Tam Tự Kinh: Đọc sách luận bút (11)

Tam Tự Kinh - tập 11: Viết Hỉ Nộ, Viết Ai Cụ
Tam Tự Kinh – tập 11: Viết Hỉ Nộ, Viết Ai Cụ

Bài 11

Nguyên văn

曰喜(1)怒(2) 曰哀(3)懼(4)
愛(5)惡(6)欲(7) 七情(8)具(9)
匏(10)土(11)革(12) 木(13)石(14)金(15)
絲(16)與竹(17) 乃八音(18)

Bính âm

曰(yuē)            喜(xǐ)            怒(nù),         曰(yuē)           哀(āi)              懼(jù),
愛(ài)               惡(wù)          欲(yù),         七(qī)              情(qíng)         具(jù)。
匏(páo)           土(tǔ)            革(gé),         木(mù)           石(shí)            金(jīn),
絲(sī)               與(yǔ)           竹(zhú),       乃(nǎi)            八(bā)            音(yīn)。

Chú âm

曰(ㄩㄝ)            喜(ㄒ一ˇ)             怒(ㄋㄨˋ),
曰(ㄩㄝ)            哀(ㄞ)                  懼(ㄐㄩˋ),
愛(ㄞˋ)               惡(ㄨˋ)                欲(ㄩˋ),
七(ㄑ一)            情(ㄑ一ㄥˊ)        具(ㄐㄩˋ)。
匏(ㄆㄠˊ)           土(ㄊㄨˇ)            革(ㄍㄜˊ),
木(ㄇㄨˋ)           石(ㄕˊ)                金(ㄐ一ㄣ),
絲(ㄙ)                與(ㄩˇ)                竹(ㄓㄨˊ),
乃(ㄋㄞˇ)           八(ㄅㄚ)             音(一ㄣ)。

Âm Hán Việt

Viết Hỉ Nộ, Viết Ai Cụ,
Ái Ố Dục, Thất tình cụ.
Bào Thổ Cách, Mộc Thạch Kim,
Ti dữ Trúc, Nãi Bát âm.

Tạm dịch

Rằng: Vui, Giận, rằng: Buồn, Sợ,
Yêu, Ghét, Muốn, là Thất tình.
Bào, Thổ, Cách, Mộc, Thạch, Kim,
Ti và Trúc, là Bát âm.

Từ vựng

(1)Hỷ (喜): vui mừng, khoái lạc.
(2)Nộ (怒): phẫn nộ, tức giận, tức tối.
(3)Ai (哀): buồn thương, bi thương.
(4)Cụ (惧): sợ, sợ hãi, sợ sệt.
(5)Ái (爱): yêu, thích, mến, vui vẻ, hoan hỉ.
(6)Ố (惡/恶): ghét, ghen ghét, căm ghét, đáng ghét, căm hận, căm hờn.
(7)Dục (欲): muốn, ham muốn, nguyện vọng, một loại ý niệm mong muốn được thỏa mãn.
(8)Thất tình (七情): bảy loại cảm xúc (Hỉ, Nộ, Ai, Cụ, Ái, Ố, Dục).
(9)Cụ (具): có, có sẵn.
(10)Bào (匏): quả bầu, hình dạng giống hồ lô, dùng làm nhạc cụ như khèn bầu, sáo bầu.
(11)Thổ (土): chỉ các nhạc cụ làm bằng đất như sáo huân, tò he.
(12)Cách (革): da thuộc, chỉ các loại nhạc cụ được làm bằng da thuộc như trống.
(13)Mộc (木): chỉ các nhạc cụ bằng gỗ như song loan, mõ, chúc.
(14)Thạch (石): tấm ngọc hoặc tấm đá, chỉ các nhạc cụ chế tác bằng đá như đàn đá, khánh đá.
(15)Kim (金): thuộc về kim loại, chỉ nhạc cụ bằng kim loại như chuông, chiêng, đồng la.
(16)Ti (絲): dây tơ, chỉ các loại nhạc cụ dùng dây tơ để phát ra âm thanh như đàn tì bà, cổ cầm, đàn sắt.
(17)Trúc (竹): ống trúc, chỉ nhạc cụ dùng ống trúc để phát ra âm thanh như tiêu, sáo.
(18)Âm (音): vốn để chỉ âm thanh, trong bài nói về nhạc cụ.

