Bài 37
Nguyên văn
瑩(1)八歲,能詠(2)詩,
泌(3)七歲,能賦(4)碁(5)。
彼(6)穎悟(7),人稱奇(8),
爾(9)幼學(10),當(11)效(12)之(13)。
Bính âm
瑩(yíng) 八(bā) 歲(suì), 能(néng) 詠(yǒng) 詩(shī),
泌(mì) 七(qī) 歲(suì), 能(néng) 賦(fù) 碁(qí)。
彼(bǐ) 穎(yǐng) 悟(wù), 人(rén) 稱(chēng) 奇(qí),
爾(ěr) 幼(yòu) 學(xué), 當(dāng) 效(xiào) 之(zhī)。
Chú âm
瑩(一ㄥˊ) 八(ㄅㄚ) 歲(ㄙㄨㄟˋ),
能(ㄋㄥˊ) 詠(ㄩㄥˇ) 詩(ㄕ),
泌(ㄇ一ˋ) 七(ㄑ一) 歲(ㄙㄨㄟˋ),
能(ㄋㄥˊ) 賦(ㄈㄨˋ) 碁(ㄑ一ˊ)。
彼(ㄅ一ˇ) 穎(一ㄥˇ) 悟(ㄨˋ),
人(ㄖㄣˊ) 稱(ㄔㄥ) 奇(ㄑ一ˊ),
爾(ㄦˇ) 幼(一ㄡˋ) 學(ㄒㄩㄝˊ),
當(ㄉㄤ) 效(ㄒ一ㄠˋ) 之(ㄓ)。
Âm Hán Việt
Oánh bát tuế, Năng vịnh thi,
Bí thất tuế, Năng phú kì.
Bỉ dĩnh ngộ, Nhân xưng kỳ,
Nhĩ ấu học, Đương hiệu chi.
Tạm dịch
Tổ Oanh tám tuổi, ngâm được Kinh Thi,
Lý Bí bảy tuổi, làm thơ phú cờ.
Cả hai thông minh, gọi là kì lạ,
Bạn mới vào học, nên noi gương họ.
Từ vựng
(1) Oánh (瑩): chỉ Tổ Oánh, người Bắc Tề.
(2) vịnh (詠): ngâm xướng, ca tụng.
(3) Bí (泌): chỉ Lý Bí, người triều Đường.
(4) phú (賦): trình bày tự thuật. Là một thể loại văn vần, có vần và có đối, một câu chia làm hai vế phải đối nhau. Chủ yếu là tả cảnh, song có liên kết với nội tâm để tả tình.
(5) kỳ (碁): cờ, quân cờ, cũng giống như chữ ‘kỳ’棋.
(6) bỉ (彼): họ, bọn họ, ở đây chỉ Tổ Oánh và Lý Bí.
(7) dĩnh ngộ (穎悟): thông minh.
(8) kỳ (奇): kì lạ, không tầm thường.
(9) nhĩ (爾): ngươi, bạn, các ngươi, các bạn.
(10) ấu học (幼學): người mới vào học.
(11) đương (當): nên, cần, phải.
(12) hiệu (效): làm theo, noi theo, học tập.
(13) chi (之): chỉ Tổ Oánh và Lý Bí.
Dịch nghĩa tham khảo
Tổ Oánh Bắc Tề lúc 8 tuổi có thể ngâm tụng “Kinh Thi”; Lý Bí triều Đường lúc bảy tuổi có thể mượn cách chơi cờ để làm thơ phú nói rõ đạo lý. Tổ Oánh và Lý Bí dù cả hai còn nhỏ, nhưng thông minh hơn người, mọi người đều tán thưởng họ là bậc kỳ tài. Các bạn là người mới vào học cần phải noi theo họ.
Đọc sách luận bút
Bài học này vẫn là khuyến khích học tập, nhưng quay lại lấy hai em bé làm ví dụ. Những bài trước đã kể ra những người có nghịch cảnh nghèo khó và tuổi tác đã quá lớn đều không phải là nguyên do để không thể học tập, như vậy đối với người nhỏ tuổi, phải chăng là lý do để không đọc sách không chăm học hay không? Đương nhiên không thể được. Cho nên bài này đưa ra hai em bé từ nhỏ đã thông minh hiếu học làm ví dụ để khuyến khích việc học tập.
Thông qua câu chuyện bên dưới, mọi người sẽ phát hiện đây là những thần đồng, mặc dù đầu óc nhạy bén, lực lĩnh ngộ cao, nhưng quan trọng nhất vẫn là chuyên cần đọc sách, thái độ then chốt nhất là hiếu học kiên trì không ngừng, cho dù thông minh thế nào, nếu như không thể kiên trì bền bỉ mỗi ngày chịu khó đọc sách, sẽ không có thành tựu. Cho nên điểm này mới là chỗ đáng giá nhất để học tập. Nếu như ngay cả là thần đồng thông minh như vậy cũng biết rằng từ nhỏ nên bắt đầu học tập đọc sách, đồng thời không nên lười biếng giải đãi, như vậy chúng ta là những người tầm thường, càng cần phải sớm sớm cất bước, từ nhỏ đã trân quý thời gian, lập định chí hướng.
