Chống địch đến cùng
“Quan niệm của phụ thân có tính chất thời đại, chẳng những là Trung Quốc lấy đức báo oán đối với Nhật Bản, đồng thời cũng yêu cầu các nước đồng minh Âu Mỹ lấy đức báo oán đối với nước Đức, và Italy. Mục đích của ông chính là muốn ngăn chặn thế lực cộng sản giữa Á Châu và Bắc Đại Lục, không cho thế lực cộng sản lan tràn đến Thái Bình Dương.” (“Tự truyện khẩu thuật của Tưởng Vĩ Quốc”)
Nhìn xa trông rộng
Thời kỳ đầu kháng chiến, Trung Quốc một mình tác chiến. Hoa Kỳ duy trì trung lập, không cung cấp vũ khí cho Trung Quốc và Nhật Bản. Sau khi Trung Cộng và Liên Xô ký kết hiệp ước “Hai bên không xâm phạm lẫn nhau” vào tháng 8/1937, Liên Xô đã từng viện trợ cho không quân Trung Quốc, cũng bán cho Trung Quốc súng ống đạn được. Nhưng sau khi Liên Xô cùng Nhật Bản ký kết “Hiệp ước trung lập Xô-Nhật” thì Liên Xô đình chỉ viện binh cho Trung Quốc, thừa nhận nước Mãn Châu, coi như đã đâm cho Trung Quốc một đao từ phía sau. Năm 1940, dưới áp lực của Nhật Bản, Anh Quốc đã đóng cửa con đường Miến Điện, cắt đứt con đường giao thương duy nhất của Trung Quốc với bên ngoài.
Tưởng Giới Thạch nhận định, Trung Quốc kháng Nhật không phải là đơn độc, ba nước Anh, Mỹ và Liên Xô sớm muộn cũng phải cuốn theo sự leo thang của chiến tranh. Ông chú ý mật thiết đến xu hướng ngoại giao của các quốc gia Âu-Mỹ.
Ngày 01/09/1939, quân Đức xâm lược Ba Lan, chiến tranh Châu Âu bộc phát. Tưởng Giới Thạch nghe tin, trong nhật ký đã cảm thán: “Đất nước chúng tôi đã trông đợi những thay đổi quốc tế trong suốt hai năm kháng chiến chống Nhật, giờ quả nhiên đã đến. Dù tình thế quốc tế rất nguy cấp, nếu như ta lựa chọn thật kiên trì và cẩn trọng vận dụng, tôi tin chắc rằng tất có thể từ nay đất nước ta sẽ được hồi sinh.” (Trường Kỳ Quân, “Đảng sử khái yếu”, quyển 3).
Trong nhật ký ngày 16/9/1940, ông viết: “Rạn nứt trong quan hệ Đức-Nga ngày càng sâu, Mỹ-Nga có khả năng tiếp cận.”
Đầu năm 1941, trong nhật ký Tưởng Công đã thể hiện sự nhìn xa trông rộng, đưa ra 9 điểm “Kỳ vọng” đối với tình thế quốc tế”, hai điểm đầu tiên là: “A, Nga-Đức khai chiến; B, Mỹ-Nhật khai chiến.”
Ngày 10/05/1941, Tưởng Giới Thạch cảnh báo Đại sứ quán Hoa Kỳ phải tạm thời án binh bất động đối với Nhật Bản: “Theo tôi phán đoán cùng với báo cáo chính xác gần đây, nếu như trong vòng một tháng rưỡi (tức là tới cuối tháng 6) tình thế Mỹ quốc đối với nước Đức không chuyển biến xấu, chỉ cần có thể duy trì hiện trạng trước mắt, thì nước Đức tất sẽ tiến công Nga trong một tháng rưỡi này.” Ngày 16/06/1941, Tưởng Giới Thạch triệu kiến người đứng đầu Trung Cộng là Chu Ân Lai, muốn ông ta chuyển lời với Liên Xô, “Quân Đức sẽ tấn công Liên Xô vào ngày 21/6.” Ngày 22/06/1941, quân Đức tấn công Liên Xô, chỉ chậm một ngày so với dự kiến của Tưởng Giới Thạch. Tin tình báo này đã giúp Liên Xô có thời gian gần một tuần chuẩn bị cho chiến tranh . (Lộc Tích Tuấn, “Dự báo và ứng nghiệm của Tưởng Giới Thạch đối với cuộc chiến tranh giữa Liên Xô và Đức”).
