Chánh Kiến: Giai thoại về Vũ Huấn

Giai thoại về Vũ Huấn | Văn hóa truyền thống
Giai thoại về Vũ Huấn | Văn hóa truyền thống

Chuyên mục: Văn hóa truyền thống

– Kính mời quý đọc giả cùng tìm hiểu và khám phá những bí ẩn về vũ trụ, sinh mệnh và thân thể người, và cùng ôn lại những câu chuyện văn hóa truyền thống, nhằm nâng cao đạo đức, nhân tâm hướng thiện.

– Hôm nay chúng tôi hân hạnh gửi đến quý khán thính giả câu chuyện văn hóa truyền thống có nhan đề: “Giai thoại về Vũ Huấn“

Video: Giai thoại về Vũ Huấn

Giai thoại về Vũ Huấn | Văn hóa truyền thống
Video: Giai thoại về Vũ Huấn (Nguồn: Chánh Kiến)

Bài viết: Giai thoại về Vũ Huấn

Vũ Huấn (1838-1896), là người thôn Vũ, thị trấn Liễu Lâm, huyện Quan, tỉnh Sơn Đông, là một người ăn xin sống dưới đáy xã hội vào cuối triều đại nhà Thanh. Nhờ đi ăn xin, trải qua hơn 30 năm nỗ lực bền bỉ, ông đã xây được ba ngôi trường học miễn phí, mua được hơn ba trăm mẫu học điền (là ruộng công, lợi ích thu được đều dùng cho giáo dục), tích lũy được hơn một vạn quan tiền để mở trường học. Đây là việc có một không hai trong lịch sử Trung Quốc cũng như trong lịch sử giáo dục thế giới. Người đời sau ca tụng Vũ Huấn là “Thiên cổ nhất cái”, nghĩa là Người ăn xin ngàn năm có một.

tuong vu huan o que nha
Tượng Vũ Huấn ở quê nhà

Vũ Huấn vốn không có tên chính thức, thuộc dạng dân nghèo tới mức ngay cả cái tên cũng không có. Bởi vì trong gia tộc, trong số các huynh đệ ngang hàng thì ông là thứ bảy nên mọi người gọi ông là Vũ Thất. “Vũ Huấn” thực ra là tên triều đình ban cho ông lúc tuổi già, vì công lao chấn hưng ngành giáo dục. (“Huấn” có nghĩa là dạy bảo)

Vũ Huấn từ nhỏ gia cảnh nghèo khổ, nhưng lại ham đọc sách vô cùng. Cậu thường xuyên đi theo con cái của các nhà giàu tới tận cửa lớp học, nghe lén người ta đọc sách. Những đứa trẻ khác thấy cậu quần áo rách rưới đều cười nhạo, nhục mạ, thậm chí đánh chửi cậu, nhưng cậu đều không quan tâm. Một hôm, cậu lấy hết dũng cảm chạy vào cửa, thỉnh cầu thầy giáo cho cậu vào học. Vị thầy này chẳng những không đồng ý, ngược lại còn mắng nhiếc cậu: “Mi là đứa tiểu tử nhà nghèo, sao có thể tới nơi này chứ? Còn không mau cút ngay, mi muốn ăn trộm gì đây hả?”. Ông ta cầm thước đe dọa, đuổi cậu ra ngoài. Từ đó về sau, Vũ Huấn không còn nhắc đến chuyện đọc sách nữa.

Khi Vũ Huấn 7 tuổi thì cha qua đời, gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt, Vũ Huấn phải theo mẹ đi ăn xin. Vũ Huấn mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng đối với mẹ vô cùng hiếu thảo. Mỗi khi xin được lương khô ngon sạch, cậu đều không bao giờ ăn mà nhất quyết mang về cho mẹ.

