Đông qua, xuân đến! Vài ngày trước, tôi tình cờ đọc được bài thơ “Đào yêu – Kinh Thi” mà mọi người đều quen thuộc:
Đào chi yêu yêu, chước chước kì hoa, chi tử vu quy, nghi kỳ thất gia.
Đào chi yêu yêu, hữu phần kỳ thật, chi tử vu quy, nghi kì gia thất.
Đào chi yêu yêu, kỳ diệp trăn trăn, chi tử vu quy, nghi kỳ gia nhân.
Dịch thơ:
Đào tơ mơn mởn xinh tươi,
Hoa hồng đơm đặc dưới trời xuân trong.
Hôm nay nàng đã theo chồng,
Nên bề gia thất ấm nồng thuận vui.
Đào tơ mơn mởn tươi xinh,
Trái đà đơm đặc đầy cành khắp cây.
Theo chồng, nàng quả hôm nay.
Ấm êm hòa thuận nồng say gia đình.
Xinh tươi mơn mởn đào tơ,
Xum xuê ngàn lá phất phơ đầy cành.
Theo chồng, nàng đã duyên thành,
Với người gia thất, hiền lành thuận vui.
(Bản dịch của Tạ Quang Phát)
Khi đọc bài thơ này, tôi luôn cảm thấy ý xuân trong “Đào yêu” ở thế giới này thực sự sắp đến. Đồng thời, tôi liên tưởng đến một thành ngữ đồng âm là: “Đào chi yêu yêu” (nghĩa là Chạy trốn). Kể từ trận đại dịch năm Canh Tý (2020) cho đến nay, có bao nhiêu người trên thế gian vẫn đang phải gánh chịu khổ nạn, và có bao nhiêu người vẫn đang tránh được tai họa? Nghĩ về điều này, trong tâm tôi đột nhiên tỉnh ngộ, nơi chúng ta có thể trốn chạy và lánh nạn trong thời kỳ “đông qua, xuân đến” ở thế giới con người có lẽ chính là “gia đình”.
Và điều này phù hợp với ý thơ của bài “Đào yêu”. Bài thơ “Đào yêu” được chia thành ba chương, câu thứ ba của mỗi chương là “Chi tử vu quy”, cho chúng ta biết phong tục quay trở về nhà vào mùa xuân. Câu kết ngay sau đó đều có liên quan đến “gia đình”. Thực sự có thể nói: nghi gia nghi thất dã nghi nhân, phúc thiên phúc địa cánh phúc niên (Tạm dịch: Nên nhà nên cửa, người nên người; Phúc trời phúc đất, phúc thêm phúc). “Gia nhân” và “gia thất” thể hiện sự hiểu biết đơn giản nhất, trực quan nhất và sự vật gần gũi nhất của chúng ta về “gia”.
Giống như bây giờ chúng ta thường nói về “gia”, tự nhiên sẽ liên hệ tới “gia nhân” và “đủ loại phòng ốc, tiện nghi của gia đình”. Quả là hoàn cảnh sống tăng thêm sợi dây gắn bó giữa những người thân đã tổ thành một “gia đình”. Thành thật mà nói, từ xưa đến nay trên thế giới, “gia đình” là tổ chức đơn nguyên cơ bản của xã hội có tính ổn định nhất, hoàn thiện nhất và vững chắc nhất, giống như tổ chức tế bào cơ bản nhất của xã hội. Bí ẩn về nguồn gốc xã hội của “gia đình” vẫn khiến các nhà xã hội học có nhiều cuộc thảo luận để nghiên cứu và khám phá.
“Gia đình” là tổ chức đơn nguyên cơ bản nhất trong đời sống xã hội. Chức năng đạo đức và chức năng xã hội của nó mang ý nghĩa văn hóa trong rất nhiều tầng diện. Học thức của người viết còn hạn chế, nên chỉ thử đưa ra một cách giải thích khác từ hai khía cạnh của nội hàm văn hóa Trung Hoa được mọi người biết đến nhiều nhất:
“Gia đình” là đạo tràng tu hành
Có lẽ mọi người đều quen thuộc đoạn giáo huấn kinh điển viết trong “Lễ Ký – Đại Học”:
“Người xưa muốn làm sáng tỏ đức sáng trong thiên hạ, thì trước hết phải bình trị được nước mình. Muốn trị nước mình, trước tiên phải sửa sang nhà mình cho tốt đẹp. Muốn sửa sang nhà mình, trước tiên phải tu chỉnh bản thân mình. Muốn tu chỉnh bản thân mình, trước tiên phải giữ cái tâm mình cho ngay ngắn. Muốn giữ cho tâm ngay ngắn, trước tiên phải khiến cho ý niệm của mình chân thành.
