Kinh Kha ám sát Tần Vương, nước Yên nhanh chóng diệt vong
Kinh Kha đi gặp Thái tử Đan, Thái tử Đan đem toàn bộ kế hoạch nói với Kinh Kha. Kinh Kha trả lời: “Chuyện đại sự quốc gia, hạ thần bất tài, e rằng không thể đảm nhận việc đi sứ.” Ý tứ là một người ngu muội như tôi, sợ rằng không thể gánh vác sứ mệnh như vậy.
Từ phản ứng của Kinh Kha, có thể thấy phản ứng của Kinh Kha đối với việc thích sát Tần vương không giống như Chuyên Chư thích sát Vua Liêu hồi đó, trong lòng ông ta là có do dự. Bởi vậy, Thái tử khấu đầu, một mực mong Kinh Kha đừng nhún nhường, sau đó Kinh Kha mới miễn cưỡng đồng ý.
Sau đó, Thái tử Đan đối đãi với Kinh Kha rất tốt. Ông sửa sang một căn phòng rất đẹp cho Kinh Kha, sau đó liên tiếp ban tặng cho Kinh Kha đủ loại lễ vật quý giá, tiền, ngựa quý, mỹ nữ…, chỉ sợ Kinh Kha trong lòng không vui. Việc Thái tử Đan lấy lòng Kinh Kha đã đến mức không thể lý giải.
Dựa theo ghi chép trong chú thích của “Sử ký”, có một lần Kinh Kha đến nhà Thái tử Đan chơi, trong nhà Thái tử Đan có một hồ nước, trong hồ có một con rùa đen. Khi con rùa thò cái đầu ra, Kinh Kha bèn nhặt hòn đá dưới đất ném về phía con rùa. Thái tử Đan lập tức lấy một thỏi vàng đưa cho Kinh Kha và nói, “Nếu như tiên sinh muốn ném rùa thì hãy dùng thỏi vàng này.”
Có một lần khác, Thái tử Đan cùng Kinh Kha cưỡi ngựa ra ngoài. Thái tử Đan có một con thiên lý mã rất đẹp, Kinh Kha tình cờ nói, “Thần nghe nói gan ngựa có hương vị rất ngon.” Thái tử Đan lập tức cho giết con thiên lý mã của mình, lấy gan ngựa làm thành món ăn để tặng cho Kinh Kha.
Còn có một lần khi Kinh Kha cùng Thái tử Đan dùng cơm, có một mỹ nhân gảy đàn cho họ nghe. Khi Kinh Kha nhìn thấy mỹ nhân này, liền nói, “ôi, đôi bàn tay thật đẹp.” Đến buổi chiều, Kinh Kha nhận được một chiếc hộp, mở ra xem thì chính là đôi bàn tay đã bị cắt lìa, chính là tay của mỹ nhân kia.
Sau này khi nước Triệu diệt vong, Thái tử Đan hy vọng Kinh Kha nhanh chóng đi thích sát Tần Vương. Ông nói với Kinh Kha, “Ta rất thích tiên sinh, mong muốn có thể cung phụng tiên sinh lâu dài. Nhưng nếu như nước Tần tấn công nước Yên, nước Yên sẽ diệt vong, đến khi đó ta có muốn cung phụng tiên sinh cũng không được.” Ý tứ là muốn Kinh Kha nhanh chóng đi thích sát Tần Vương.
Kinh Kha đáp lời Thái Tử: “Nếu như thần đi thích sát Tần Vương, khi gặp ông ta nhất định phải có lễ vật yết kiến, cần phải có hai món đồ: một là bản đồ của vùng đất Đốc Kháng (nay là thành phố Trác Châu tỉnh Hà Bắc), đây là vùng đất phì nhiêu của nước Yên, cũng là vùng đất mà nước Tần thèm muốn; Một món khác là hy vọng có thể có được cái đầu của tướng quân Phàn Ô Kỳ, bởi vì Tần Vương vô cùng căm ghét Phàn Ô Kỳ. Nếu như thần có thể dâng thủ cấp của Phàn tướng quân, Tần Vương nhất định sẽ gặp tôi.”
Thái tử Đan nói: “Phàn tướng quân cùng đường mới đến nhờ vả ta, ta quả thật không nhẫn tâm giết ông ấy.” Kinh Kha tự mình lén gặp Phàn Ô Kỳ, ông ta nói với Phàn Ô Kỳ: “Tần Vương diệt tộc nhà tướng quân, lẽ nào tướng quân không muốn báo thù?” Phàn Ô Kỳ nói, “Mỗi khi ta nghĩ đến Tần Vương thì liền nghiến răng nghiến lợi, trong lòng vô cùng thống khổ, nhưng ta cũng không có cách nào.”
