“Tiếu đàm phong vân” – Tập 13: Tôn-Bàng đấu trí  (P1)

tieu dam phong van minh chan tuong 4
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong tiết mục “Tiếu đàm phong vân”. (Ảnh: Tân Đường Nhân)

Bái Quỷ Cốc Tử làm thầy học binh pháp

Lời bạch: Thương Ưởng dựa vào phương pháp lừa dối chiếm được vùng Tây Hà, một lần nữa mở rộng biên giới của nước Tần đến bờ đông của sông Hoàng Hà.

Vì đô thành An Ấp của nước Ngụy cách Hoàng Hà rất gần, vì vậy Ngụy Huệ Văn Vương dời đô thành từ An Ấp đến Đại Lương. Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến Thương Ưởng quyết định tấn công nước Ngụy vào năm 340 TCN là, nước Ngụy lúc ấy vừa mới chấm dứt chiến tranh, Thái Tử bị bắt làm tù binh, một vị tướng lĩnh trọng yếu tử trận. Vị tướng lĩnh tử trận này chính là Bàng Quyên.

Nhiều người trong chúng ta đều biết câu chuyện “Tôn-Bàng đấu trí”, nó được ghi lại trong “Sử ký-Tô Tử, Ngô Khởi liệt truyện”, nhưng những ghi chép trong “Sử ký” rất sơ lược, chỉ có bốn đoạn. Trong “Tư trị thông giám” còn đơn giản hơn, chỉ có hai đoạn.

Ý tứ đại khái như thế này, Tôn Tẫn cùng với Bàng Quyên cùng nhau học binh pháp, Bàng Quyên sau này đến nước Ngụy làm tướng quân. Bàng Quyên cảm thấy tài năng của mình không bằng Tôn Tẫn, đã lén lút mời Tôn Tẫn đến nước Ngụy, rồi cho chặt hai đầu gối của Tôn Tẫn và xăm chữ lên mặt của ông. Mục đích là khiến cho Tôn Tẫn không thể đến nước khác làm tướng quân.

Sau này khi nước Tề phái sứ thần đến nước Ngụy, Tôn Tẫn bí mật gặp sứ thần của nước Tề. Sau một hồi chuyện trò, sứ giả nước Tề nhận thấy Tôn Tẫn là một kỳ nhân, rất có tài năng, nên thầm lặng đưa Tôn Tẫn từ nước Ngụy về nước Tề.

ntdvn 0 0trang nguyen minh chan tuong 6
Tranh màu vẽ Tôn Tẫn thời nhà Minh (Ảnh: Tài Sản Công)

Sau khi đến nước Tề, Quốc quân nước Tề là Tề Uy Vương bái Tôn Tẫn làm thầy. Tôn Tẫn hai lần dùng binh đối đầu với nước Ngụy, một lần vì để cứu nước Triệu, còn một lần nữa là cứu nước Hàn. Lần thứ nhất dùng binh, Tôn Tẫn đã đánh bại Bàng Quyên. Lần thứ hai, Tôn Tẫn giết chết Bàng Quyên.

Những ghi chép trong “Sử ký” giản lược như thế, nhưng nếu như chúng ta đọc đoạn ghi chép này cẩn thận tỉ mỉ, chúng ta sẽ phát hiện trong đó có sáu vấn đề:

Vấn đề thứ nhất, sư phụ của Tôn Tẫn và Bàng Quyên là ai? Trong “Sử ký” không ghi lại điều này, trong “Đông Chu liệt quốc chí” nói rằng sư phụ của họ là Quỷ Cốc Tử.

Vấn đề thứ hai là Tôn Tẫn và Bàng Quyên cùng học binh pháp với nhau, tại sao Bàng Quyên không bằng Tôn Tẫn? Tất nhiên chúng ta có thể có hai suy đoán. Suy đoán thứ nhất, Bàng Quyên là một người ngu dốt, học không được; suy đoán thứ hai chính là Bàng Quyên không ngu dốt, nhưng không dụng công học, nên không học được.

Thế nhưng nếu như chúng ta xem kỹ một chút việc Bàng Quyên dùng binh, sẽ phát hiện rằng Bàng Quyên đánh trận dường như là bách chiến bách thắng. Ông ta chỉ bại trận hai lần, đều bại dưới tay của Tôn Tẫn.