Khi Vũ huấn 15 tuổi, cậu tới chỗ người dượng là ông chủ họ Trương để làm công. Mặc dù là một đứa trẻ chưa trưởng thành nhưng tính tình cậu vô cùng trung thành hồn hậu, luôn làm việc siêng năng chăm chỉ. Nhưng người dượng không vì 2 mẹ con là thân thích mà dành cho họ chút ưu đãi nào, ngược lại còn bắt cậu làm lụng như công nhân trưởng thành, việc gì nặng nhọc đều tìm cậu. Cậu làm việc quần quật suốt ngày, cuộc sống chẳng khác nào trâu ngựa. Người dượng không bao giờ trả tiền công vì cho rằng ban cho cậu một chén cơm ăn đã là ân huệ lắm rồi. Ông ta thường hay đánh mắng Vũ Huấn, nhưng cậu đều nhẫn chịu. Bởi vì quá trung hậu, mọi người xung quanh cười nhạo cậu là kẻ ngu, nhưng cậu cũng không quan tâm.

Năm 17 tuổi, Vũ Huấn tới nhà của một vị cử nhân họ Lý làm đầy tớ. Một ngày chị gái Vũ Huấn nhờ người gửi một phong thư kèm theo mấy xâu tiền cho em, Lý cử nhân lợi dụng Vũ Huấn không biết chữ, đưa thư cho cậu còn tiền thì lấy mất. Sau này Vũ Huấn biết chuyện bèn hỏi lại, nhưng Lý cử nhân chẳng những thề thốt không chịu nhận mà còn chửi mắng Vũ Huấn. Một lần khi cho heo ăn, chỉ vô ý làm thức ăn rơi vãi trên mặt đất, nhưng Vũ Huấn cũng bị đánh đến mức thương tích toàn thân. Có năm, vào đêm giao thừa, ông chủ sai Vũ Huấn dán câu đối Tết, bởi vì không biết chữ, Vũ Huấn dán lộn ngược. Ông chủ cho rằng như vậy là rất gở, thế là tay đấm chân đá, mắng chửi ầm ỹ, không cho ăn cơm, phạt không cho cậu ngủ, bắt cậu phải đứng một mình giữa sân suốt đêm trong gió tuyết lạnh thấu xương.

Vũ Huấn làm công được ba năm, không hề nhận được một đồng tiền công nào. Vì lúc ấy mẹ ông sinh bệnh, ông tới hỏi chủ muốn lĩnh tiền công. Không ngờ, Lý cử nhân đưa ra một cuốn sổ kế toán giả, khăng khăng nói là đã thanh toán tiền công từ lâu rồi. Vũ Huấn không biết chữ, tức giận đến ngẩn ngơ chết lặng, muốn khóc nhưng không ra nước mắt, cố gắng tranh luận, nhưng ông lại bị vu oan là cố ý lừa đảo để tống tiền, cuối cùng bị đánh dập đầu chảy máu, bị ném ra khỏi cửa.

Sau khi bị lừa, Vũ Huấn vào một ngôi miếu nhỏ trong thôn ngủ mê man ba ngày liền. Sau khi thức dậy, ông tỉnh táo suy nghĩ lại, hiểu ra rằng mình chịu bao nhiêu lừa dối sỉ nhục đều là vì không biết chữ. Mà những người nghèo khổ như ông trong xã hội có rất nhiều, nếu không được học hành thì sẽ vĩnh viễn không có lối thoát. Thế là ông nảy sinh ý muốn xây dựng trường nghĩa học (trường học tình nghĩa). Nghèo khổ nhưng kiên cường, chí khí cao cả của ông không vì cảnh nghèo hèn mà suy nhụt. Khi đã xác định mục tiêu, Vũ Huấn dùng công phu khổ hạnh cả đời mình để thực hiện ý nguyện này. Nhưng với thân phận cực nghèo mà lại muốn lập trường nghĩa học, là chuyện từ cổ chí kim chưa từng có ai làm, có thể tưởng tượng được việc ấy khó khăn đến nhường nào. Một người ăn mày, không màng danh, không vì lợi, nuôi chí lớn, từ đó về sau bắt đầu làm lại cuộc đời. Năm ấy là năm 1859, Vũ Huấn 21 tuổi, bắt đầu đi ăn xin tích lũy tiền của. Tay cầm một cái muôi bằng đồng, trên vai vác túi, mặc quần áo rách nát, vừa đi vừa hát. Ông đi ăn xin ở khắp nơi, khắp cả các vùng Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam, Giang Tô rộng lớn đều đã từng in dấu chân ông.