Muốn ý niệm chân thành, thì trước hết phải có sự hiểu biết, mà điều này nằm ở việc xét biết tường tận về sự vật. Nghiên cứu đến tận cùng nguyên lý của sự vật, sau mới có sự hiểu biết. Có hiểu biết rồi ý niệm mới chân thành. Ý niệm chân thành rồi sau đó tâm mới có thể ngay chính.
Tâm ngay chính sau đó mới tu chỉnh được bản thân. Thân đã tu chỉnh rồi sau mới sửa sang nhà mình chỉnh tề tốt đẹp. Nhà đã sửa sang tốt đẹp sau đó mới bình trị được nước mình. Nước đã trị được rồi sau đó thiên hạ mới có thể thái bình. Từ Thiên tử cho đến thứ dân, tất cả đều lấy việc tu thân làm gốc.”
Tám mục trong “Nội thánh ngoại vương” nổi tiếng của Nho gia là: cách vật (tìm hiểu sự vật), trí tri (có hiểu biết rõ ràng), thành ý (ý thành thực), chính tâm (tâm ngay thẳng), tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trong đó, “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm” được gọi là “Nội thánh chi nghiệp”, “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được gọi là “Ngoại vương chi nghiệp”.
Nội thánh có nghĩa là hướng nội tâm tu hành và tu luyện, nâng cao cảnh giới đạo đức và kĩ năng trí tuệ của bản thân. Ngoại vương chính là thi đức và hành đạo ra bên ngoài, nhằm cảm hóa nhân tâm và làm thuần tịnh phong tục. Người tu tập theo Nho gia luôn tận lực đối với mọi phương diện của xã hội, đủ để khiến bản thân, gia đình, quốc gia và thiên hạ hữu đức. Trong đó, “tề gia” có ý nghĩa là quản lý tốt gia đình. Vì vậy, Nho gia đặc biệt giảng giải những đạo lý lễ trị liên quan đến “đạo phu thê”, “đạo phụ tử”, “đạo mẫu tử”, “đạo gia tộc” .v.v.
“Đạo Đức Kinh – Chương 54” nói: “Nếu lấy Đạo tu thân thì đức sẽ đầy đủ. Nếu lấy Đạo tu sửa gia đình thì đức sẽ thừa. Nếu lấy Đạo tu sửa làng xóm thì đức sẽ dài lâu. Nếu lấy Đạo mà tu sửa nước, đức sẽ phong thịnh. Nếu lấy Đạo tu sửa thiên hạ, đức sẽ rộng khắp. Cho nên, lấy thân xét thân, lấy nhà xét nhà, lấy làng xét làng, lấy nước xét nước, lấy thiên hạ xét thiên hạ.”
Khi đọc đoạn này trong Đạo Đức Kinh, người viết chợt nhận ra: hóa ra tư tưởng “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Nho gia từ sớm đã được thông hóa và xuất ra từ trong nội hàm tu luyện của Đạo gia. Trong tình huống thông thường, chúng ta thường cho rằng, việc tu hành của Đạo gia là lấy mô thức phong phạm xuất thế làm mẫu mực.
Quan điểm trước đây, khi nói đến “tu hành” và “tu luyện,” người ta thường cho rằng, xuất gia là vào chùa miếu hay đạo quán, hoặc ẩn cư và độc tu .v.v. Tất cả những người đó đều phải tránh xa thế tục. Bây giờ nhìn lại, e rằng đây chỉ là một dạng biểu hiện của hình thức tu hành mà thôi. Kỳ thực, tu hành và tu luyện của Đạo gia đều mang tâm thái nhập thế.
