Con người có thể tự thay đổi vận mệnh của mình hay không?

Con người có thể tự thay đổi vận mệnh của mình hay không?

Thầy toán mệnh nói rằng, ông chỉ sống tới 53 tuổi, không có con trai nối dõi, nhưng khi tự thuật lại câu chuyện đời mình, ông đã 69 tuổi, gia đình phú quý, công thành danh toại, con cháu đầy nhà. Ông đã làm cách nào để tự mình thay đổi vận mệnh? Con người có thể tự thay đổi vận mệnh của mình hay không?

Có câu “sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên”, trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì cưỡng cầu cũng không được. Cũng có nghĩa là, giàu hay nghèo trong cuộc đời đều đã được an bài trong số mệnh. Nhưng an bài ấy là từ đâu mà có? Tất cả đều do đức tích được từ đời trước mà thành. Đức nhiều thì người ấy phú quý trường thọ, cuộc đời hanh thông. Đức ít thì nghèo khó đoản mệnh, bệnh tật đầy thân, cuộc đời nhiều trắc trở, bất hạnh.

Nhưng câu nói này đặt trong bối cảnh thời nay đã bị hiểu theo cách hơi tiêu cực. Bởi có người cho rằng, nếu đời này của tôi đã được định sẵn như vậy thì cứ làm những gì mình thích là được. Thế nhưng, con người trong vô minh, thường dễ làm việc xấu và tạo nghiệp. Người tạo nhiều nghiệp thì ít đức, quả báo có thể đến ngay trong đời này, hoặc lưu lại tới đời sau chịu khổ trả nợ. Ông bà ta xưa nay thường nói “tích đức”, “tích nghiệp”, chắc hẳn cũng không phải là ngẫu nhiên.

Vậy con người có thể thay đổi số mệnh của chính mình hay không? Hy vọng câu chuyện sau đây sẽ giúp ích và mang lại chút gợi mở cho những người đang sống một cuộc đời không như ý.

Gặp được cao nhân toán mệnh

Câu chuyện xảy ra trong một gia đình họ Viên ở trấn Đào Trang, huyện Gia Thiện, tỉnh Chiết Giang, thời nhà Minh ở Trung Quốc.

Ngày 11 tháng 12 năm Gia Tĩnh thứ 12 thời vua Minh Thế Tông, tức năm 1533, nhà họ Viên sinh được một cậu con trai và đặt tên là Viên Hoàng. Gia tộc này có một gia huấn như sau: “Làm quan vô cùng rủi ro, làm không tốt có ngày mất mạng, cho nên con cháu đời sau vĩnh viễn không được làm quan”.

Thế nên khi Viên Hoàng vừa chào đời, gia đình đã định sẵn cho cậu đi học nghề y, học tốt thì có thể hành nghề tế thế cứu người, học hơi kém thì cũng biết chút thuật dưỡng sinh và nuôi được mấy miệng ăn trong nhà. 

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Viên Hoàng đã 12 tuổi. Một hôm, cậu nhàn rỗi nên một mình tản bộ đến chùa Từ Vân. Bỗng cậu gặp một lão tiên sinh râu tóc bạc phơ, gương mặt như thiếu niên, Tiên phong Đạo cốt. 

Lão tiên sinh vừa thấy Viên Hoàng thì mặt mày trầm ngâm và hỏi: “Cậu là người trong quan trường, năm sau phải đi thi rồi, sao không ở nhà chăm chỉ đọc sách mà lại nhàn hạ ham chơi thế này?”.

Viên Hoàng sững người, thắc mắc không biết có phải ông lão đang nói chuyện với mình không, nhìn quanh lại chẳng thấy ai, cậu nghĩ ông ấy đúng là đang nói với mình.

Viên Hoàng vội tiến tới cúi chào lão tiên sinh rồi thưa: “Xin tiên sinh đừng trách tội, thứ lỗi cho học trò có trí nhớ tồi, không biết chúng ta đã từng gặp nhau hay chưa?”.

Lão tiên sinh thong dong điềm tĩnh nói: “Ta họ Khổng, người Vân Nam, trước kia được thầy Thiệu Khang Tiết triều Tống chân truyền cho Hoàng Cực Số. Ta ở đây đợi công tử đã lâu, chúng ta có duyên, nên ta định đem Hoàng Cực Số truyền lại cho cậu”.