kich chuyen vu huan chieu nam 1951
Kịch “Chuyện Vũ Huấn” chiếu năm 1951

Ông ngày nào cũng ôm tâm niệm ấy trong lòng mà ca hát, ca từ giống thơ mà không phải thơ, giống nhạc mà không phải nhạc, có thanh có sắc, có nội dung, có vần, tất cả đều có liên quan tới việc mở trường nghĩa học. Dù người khác hỏi chuyện hay chế giễu, ông đều lấy tiếng hát để đối đáp lại; dù là làm việc hay nghỉ ngơi, ông đều ca hát một cách vui vẻ.

“Đi ở đợ bị người ta ức hiếp, không bằng tự mình đi ăn xin,
Đừng khinh tôi ăn xin, sớm muộn sẽ lập được trường nghĩa học.”

Ông đi khắp nơi làm thuê, giành lấy việc khổ việc nặng mà làm, trải qua cuộc sống như trâu ngựa, mục đích hoàn toàn là vì để mở trường nghĩa học. Làm khuân vác để kiếm miếng cơm, nhưng Vũ Huấn không cho là khổ, luôn vui vẻ và ca hát. Ông hát rằng:

“Bón phân, rẫy cỏ, làm đất, bất kể dơ bẩn, bất kể tiền nhiều hay ít tôi đều làm.
Cho tôi tiền, tôi làm ruộng, xây được trường nghĩa học thì không uổng công.
Vừa giống lừa, vừa giống trâu, lập được trường nghĩa học thì không đáng buồn.”

Một năm sau, ông cực khổ tích cóp được một ít tiền nhưng đều bị anh rể lừa lấy hết. Ông buồn giận đến mức không ăn được cơm, ngất lịm đi, mấy ngày sau trong lòng chợt có tiếng nói: “Chỉ gặp người tốt nhà cao, không làm cho phường ác bá.

Để xoay sở tiền, Vũ Huấn còn cạo đầu, chỉ để lại mỗi bên thái dương một lọn tóc hình trái đào, mặc trang phục kỳ dị như một anh hề để được người ta bố thí. Số tiền có được nhờ bán bím tóc đã trở thành món tiền đầu tiên mà ông dành dụm được để xây trường nghĩa học.

Mọi người xung quanh thấy ông không có nhà cửa, cũng không có nghề nghiệp ổn định, lưu lạc tứ phương, nhưng lúc nào cũng nói muốn xây trường nghĩa học, đều cười nhạo bảo là ông bị “Bệnh nghĩa học”, ông cũng không hề động tâm, ca hát đáp lại: “Bệnh nghĩa học, không nóng tính, nhìn thấy người, đều kính lễ, thưởng cho tiền, nuôi mạng này, xây trường nghĩa học vạn năm chẳng thay lòng”.

Khi xin cơm ăn mà gặp phải người keo kiệt không bố thí, ông hát: “Không cho tôi, tôi không oán, tự nhiên sẽ có người lương thiện giúp tôi chút cơm ăn.”

Khi bị người ta lớn tiếng chửi rủa, ông vẫn ôn hòa đối đáp: “Xin ngài đừng tức giận, khi nào ngài nguôi giận, khi ấy tôi sẽ đi ngay.”

