Điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi: Đức tính kiên nhẫn

dieu tot dep minh chan tuong
Tác phẩm “Patience” (Lòng kiên nhẫn) của họa sĩ Giorgio Vasari, năm 1542. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Thời xa xưa, lòng kiên nhẫn được xem là một trong những mỹ đức cao quý nhất.

Kiên nhẫn là một mỹ đức, và điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi. Đây là những điều chúng ta thường nhắc nhở người khác, nhưng chúng ta có thực sự tin như vậy không? Liệu điều này có đúng trong mọi trường hợp không? Những châm ngôn này có nguồn gốc từ đâu?

Kiên nhẫn là một mỹ đức

Đầu tiên, hãy bắt đầu với câu nói “Kiên nhẫn là một mỹ đức.” Từ “kiên nhẫn” (patience) từng mang nhiều hàm nghĩa sâu sắc. Ví dụ, hãy nghĩ đến cụm từ “sự chịu đựng của Job.” Dựa trên cách dùng phổ biến thời hiện đại của từ “kiên nhẫn,” nhân vật Job (trong Kinh Cựu Ước) đã thể hiện một phẩm chất vượt xa hơn thế.

Thử tưởng tượng chỉ trong một ngày bạn mất đi tất cả con cái và của cải của mình, chịu những vết loét khủng khiếp trên khắp cơ thể, và một người vợ yêu cầu bạn từ bỏ đức tin của mình, bị kết tội sai trái, nhưng bạn vẫn một lòng nhẫn chịu trong suốt thời gian đó.

Tuy nhiên, nếu đào sâu vào thuật ngữ này, chúng ta sẽ thấy cụm từ đó hoàn toàn phù hợp với câu chuyện của Job.

Kiên nhẫn từng được xem là một trong những mỹ đức cao quý nhất, nhưng có lẽ là nói về một thời đại xa xưa, khi con người có thể đặt ra cho mình những tiêu chuẩn đạo đức cao hơn. Khi đó, kiên nhẫn mang hàm ý có thể chịu đựng đau khổ, kể cả chịu đau khổ trong thời gian dài. Đức tính này không chỉ là một phần cốt lõi trong giáo lý Do Thái – Cơ Đốc Giáo, mà còn cả Phật Giáo và Ấn Độ Giáo.

Truyền thống Phật Giáo nhấn mạnh một phẩm chất gọi là “kshanti” (trong tiếng Phạn), hoặc “khanti” (trong tiếng Pali), có nghĩa là kiên nhẫn, tha thứ, và khoan dung. Đây được coi là một trong những phẩm chất cốt yếu để đạt đến sự hoàn thiện về mặt tâm linh và giác ngộ.

Trong truyền thống Ấn Độ Giáo, kiên nhẫn và khoan dung là khái niệm trung tâm. Điều được nhấn mạnh không chỉ là nhẫn chịu mà không phàn nàn, mà còn là nhẫn chịu một cách vui vẻ, an hòa.

Theo từ nguyên học, “kiên nhẫn” (patience) và “chịu khổ” (suffering) đi cùng nhau như hình với bóng. Từ “kiên nhẫn” bắt nguồn từ tiếng Latin “patientia,” có nghĩa là “khả năng chịu khổ hoặc nhẫn nhịn.” Điều này cũng giúp chúng ta hiểu về nguồn gốc của từ “bệnh nhân” (patient), khi nói đến một người phải chịu đựng bệnh tật và trải qua điều trị y tế.

Điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi

Câu ngạn ngữ “điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi” được cho là có nguồn gốc từ một trích dẫn khác, “Mọi thứ sẽ đến với những ai biết chờ đợi.” Nguồn gốc của câu ngạn ngữ này có thể đến từ một thi phẩm của Quý bà Mary Montgomerie Currie (1843-1905), viết dưới bút danh Violet Fane, trong bài thơ ‘Tout vient a qui sait attendre’ (Mọi thứ sẽ đến với những ai biết chờ đợi):

Tất cả những điều bạn hy vọng đều sẽ đến với bạn
Những ai đủ sức mạnh để theo dõi và đợi chờ,
Những khao vọng thúc đẩy sức mạnh của định mệnh
Lời này đã được một bậc tiền nhân truyền lại
‘Ah, mọi thứ sẽ đến với những ai biết chờ đợi,’
(Tôi nói những lời này để tự an ủi)
Nhưng điều gì đó khẽ đáp lại buồn bã
‘Chúng sẽ đến, nhưng thường quá muộn màng.’

“Điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi” đã trở thành phiên bản tồn tại lâu nhất của cụm từ này, cũng không rõ nguyên do. Tuy nhiên, không khó để hiểu được vì sao phiên bản này được ưa chuộng hơn phiên bản “Tất cả mọi thứ.”