Kinh Kha liền nói: “Tôi có một cách, nếu như tôi có được thủ cấp của ngài, Tần Vương nhất định sẽ tiếp kiến tôi, đến lúc đó, tôi sẽ tay trái túm lấy áo của ông ta, tay phải dùng chủy thủ (một loại đoản kiếm) đâm ông ta, như vậy thù của tướng quân cũng là có thể báo rồi.” Ngay lúc đó Phàn Ô Kỳ đứng bật dậy, cởi bỏ y phục, lộ ra một nửa vai, lấy tay xoa cổ tay. Ông ta nói, “Ta không nghĩ ra cách nào hay, không ngờ hôm nay ông lại cho ta một chủ ý tốt như vậy.” Nói xong, Phàn Ô Kỳ liền rút kiếm tự sát.
Kinh Kha có được thủ cấp của Phàn Ô Kỳ, sau đó đi gặp Thái tử Đan. Ông ta nói với Thái tử Đan: “Ngài đã chuẩn bị xong chủy thủ thích sát Tần Vương chưa?” Thái tử Đan nói, “Ta đã sớm chuẩn bị xong rồi.” Ông ta đã tìm một người họ Từ tên là Phu Nhân, Từ Phu Nhân này đã dùng độc dược luyện thành một cây chủy thủ. Cây chủy thủ này, chỉ cần vạch một vết thương dù nhỏ như sợi tóc trên thân thể người, thì người đó sẽ chết ngay lập tức.
Kinh Kha sau khi chuẩn bị đầy đủ ba thứ là chủy thủ độc, thủ cấp của Phàn Ô Kỳ và tấm bản đồ Đốc Kháng, thì chuẩn bị xuất phát. Đến ngày lên đường, phàm là người biết được sự việc này đều đến bên sông Dịch Thủy tiễn Kinh Kha, những người này đều mặc quần áo trắng, cũng giống như là để tang vậy.
Ở bữa tiệc tiễn chân bên bờ sông Dịch Thủy, một vị bằng hữu của Kinh Kha là Cao Tiệm Ly đã gảy đàn trúc hát rằng:
“Phong tiêu tiêu hề, dịch thủy hàn,
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn”
Tạm dịch:
“Gió hiu hiu hề, dịch Thủy lạnh ghê,
Tráng sĩ một đi, không trở về”
Giọng hát vô cùng khẳng khái và bi tráng.
Kinh Kha lên xe, không hề quay đầu lại mà thẳng tiến đến nước Tần. Sau khi đến nước Tần, đầu tiên Kinh Kha bỏ tiền hối lộ một người mà Tần Vương vô cùng sủng ái tên là Mông Gia, nhờ ông ta đi nói với Tần Vương rằng, “nước Yên rất sợ nước Tần tấn công nước Yên, vậy nên cho đem thủ cấp của Phàn Ô Kỳ và bản đồ Đốc Kháng đến yết kiến Tần Vương.”
Tần Vương vô cùng vui mừng, ngày hôm sau cho bày lễ tiết cửu tân trong triều để đón tiếp, dùng lễ tiết ngoại giao long trọng nhất để đón tiếp Kinh Kha. Kinh Kha cầm thủ cấp của Phàn Ô Kỳ và bản đồ Đốc Kháng, đi theo phía sau là Tần Vũ Dương.
Lúc vào đến trong cung, sắc mặt của Tần Vũ Dương biến thành trắng bạch như người chết, bị những thị vệ nước Tần nhìn thấy, nói vì sao nét mặt của anh ta biến đổi thành trắng như vậy chứ? Nghi ngờ có khả năng anh ta muốn làm chuyện gì, Kinh Kha quay đầu nhìn Tần Vũ Dương một lượt, cười rồi nói:
“Kẻ sơn dã thô lỗ, từ trước tới giờ chưa từng nhìn thấy uy nghi của Đại Vương, xin Đại Vương cho anh ta một cơ hội, để có thể hoàn tất việc đi sứ gặp Đại Vương, hoàn thành sứ mệnh đi sứ lần này của anh ta.” Tần Vương nói, “Vậy thì Tần Vũ Dương không cần phải lên điện nữa, để mình Kinh Kha lên điện.”
Kinh Kha đem bản đồ và hộp thủ cấp trên tay giao cho Tần Vương. Kinh Kha mở tấm bản đồ trước mặt Tần Vương, chủy thủ được cuộn trong tấm bản đồ, đợi khi tấm bản đồ được mở ra hết thì chủy thủ cũng bị lộ ra. Từ chuyện này cũng lưu lại một câu thành ngữ, gọi là “Đồ cùng chủy kiến.”