Thầy toán mệnh nói rằng, ông chỉ sống tới 53 tuổi, không có con trai nối dõi, nhưng khi tự thuật lại câu chuyện đời mình, ông đã 69 tuổi, gia đình phú quý, công thành danh toại, con cháu đầy nhà. Ông đã làm cách nào để tự mình thay đổi vận mệnh?
Viên Hoàng vội tiến tới cúi chào lão tiên sinh. (Chụp màn hình)

Viên Hoàng nghe vậy thì nghĩ, Thiệu Khang Tiết mà lão tiên nói chắc chắn là nhà tướng số học danh tiếng lẫy lừng Thiệu Ung, thảo nào vị lão nhân này lại có thể xem điềm cát hung, dự đoán tương lai. Nhưng ngẫm lại thì thấy hình như không đúng, cậu nghĩ: “Khi nãy ngài ấy nói mình sẽ đi thi làm quan, nhưng mình học y mà, nói vậy không đúng rồi”.

Viên Hoàng chắp tay nói: “Thưa tiên sinh, có điều này ngài không biết, con không hề theo đường làm quan, hiện con đang chuyên tâm đọc y thư, hy vọng có ngày có thể hành y tế thế. Con không có chí làm quan, cũng không có ý định đi thi”.

Lão nhân nghe xong thì bấm bấm tay rồi cười nói: “Thế này đi, ta bói cho cậu một quẻ, cậu xem ta nói có chuẩn hay không”. Viên Hoàng liền đồng ý.

Lão tiên sinh nhìn Viên Hoàng rồi nói ra sinh thần bát tự (8 chữ về giờ, ngày, tháng, năm sinh) của cậu, phụ thân cậu qua đời khi nào, cùng một số việc lớn việc nhỏ trong đời cậu, như thể đã từng chứng kiến. Viên Hoàng nghe xong thì trợn tròn mắt.

Thầy toán mệnh lại nói với Viên Hoàng: “Cậu sẽ đứng thứ 14 trong kỳ thi huyện và đứng thứ 71 trong kỳ thi phủ, thi đề đốc học chính sẽ xếp hạng 9”.

Viên Hoàng nghĩ, nếu số mệnh đã vậy thì ta thử xem. Cậu nghe lời lão nhân, chăm chỉ đọc sách, chuẩn bị thi cử lấy công danh. Kết quả là một năm sau, thứ tự xếp hạng trong ba kỳ thi hoàn toàn trùng khớp với lời vị tiên sinh kia nói. Viên Hoàng nghĩ mình đúng là đã gặp được Thần Tiên sống, bèn tìm vị ấy xin xem giúp cho phúc họa cả đời.

Khổng tiên sinh cũng không từ chối, ông tính phúc họa cát hung một đời cho Viên Hoàng, năm nào thi đỗ Tú tài, năm nào làm Cống sinh, năm nào làm Tri huyện tỉnh Tứ Xuyên, năm nào cáo lão về quê, thậm chí còn tính được Viên Hoàng hưởng thọ 53 tuổi, sẽ ra đi vào giờ Sửu ngày 14 tháng 8, nhưng cả đời sẽ không có con.

Viên Hoàng âm thầm ghi lại lời Khổng tiên sinh nói rồi đợi tới ngày từng lời tiên tri ứng nghiệm.

Tiên tri có sai sót?

Vào thời nhà Minh, sau khi thi đỗ Tú tài là có thể nhận được lương thực phụ cấp của quốc gia. Lão nhân họ Khổng tiên tri rằng, khi Viên Hoàng nhận được tổng cộng 91 thạch 5 đấu gạo thì cũng là lúc được làm Cống sinh ở Quốc Tử Giám.

Ngoài việc ngày ngày đi học, Viên Hoàng còn nhẩm tính số gạo đã nhận được, xem khi nào thì nhận đủ 91 thạch 5 đấu. Nhưng không ngờ rằng, có một hôm thầy giáo lại tiến cử Viên Hoàng vào làm Cống sinh ở Quốc Tử Giám. 