Vũ Huấn hễ kiếm được chút tiền nào đều tích góp thêm từng đồng một, lương khô xin được phần ngon đều bán hết để đổi thành tiền. Bản thân chỉ ăn uống qua loa, toàn ăn những đồ ăn mốc meo và rễ rau cải hay cuống khoai lang, vừa ăn vừa hát:

“Ăn linh tinh, thay bữa cơm, tiết kiệm tiền xây trường nghĩa học.
Ăn ngon miệng, không phải là tốt, xây được trường nghĩa học mới là tốt.”

Vũ Huấn làm việc luôn tay luôn chân từ sáng đến tối, không khi nào nghỉ ngơi, toàn làm những việc người khác không chịu làm, không thèm làm hoặc không làm nổi. Việc đẩy cối xay lúa thường là để gia súc làm, ông cũng sẵn lòng làm. Xay lúa phải làm từ lúc mặt trời lặn, ông mồ hôi đầm đìa mà làm không biết mệt. Mỗi khi đến kỳ nhà nông bận bịu, cậu thường thay người ta đi gặt lúa lấy công. Mặt khác, vào lúc sáng sớm ông còn đi dọn dẹp nhà vệ sinh cho người ta, rút hầm cầu đem phơi nắng làm phân bón. Có khi ông cũng giúp người ta gánh nước tưới cây trong vườn, gánh lương thực, gánh những thứ cồng kềnh nặng nề, tùy theo đường đi xa hay gần và gánh nặng bao nhiêu mà tính thù lao, tiền thu được cũng khá nhiều. Có những lúc gặp phải một số người cá biệt không trả tiền, ông cũng không tranh cãi.

Có khi ông còn bắt chước giống nghệ nhân giang hồ đi biểu diễn xiếc ảo thuật tại khắp các hội làng hay chợ phiên để kiếm tiền thưởng. Ông còn biểu diễn những tiết mục khó, như toàn thân lộn ngược trồng chuối “Giang đại đỉnh”, dùng tay thay chân “Hạt tử bà”, xoay người nhảy “Đả xa luân”, bò trên mặt đất làm ngựa cho trẻ con cưỡi, còn diễn cả những trò rất nguy hiểm như đâm xuyên người, trảm đầu, thậm chí cả ăn sâu róm, rắn rết, nuốt gạch đá, v.v…

Ngoài ra, ông còn làm người mai mối, làm người đưa thư, nhặt đồng nát, ép bông vải, kéo sợi. Vũ Huấn cứ lang thang phiêu bạt khắp nơi như vậy, vừa làm lụng, vừa ăn xin. Buổi tối thì ngủ trong phòng bếp, phòng xay lúa nhà người ta, hoặc ngủ trong những ngôi miếu đổ nát. Mỗi đêm, dưới ánh đèn bé như hạt đậu, ông còn se sợi bông, se sợi đay làm cuộn chỉ. Ông vừa se sợi vừa hát:

“Mười sợi chỉ, quấn cuộn tròn, một lòng xây trường nghĩa học;
Cuộn chỉ tròn, nối sợi chỉ, xây được trường học thì không có gì phải buồn”.

Năm 29 tuổi, Vũ Huấn dùng tiền của nhiều năm dành dụm được mua rẻ 45 mẫu đất trũng bị nhiễm phèn, hát rằng:

“Chỉ cần tôi mở được trường nghĩa học, mua đất không sợ mua đất cát đất phèn,
Phèn rồi sẽ hết, cát rồi sẽ trôi, ba năm sau sẽ hết phèn hết cát.
Chỉ cần tôi mở được trường nghĩa học, cần đất chứ không sợ đất trũng;
Nước sẽ rửa phèn, đất sẽ bồi đắp, ba năm sau đất trũng sẽ lấp đầy.”

Năm 38 tuổi, Sơn Đông bị hạn hán nặng, rất nhiều người chết đói. Vũ Huấn dùng tiền của mình mua 40 gánh cao lương cứu trợ trăm họ. Anh trai Vũ Huấn không có việc làm, thường tới mượn tiền ông, người nhà và bạn bè cũng nhao nhao đòi được giúp đỡ. Vũ Huấn nghiêm mặt nói: “Không kể họ hàng, không kể bạn bè, tôi còn phải xây thêm mấy trường nữa”.

