Một ngày nọ, Hứa Vũ gửi thư cho hai người em, viết rằng: “Thất phu mà được Thiên tử triệu kiến, làm quan mà đến Cửu Khanh, ấy cũng là vinh hạnh cực lớn của đời người. Có câu rằng: ‘Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy’. Nếu đã không có tài năng xuất chúng, nên dũng cảm giã từ sự nghiệp, để tránh cản trở người hiền tài được trọng dụng.”
Hứa Yến, Hứa Phổ nhận được thư, ngay trong ngày cùng dâng sớ xin từ quan, Thiên Tử không đồng ý. Sớ dâng lần thứ ba, Thiên Tử bèn hỏi tể tướng Tống Quân rằng: “Hứa Yến, Hứa Phổ nhập sĩ ở tuổi trung niên, làm tới Cửu Khanh. Trẫm đãi họ không tệ, nhưng họ lại nhiều lần xin từ quan, đây là vì sao?” Tống Quân tâu rằng: “Bản tính hai huynh đệ Yến, Phổ vốn hiếu thuận, tình nghĩa. Nay Hứa Vũ ẩn cư đã lâu, mà Yến, Phổ cùng làm quan nơi xa, có lẽ hai người không yên lòng.”
Thiên Tử nói: “Vậy Trẫm cũng triệu vời Hứa Vũ, để ba huynh đệ họ cùng phụ chính triều đình được không?” Tống Quân nói: “Thần thấy nguyện vọng của Yến, Phổ là thành tâm thật ý. Chi bằng bệ bạ tạm thời y theo thỉnh cầu của họ, để họ được như nguyện mà cao hứng. Sau này lại hạ chiếu thu dùng họ. Hoặc học theo chuyện xưa của tiền triều, chọn ra một quận lớn ở vùng lân cận cho họ quản lý, để họ thi triển hết tài năng, lại tiện đường về thăm nhà. Như vậy sẽ vừa thể hiện tấm lòng trọng người hiền của bệ hạ, mà đối với Yến, Phổ cũng vẹn toàn tình nghĩa, hai bên cùng vui mừng.”
Thiên Tử chuẩn tấu, lập tức tấn phong Hứa Yến làm Thái thú quận Đan Dương, Hứa Phổ làm Thái thú quận Ngô, ban thưởng cho mỗi người 100 lượng vàng, cấp 3 tháng nghỉ phép về thăm nhà. Các quan trong triều đi đưa tiễn hai người ra tận vùng ngoại ô.
Hứa Yến, Hứa Phổ trở về đến Dương Tiễn trong đêm, đến chào anh trai, rồi đem toàn bộ số vàng mà triều đình ban thưởng dâng ra. Hứa Vũ nói: “Đây là Thánh thượng ban ân, ta nào dám nhận!” Bảo hai người em thu lại. Ngày hôm sau, Hứa Vũ trước dẫn hai em đến tế bái cha mẹ, sau đó mở tiệc mời những người lớn tuổi trong vùng đến dự.
Ba anh em nhà họ Hứa tuy đều làm quan lớn, nhưng từ trước tới nay không vì phú quý mà kiêu căng, cho nên những người được mời đều đến dự cả. Hứa Vũ nói: “Đã làm phiền các vị hương thân phụ lão đến đây, hôm nay hạ quan có những lời từ đáy lòng xin được nói ra.” Mọi người cùng nói: “Xin nguyện nghe lời vàng ngọc.”
Lập tức Hứa Vũ chưa nói gì, nước mắt đã chảy ròng ròng, mọi người thấy vậy đều hoảng hốt luống cuống. Hai người em trai vội vàng quỳ xuống, hỏi: “Ca ca vì sao lại bi thương?” Hứa Vũ nói: “Tâm sự của ta đã giấu kín suốt bao năm qua, hôm nay không thể không nói ra.” Rồi chỉ vào Hứa Yến, Hứa Phổ nói: “Chỉ vì thanh danh hai ngươi chưa thành, khiến cho ta phải làm một việc trái với lương lâm, tạo ra tiếng xấu, có lỗi với tổ tông, để cho người trong thôn chê cười, cho nên mới rơi lệ.” Nói rồi lấy ra một cuốn sổ để cho mọi người xem, thì ra cuốn sổ này ghi lại toàn bộ ruộng đất, nhà cửa cùng với số lượng lúa gạo, vải vóc thu vào mấy năm qua.
Mọi người còn chưa kịp hiểu ý tứ của ông, thì Hứa Vũ lại nói: “Lúc trước ta dạy bảo hai em, vốn là mong muốn chúng tu đạo lập thân, có chút thành tích. Không ngờ hư danh của ta sớm truyền ra, liền hiển đạt trước. Hai em ở nhà, chăm chỉ làm ruộng, gắng sức học tập, lại không được Châu, Quận trưng thu tiến cử. Ta muốn học theo gương Kỳ đại phu xưa đề cử không tránh người thân, lại sợ người học không biết lực học của hai em, cho rằng hai em làm quan là vì có ta, sẽ tổn hại danh tiết suốt đời. Cho nên ta đưa ra ý kiến phân nhà sống riêng, chiếm hết nhà to, ruộng tốt làm của riêng. Ta biết em ta làm người thành thực, kính yêu, nhất định sẽ không tranh chấp.
Ta tạm thời mang danh là kẻ tham lam, như vậy hai em của ta mới có danh “Liêm nhượng”. Quả nhiên đã được người trong thôn công khai bình luận, vinh hạnh được triệu mời. Nay đứng hàng công khanh, thường ngày làm quan không mang tiếng xấu, chí nguyện của ta đã được như ý rồi. Những ruộng đất, nhà cửa này đều là tài sản chung, ta há có thể một mình độc hưởng? Chỗ lúa gạo, vải vóc thu được trong mấy năm qua, không mảy may dám dùng bừa, tất cả đều ghi lại trong cuốn sổ này. Hôm nay giao phó lại cho hai em, để bày tỏ nỗi lòng từ trước đến nay của ta, cũng là nói cho các vị phụ lão trong thôn được biết.”
Đến lúc này, mọi người mới biết được việc phân chia gia sản mấy năm trước là nỗi khổ tâm của Hứa Vũ, cùng nhau khen ngợi không thôi.
Thật là câu chuyện đáng để người hôm nay suy ngẫm, nhất là việc tranh giành tài sản trong gia đình.
Tác giả: Tĩnh Viễn (Jing Yuan)
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện đạo đức truyền thống Trung Hoa (4): Khương Quăng yêu thương các em
- Nhân ái – Hiếu đễ (P.3): Đệ không tranh, huynh không giành
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!