Tình thế diễn biến đã chứng minh sự anh minh của Tưởng Giới Thạch. Sau khi Liên Xô và Đức khai chiến, Tưởng Công thuyết phục Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt giữ vững lập trường cứng rắn đối với Nhật Bản, đình chỉ cung cấp vũ khí đạn dược và nguồn nhiên liệu cho quân Nhật Bản. Quân Nhật bị cắt khẩu phần lương thực, chợt cảm thấy như bị “ngũ lôi oanh đỉnh” (năm loại sét đồng thới giáng xuống), tuyệt vọng quyết định liều chết đến cùng. Ngày 01/12/1941, Thiên Hoàng Nhật Bản chủ trì hội nghị hoàng gia, cho rằng: “Hoa Kỳ từ đầu đến cuối đã trở thành phát ngôn viên của Tưởng Giới Thạch”; “Chiến tranh Trung-Nhật, chiến tranh Nga-Nhật và những biến cố ở Trung Quốc cho đến nay, tất cả mọi thành quả đều đã trôi theo dòng nước.” Và quyết định “Khai chiến với Mỹ, Anh, Hà Lan”.
Ngày 07/12/1941, quân Nhật tập kích Trân Châu Cảng, chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra. Tưởng Giới Thạch viết trong nhật ký: “Thành tựu của chiến lược kháng chiến, trong thời gian ngắn đã đạt đến cực điểm, vật cực tất phản, có thể không cảnh giác và sợ hãi sao?!” Ngày 09/12/1941, Trung Quốc cùng các nước đồng minh Anh, Mỹ chính thức tuyên chiến với Nhật, đồng thời hình thành thế đối đầu với phe trục Đức, Ý, và Nhật Bản.
Bốn năm trước, Thượng Hải bị chiếm đóng, Nam Kinh nguy cấp, Tưởng Giới Thạch trước khi dời đô đến Trùng Khánh đã tiên đoán: “Hiện nay, đối diện các quốc gia xâm lược, nhất định sẽ xuất hiện một trận tuyến liên hợp gồm Anh, Mỹ, Pháp và Liên Xô, có thể nói rằng hình thế quốc tế đã thay đổi bởi cuộc kháng chiến anh dũng của ta. Nếu như chúng ta tiếp tục kiên trì kháng chiến, nhất định có thể đạt tới mục đích các quốc gia tại viễn đông căm thù Nhật Bản, bao vây Nhật Bản. Nhất định khiến cho Nhật Bản rơi vào thế cô lập tuyệt đối. Mục đích này là không còn xa nữa, là rất dễ dàng đạt tới.” (“Di dời Quốc phủ và tiền đồ kháng chiến”, ngày 19/11/1937). Bốn năm sau, tiên đoán này đã trở thành sự thật.
Năm 1941, Owen Lattimore được Tổng thống Roosevelt tiến cử đến Trùng Khánh làm cố vấn chính trị cho Tưởng Giới Thạch. Ông Lattimore làm việc cùng với vợ chồng Tưởng Công hơn một năm, sau đó vì quan điểm thân Cộng nên đã xa lánh Tưởng Công và từ chức. Nhưng trong hồi ký, Owen Lattimore vẫn nói Tưởng Công là “Người yêu nước chân chính”, “Rất có ý thức quốc gia”, đôi khi “có tầm nhìn xa hơn so với Roosevelt hoặc Churchill.” (Theo “Tưởng Giới Thạch và Trung Quốc hiện đại” của Jay Taylor người Mỹ, do Lâm Thiêm Quý dịch).
Thống soái chiến khu
Tết Nguyên Đán năm 1942, tại Washington, 26 nước trong đó có Trung, Mỹ, Anh và Liên Xô đã ký kết tuyên ngôn phản xâm lược, Tưởng Giới Thạch được đề cử làm “Thống soái tối cao chiến khu Trung Quốc” của các nước đồng minh, chỉ huy quân đội các nước đồng minh ở các địa khu Trung Quốc, Thái lan, Việt Nam liên hợp tác chiến. Tạp chí “Time” của Mỹ ngày 01/06 năm đó đăng trên trang bìa bức ảnh chân dung Tưởng Giới Thạch cùng lời thuyết minh ngắn gọn: “Tưởng Tổng tư lệnh: Năm năm gian khổ đã qua, nhưng khó khăn nhất vẫn còn ở phía sau.”
Tháng 02/1942, Tưởng Giới Thạch cùng phu nhân nhận lời mời của Toàn quyền Anh quốc tại Ấn Độ để tới thăm Ấn Độ. Đây là chuyến thăm ngoại quốc đầu tiên của Tưởng Giới Thạch với cương vị là lãnh tụ Trung Quốc. Ấn Độ là thuộc địa của Anh quốc, nền độc lập dân tộc do ngài Mahatma Gandhi lãnh đạo mâu thuẫn với nước Anh mẫu quốc, khiến cho Ấn Độ không muốn lao vào trận chiến chống phát-xít. Nhật Bản và nước Đức cũng đua nhau tranh giành, muốn lôi kéo Ấn Độ làm chiến lược trọng điểm tại vùng Nam Á. Mục đích chuyến đi này của Tưởng Giới Thạch chính là tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa Anh quốc và Ấn Độ, đồng thời nỗ lực giúp Ấn Độ sớm độc lập, từ đó củng cố vai trò của Ấn Độ trong phe Đồng minh. Tưởng Giới Thạch đến thăm các lãnh tụ dân tộc như Gandhi, Nehru, Jinnah (quốc phụ của Pakistan), và đối đãi rất chân thành với họ.