Ngược lại, ở quê nhà có hai mẹ chồng nàng dâu sống đời quả phụ, không người thân thích, đi ăn xin để mưu sinh, Vũ Huấn hào phóng tặng cho hai mẹ con mười mẫu đất và nói:

“Người này tốt, người này tốt, tặng bà mười mẫu đất thấy còn chưa đủ.
Người này hiếu, người này hiếu, cho mười mẫu đất mà nuôi dưỡng cụ già”.

Kiến tha lâu đầy tổ, trải qua nhiều năm vất vả, cuối cùng Vũ Huấn đã tích trữ được khá nhiều tiền. Ông nghe nói trong huyện có một vị cử nhân tên là Dương Thụ Phương, là người chính trực, danh thơm tiếng tốt, rất đáng tin cậy, muốn đem toàn bộ số tiền dành dụm được cất ở nhà họ Dương, bèn đến Dương phủ cầu kiến. Vì thấy ông chỉ là một người ăn mày, Dương Thụ Phương từ chối không gặp, thế là ông quỳ mãi trước cổng suốt 2 ngày, cuối cùng khiến Dương cảm động. Vũ Huấn lấy hết số tiền ăn xin tích góp được mang đến, bày tỏ nguyện vọng muốn góp vốn để mở trường nghĩa học. Dương Thụ Phương vô cùng cảm phục, chẳng những bằng lòng giữ tiền cho ông mà còn tỏ ý muốn giúp ông mở trường.

Năm 1886, Vũ Huấn 49 tuổi, đã mua được 230 mẫu ruộng, tích lũy được hơn 3800 xâu tiền, quyết định sáng lập trường nghĩa học. Năm sau, một số địa chủ tiến bộ vì ngưỡng mộ lòng trượng nghĩa của Vũ Huấn đã cùng nhau hiến tặng đất đai để xây trường. Vũ Huấn bắt đầu đi nhiều nơi mua gỗ, gạch, ngói, tự mình đi áp tải. Mỗi ngày từ sáng đến tối sống chung với các công nhân, bưng gạch múc nước, việc gì cũng làm.

Năm 1888, Vũ Huấn dùng hơn 4000 xâu tiền, thành lập trường nghĩa học đầu tiên ngoài cửa đông thị trấn Liễu Lâm, gọi là “Sùng Hiền nghĩa học” (nghĩa là “Trường nghĩa học quý trọng người hiền tài”). Vũ Huấn đã dùng 30 năm để thực hiện lý tưởng của mình. Trong 30 năm ấy, ông chịu đủ đắng cay gian khổ nhưng trước sau vẫn kiên định, từng bước từng bước tiến đến mục tiêu. Sau khi xây được trường học, Vũ Huấn tự mình quỳ gối mời các tiến sĩ, cử nhân có học vấn về làm thầy, quỳ gối mời Dương Thụ Phương về làm hiệu trưởng, quỳ gối mời các gia đình nghèo khó đưa con cháu đến trường học. Năm đó tuyển được hơn 50 học sinh, phân thành 2 lớp, không thu học phí. Trong ngày khai giảng, Vũ Huấn chuẩn bị tiệc rượu thịnh soạn chiêu đãi hiệu trưởng, các thầy giáo và các thân hào, còn bản thân mình chỉ ở bên ngoài cúi đầu lạy tạ các quan khách, kiên quyết không chịu ngồi vào bàn tiệc. Hết tiệc rượu, ông chỉ ăn một ít canh thừa thịt nguội nhưng vẫn cảm thấy thỏa lòng.