Lão Tử đã chỉ rõ, việc tu Đạo, tu đức có thể được thực hành trong môi trường xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau như “thân, nhà, làng, nước và thiên hạ”, chỉ cần xem xét đạo hạnh và cảnh giới của bản thân. Mục đích của bài giảng kinh điển “Đạo Đức Kinh” cũng là để giáo hóa chúng sinh, hoằng Đạo tu đức. Một vị Thánh nhân hữu đạo, một bậc cao sĩ tu đức đều mang lại cho xã hội năng lượng tích cực cùng ý nghĩa văn hóa tại tầng diện đạo thuật; đồng thời cũng mang đến tinh thần thuần tịnh và phẩm chất cao thượng trong phương diện cuộc sống.
Bất kể tu hành Nho gia hay tu luyện Đạo gia, hoàn toàn có thể lấy xã hội làm đạo tràng tu hành. Bất luận liên quan đến tầng diện xã hội nào đều có thể tu hành, tu luyện trong đạo tràng này trong đời sống xã hội. “Gia đình” không chỉ là kết cấu tổ chức đơn nguyên cơ bản của xã hội, mà còn là một trong những đạo tràng tu hành đúng như tên gọi của nó từ xưa đến nay. Nhưng nhìn từ góc độ ý nghĩa văn hóa của việc tu hành, trong gia đình, Nho gia chủ yếu tu hành “hiếu và từ”, còn Đạo gia chủ yếu tu hành “Đạo và đức”.
“Gia đình” là nền tảng trật tự cơ bản nhất trong thời đại “Đại Đạo ẩn thế ” trên thế giới
Có lẽ, mọi người đều quen thuộc với lời bàn luận của Khổng Tử về trạng thái xã hội “Đại đồng” và “Tiểu khang”. Đây là lời luận thuật xã hội rất nổi tiếng. Đối với người Trung Quốc, đó cũng là những kiến thức cơ bản về lịch sử và văn hóa truyền thống. Để giải thích chính xác hơn các khái niệm xã hội về “Đại đồng” và “Tiểu khang”, trước tiên chúng ta hãy xem nguyên văn đoạn trích từ “Lễ Ký – Lễ Vận”:
“Ở thời Đại Đạo thực hành thì thiên hạ là của chung, người ta chọn kẻ hiền năng, giảng điều xác thực, thực hiện trên thuận dưới hòa. Cho nên, mọi người không chỉ thương kính riêng cha mẹ mình, không yêu thích riêng con mình. Người già được nuôi dưỡng trọn đời, người trẻ được trọng dụng, trẻ con được săn sóc đến lúc trưởng thành, thương người cô đơn mất vợ, thương kẻ lẻ bóng góa chồng, thương người tàn phế, tật nguyền mà nuôi dưỡng.
Người nam có công việc, người nữ lập gia đình, ghét phí phạm của cải vứt bỏ ra đất, chẳng cần cất giữ cho mình; ghét không ra sức vì người, tuyệt không vì mình. Vì thế, mưu mô chấm dứt, không chỗ hưng khởi, trộm cướp và giặc loạn không còn nơi hành động, thế nên cửa ngõ không cần đóng. Đó là thời Đại đồng.
Ngày nay Đạo lớn đã bị che lấp, thiên hạ trở thành nhà, mỗi người chỉ yêu lấy người thân của mình, chỉ lo cho con cái riêng của mình, xem của cải, sức mạnh là của riêng mình, bậc đại nhân lấy việc truyền nối thế hệ làm lễ. Thành quách sông hồ xây dựng chắc chắn, lễ nghĩa lấy làm điều trói buộc; khiến vua tôi chính danh, cha con dốc lòng, anh em hòa mục, vợ chồng hòa hợp, thiết lập chế độ, phân chia ruộng đất, chỉ dùng người giỏi, dũng mãnh, hiểu biết, lo lập công cho bản thân.
Vì thế cho nên, dùng mưu mô làm việc, việc binh đao do đó mà xảy ra. Các vua Vũ, Thang, Văn, Võ, Thành Vương, Chu Công đều chọn cách thức như vậy mà trị thiên hạ. Sáu bậc quân tử ấy không ai là không biết lễ, họ còn đặt ra Nghĩa, khảo chọn Tín. Người nào phạm lỗi thì khoan nhân hình phạt để biểu thị cho dân chúng phải biết phép tắc. Nếu người nào không tuân theo những điều đó thì họ sẽ bị xa lánh, xua đuổi vì mọi người sẽ xem họ là tai họa. Xã hội như vậy gọi là Tiểu khang.”