Dịch nghĩa tham khảo

Vui mừng, tức giận, đau buồn, sợ hãi, yêu thích, ghét và ham muốn là Thất tình, bảy loại cảm xúc của mỗi người khi sinh ra đã có. Người Trung Quốc cổ đại dùng tám loại nguyên liệu gồm quả bầu, đất sét, da thuộc, gỗ, đá, kim loại, dây tơ, ống trúc để làm nhạc cụ và gọi đó là Bát âm. Do các nhạc cụ được làm từ các chất liệu khác nhau nên âm thanh phát ra từ các nhạc cụ đó cũng mang nét đặc sắc riêng.

Đọc sách luận bút

Từ Tứ quý Tứ phương, Ngũ hành Ngũ thường, Lục cốc Lục súc, giảng đến Thất tình và Bát âm. Người Trung Quốc thường nói rằng con người có ‘thất tình lục dục”. Mặc dù ở đây định nghĩa Thất tình, lấy ‘dục’ của ‘dục vọng’ quy vào trong Thất tình, nhưng thật ra là để tiện cho trẻ ghi nhớ. Thất tình xuất phát từ Đạo gia. “Hoàng Đế Nội Kinh” lấy Hỉ 喜, Nộ 怒, Ưu 忧, Tư 思, Bi 悲, Khủng 恐, Kinh 惊 làm định nghĩa Thất tình, cho rằng vui quá hại tâm, giận quá hại gan, ưu sầu và nhớ nghĩ quá độ hại tỳ vị, đau buồn quá độ làm hại phổi, sợ sệt và kinh hãi ắt hại thận. Cho nên người ưu tư quá độ thường ăn không ngon, bị kinh hãi trực tiếp tồn thương thận, mất kiểm soát bài tiết.

Mặc dù Thất tình ở đây khác với Thất tình trong “Hoàng Đế Nội Kinh”, nhưng vẫn là dùng Thất tình để nói. Khi vị thầy ở trường tư thục giảng giải, ông cũng sẽ dạy cho bọn trẻ những nhận thức cơ bản cổ xưa này, và sau đó giải thích thêm tại sao Nho gia đặc biệt lấy Ái Ố Dục xếp vào trong Thất tình, không hoàn toàn giống với y học. Bởi vì Nho gia đặc biệt coi trọng lấy ‘Nhân’ đãi người, cảm xúc yêu thích, vui mừng, chán ghét, căm hận và các chủng dục vọng đều bắt nguồn từ tình riêng, không thể kiềm chế được cảm xúc, không chỉ khiến người ta trực tiếp tổn hại đến thân thể của mình mà còn vô cùng dễ dàng làm cho con người trở nên mất lý tính, vì yêu sinh hận, vì hận thậm chí đả thương giết người. Những cảm xúc này, phải biết cách khống chế, mới không mê mất tâm trí gây thành đại họa. Vì vậy, người xưa nói đến ‘Tình’ 情 thì nhất định theo sau phải là chữ ‘Nghĩa’ 義, có tình thì còn phải có nghĩa, phát sinh tình thì sẽ mất đi lễ. Không thể vì tình mà làm hại người hoặc tự hủy hoại bản thân mình.