Sau khi thành lập trường, tâm nguyện đã được thực hiện, nhưng Vũ Huấn vẫn đi ăn xin mưu sinh như trước, sống trong miếu hoang, tất cả học trò cùng quỳ gối mời ông về ở trong trường nhưng ông cũng không đồng ý, nói: “Tôi sống thế này bản thân không cảm thấy khổ, chỉ cần các cháu cố gắng học tập là tôi vui sướng rồi”. Một ngày mưa to gió lớn, ngói trên miếu bị gió thổi, rơi xuống trúng Vũ Huấn khiến ông vỡ đầu chảy máu, nhưng ông vẫn thản nhiên: “Đánh vỡ đầu, rơi máu đỏ, nhưng ta đã xây xong trường nghĩa học rồi”.

Vũ Huấn cũng rất quan tâm đến tình hình học tập của học sinh, thường hay đến trường quan sát, đối với những thầy giáo dạy bảo học trò tận tình, ông dập đầu quỳ gối cảm tạ; đối với những học trò ham chơi, không lo học hành, ông quỳ xuống vừa khóc vừa khuyên: “Không cố gắng đọc sách thì không mặt mũi nào về nhà gặp cha mẹ”. Một hôm sáng sớm, học trò đều đã đến lớp nhưng thầy giáo lại chưa ngủ dậy. Vũ Huấn lặng lẽ đi vào phòng ngủ của người thầy, khẽ quỳ trước giường mà khóc. Khi người thầy thức dậy, Vũ Huấn nói: “Thầy giáo ngủ, học trò huyên náo, tôi tới quỳ xin cho mọi việc được tốt đẹp”. Còn có một thầy xin nghỉ để về quê, quá hạn mà chưa quay lại trường. Vũ Huấn đi bộ 30 cây số tới nhà người thầy, một mình chờ ngoài cửa suốt đêm. Ông thầy xấu hổ vô cùng, không dám nghỉ phép quá hạn nữa. Tất cả các thầy trò đều cảm động vì lòng thành khẩn của Vũ Huấn nên không ai sơ xuất lơ là nữa, dù chỉ trong khoảnh khắc. Tác phong dạy và học của cả trường trở nên vô cùng chuyên cần và nghiêm túc.

Quan Tuần phủ Sơn Đông tên là Trương Diệu, nghe nói Vũ Huấn làm việc nghĩa, bèn trịnh trọng mời ông đến gặp mặt. Ông quần áo tả tơi đi đến phủ Tế Nam. Khi gặp mặt, ông vừa nói chuyện một cách đĩnh đạc với Trương Tuần phủ, vừa se chỉ không ngừng. Sự thành thật và chất phác của ông khiến quan Tuần phủ rất cảm động, liền hạ lệnh miễn thu thuế trường nghĩa học và miễn lao dịch, hơn nữa còn hiến tặng 200 lượng bạc, đồng thời tấu xin vua ban cho ông tấm biển “Lạc thiện hảo thi” (nghĩa là “Thích làm việc thiện và hay bố thí”). Triều đình nhà Thanh ban cho trường danh hiệu “Nghĩa học chính” (nghĩa là “Trường nghĩa học chân chính”), ban thưởng cho ông bộ quan phục. Đó vốn là vinh dự không gì sánh nổi, nhưng trước mặt quan khâm sai, Vũ Huấn không muốn quỳ xuống tạ ơn, cũng không muốn mặc quan phục. Ông nói: “Trường nghĩa học chân chính, không phải phong danh hiệu, quan phục cũng không hữu dụng. Trong lòng tôi mãi mãi chỉ mong dựng được trường nghĩa học mà thôi”.

Năm Quang Tự thứ mười sáu (1890), Vũ Huấn tài trợ hòa thượng chùa Liễu Chứng 230 xâu tiền để mở trường học miễn phí thứ hai tại địa điểm mà nay là thôn Dương Nhị, thị xã Lâm Thanh, Trung Quốc.