Khổng Tử luận thuật về hai loại hình thái xã hội: “Đại đồng” và “Tiểu khang”. Vậy, nền tảng chuẩn mực giá trị xã hội của “Đại đồng” và “Tiểu khang” là gì? Nền tảng này là sự khác biệt giữa “hành thế” và “ẩn thế” của “Đại Đạo” (Đạo lớn). Vậy “Đạị Đạo” là gì? Rất rõ ràng, bất luận nhìn từ góc độ tư tưởng Nho gia hay tư tưởng Đạo gia, “Đại Đạo” tương đương với một loại cảnh giới và trí tuệ mà thông qua hành vi đạo đức “tu hành”, hay nói đúng hơn là “tu luyện”, mới có thể nghiệm xét và thể ngộ được.
Từ góc độ triết học xem xét, nó giống như nguồn gốc sâu xa và căn bản của tạo hóa vạn vật trong trời đất. Từ góc độ Thần học xem xét, nó giống những pháp tắc và chí lý tối cao mà Thiên, Địa, Nhân và Thần phải tuân theo. Trong mọi trường hợp, sự lí giải về “Đại Đạo” không thể tách rời khỏi ý nghĩa của văn hóa tu luyện và văn hóa Thần truyền cơ bản của Trung Quốc, và càng không thể hạn cuộc ở giải thích chung chung là lấy góc độ khoa học làm quy luật của vũ trụ.
Bởi vì, trong bản thân hệ thống các ngành học khác nhau không hề có nội hàm và thao tác của tu hành và tu luyện, càng không có cách gì để phân định và lý giải hoàn chỉnh được ý nghĩa thực sự của tu hành và tu luyện.
Khổng Tử cho rằng, nếu “Đại Đạo chi hành” (Đạo lớn được thi hành) thì sẽ xuất hiện trạng thái xã hội “thiên hạ là của chung”. Nếu “Đại đạo kí ẩn” (Đạo lớn bị che lấp) thì sẽ xuất hiện trạng thái xã hội “thiên hạ trở thành nhà”.
Như thế nào được gọi là “Đại Đạo hành thế”? Đó là trạng thái đạo đức của cộng đồng và cá nhân trong toàn xã hội đạt tới trình độ tu luyện rất cao. Thậm chí có thể nói rằng, hầu như toàn bộ người dân trong xã hội đều ở trong trạng thái tu luyện và tu hành khá cao. Ví dụ, người ta chọn những người hiền đức, hiền tài để đảm nhận chức vụ công. Xã hội coi trọng chữ tín và hòa mục.
Mọi người đối xử với nhau như người thân, xem người thân của người khác như người thân của mình, xem con cái của người khác như con cái ruột của mình, yêu thương và quan tâm lẫn nhau. “Người già được nuôi dưỡng trọn đời, người trẻ được trọng dụng, trẻ con được săn sóc đến lúc trưởng thành, thương người cô đơn mất vợ, thương kẻ lẻ bóng góa chồng, thương người tàn phế, tật nguyền mà nuôi dưỡng.” Đàn ông, phụ nữ nói chung đều có nghề nghiệp và công việc riêng, cũng có thể dựng vợ gả chồng đúng lúc.
Ai cũng chán ghét việc lãng phí tài vật, nhưng sẽ không vì thế mà coi nó là của riêng. Mọi người đều ghét loại người có năng lực nhưng không nguyện ý đóng góp, nhưng khi thể hiện năng lực không phải là vì bản thân. Các loại ngành nghề trong đời sống xã hội không có âm mưu và thủ đoạn xảo quyệt, không sản sinh hiện tượng trộm cắp và cướp bóc, khi ra ngoài không cần phải đóng cửa .v.v.
Vì vậy, chữ “công” trong “thiên hạ vi công” là một loại “công chính, công bình và công duẫn” của cảnh giới đạo đức. Hiện nay, một số người diễn giải chữ “công” trong cụm từ “thiên hạ vi công” thành ý nghĩa là “cộng hữu hóa, công hữu hóa”. Kỳ thực, họ đang bị giam hãm trong tư tưởng hình thái ý thức xã hội chủ nghĩa của xã hội hiện đại.