Người xưa luôn đối xử với tình cảm rất lý trí. Dạy trẻ ngay từ khi còn nhỏ biết khống chế cảm xúc của mình, chỉ cần theo 5 đạo lý bất biến Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là có thể làm người. Con người ngày nay có thể vì tình mà giết người và tự sát, đối đãi không nghiêm túc với sinh mệnh, đối đãi với gia đình và hôn nhân cũng vô cùng vô trách nhiệm, thậm chí ngay cả yêu thương thân mình cũng không hiểu, đạo đức sụp đổ và tình cảm mất khống chế, gây ra bao nhiêu vấn đề của gia đình và xã hội, và bao nhiêu căn bệnh tinh thần hiện đại phức tạp khó chữa. Do đó, đối với việc giáo đạo trẻ nhỏ, thời cổ đại tỏ ra rất lý tính và cao minh.

Nói đến Bát âm là nói về nhạc cụ, thực chất là liên quan đến âm luật của tác phẩm và kiến thức về nhạc liên quan đến các phương diện vũ đạo. Âm nhạc cổ đại vốn dùng để trị bệnh và giao tiếp với Trời Đất. Âm nhạc thích đáng có thể dự đoán sự hưng suy của một quốc gia. Các loại nhạc tình ái nam nữ buồn bã, đau khổ, ý nghĩa dâm loạn làm bại vong quốc gia, hỗn loạn trật tự, đạo đức sụp đổ. Phản ánh trên thân thể con người là sẽ làm tổn thương tỳ vị, gan, thận và phổi, dẫn đến cơ thể bị rối loạn chức năng và sinh ra trăm thứ bệnh.

Cung 宫, Thương 商, Giốc 角, Chủy 徵, Vũ 羽 là nói đến âm luật Ngũ âm của thời cổ đại. Trong “Nhạc Ký” ghi: “Xem xét âm nhạc của một quốc gia có thể biết được tình hình chính trị của quốc gia này, qua đó cũng biết được nên sửa trị như thế nào”. “Nhạc thời thiên hạ thái bình, điềm tĩnh lại vui vẻ, quốc gia ấy nhất định quốc thái dân an; nhạc thời loạn thế, đầy ai oán và phẫn nộ, quốc gia này nhất định làm điều ngang ngược; nhạc vong quốc đầy bi ai và ưu tư, dân chúng chỉ biết hãm trong cảnh khốn khó tuyệt vọng. Đạo lý của âm thanh và chính trị tương thông với nhau. Trong Ngũ âm, Cung âm đại biểu cho Quân vương (vua), Thương âm đại biểu cho Thần (quan), Giốc âm là Dân, Chủy âm là Sự (sự tình, chuyện), Vũ âm là Vật (đồ vật). Quân 君, Thần 臣, Dân 民, Sự 事, Vật 物, Ngũ giả này không loạn, sẽ không có thanh âm không hài hòa. Nếu Cung âm bị loạn, thì âm nhạc phóng túng lộn xộn, vua của quốc gia này nhất định kiêu căng vô độ; Thương âm bị loạn, âm nhạc bạo lực, chứng tỏ quốc gia này quan chức bại hoại; Giốc âm bị loạn, thì âm nhạc đau buồn, dân chúng nhất định có nhiều oán hận; Chủy âm bị loạn, âm nhạc bi ai, quốc gia nhất định có nhiều chuyện không yên; Vũ âm bị loạn, giai điệu nghiêng ngã, chứng tỏ quốc gia tài chính thiếu thốn. Nếu Ngũ âm hỗn loạn toàn bộ, xâm phạm lẫn nhau thì gọi là ‘mạn’ 慢 (vô lễ), nước này diệt vong chia cắt cũng không xa.” (theo “Nhạc Vũ Tiên Tung Chi Bát: Thẩm Nhạc Tri Chính Họa Phúc Tiền Tri” – Tám dấu tích nhạc vũ: Xét nhạc biết trước chuyện họa phúc).

Từ đó có thể thấy, âm nhạc có thể dùng để dự đoán hưng suy tồn vong của một đất nước, họa phúc một sớm một chiều, Nho sinh thời xưa đều phải am hiểu âm nhạc mới có thể trị quốc, cũng có thể dưỡng sinh. Đây chỉ là nhập môn của âm nhạc.

