‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 19: Hoàn bích quy Triệu [P.2]

tieudam minh chan tuong
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong tiết mục ‘Tiếu Đàm Phong Vân’ của Đài truyền hình Tân Đường Nhân. (Ảnh: NTD)

Phần 2: Hoàn Bích quy Triệu

Chuyện thứ hai, Triệu Vũ Linh Vương tự mình giả trang thành một vị sứ giả của nước Triệu, mượn danh nghĩa dâng quốc thư để đi vào nước Tần. Trên đường đi, ông đã vẽ lại địa hình núi sông nước Tần, nhìn xem chỗ nào có thể mai phục, chỗ nào có thể đóng quân v.v.. Ông đã thực hiện một cuộc khảo sát thực địa đối với nước Tần.

Khi đến đô thành Hàm Dương của nước Tần dâng quốc thư, Tần Chiêu Tương Vương và Triệu Chủ Phụ đã có một cuộc nói chuyện. Tần Chiêu Tương Vương hỏi Triệu Ung rằng, nước Triệu các ngươi sợ nước Tần của chúng ta không? Triệu Ung đáp, “Nếu như chúng tôi không sợ nước Tần, thì chúng tôi cũng sẽ không mặc trang phục của người Hồ và cưỡi ngựa bắn cung như họ.

Hiện giờ binh sĩ trong nước chúng tôi có thể cưỡi ngựa bắn cung mạnh mẽ vượt xa gấp 10 lần so với trước đây. Dựa vào thực lực như vậy, có lẽ có thể duy trì hòa bình giữa chúng tôi với nước Tần mấy năm nữa.”

Với câu trả lời hùng hồn đầy khí phách này, lúc đó vua nước Tần cũng bị uy thế này làm cho khiếp sợ. Đến tối, khi Tần Chiêu Tương Vương đi ngủ, ông đột nhiên nghĩ sáng nay ta gặp người nọ sao giống như không phải là một sứ thần, phong thái hiên ngang, nói năng phi phàm, dáng vẻ không giống như một kẻ bề tôi.

Ông bèn phái người điều tra thì phát hiện đó là Triệu Chủ Phụ, ông rất bất ngờ. Nhưng khi ông điều tra ra kết quả thì Triệu Chủ Phụ đã từ nước Tần trở về nước Triệu rồi.

Sau khi quay về nước Triệu, Triệu Ung tiếp tục kế hoạch tiêu diệt Trung Sơn. Vào năm Triệu Huệ Văn Vương thứ ba, là năm thứ ba kể từ khi con trai Triệu Hà của ông lên làm vua, mất gần 12 năm, cuối cùng ông đã tiêu diệt được Trung Sơn.

Đó là năm 296 TCN, lúc đó Triệu Ung rất vui mừng, ban rượu thịt cho dân chúng trong nước, cho nghỉ hết thảy năm ngày. Đến lễ mừng năm mới ông cho tổ chức một lễ triều hội rất long trọng ở đô thành, các đại thần ở các nơi trong nước đều về triều bái Triệu Vương.

Lúc đó, Triệu Chủ Phụ đang ngồi trên đài cao, con trai trưởng của ông là Triệu Chương lúc ấy có lẽ khoảng 25 tuổi, còn Triệu Vương Triệu Hà khoảng chừng mới 14 tuổi. Triệu Ung nhìn thấy Triệu Chương dáng vẻ khôi ngô, lại phải quỳ xuống dập đầu sát đất giống như các quan đại thần, quỳ lạy người em trai 14 tuổi của mình. Triệu Ung bỗng thấy thương Triệu Chương vô cùng, người lẽ ra làm Vua, bây giờ lại phải quỳ lạy em trai.

Lúc ấy ông muốn phân chia nước Triệu ra thành hai, phía bắc và phía nam. Phía nam do Triệu Huệ Văn Vương tiếp tục làm Triệu Vương, phía bắc được gọi là “Đại” do Triệu Chương làm Vua. Như vậy chẳng khác nào nước Triệu có hai vị Vua. Triệu Ung liền thương lượng với các đại thần, nhưng các đại thần cương quyết phản đối, đương nhiên việc này ông cũng không thực hiện.

Ông không thực hiện có thể còn có một nguyên nhân: Con trai trưởng Triệu Chương có một thế lực của riêng mình, trong đó gồm có tể tướng là Điền Bất Lễ; đồng thời người con trai thứ là Triệu Hà cũng có một thế lực riêng, đứng đầu trong đó là Triệu Thắng, Bình Nguyên Quân sau này.