Bởi vì, trong hệ thống tư tưởng xã hội chủ nghĩa không có nội hàm “tu luyện, Chính Đạo, Đại Pháp”. Ngược lại, nó được hình thành dựa trên nền tảng lý luận “Vô Thần luận” và “phản đối chính tín, phản đối tu luyện”; đồng thời tôn sùng việc tập trung quyền lực cao độ của cơ quan Đảng, chính quyền, tôn sùng chủ nghĩa quân bình vật chất hóa. Mục tiêu là theo đuổi trạng thái xã hội “giả không tưởng” tà ác chiếm hữu vật chất, cùng với sự ham muốn vật chất ngang ngược tràn lan.
Khi Khổng Tử miêu tả trạng thái xã hội “thiên hạ là của chung”, ông không phủ nhận sự khác biệt trong các tình huống khác nhau của xã hội nhân loại. Chẳng hạn như: sự khác biệt giữa nam và nữ, sự khác biệt về nguồn lực tài chính của mỗi người, sự khác biệt về giai tầng xã hội, sự khác biệt về khả năng làm việc của các nhóm người khác nhau, sự khác biệt về điều kiện sống và sự khác biệt về cảnh giới tư tưởng của mọi người.
Khi Khổng Tử giải thích trạng thái xã hội “thiên hạ là của chung”, ông không có ý muốn tiêu trừ hay loại bỏ những “sự khác biệt” này, mà luôn khẳng định sự tồn tại của nó. Những “khác biệt” này được hoàn thiện thông qua sự quản lý phối hợp trong hoàn cảnh “chung”. Vì vậy, “công” trong “thiên hạ vi công” không phải là “cộng hữu hóa”, “công hữu hóa” mang tính vật chất hóa của xã hội, mà là “công chính, công bình, công duẫn” của cảnh giới đạo đức xã hội.
Sau khi có cảnh giới đạo đức này, nó sẽ tạo thành ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội. Thậm chí sau đó, nó có thể mở rộng một cách tự nhiên đến lòng nhân từ, thương yêu lẫn nhau mang tính tự chủ của những người trong xã hội. Từ đó hình thành nên xã hội công bằng, chính trực, mang tính tự phát và tự giác. Chỉ khi “Đạo lớn thi hành” mới có trạng thái xã hội “thiên hạ là của chung”. Đây gọi là xã hội “Đại đồng”.
Khổng Tử còn nói thêm rằng, khi “Đạo lớn bị che lấp” thì đó là trạng thái “thiên hạ trở thành nhà”. Đồng thời, Khổng Tử cũng dùng trạng thái đạo đức để mô tả xã hội “Tiểu khang” trong thời đại “Đạo lớn bị che lấp”. Mọi tầng lớp xã hội trong thiên hạ đều lấy “gia đình” làm nòng cốt. Tất cả con cái và mọi thành viên trong gia đình đều thân thiết với nhau.
Nhân lực, tài vật tương ứng đều xem như có phần của mình. Hiện tượng kế thừa trong gia tộc được xem là lễ chế, đạo nghĩa của trời đất. Quyền lực và ranh giới của các thành bang và quốc gia cũng xuất hiện. Những biểu tượng quy tắc của lễ nghĩa và đạo nghĩa được dùng để duy hộ chuẩn tắc và quy phạm của đời sống xã hội. Từ đó làm nảy sinh những chuẩn mực trong quan hệ và yêu cầu về đạo đức có tính trật tự và đẳng cấp như vua tôi, cha con, anh em, vợ chồng, .v.v.
Thiết lập đủ loại chế độ xã hội, phân định quyền sở hữu đất đai nhà ở và tài sản. Sự dũng mãnh, cơ trí được đề cao, nếu có công lao thì chiếm làm của riêng mình. Từ đó, xã hội nảy sinh đủ loại tư tưởng mưu lược tính kế lẫn nhau, và giữa họ thường có chiến tranh, tranh đấu đủ kiểu đủ loại.