Viên Hoàng vô cùng kinh ngạc, nghĩ trong tâm: “Không đúng ngày rồi, mình mới nhận được thạch gạo thứ 71, vậy là sớm một năm. Theo lời lão tiên sinh, phải đến ngày nhận đủ 91 thạch 5 đấu mới được thăng chức”. 

Rồi anh lại nghĩ, thôi kệ, dù sao thì việc được thăng lên làm Cống sinh cũng là đại hảo sự.

Kết quả, chưa vui mừng được bao lâu thì thầy giáo báo tin, thư tiến cử của ông đã bị Quốc Tử Giám từ chối. Viên Hoàng được một phen mừng hụt, đành tiếp tục làm Tú tài. Một năm sau, quả nhiên Viên Hoàng được thăng lên làm Cống sinh. Lúc này, anh tính toán lại, đúng là vừa nhận đủ 91 thạch 5 đấu gạo phụ cấp. 

Trải qua sự việc này, Viên Hoàng mới thấm thía câu nói “sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên”, công danh lợi lộc, phúc họa cát hung trong đời, xem ra đều đã được định trước trong số mệnh, là phúc không phải họa, là họa thì có tránh cũng không được, hà tất phải tự mình chuốc lấy phiền toái.

Nghĩ vậy, Viên Hoàng liền bắt đầu xem nhẹ mọi thứ, hết thảy đều theo mệnh Trời an bài. Khi tới Quốc Tử Giám ở phủ Thuận Thiên (nay là Bắc Kinh) làm Cống sinh, Viên Hoàng mới 21 tuổi. Ngoài việc ban ngày lên lớp, hễ tan học là anh bỏ sách một bên, chẳng buồn xem thêm một chữ, rồi ngồi trong phòng đả tọa nhập định.

Một ngày nọ, trên đường trở về quê nhà Giang Tô, Viên Hoàng đi qua núi Thê Hà. Nghe nói trên núi Thê Hà có một vị cao tăng đắc Đạo tên là thiền sư Vân Cốc, Viên Hoàng dự định lên ngắm núi, nhân tiện tìm đạo hữu và bái kiến thiền sư.

vien hoang minhchantuong
Viên Hoàng dự định lên ngắm núi, nhân tiện tìm đạo hữu và bái kiến thiền sư. (Tranh Winnie Wang)

Vân Cốc thiền sư và Viên Hoàng ngồi trong phòng thiền 3 ngày 3 đêm không chợp mắt. Thiền sư thấy Viên Hoàng tuổi còn trẻ mà lại có định lực như vậy, trong lòng rất bội phục, ông nghĩ rằng cậu thanh niên này Đạo hạnh rất thâm sâu, liền lên tiếng: “Nguyên nhân người phàm không thể trở thành Thánh nhân, đó là luôn nghĩ ngợi không ngừng nghỉ, cậu có thể nhập định 3 ngày bất động, rất giỏi”.

Không ngờ Viên Hoàng thở dài nói: “Thiền sư, ngài không biết đấy thôi, cuộc đời của con khi nào sinh, khi nào tử, ăn bao nhiêu lương thực, làm công việc gì, Khổng tiên sinh đã nói cho con biết hết. Dù con có phí hết tâm tư cũng khó thoát khỏi số kiếp”.

Vân Cốc thiền sư nghe vậy thì cười nói: “Con người chẳng thể vô tâm, cuối cùng bị âm dương trói buộc, sao có thể không có số mệnh được. Nhưng người cực thiện thì số mệnh không cố định, người cực ác cũng không cố định”.

Câu nói này nghĩa là, người phàm rất khó buông bỏ tâm truy cầu danh lợi nơi thế gian, cho nên ở trong vô minh ắt khó thoát khỏi số kiếp. Nhưng số kiếp ở thế gian lại chỉ có thể trói buộc người phàm thông thường. Có hai kiểu người nằm ngoài kiếp số, một loại là người đại thiện, còn một loại là kẻ đại gian đại ác.

Bởi vì người đại thiện ấy, dù cho trong mệnh của họ có an bài phải chịu khổ, nhưng do làm việc đại thiện, nên sức mạnh của thiện đủ để xoay chuyển vận mệnh, người nghèo khó đoản mệnh có thể đến cuối cùng lại phú quý trường thọ.