Tần Vương vừa nhìn thấy chủy thủ, sợ quá liền tránh ra đằng sau, Kinh Kha vươn tay túm được tay áo của Tần Vương, sau đó tay phải cầm chủy thủ quơ lên. Khi đó là tiết trời tháng Năm, y phục đều tương đối mỏng, Tần Vương cố hết sức kéo mạnh về phía sau, khiến ống tay áo bị đứt ra. Tần Vương liền đứng lên chạy, Kinh Kha cầm chủy thủ đuổi theo sau.
Dựa theo quy củ của nước Tần, tất cả võ sĩ nếu không được triệu hoán thì không được lên điện, cho nên mặc dù võ sĩ rất nhiều, nhưng họ đều cầm vũ khí đứng ở dưới điện đường. Trên điện đều là các quan văn, Tần Vương chạy quanh bức bình phong, còn có một cái cột, Tần Vương có đeo kiếm, ông muốn rút kiếm, nhưng do kiếm dài nên rút không được.
Có một tiểu nội thị nói, “Sao Đại vương không đẩy kiếm ra đằng sau, như vậy chẳng phải sẽ rút được ra sao?” Chính lúc Kinh Kha đuổi Tần Vương, khi đó có một ngự y tên là Hạ Vô Thư, trong tay có cầm một túi thuốc, liền cầm túi thuốc ném vào người Kinh Kha. Kinh Kha dùng cánh tay gạt túi thuốc sang một bên, vì vậy bị chậm lại một chút, Tần Vương nhân cơ hội này rút được thanh kiếm ra.
Kỳ thực Tần Vương là một người võ công cao cường, sau khi rút kiếm ra thì ông không chạy nữa, quay người lại bắt đầu đấu kiếm với Kinh Kha. Kiếm dài còn chủy thủ ngắn, cho nên khi đấu thì Tần Vương có lợi thế, chủy thủ của Kinh Kha còn chưa đâm được vào người Tần Vương, bảo kiếm của Tần Vương đã đâm tới đùi của Kinh Kha, khiến Kinh Kha ngay lập tức ngã xuống đất. Sau đó Tần Vương lại cầm kiếm chém Kinh Kha, Kinh Kha dùng tay đỡ, cánh tay bị chặt đứt.
Kinh Kha thấy mình không còn cơ hội ám sát Tần Vương, bèn ném chủy thủ trong tay, hy vọng có thể giống như phi đao giết chết Tần Vương, nhưng Tần Vương đã tránh được. Khi đó Kinh Kha không còn vũ khí, ông ta đã bị Tần Vương đâm tám nhát, toàn thân đều bị thương.
Kinh Kha dựa người vào cột, duỗi hai chân mắng Tần Vương, ông ta nói: “Vừa rồi động tác của ta quá chậm, bản ý của ta là bắt ngươi lại, sau đó dùng chủy thủ uy hiếp ngươi, yêu cầu ngươi phải lập minh ước, trả lại đất đai cho các nước chư hầu, không ngờ ngươi lại tránh thoát được.” Khi đó Tần Vương lại đâm một nhát, kết liễu tính mệnh Kinh Kha.
Chuyện Kinh Kha thích sát Tần Vương được ghi chép rất chi tiết trong “Sử ký”. Trong “Thích khách liệt truyện” của Tư Mã Thiên, câu chuyện về Kinh Kha là dài nhất, hơn nữa còn viết một đoạn thuyết minh.
Tư Mã Thiên nói, khi đó trên triều, Hạ Vô Thư, người dùng túi thuốc ném Kinh Kha, chính là bằng hữu với thầy của Tư Mã Thiên là Đổng Trọng Thư, cho nên đây là sự tình người trong cuộc tận mắt chứng kiến. Người này sau đó đã thuật lại cho Đổng Trọng Thư, Đổng Trọng Thư lại kể cho Tư Mã Thiên. Vì vậy, toàn bộ câu chuyện đã được Tư Mã Thiên kể rất sinh động chi tiết, tình tiết cũng rất tỉ mỉ.
Đối với việc Kinh Kha thích sát Tần Vương, sau này khi chú giải cho “Đông Chu Liệt Quốc Chí”, Thái Nguyên Phóng thời Hoàng đế Càn Long nhà Thanh có một bình luận. Ông nói, Thái tử Đan không hiểu thế cuộc thiên hạ, đến cuối thời Chiến Quốc, phương thức tư duy của người ta không còn giống như thời kỳ Xuân Thu. Thời kỳ Xuân Thu, Tào Mạt từng uy hiếp Tề Hoàn Công, yêu cầu Tề Hoàn Công trả lại đất đai đã xâm chiếm của nước Lỗ; sau khi Tề Hoàn Công đồng ý, đất này đều được trả về cho nước Lỗ.