Khổng Tử tin rằng, trong thời đại “Đạo lớn bị che lấp”, những người thể hiện khía cạnh tích cực được gọi là “quân tử”, giống như “Vũ Vương, Thang Vương, Văn Vương, Võ Vương, Thành Vương, Chu Công” là những anh hùng kiệt xuất mà trời chọn ra trong thời đại “Đạo lớn bị che lấp”, bởi vì họ tuân thủ lễ chế, xiển dương đạo nghĩa, thành tựu chữ tín, khảo xét lỗi lầm, đề cao lòng nhân từ, giảng nói đức khiêm nhường, trị nước theo tiêu chuẩn hiến chương.
Nếu không thì sẽ làm trái đạo nghĩa, không giữ lễ chế, làm quân vương thì sẽ bị phế truất, dân chúng sẽ xem đó là tai họa. Trạng thái xã hội như thế tương đương với “Tiểu khang”. “Khang” có nghĩa là an khang, an ninh. Tiểu khang có nghĩa là sự an khang và an ninh trong phạm vi nhỏ bé.
Rất rõ ràng, miêu tả của Khổng Tử mang đầy đủ đặc trưng của thời đại. Cũng có thể nói là còn có những hạn chế nhất định về mức độ lý luận, nhưng nếu dùng nó làm cơ sở để mở rộng mô hình lý thuyết của ông thì không phải là không thể. Tác giả xin thử cố gắng tóm tắt những đặc trưng của các cơ điểm dưới đây để giải thích, ‘tung gạch dẫn ngọc’, để người sau thuận tiện nối bước nghiên cứu sâu hơn:
Đầu tiên, thời đại “Đạo lớn bị che lấp” không có nghĩa là “không có Đạo lớn”, mà là sự vận hành và tác dụng của “Đạo lớn” trong xã hội bị ẩn giấu. Nói cách khác, trái ngược với với một xã hội mà “Đạo lớn” được xiển dương, thì ở thời đại này sự biểu hiện của “Đạo lớn” bị che lấp. Tất nhiên, lời giải thích của tác giả chỉ mang tính khái quát và ngôn từ biểu đạt không thật sự chính xác.
Tuy nhiên, xét từ biểu hiện trạng thái xã hội, có một điều chắc chắn là trên khía cạnh bầu không khí xã hội thời đại “Đạo lớn bị che lấp”, thì mức độ nhận thức và trình độ tu luyện “Đạo lớn” của đa số người dân về tổng thể không thể đạt được như thời đại “Đạo lớn thi hành”. Điều này tương đương với việc nhiều người trên thế gian không hiểu ý nghĩa thực sự của “Đạo lớn”, cũng không có ý thức cá nhân và không khí xã hội mạnh mẽ trong việc tu hành và tu luyện. Khi đó, “Đạo lớn” trong cách nhìn và trong tâm thức của họ đã thuộc về trạng thái “bị che lấp”.
Vì vậy, chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng, khi Khổng Tử nói về “Đạo lớn bị che lấp” không có nghĩa là ông muốn phủ nhận sự tồn tại của “Đạo lớn”, cũng không có nghĩa là “Đạo lớn” sẽ tan biến. Trạng thái chân thực là “Đạo lớn” dùng phương thức “ẩn tàng” để vận hành pháp tắc và sự biến hóa của con người thế gian. Đồng thời, khiến người đời thể ngộ và khám phá ý nghĩa chân chính của “Đạo lớn” trong thế giới chân chân giả giả, hư hư thực thực.
Thứ hai, biểu hiện trạng thái đặc trưng của thời đại “Đạo lớn bị che lấp” là “Thiên hạ trở thành nhà”. Như vậy, từ “gia” (nhà/gia đình) trong “Thiên hạ vi gia” không có ý xúc phạm, mà là sự mô tả mang tính khẳng định về một trạng thái xã hội. Bởi khi “Đạo lớn” đã bị che lấp, che giấu như vậy, những vấn đề như trật tự, phong tục, đạo đức… của xã hội sẽ trở nên nổi cộm, và đơn vị cơ sở có thể duy trì đạo đức và trật tự cơ bản nhất của xã hội chỉ có tổ chức đơn nguyên xã hội bất biến nhất, vững chắc nhất và cơ sở nhất từ cổ chí kim là “gia” (gia đình).