Nếu như chia đôi quốc gia, tất nhiên sẽ dẫn tới một trận chiến huynh đệ tương tàn. Hơn nữa trận chiến này là cuộc chiến giữa nước Triệu và nước Đại, như vậy quân đội được bồi dưỡng “Hồ phục kỵ xạ” dũng cảm của nước Triệu, có thể đều sẽ tử vong với số lượng lớn trong cuộc chiến này. Cho nên Triệu Ung cuối cùng không thực hiện việc chia đôi nước Triệu. Nhưng cho dù ông không thực hiện, thì một cuộc chính biến cung đình cũng là điều không thể nào tránh khỏi.

Lời bạch: Năm 295 TCN, nước Triệu đã phát sinh một cuộc chính biến cung đình thảm khốc. Triệu Chủ Phụ mang theo con trai trưởng An Dương Quân Triệu Chương và con trai thứ Triệu Huệ Văn Vương Triệu Hà tuần hành đến Sa Khâu (Hình Đài, tỉnh Hà Bắc ngày nay). Triệu Chương bố trí kế hoạch hành thích Triệu Vương, nhưng âm mưu bị bại lộ.

Thầy của Triệu Vương là Phì Nghĩa chết trong loạn quân. Tư Khấu Lý Đoái và Triệu Thắng, sau này được phong làm Bình Nguyên Quân của nước Triệu, chạy tới cứu giá. Triệu Chương thất bại, trốn trong cung của Triệu Chủ Phụ.

Lý Đoái và Triệu Thắng truy đuổi theo, giết chết Triệu Chương. Vì phòng ngừa Triệu Chủ Phụ trả thù, đại quân đã vây khốn một mình Triệu Chủ Phụ trong cung tới ba tháng. Triệu Chủ Phụ phải ăn trứng chim và chim non mới vừa nở, về sau bị đói chết.

Trải qua trận chính biến cung đình thảm khốc này, Triệu Hà đã danh chính ngôn thuận trở thành Vua của nước Triệu, đó là Triệu Huệ Văn Vương. Khi ông lên làm Vua, nước Triệu đã hùng cường, nên ông làm Vua thái bình trong 10 năm, trên cơ bản ông đem quân đi đánh nước khác. Lúc ấy quân đội của nước Triệu rất mạnh, khi giao đấu với nước Tề đều liên tục giành được thắng lợi.

Vào năm Triệu Huệ Văn Vương thứ 16, xảy ra một chuyện rất quan trọng, chính là ‘Hoàn bích quy Triệu’ (Ngọc Bích quay về nước Triệu), trong năm đó Triệu Huệ Văn Vương có được viên ngọc Hòa Thị Bích.

Tần Chiêu Tương Vương viết một lá thư thương lượng với Triệu Vương, trong thư nói, “Quả nhân nghe nói ngài có được một khối mỹ ngọc đẹp vô cùng, ta nguyện lấy 15 tòa thành để đổi lấy khối ngọc này”. Lúc đó Triệu Hà không biết nên làm thế nào cho phải, trao ngọc hay không trao ngọc? Ông thương lượng với các đại thần, tất cả mọi người đều không có chủ ý gì.

Trong các quan đại thần của Triệu Huệ Văn Vương có một hoạn quan tên là Mâu Hiền. Mâu Hiền tâu với Triệu Vương, “Thần đề cử cho ngài một người, ngài thương lượng với ông ta xem, không chừng người này sẽ có chủ ý”. Người được Mâu Hiền đề cử là Lạn Tương Như. Lạn Tương Như là một người am hiểu chính trị, cũng rất hiểu tâm lý con người.

Tiếu đàm phong vân,
“Thánh Quân Hiền Thần toàn thân tượng” Lạn Tương Như, hiện được lưu giữ ở Viện bảo tàng Cố Cung Đài Bắc, Đài Loan. (Ảnh: Tài sản công)

Lúc đó Mâu Hiền kể cho Triệu Vương một câu chuyện rằng: Lạn Tương Như là môn khách của thần, có một lần thần phạm tội, đắc tội với Đại Vương, thần muốn chạy trốn đến nước Yên. Lạn Tương Như hỏi thần, ngài hiểu rõ Vua của nước Yên sao? Thần nói hiểu chứ.

Lạn Tương Như hỏi, ngài hiểu ông ta như thế nào? Mâu Hiền trả lời: có một lần, Vua nước Triệu và Vua nước Yên tổ chức hoạt động lễ nghi ngoại giao. Trên yến tiệc Yên Vương đã len lén kéo tay của ta, nói với ta rằng, hy vọng có thể kết bằng hữu với ta. Cho nên ta cảm thấy Yên Vương rất coi trọng ta, vì vậy ta muốn đến nương nhờ Yên Vương.

Lạn Tương Như nói, “Yên Vương coi trọng không phải là ngài, ông ta coi trọng chính là địa vị của ngài. Lúc ấy vì sao ông ta muốn nắm tay ngài. Đó là do ngài là sủng thần của Triệu Vương. Nước Triệu mạnh, nước Yên yếu, ông ta hy vọng nhờ vào ngài để giữ gìn mối quan hệ với nước Triệu.