Câu chuyện “Hoàng Đế và âm nhạc”

Đối với người Trung Quốc cổ đại mà nói, âm nhạc là công cụ để liên hệ với Thần. Âm nhạc không chỉ để hưởng thụ và giải trí, mà còn là lễ tiết để điều hòa mối quan hệ giữa Trời và Đất.

Các nhạc cụ của Trung Quốc được phát minh từ rất sớm, trong cuốn “Kinh Thi” cũng thường xuyên nhắc tới các loại nhạc cụ. Theo các sách sử ghi chép, Phục Hy là người chế tạo ra đàn sắt, Nữ Oa chế tạo ra tiêu, Linh Luân chế tạo ra chuông, Thần Nông chế tạo ra ngũ huyền cầm.

Hoàng Đế lệnh cho Linh Luân chế định ra nhạc luật (luật trong âm nhạc), đặt ra 12 luật (12 thang âm). Linh Luân ở trên núi Tây Sơn tìm được loại trúc thô thích hợp để làm nhạc cụ, ông dùng những cây rắn chắc nhất gọt thành sáo trúc. Khi ông thổi cây sáo mình vừa làm, có mấy con chim phượng hoàng đậu xuống quanh những cây ở gần ông, chim trống bắt đầu hót trước, âm đầu tiên của nó giống với âm phát ra từ cây sáo trúc của Linh Luân, sau đó lại hót tiếp 5 âm nữa, Linh Luân nhanh chóng gọt thành cây sáo có thể phát ra 5 âm đó. Phượng hoàng mái hót tiếp 6 âm, Linh Luân lại nhanh chóng gọt ra cây sáo trúc phát ra được 6 âm đó. Linh Luân sắp xếp trình tự của 12 âm đó xong, liền hoàn thành 12 âm luật. Vì để bảo tồn lâu dài 12 âm này, Hoàng Đế đã hạ lệnh đúc ra 12 chuông đồng có thể tái hiện chính xác 12 âm của sáo trúc, sau đó, tất cả các thang âm của các nhạc cụ bắt buộc phải đúng với âm của chuông đồng.

Ngoài việc hạ lệnh cho Linh Luân chế tạo chuông ra, trong cuộc chiến với Xi Vưu, vì để nâng cao sĩ khí chiến đấu của binh sĩ, Hoàng Đế đã làm ra một loại trống trận đặc biệt, và còn đích thân đánh để cổ vũ uy thế của đội quân. Loại trống này được làm từ da được phơi khô của một loại quái thú ở Đông Hải có tên là “Quỳ”, còn dùi trống được làm từ khúc xương to nhất trên người Thần Sấm. Khi Hoàng Đế đánh vào chiếc trống trận đặc biệt này, tiếng trống vọng xa hơn 500 dặm, làm trời đất biến sắc.

Ngoài ra, khi Hoàng Đế gặp mặt các Quỷ Thần trên núi Thái Sơn, còn sáng tác ra khúc nhạc tên “Thanh Giác”, khúc nhạc này có khí thế hùng hồn, có thể “kinh thiên địa, khấp quỷ thần” (kinh động trời đất, quỷ thần khóc thầm), đây thực sự là bản nhạc trên Thiên thượng, người phàm không thể nghe được. Hơn nữa, sau khi Hoàng Đế đánh bại Xi Vưu, để chúc mừng thắng lợi, ông đã sáng tác ra bản nhạc có khí thế phi phàm có tên “Cương cổ khúc”.

Tác giả: Lưu Như

Nguồn ChanhKien.Org

Xem Tam Tự Kinh – Tập 12: Lưu Bị ba lần mời Gia Cát Lượng

Video tham khảo: Hoàng Đế và âm nhạc

Tam Tự Kinh - Tập 11 - Hoàng Đế và âm nhạc
Video: Tam Tự Kinh – Câu chuyện Hoàng Đế và âm nhạc (Nguồn Chánh Kiến)

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x