“Gia đình” thông qua quan hệ huyết thống tự nhiên thiết lập sự thân tình vững chắc một cách hữu hiệu. Dựa vào đó có thể kế thừa truyền thống văn hóa và vai trò xã hội, hơn nữa có thể mở rộng quy mô nhằm thiết lập nền sản xuất tài vật và chế độ xã hội, .v.v. Có thể nói, văn hóa “thiên hạ trở thành nhà” là hiện tượng văn hóa cơ bản nhất trong 5,000 năm lịch sử văn minh nhân loại lần này. Đồng thời, nó cũng là khái niệm giá trị cốt lõi trong quá trình biến đổi của lịch sử nhân loại.
Có thể nói, nếu không có “gia đình”, tiến trình lịch sử của nhân loại có thể sẽ phức tạp và khó khăn hơn, và có lẽ cũng khó tiếp tục trở thành tốt hơn trong thời đại “Đạo lớn bị che lấp”. Chúng ta đã thấy thời đại “thiên hạ trở thành nhà” cũng có thể tạo ra thời đại thịnh vượng, mặc dù những thời đại thịnh vượng ấy không hoàn toàn tốt đẹp. Điều đó có nghĩa là, khi toàn xã hội không thể đạt được “thiên hạ là của chung” thì “thiên hạ trở thành nhà” sẽ duy trì truyền thống đạo đức và trật tự xã hội của văn minh nhân loại. Cả Nho gia và Đạo gia đều coi “gia đình” là đạo tràng tu hành. Điều này tuyệt đối không ngẫu nhiên, mà có thể nói là một loại an bài ngầm của “Đạo lớn”.
Tất nhiên, đề tài về “gia đình” của nhân loại có rất nhiều cấp độ. Ý nghĩa văn hóa Thần truyền vốn có của “gia đình” vẫn cần đợi khám phá thêm. Từ xưa đến nay, “gia đình” cùng với tiến trình lịch sử nhân loại đã trải qua thế sự xoay vần, có nhiều trắc trở, thay đổi và biến dạng. Đặc biệt đến thời đại hiện nay, nhiều trào lưu tư tưởng văn hóa và khoa học kỹ thuật đang làm thay đổi lối sống của con người.
Vai trò xã hội và chức năng xã hội do “gia đình” đảm nhiệm cũng bị đe dọa bởi nhiều khía cạnh khác nhau. Nhiều người cho rằng, đây là thời đại tồi tệ hơn thời đại “Đạo lớn bị che lấp”. Thậm chí có người còn cho rằng đây là thời đại mà “Đạo lớn đã mất hút”.
Chúng ta có thể nhận ra sự ảnh hưởng từ “chủ nghĩa vô Thần”, những mối đe dọa của “chủ nghĩa cộng sản” và “chủ nghĩa xã hội”, sự phá hoại do các loại cảm xúc hiện đại, sự thao khống từ quyền lực chính trị và dục vọng cá nhân, sự dẫn dắt của quan niệm khoa học biến dị cấp thấp .v.v. “Gia đình” đang phải đối mặt với những thách thức và áp lực xã hội chưa từng có. Đồng thời, “gia đình” lại có thể tránh được những xói mòn xã hội này trong các tình huống đặc định một cách hiệu quả và trở thành bến đỗ phòng hộ cho đời sống xã hội.
Chúng ta chân thành mong rằng, tất cả những người tốt sẽ duy hộ “gia đình” của mình và của người khác. Trong thời đại này, hãy phát huy niềm tin và hy vọng “đông qua, xuân đến” và tuân theo pháp tắc của “Đạo lớn”, “Pháp lớn” của trời đất, biến “gia đình” của mình thành một con “thuyền cứu nạn” và vững vàng chèo thuyền hướng về mùa xuân đang tới.
Tài liệu tham khảo:
“Kinh Thi”
“Tứ thư tập chú”, bản chú giải của Chu Hy, thời Nam Tống.
“Đạo Đức Kinh”, bản chú thích của Vương Bật, thời Tam Quốc.
“Lễ kí chánh nghĩa” của Khổng Dĩnh Đạt Sơ, thời nhà Đường
Mai Hoa Nhất Điểm thực hiện
Tịnh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!