Nếu như ngài đã đắc tội Triệu Vương, ngài đi đến nước Yên, ông ta lập tức sẽ bắt ngài lại, trao trả cho Triệu Vương để tạo một ân tình, làm sao có thể che chở cho ngài được đây”. Mâu Hiền vừa nghĩ, đúng vậy, vậy ta phải làm sao? Nước Yên không thể đi, vậy chẳng phải đã hết đường lui?

Lạn Tương Như khuyên, “Chuyện ngài phạm vào ấy là một chuyện rất nhỏ, chỉ cần ngài thành tâm thành ý nhận tội với Đại Vương, Đại Vương sẽ không khiển trách ngài đâu”. Mâu Hiền nghe theo lời khuyên của Lạn Tương Như, ‘nhục đản phủ phục chất’, chính là sau khi cởi hết y phục của mình, nằm trên cái thớt gỗ tỏ ý mình đã phạm vào tử tội, quả nhiên Triệu Vương đã tha tội cho Mâu Hiền. Cho nên Mâu Hiền đề cử Lạn Tương Như cho Triệu Vương.

Triệu Vương cho triệu kiến Lạn Tương Như, hỏi Lạn Tương Như nên hay không nên đưa bảo ngọc? Lạn Tương Như không phân tích lợi hại, mà trước tiên phân tích đúng sai. Lạn Tương Như thưa, nếu như nước Tần đưa ra cái giá lớn như vậy để trao đổi, mà chúng ta vẫn không giao ra, thì nước Triệu chúng ta đuối lý rồi; nếu như chúng ta giao cho Tần Vương, ông ta không giao thành cho chúng ta, thì nước Tần sẽ đuối lý.

Hiện giờ so sánh về mặt quân sự với nước Tần, nước Triệu chúng ta yếu thế hơn, về mặt đạo đức chúng ta không thể lại ở thế yếu hơn được. Ý kiến của thần là chúng ta nên mang ngọc đến cho nước Tần.

Triệu Hà do dự hỏi, vậy nếu như họ không giao thành trì cho chúng ta thì làm sao? Lạn Tương Như đã nói một câu rất nổi tiếng: “Thành nhập Triệu, nhi bích lưu Tần, thành bất nhập, thần thỉnh hoàn bích quy Triệu” (Thành trì nhập nước Triệu, ngọc lưu lại nước Tần, thành trì không về Triệu, thần thỉnh trả ngọc về Triệu). Câu thành ngữ “Hoàn bích quy Triệu” được ra đời như thế.

Lạn Tương Như mang theo viên bảo ngọc này đến nước Tần. Trên triều đình nước Tần, Tần Chiêu Tương Vương rất đắc ý, cầm viên bảo ngọc lên xem, sau khi xem xong chuyển cho các đại thần xem, các đại thần xem xong lại chuyển đến mỹ nhân hậu cung xem, không nhắc tới một lời nào về việc phải trao 15 tòa thành cho nước Triệu.

Lạn Tương Như lúc đó thấy rằng, bảo ngọc đã đưa cho Tần Vương rồi, muốn đem ngọc về lại nước Triệu đầu tiên phải lừa lấy lại ngọc, sau đó sẽ nghĩ cách đưa ngọc về nước Triệu. Ông nói với Tần Vương rằng, viên ngọc có tì vết nhỏ, xin được chỉ cho ngài thấy. Tần Vương hỏi thật sao? Rồi lập tức đem ngọc giao lại cho Lạn Tương Như.

Lạn Tương Như cầm lại được viên bảo ngọc, liền bắt đầu lui lại, lui lại, lui lại đến bên cạnh một cây cột, dựa lưng vào cột để phòng đằng sau có người đến cướp ngọc.

Lạn Tương Như nắm bảo ngọc, liếc mắt nhìn cây cột, sau đó nói với Tần Vương rằng, “Lúc thần mang bảo ngọc đến nước Tần, rất nhiều người nghi ngờ nước Tần sẽ không giao thành cho nước Triệu. Nhưng thần cho rằng, kết giao với kẻ áo vải bình dân họ còn không lừa gạt, huống hồ Vua của một nước to lớn như nước Tần”. Đây là ông đang mắng Tần Vương không giữ chữ tín.

“Cho nên thần mới đem bảo ngọc ra, không ngờ rằng Đại Vương sau khi cầm được ngọc rồi, lại còn ngạo mạn như thế, không những cho đại thần xem, còn chuyển cho mỹ nhân hậu cung xem. Theo thần thấy, ngài căn bản không có thành ý muốn đem 15 tòa thành giao cho chúng tôi.

