Đa Bảo, Ngọc Đẩu! Muốn đi đâu vậy?”
Hai người ngẩng đầu lên nhìn, lại chính là Nguyên Thủy Thiên Tôn, bèn quỳ xuống hành lễ sư bá, sau đó liền đem chuyện truy tìm Bạch Hổ kể lại cho sư bá nghe.
Nghe xong, Nguyên Thủy Thiên Tôn ngồi trên mây mà nói: “Hai người ngươi hãy về đi, Bạch Hổ đó là linh thú hiếm có của Côn Luân, chỉ e rằng các ngươi sẽ không tìm thấy nó. Hơn nữa, bản tính của nó là lương thiện, trước nay chưa hề vô ý làm thương tổn đến những sinh linh vô tội”. Nói xong, Nguyên Thủy Thiên Tôn liền phất cây phất trần rồi từ từ nhắm mắt lại, đợi hai người họ rời đi.
Ngọc Đẩu và Đa Bảo nghe thấy sư bá nói vậy cũng không dám lưu lại nữa, bèn từ biệt sư bá rồi rời đi.
Bạch Hổ nấp trên cây Dao, những lời này đều nghe thấy rất rõ ràng, đợi hai người họ rời đi, Bạch Hổ liền nhảy từ trên cây xuống, dùng hai chân trước mà chắp lại tỏ lòng cảm ơn ân cứu mạng của Nguyên Thủy Thiên Tôn.
Nguyên Thủy Thiên Tôn nhìn thấy dáng vẻ đáng yêu đó của Bạch Hổ thì trong đôi mắt liền hiện lên vẻ cảm kích khôn nguôi, Thiên Tôn vuốt râu ngẩng mặt lên trời mà cười “ha ha”, cười xong liền quay đầu sang một bên như đang tự nói với chính mình, trong lời nói lại như có ngụ ý gì đó: “Hôm nay ta xem ra sẽ thu được một đệ tử tốt”. Vừa nói vừa đưa tay ra bấm: “Ái chà, hình như đã đến lúc rồi”.
Bạch Hổ vô cùng thông minh, ngộ rằng vị Chân nhân này muốn nhận mình làm đệ tử, trong lòng vui mừng khôn xiết, vội vàng cúi sát hai chân trước xuống đất, hai chân sau gẩy đất hất lên không trung, hành lễ trước Nguyên Thủy Thiên Tôn.
Nghe thấy âm thanh Bạch Hổ dập đầu xuống đất, Nguyên Thủy Thiên Tôn mới quay đầu lại, nở nụ cười, gật đầu rồi từ trong tay áo rút ra một viên linh đan màu vàng kim, ném về phía Bạch Hổ.
Hạ ý thức mách bảo Bạch Hổ mở miệng đỡ lấy viên linh đan, tức thì quanh thân thể của Bạch Hổ phát ra ánh sáng vàng kim, bộ lông màu bạch ngọc từ từ biến thành ngọc thể nõn nà, những vết đốm vàng trên lông từ từ biến thành một bộ y phục màu vàng tơ đẹp đẽ, cũng chính là nhục thân của Bạch Hổ đã biến thành hình dạng của Thần thể.
Bạch Hổ nhìn thấy bản thân mình mọc ra hai tay, hai chân, tóc đen thì vừa vui mừng vừa cảm thấy kỳ lạ.
Cô ấy (chỉ Bạch Hổ) vội vã quỳ trên mặt đất, hướng về phía Thiên Tôn mà hành lễ: “Ngày hôm nay được Chân nhân cứu nguy, Chân nhân lại truyền cho kim đơn linh dược, trong tâm cảm kích vô cùng. Nếu Chân nhân không chê, không biết có thể nhận con làm đệ tử để báo đáp ân đức của Chân nhân?”
Nguyên Thủy Thiên Tôn chính là đang đợi câu nói này đây, nhưng vẫn tỏ vẻ thận trọng, suy nghĩ một lát rồi mới gật đầu: “Ừm, xem ra con cũng có chút căn cốt của Đạo gia chúng ta, hôm nay sẽ để con viên mãn nguyện vọng này, thu con làm đệ tử!”
Tiểu ni tử (bé gái – chỉ Bạch Hổ) mặc váy vàng ấy vội vã dập đầu khấu bái: “Đệ tử khấu bái sư tôn!”
Lúc này Nguyên Thủy Thiên Tôn mới từ trên mây bước xuống, khẽ xoa lên đầu tiểu ni tử, nhìn thấy nụ cười rạng ngời của cô bé, Thiên Tôn liền ngâm lên một câu thơ rằng:
Dao ảnh thanh bạch tư không linh,
Tiếu nhan thuần lãng chân tính tình.
Diễn nghĩa:
Màu bạch ngọc thanh bạch, tư thế linh diệu
Nụ cười thuần lương lộ rõ tính tình chân thực.
Nguyên Thủy Thiên Tôn nhìn cây Dao, rồi lại nhìn tiểu ni tử, khẽ gật đầu nói: “Đồ nhi à, sư phụ đặt cho con một cái tên, gọi là ‘Dao Chân’ nhé?”
Tiểu ni tử ngây ngẩn một lúc, rồi nhẹ nhàng đọc khẽ: “Dao Chân, Dao Chân…”, phát hiện ra rằng cái tên này có phần rất quen thuộc với mình, cảm giác đúng như tên của mình vậy, sau đó cô vui vẻ nói với Thiên Tôn: “Dao Chân cảm tạ sư phụ đặt tên!”
(Còn tiếp)
Mời quý độc giả ghé thăm trang Chánh Kiến để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Huyền mộc ký (3-16)
- Huyền mộc ký (3-15)
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!