Vũ Huấn toàn tâm toàn ý mở trường nghĩa học, vì nghĩ nếu lấy vợ sinh con thì tất cả đều khổ sở, cho nên ông cả đời không lấy vợ, không lập gia đình, trải qua cuộc sống cực khổ như trâu ngựa, nhưng không hề tiêu một xu nào cho bản thân. Vũ Huấn lúc tuổi già thanh danh lan xa, già trẻ trai gái khắp nơi đều bày tỏ lòng kính trọng đối với ông. Bất kể là đi tới đâu, cứ đến giờ ăn cơm là mọi người đều tranh nhau mời ông vào nhà cùng dùng bữa, chiêu đãi rất ân cần.

Năm 55 tuổi, Vũ Huấn đã thu thập được rất nhiều sách, sáng lập ra Hội đọc sách, dành cho những người không có tiền mua sách được tự do mượn đọc. Có khi ông còn mang sách lên huyện, mang đến các hội làng, chợ phiên để triển lãm, cho bà con mượn đọc. Ông còn in lại sách văn chương, sách học tập với số lượng lớn đem phát tặng miễn phí cho nông dân. Cùng năm ấy, quan Học bộ Thị lang tên là Dụ Đức đến Sơn Đông thị sát, Vũ Huấn chặn kiệu xin quan góp quỹ. Quan Thị lang ưng thuận, quyên góp 200 lạng bạc. Năm 1896, Vũ Huấn dùng 3000 xâu tiền của quan Ngự sử Lâm Thanh tên là Hạng Biện hiến tặng để xây dựng trường nghĩa học thứ ba, gọi là “Ngự sử Hạng nghĩa thục” (trường cũng được xây tại thị xã Lâm Thanh, tỉnh Sơn Đông, sau này được đổi tên thành “Trường Tiểu học Thực nghiệm Vũ Huấn”).

Không lâu sau khi trường học miễn phí thứ ba được thành lập, Vũ Huấn mắc bệnh nặng nhưng vẫn không chịu ở trong phòng, chỉ nằm dưới mái hiên trường học mà tĩnh dưỡng. Nửa tháng sau, ngày 23 tháng 4 năm 1896, Vũ Huấn mỉm cười ra đi trong tiếng đọc sách vang vang của học trò, hưởng thọ 58 tuổi. Nghe theo di chúc, người ta mai táng ông ngay bên cạnh trường “Sùng Hiền nghĩa học”, thị trấn Liễu Lâm. Vào ngày đưa tang, dân chúng các thôn không ai bảo ai đều tự mình lập đàn tế lễ suốt dọc 30 cây số, số người cùng đưa linh cữu lên tới cả vạn, người đến xem hai bên đường đông nghìn nghịt, cả thầy lẫn trò thương khóc rung trời, người dân ai nấy hay tin đều rơi lệ.

Mười năm sau, triều đình nhà Thanh lệnh cho Quốc Sử Quán lấy cuộc đời Vũ Huấn mà viết thành truyện, đồng thời lệnh cho người chăm lo tu sửa phần mộ của ông, xây dựng nhà thờ, lập bia tưởng niệm. Những thành tích của Vũ Huấn được người đời hết sức kính phục, rất nhiều học giả danh tiếng đã viết về ông, nhiều nơi trong cả nước lấy tên Vũ Huấn để đặt tên cho các trường học. Năm 1945, tại phía Nam thị trấn Liễu Lâm khởi công xây dựng Trường Sư phạm Vũ Huấn.

Thế nhưng hơn mười năm sau đó, trong “Đại cách mạng văn hóa”, phần mộ Vũ Huấn đã bị đào lên, hài cốt bị thiêu hủy, nhà thờ Vũ Huấn, tượng Vũ Huấn làm bằng bạch ngọc và cả tấm biển “Nghĩa Học Chính” đều bị phá hoại.


Nguồn: Chánh Kiến

Bài viết liên quan: Đức Khổng Tử luận đàm về phẩm hạnh của người quân tử

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x