Nhưng nếu như Kinh Kha cầm chủy thủ bức bách Tần Vương, chỉ e khi đó ông ta đồng ý, nhưng khi buông chủy thủ xuống rồi, Tần Vương có thật sự tuân thủ lời hứa của mình không? Nếu như Tần Vương không tuân thủ lời hứa, Thái tử Đan còn có kế sách gì tiếp theo? Cho nên phương sách này ngay từ đầu đã thấy không ổn rồi.
Sau này rất nhiều người khi bình luận về sự việc này, đều nhận định là Kinh Kha hành thích Tần Vương đã đẩy nhanh sự diệt vong của nước Yên. Bao gồm cả Tô Tuân, người được coi là một trong Bát đại gia thời Đường Tống, khi ông viết luận về sáu nước cũng nhắc đến vấn đề này.
Sau khi xảy ra chuyện Kinh Kha thích sát, Tần Vương vô cùng tức giận, trong năm sau đã phát binh tấn công nước Yên, toàn bộ nước Yên cơ bản bị diệt. Khi đó vua nước Yên là Cơ Hỉ mang theo Thái tử Đan cùng chạy tới Liêu Đông, chính là bán đảo Triều Tiên ngày nay, kéo dài ngày tàn thêm một thời gian. Do quân của nước Tần đuổi gấp quá, vì để làm nguôi cơn giận của Tần Vương, Yên Vương Hỉ đã giết chết Thái tử Đan, đem thủ cấp của Thái tử Đan dâng cho Tần Vương.
Khi nước Yên diệt vong thì nước Hàn đã bị diệt, nước Triệu về cơ bản cũng đã bị diệt, đất đai của nước Yên và nước Triệu về cơ bản đều bị nước Tần chiếm lĩnh.
Lời bạch: Kết cục Kinh Kha thích sát Tần Vương khiến nước Tần nhanh chóng xuất binh tiêu diệt nước Yên, tàn quân nước Yên lui về trấn giữ Liêu Đông, đó là năm 226 TCN. Năm 225 TCN, nước Tần nhấn chìm Đại Lương, tiêu diệt nước Ngụy. Năm 223 TCN, Đại tướng nước Tần là Vương Tiễn tiêu diệt nước Sở. Năm 222 TCN, nước Tần diệt nước Đại và Liêu Đông. Lúc đó, sáu nước chỉ còn lại nước Tề.
Nước Tề nằm ở cực Đông của Trung Quốc, trước kia nước Tề và nước Tần ngăn cách với nhau bởi Tam Tấn, phía Nam là cách bởi nước Sở, cho nên cảm thấy mình rất an toàn. Nước Tề trong 40 năm chưa hề chuẩn bị cho chiến tranh, tự nhận mình có quan hệ đồng minh với nước Tần, mỗi khi nước Tần tiêu diệt được nước nào, nước Tề đều cử người đi sứ sang để chúc mừng, mà nước Tần cũng hậu đãi sứ giả, biểu thị mối bang giao của hai nước sẽ đời đời tốt đẹp như vậy.
Mãi đến sau khi Tam Tấn, nước Yên và nước Sở đều bị tiêu diệt, chỉ còn lại nước Tề, lúc này nước Tề mới cảm thấy bản thân gặp nguy hiểm, mới bắt đầu chuẩn bị phòng ngự một chút, nhưng đã không còn kịp. Đại binh của nước Tần đã áp sát biên giới, nước Tề hơn bốn mươi năm chưa trải qua chiến tranh, căn bản là không có khả năng chống cự. Vì vậy chỉ trong thời gian vài tháng, nước Tần đã hoàn toàn chiếm lĩnh được nước Tề.
Vào năm 221 TCN, Tần Vương diệt xong sáu nước, hoàn thành việc thống nhất thiên hạ, lập nên một quốc gia lớn mạnh, quyền lực tập trung, Tần Vương cũng từ đó trở thành Tần Thủy Hoàng.
Lịch sử Đông Chu liệt quốc đã kết thúc, khi nói về giai đoạn lịch sử này, chúng ta đã nói đến rất nhiều những chuyện đại sự phát sinh trong lịch sử, cũng thuận tiện phân tích một chút về một số học thuyết liên quan đến Binh gia, Nho gia, Pháp gia và Tung hoành gia.
Mà 500 năm Đông Chu liệt quốc này chính là thời kỳ thay đổi cục diện vô cùng to lớn trong lịch sử Trung Quốc, ảnh hưởng sâu sắc đến quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và phương thức quản lý xã hội của Trung Quốc sau này. Vậy, sự thay đổi cục diện này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giai đoạn lịch sử tiếp theo? Xin mời quý vị theo dõi tập tiếp theo: “Thay đổi cục diện lịch sử.”
(Còn tiếp)
Xem thêm Loạt bài “Tiếu đàm phong vân”
Bi Hui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (4)
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (3)
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!