Nếu như ngài muốn ép thần, hôm nay đầu của thần và viên ngọc đây cùng đập vào cây cột này”. Nói rồi ông làm bộ dáng muốn đập đầu mình cùng với viên bảo ngọc vào cây cột cho nát.

Tần Vương rất lo lắng nói, ngươi không nên đâm vào cột, ngươi không muốn 15 tòa thành sao? Ông ta gọi các quan đến, cầm bản đồ lên rồi chỉ, tòa thành này, tòa thành kia, tổng cộng 15 tòa  thành, bắt đầu tại đây cắt cho nước Triệu.

Lạn Tương Như vừa nhìn liền biết ông ta không nói thật. Lạn Tương Như thưa, trước khi thần đến nước Tần, Triệu Vương rất coi trọng chuyện này, coi đây là một sự kiện ngoại giao trọng đại, nên Triệu Vương đã mộc dục trai giới, tức là không uống rượu, không ăn thịt, không đụng vào nữ nhân, tất cả năm ngày.

Sau đó Vua của thần kính cẩn viết quốc thư, phái thần mang bảo ngọc tới nước Tần. Nếu như Đại Vương ngài muốn có được viên bảo ngọc này, mời ngài cũng trai giới ở trong cung điện năm ngày, sau đó phải cử hành nghi lễ Cửu tân, lễ tiết ngoại giao long trọng nhất, để nghênh đón viên bảo ngọc này, thần mới có thể đưa bảo ngọc cho ngài được.

Tần Vương nhìn viên bảo ngọc trong tay Lạn Tương Như, cũng không còn cách nào. Ông ta nói, vậy được rồi. Lạn Tương Như quay trở về dịch quán của mình. Ý định của Lạn Tương Như là dùng thời gian năm ngày lén đưa bảo ngọc ra khỏi nước Tần.

Lạn Tương Như vừa về đến dịch quán, lập tức bảo một người thuộc hạ, mặc y phục vải bố, giả dạng một người nghèo, sau đó quấn viên bảo ngọc vào người, từ một con đường nhỏ lén trốn về nước Triệu.

Năm ngày sau, Tần Vương thiết lập lễ Cửu tân trên triều chuẩn bị nghênh đón bảo ngọc, cho truyền Lạn Tương Như tới. Khi Lạn Tương Như đến, bộ dáng nghênh ngang, hai tay trống trơn. Tần Vương hỏi bảo ngọc đâu? Lạn Tương Như nói bảo ngọc đã đưa trở về nước Triệu rồi. Tần Vương rất giận dữ.

Lạn Tương Như nói, nước Tần bắt đầu từ thời Tần Mục Công cho đến bây giờ đã trải qua hơn hai mươi vị Vua rồi, không có vị Vua nào là không lừa đảo. Nào là Trương Nghi lừa Sở, Thương Ưởng lừa Ngụy, Mạnh Minh lừa Tấn.

Ông đưa ra một số ví dụ nói, Vua của nước Tần từ xưa đến nay hơn hai mươi vị chưa từng thành thật đáng tin, thế nên thần rất sợ hãi, một khi giao bảo ngọc cho ngài rồi, Đại Vương ngài không giao thành, chúng tôi biết làm sao? Hiện giờ đại thế trong thiên hạ là Tần mạnh Triệu yếu, nếu ngài cắt 15 tòa thành cho nước Triệu, nước Triệu không dám không giao ngọc cho ngài. Vì vậy thần đề nghị, ngài cắt 15 tòa thành cho Triệu trước, sau đó nước Triệu lại giao bảo ngọc cho ngài.

Điều này giống như làm buôn bán, tiền đến thì giao hàng, hoặc là hàng đến thì trả tiền, việc này cũng chẳng khác gì hai bên cò kè trả giá mà thôi.

Tần Vương rất tức giận, các đại thần bên dưới cũng rất tức giận. Lạn Tương Như cuối cùng còn nói, thần biết thần lừa Đại Vương là phạm vào tội chết, xin đem cái chảo lớn ra đây, thần sẽ nhảy vào trong chảo dầu ấy.

Tần Vương thấy Lạn Tương Như không có chút sợ hãi, mà còn nói chuyện dõng dạc hùng hồn, có vẻ giống như bản thân ông ta thấy việc mình làm là hết sức hợp lý. Vì thế Tần Vương nói, “Ái chà, được rồi được rồi, dù cho giết ngươi, bảo ngọc cũng sẽ không đến được nước Tần chúng ta. Ngươi hãy cứ trở về đi”, rồi đưa lễ vật tiễn Lạn Tương Như trở về nước Triệu.

(Còn nữa)

Xem thêm Loạt bài “Tiếu đàm phong vân”.

Bi Hui thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ 
Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x