Tất nhiên, ở thời hiện đại, câu ngạn ngữ này đã trở thành một câu nói phổ biến được sử dụng để khuyến khích tính kiên nhẫn và bền chí. Nó được sử dụng trong quảng cáo, phim ảnh, và chương trình truyền hình, và được điều chỉnh để phù hợp với các bối cảnh khác nhau, chẳng hạn như “điều tốt đẹp sẽ đến với những ai làm việc chăm chỉ và biết chờ đợi” hoặc “điều tốt đẹp sẽ đến với những ai kiên trì và bền bỉ.”

Thú vị là, công ty sản xuất bia Guinness đã đưa cụm từ này (“điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi”) vào một chiến dịch quảng cáo vào những năm 1990 và 2000, nhằm khuyến khích những nhân viên pha chế dành thời gian để rót bia đúng cách, và giúp khách hàng hiểu rằng thời gian chờ đợi để rót bia đúng cách như vậy là xứng đáng. (Ước tính thời gian rót loại bia này đúng cách là 119.5 giây, một con số khá lớn).

Một số người có thể nhớ đến chiến dịch quảng cáo xốt cà chua Heinz vào những năm 1980 từng sử dụng slogan “Điều tốt đẹp nhất sẽ đến với những ai biết chờ đợi.” Vào thời điểm đó, tương cà chưa được đóng trong chai bóp. Chiến dịch này nhằm nhấn mạnh rằng loại tương sánh đặc, chất lượng cao này cần có thời gian để chảy ra từ chai thủy tinh, nhưng đó chính là điểm mấu chốt — rằng nó đậm đặc chứ không loãng.

Quảng cáo tuyên bố “Khi bạn có sản phẩm đặc thế này, đậm đà thế này, tại sao lại lãng phí thời gian với bất cứ thứ gì khác?” Đáng buồn thay, trong xã hội đề cao sự thỏa mãn tức thời như hiện giờ, liệu slogan này có còn thuyết phục được khán giả? Kiên nhẫn không còn được [xem trọng] như xưa.

Giá trị của sự kiên nhẫn

Nhiều năm trước, tôi từng có một trải nghiệm sâu sắc về “kiên nhẫn,” có lẽ theo nghĩa cổ xưa của thuật ngữ này. Một thành viên cao niên trong gia đình đã trải qua một cơn đột quỵ kể từ lần cuối tôi gặp bà, và giọng nói của bà cũng phần nào bị ảnh hưởng.

Chúng tôi đã dành vài giờ bên nhau để hàn huyên. Khi tôi cố gắng lắng nghe để hiểu được lời bà nói, tôi thấy mình cảm thấy lo lắng vì không thể hiểu được. Nhưng rồi tôi nghĩ, “Kiên nhẫn nào, Angelica. Chỉ cần thư giãn và buông bỏ cảm giác lo lắng đó đi.”

Đột nhiên, sau đó, tôi có thể hiểu bà trong suốt thời gian còn lại của chuyến thăm ấy! Tôi không hề biết rằng đó là lần cuối tôi gặp bà. Bằng cách nào đó, việc thực hành kiên nhẫn đó dường như giúp tôi mở rộng đôi tai, trí óc, hay có lẽ là cả trái tim tôi. Dù đó là gì, điều đó cho phép tôi không chỉ kết nối mà còn thấu hiểu được bà.

Hoàn toàn đúng khi nói rằng kiên nhẫn và nỗ lực sẽ mang lại trái ngọt. Job đã nỗ lực cải biến suy nghĩ của mình cũng như hiểu và chấp nhận nỗi đau. Ông đã nỗ lực để vượt qua tất cả những thử thách và trở nên xứng đáng [với ân điển của Chúa].

Nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống thường phải mất một khoảng thời gian chờ đợi. Học các kỹ năng mới có thể mang đến cho cuộc sống của bạn nhiều điều tuyệt vời. Nhưng một số kỹ năng đòi hỏi rất nhiều sự chờ đợi (kiên nhẫn) trước khi bạn thấy được thành quả thực sự. Điều này đúng cho việc đạt được trình độ cao ở bất kỳ lĩnh vực nào.

Dành cho tất cả những ai đang đọc bài viết này, tôi xin chúc bạn kiên nhẫn, bền chí, và chịu đựng thật ngoan cường — dù đó là trên con đường nỗ lực trau dồi các kỹ năng, đương đầu với những thử thách của cuộc sống trong khi vẫn giữ được sự thành tâm, hoặc trong các mối quan hệ cá nhân.

Linh Đan biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x