Câu chuyện “Thánh tiểu nhi – Tổ Oánh”
Tổ Oánh thời Bắc Tề, từ nhỏ đã rất thông minh, tám tuổi đã có thể đọc thuộc “Kinh Thi” và “Thượng thư”. Mười hai tuổi đã trở thành ‘thái học sinh’ (học sinh của học viện cao nhất thời đó), cũng được thầy chọn làm “Giảng sinh đồ” (học trò trợ giảng), vì những học sinh khác mà giảng giải “Thượng thư”.
Tổ Oánh đọc sách phi thường khắc khổ, mỗi ngày từ sáng sớm đến tối đọc không ngừng. Ông luôn cảm thấy ban ngày không đủ dùng, bởi vậy thường thường ra sức học hành ban đêm. Cha mẹ ông vì chuyện này thường lo lắng, sợ ông mệt chết, nhiều lần ngăn cản, không cho ông đọc sách trong đêm. Ngày nọ, cha mẹ ông bèn lấy hết đèn, đế cắm nến trong nhà giấu đi. Tổ Oánh biết đây là cha mẹ không cho ông đọc sách đêm khuya, liền lén lút giữ lấy cây củi cháy bên trong bếp lò, rồi đắp lên trên một lớp tro mỏng. Màn đêm xuống, ông gạt lớp tro ra, đem than thổi đỏ, lại dùng quần áo chăn mền che lên cửa sổ, không cho ánh sáng lộ ra. Cứ như vậy khắc khổ ra sức học hành, đọc nhiều sách vở kiến thức uyên bác.
Có một lần, bởi vì ông đọc sách rất khuya mới ngủ, ngày hôm sau tỉnh lại đã quá giờ lên lớp. Ông vội vàng chạy tới trường học, vừa đúng lúc đến phiên ông lên bục giảng giải “Thượng thư”. Đang định mở sách thì mới phát hiện ra vì vội vàng nên đã mang nhầm sách, ông cầm sách “Khúc Lễ” của bạn học xem như là sách “Thượng Thư” để đứng lớp. Nhưng ông lại không chút hoang mang, liên tục đọc thuộc lòng văn chương trong ba thiên sách “Thượng thư”, không có sai lầm một chữ nào. Thầy dạy và bạn học sau khi phát hiện ra đều thất kinh.
Bởi vì Tổ Oánh thông minh hiếu học, bạn bè thân thiết đều gọi ông là “Thánh tiểu nhi” (ý là thần đồng), cho là ông tương lai tất thành đại sự. Tổ Oánh quả nhiên sau đó trên đường làm quan rất có thành tựu. Rất được Hoàng đế khi đó khen ngợi, được phong làm Tiến sĩ thái học, Thượng thư trong cung, Xa Kỵ đại tướng quân.
Câu chuyện “Lý Bí làm thơ”
Lý Bí triều Đường, khi còn bé cũng rất thông minh, lúc bảy tuổi có thể viết văn chương rất tốt. Huyền Tông nghe nói có một thần đồng như thế, liền hạ chiếu triệu kiến Lý Bí, muốn thử tài học của ông một chút. Lúc Lý Bí vào cung gặp vua, Huyền Tông đang cùng Yến quốc công Trương Thuyết đang bàn thảo về đánh cờ, liền ra hiệu cho Trương Thuyết nhân dịp kiểm tra ông một chút. Trương Thuyết liền ra đề là ‘cờ’, muốn Lý Bí lấy bốn chữ “Vuông, tròn, động, tĩnh” làm một bài thơ, cũng đưa ra một ví dụ cho Lý Bí tham khảo: “Phương nhược kỳ cục, viên nhược kỳ tử, động nhược kỳ sinh, tĩnh nhược kỳ tử.” (Vuông như ván cờ, tròn như quân cờ, động như cờ sống, tĩnh như cờ chết) Lại hạn chế Lý Bí làm thơ không được dùng chữ “kỳ” (cờ).
Lý Bí nghe xong, ung dung thuận miệng ngâm một bài: “Phương như hành nghĩa, viên nhược dụng trí, động nhược sính tài, tĩnh nhược đắc ý.” Ý là: Vuông giống như tiến hành nghĩa lý, tròn giống như dùng năng lực trí tuệ, động giống như phát huy tài năng, tĩnh giống như bộ dáng có thể tiếp thu ý nghĩa sâu xa. Huyền Tông nghe rồi vô cùng kinh ngạc, cao hứng ôm ông vào lòng, liên tục khen ngợi ông thông minh, ban thưởng tại chỗ cho ông một bộ áo dài tím mà quan lớn mới có thể mặc. Sau này Lý Bí quả nhiên làm Tể tướng.
Ngoài ra, nghe nói Lý Bí ngoại trừ bác học thấy nhiều biết rộng, ông còn rất mộ tiên cầu đạo (ngưỡng mộ tìm hiểu đạo tu tiên), thường thường vân du đến núi Tung Sơn, Hoa Sơn và Chung Nam Sơn.
Tác giả: Lưu Như
Nguồn ChanhKien.Org
Xem Tam Tự Kinh – Tập 38: “Vĩnh nhứ tài” Tạ Đạo Uẩn tỏ rõ bậc anh thư
Video tham khảo: Lý Bí làm thơ
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!