Tưởng Giới Thạch phát hiện, Ấn Độ và Trung Quốc có rất nhiều đặc điểm tương đồng, đều là nước yếu nên bị bắt nạt, có nền văn minh lâu đời, đều tin vào “sức mạnh tinh thần truyền thống”. Việc Tưởng Giới Thạch làm trung gian hòa giải giữa phong trào đòi độc lập của Ấn Độ và Vương quốc Anh dường như khiến chính quyền Churchill nghi ngờ “can thiệp vào công việc nội bộ”, bởi vậy cũng không đạt được sự nhượng bộ của Anh quốc. Vì ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập của Ấn Độ, Tưởng Giới Thạch đã không ngần ngại đắc tội với đồng minh hùng mạnh là Anh quốc, tấm lòng trượng nghĩa và sự đồng cảm của ông đã khiến người dân Ấn Độ hết sức cảm động. Nhiều vị lãnh tụ Ấn Độ cũng cam đoan với Tưởng Công rằng, họ sẽ không ủng hộ phát-xít Đức, Nhật. Trước khi rời khỏi Ấn Độ, Tống Mỹ Linh phát thanh “Bức thư gửi nhân dân Ấn Độ” của Tưởng Giới Thạch bằng Anh ngữ: Vận mệnh của người dân hai nước Trung Quốc và Ấn Độ giống nhau, bởi vậy nên kề vai chiến đấu.
Sau hai tháng xảy ra sự kiện Trân Châu Cảng, quân Nhật tấn công và chiếm được nhiều hòn đảo và thành phố ở Nam Á. Trung tuần tháng 2/1942, Hồng Kông, Manila, Singapore thất thủ. Tháng 5, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Miến Điện lần lượt bị chiếm đóng. Quân Nhật liên tiếp đạt được ý muốn tại Nam Dương, dần dần hình thành hình thế bao vây Trung Quốc.
Tại Nam Dương, quân Nhật không gặp trở ngại gì, nhưng tại Trung Quốc lại liên tục gặp khó khăn. Đầu năm 1942, Tưởng Giới Thạch ra lệnh cho Tiết Nhạc chỉ huy 300,000 quân, dùng chiến thuật “Thiên Lô trận” bao vây 120,000 quân Nhật tại Trường Sa, tiêu diệt 57,000 quân Nhật. Còn bên Trung Quốc chỉ tổn thất 28,000 quân.
Phóng viên người Mỹ Forman đã có bài viết sau khi phỏng vấn chiến trường, trong đó viết: “Chiến thắng lần thứ ba của Trung Quốc ở Trường Sa chứng tỏ một nguyên tắc rằng, nếu trang bị của quân đội Trung Quốc có thể ngang bằng với quân đội Nhật Bản thì họ có thể dễ dàng đánh bại quân đội Nhật Bản”.
Tưởng Giới Thạch rất phấn khởi, đã viết trong nhật ký ngày 04/01/1942 rằng: “Cuộc xâm lược Nam Dương của Nhật Bản có thể nói là bất khả chiến bại, nhưng chỉ riêng ở trận Trường Sa lại chịu thất bại nặng nề. Vì thế chính phủ Anh, Mỹ và dư luận của họ mới biết sức mạnh của quân xâm lược Nhật Bản, và biết rằng phản ứng của nước ta là không yếu.”
Vào tháng 02/1942, quân đội Nhật Bản tấn công Yangon thủ đô của Miến Điện, quân Anh đóng tại Miến Điện đã xin Bộ Tư lệnh chiến khu Trung Quốc cứu viện. Ngày 16/02/1942, chính phủ Trung Quốc cử một lực lượng viễn chinh đến chiến đấu ở Miến Điện. Đây là lần đầu tiên sau chiến tranh Giáp Ngọ (1894-1895) quân đội Trung Quốc ra ngoại quốc chiến đấu. Tưởng Giới Thạch trước sau đã hai lần đưa quân viễn chinh được trang bị kiểu Mỹ đến Miến Điện và Ấn Độ. Dưới sự chỉ huy của tham mưu trưởng Joseph Stilwell, và với sự phối hợp của quân đội Anh, họ đã quyết chiến với quân xâm lược Nhật Bản để bảo vệ huyết mạch ở phía Tây. Cuối cùng đã giành được thắng lợi.
Xem thêm Loạt bài “Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch”.
Tổ nghiên cứu “Nhân vật Thiên cổ anh hùng” của Văn hóa Thần truyền 5,000 năm
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.33): Hội nghị Trùng Khánh
- Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.32): Bảo toàn Nhật Bản
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!