Còn những kẻ cực ác, số kiếp cũng không quản nổi họ. Bởi vì cho dù kẻ đại gian đại ác có số được hưởng phúc, nhưng những việc xấu xa mà họ làm sẽ biến phúc phận thành tai họa. Cũng vậy, vốn có mệnh phú quý trường thọ, đến cuối cùng lại trở thành nghèo khó đoản mệnh.

Thiền sư nói tiếp: “Bây giờ có người toán mệnh cho cậu rồi, nhưng nếu cậu sống theo số mệnh đã định ấy, chẳng phải cậu đang nghỉ ngơi trên vòng quyệt quế hay sao, có gì khác biệt với kẻ phàm phu tục tử. Sao cậu không nghĩ tới việc thay đổi vận mệnh của mình bằng cách tu thiện, tu dưỡng bản thân, nâng cao đạo đức?”. 

Viên Hoàng như được khai sáng, không ngừng gật đầu tán thành.

Cải biến vận mệnh, bắt đầu từ việc tu sửa bản thân

Vân Cốc thiền sư bảo Viên Hoàng kể lại toàn bộ lời tiên tri của Khổng tiên sinh, nghe xong ngài nói: “Cậu nghĩ thử xem, bản thân có số mệnh đạt công danh hay không, có nên có con trai hay không?”.

Viên Hoàng cúi đầu ngẫm nghĩ hồi lâu rồi trả lời: “Con nghĩ bản thân thực sự không đủ tư cách. Người ta nói, người có thể đạt được công danh ít nhất cũng phải có tướng mặt phúc hậu. Ngài xem con đi, bẩm sinh đã có tướng mạo phúc mỏng mệnh kém, cả đời này còn chưa làm được việc gì tích đức hành thiện. 

Hơn nữa, tính tình còn nóng nảy, lòng dạ hẹp hòi, có lúc nói chuyện với người khác lại cay nghiệt gay gắt. Đây đều là biểu hiện của phúc mỏng. Ngài nói con làm sao có thể thi đỗ công danh được.

Còn về con trai nối dõi, con có chứng sợ bẩn, không thích gần người, hơn nữa lời nói dễ làm tổn thương người khác, lại mê rượu, mà rượu cũng dễ làm tổn hao tinh lực. Con lại là người thích ngủ muộn, đêm không ngủ, ngày không tỉnh, thức đêm tổn hại tinh thần. Con đoán đây đều là nguyên nhân khiến bản thân không có con trai nối dõi”.

Thiền sư liền nói: “Người giàu có mệnh của người giàu, người chết đói cũng có mệnh phải chết đói, có đức hạnh muôn đời thì sẽ có tử tôn muôn đời, không có hậu duệ là vì đức hạnh ít. Nhân quả báo ứng bao đời, ông Trời an bài không sai một li”. 

“Khổng tiên sinh toán mệnh cậu không có công danh, không có con trai, đó là Thiên mệnh. Thế nhưng, từ nay về sau cậu bắt đầu tu dưỡng đức hạnh của bản thân, tích nhiều âm đức, tự cậu trồng phúc điền (ruộng phúc), còn lo không có thu hoạch sao?”.

Trong “Chu Dịch” có viết, “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”, tức là nhà mà tích thiện thì ắt có phúc dư thừa. Nếu như vận mệnh không thể cải biến thì sao lại có câu nói này?

Lời giảng của thiền sư đã chạm vào tâm khảm của Viên Hoàng, ‘Hầu chuyện ngài một buổi, hơn đọc sách mười năm’. Viên Hoàng vội quỳ trước tượng Phật, phản tỉnh và sám hối tội lỗi của bản thân. Sau đó phát nguyện phải thi cử đỗ đạt, có được công danh, rồi thề phải làm ba nghìn việc thiện để báo đáp ân đức của tổ tiên, trồng phúc điền cho bản thân.

Khi này, thiền sư tặng cho Viên Hoàng một cuốn sổ nhỏ để ghi lại những việc thiện việc ác làm mỗi ngày, để cảnh tỉnh bản thân.

tri huyen minhchantuong
Quả nhiên, ba năm sau Viên Hoàng đỗ tiến sĩ làm Tri huyện. (Tranh Winnie Wang)

Kể từ sau khi gặp Vân Cốc thiền sư, Viên Hoàng đổi hiệu thành “Liễu Phàm” (nghĩa là đoạn dứt phàm tục), sau này mọi người thường gọi ông là Viên Liễu Phàm.

Sau khi từ biệt Vân Cốc thiền sư, Viên Hoàng liền thay đổi trạng thái sinh hoạt tùy ý trước kia. Ông lấy lại tinh thần, mỗi ngày làm việc, học tập với tâm thái cẩn thận cần mẫn, không còn lãng phí thời gian, dù ở nhà một mình cũng không làm việc xấu, luôn nhắc nhở bản thân rằng ‘trên đầu ba thước có Thần linh’, ‘mắt Thần như điện’. 

Viên Hoàng giữ vững thiện niệm, khi gặp người nói năng lỗ mãng, không lễ độ với mình, ông vẫn tươi cười đón nhận, nội tâm an nhiên, nhẹ nhàng xử lý vấn đề.

Qua năm sau, Lễ Bộ mở khoa thi, theo lời Khổng tiên sinh nói thì Viên Hoàng sẽ đứng hạng ba, kết quả là ông thi đỗ hạng nhất. Viên Hoàng quả thực cao hứng, không ngờ thay đổi vận mệnh lại thấy nhanh tới vậy.

Sau đó, mỗi một việc làm Viên Hoàng đều tự vấn bản thân, thực sự làm việc thiện xuất phát từ tấm lòng, lời thề làm ba nghìn việc thiện trước kia cũng đã hoàn thành.

Ông tiếp tục phát nguyện: “Hy vọng ông Trời có thể ban cho con một đứa con trai, con xin hứa làm ba nghìn việc thiện nữa”. 

Không ngờ một năm sau, nhà họ Viên được đón thành viên mới, vợ của Viên Hoàng đã sinh cho ông một bé trai bụ bẫm, đặt tên là Viên Thiên Khải. Trong ba năm sau đó, hai vợ chồng ông đã cùng nhau nỗ lực và hoàn thành ba nghìn việc thiện từng hứa trước đó.

Viên Hoàng đưa vợ và con trai đến lễ tạ Phật, ông quỳ sụp xuống thưa: “Con đã hoàn thành những điều trước kia từng thề, giờ đây con phát nguyện làm mười nghìn việc thiện. Con thành khẩn cầu xin Đức Phật phù hộ cho con đỗ cao, đỗ tiến sĩ”.

Quả nhiên, ba năm sau Viên Hoàng đỗ tiến sĩ làm Tri huyện. Nhưng sau khi làm Tri huyện, vợ chồng ông đều buồn rầu lo lắng. Vì ông phải phê sửa công văn cả ngày, rất ít khi ra ngoài gặp mọi người, thế thì mười nghìn việc thiện kia khi nào mới làm xong?

Một đêm nọ, Viên Hoàng ngủ mơ thấy một vị Thần Tiên nói với ông rằng, chỉ cần làm một việc này là hoàn thành được vạn việc thiện, đó là giảm thuế cho dân chúng.

Sau khi tỉnh dậy, Viên Hoàng vẫn nghĩ không thông, làm sao một việc này lại có thể sánh với vạn việc tốt đây? Lúc này, Vân Cốc thiền sư nói với ông: “Mặc dù chỉ làm một việc là giảm thuế cho dân, nhưng vạn dân trong toàn huyện lại được thọ ích, cho nên được tính là làm vạn việc tốt”.

Viên Hoàng vui mừng quá đỗi, ông lại đến chùa tạ ơn.

Năm xưa, Khổng tiên sinh toán mệnh rằng Viên Hoàng sẽ hết thọ lìa đời ở tuổi 53, nhưng khi Viên Hoàng tự mình viết lại câu chuyện này, ông đã 69 tuổi.

Viên Hoàng đã ngộ được một đạo lý thông qua cuộc đời của chính mình, đó là phúc và họa đều từ mình mà ra.

Trong cuốn “Luận Ngữ” có nhắc đến “nhất nhật tam tỉnh”, tức là mỗi ngày phản tỉnh bản thân nhiều lần. Nếu có thể luôn luôn suy ngẫm về lỗi lầm của mình, không phóng túng buông thả bản thân, khi đó chúng ta mới đang thực sự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình.

Nam Phương NTD Việt Nam
Theo Vườn văn sử


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x