Chúng ta biết Bàng Quyên ở nước Ngụy, mà ba nước Ngụy-Hàn-Triệu là ba quốc gia hùng mạnh thành lập sau khi tam gia phân Tấn, nên họ được liệt vào “thất hùng” thời Chiến Quốc. Thực lực quốc gia lớn mạnh, tướng sĩ quen đánh trận, thực lực của ba nước là tương đương nhau. Nhưng Bàng Quyên đánh trận, ấy vậy mà chưa có trận nào bại. 

Lần thứ nhất Bàng Quyên đánh nước Triệu, hạ được đô thành Hàm Đan của nước Triệu. Lần thứ hai khi đánh nước Hàn, hầu như đã diệt gần hết nước Hàn. Chúng ta thấy rằng Bàng Quyên đánh trận rất lợi hại, ông ta chỉ đánh không thắng nổi Tôn Tẫn mà thôi. Điều này chứng minh Bàng Quyên không hề ngu dốt. Nhưng vì sao Bàng Quyên đánh không thắng Tôn Tẫn?

Chúng ta hãy thảo luận về cách giải thích trong “Đông Chu liệt quốc chí”, tôi cảm thấy cách giải thích này vô cùng phù hợp logic. Khi Bàng Quyên đến nước Ngụy làm tướng quân, Tôn Tẫn không lập tức xuống núi. Trên thực tế khi Quỷ Cốc Tử truyền binh pháp, ông đã giữ lại một phần, không đem toàn bộ những gì mình hiểu biết về binh pháp truyền lại cho hai người đệ tử này. Sau khi Bàng Quyên đi rồi, ông mới đem phần bí mật nhất, cũng chính là “Binh pháp Tôn Tử” do Tôn Vũ viết ra truyền cho Tôn Tẫn.

Lúc đó Tôn Tẫn đã hỏi sư phụ, vì sao thầy không truyền binh pháp cho Bàng Quyên mà truyền cho con? Lúc ấy Quỷ Cốc Tử đã trả lời rằng, người có được bộ binh pháp này có thể tung hoành thiên hạ, không có đối thủ. Nếu như một người tốt có được binh pháp, người đó có thể sẽ tạo phúc cho thiên hạ; nếu một kẻ xấu có được bộ binh pháp này, hắn ta sẽ gieo tai họa cho thiên hạ. Bàng Quyên thực sự không phải là một người tốt, ta không thể đem binh pháp này truyền cho hắn.

Điều này lại đưa đến cho chúng ta một vấn đề tiếp theo. Nếu như Quỷ Cốc Tử biết Bàng Quyên không phải người tốt, vì sao còn đem một phần binh pháp truyền cho hắn? Để hắn ở bên ngoài tạo dựng địa vị danh tiếng mười mấy năm? Vấn đề này tôi muốn nói chung cùng với vấn đề tiếp theo vào đoạn sau.

Vấn đề thứ tư, tên thật của Tôn Tẫn là gì? Tên thật của Tôn Tẫn khẳng định không phải là Tôn Tẫn. Vì sao vậy? Bởi vì chữ “Tẫn” có nghĩa là khoét đi xương bánh chè (xương đầu gối). Một người khi chọn tên, người đó không thể nào dùng loại hình phạt này để làm tên cho mình được.

Lời bạch: Trong lịch sử có hai người lấy hình phạt làm họ tên. Một là nhân vật hài hước ở thời kỳ Chiến Quốc Thuần Vu Khôn, dùng hình phạt làm tên là phương thức ông muốn biểu đạt sự hài hước. Một người khác là đại tướng Kình Bố thuộc hạ của Lưu Bang, tên thật của ông là Anh Bố. Thầy tướng số nói ông sau khi chịu hình phạt xăm chữ lên mặt (kình hình) sẽ xưng Vương. Sau khi Anh Bố chịu hình phạt xong, ông đem tên của mình đổi thành Kình Bố, cho rằng đó là dấu hiệu của việc xưng Vương.

Nhưng Tôn Tẫn là người hài hước sao? Chúng ta không nhìn ra được điều đó. Tôn Tẫn cho rằng khoét đi xương đầu gối là dấu hiệu tương lai thăng quan tiến chức rất nhanh sao? Tôn Tẫn cũng giống như Tôn Tử tổ tiên của ông, là một người đạm bạc đối với công danh, như thế vì sao lại đổi tên thành Tôn Tẫn?

Cách giải thích trong “Đông Chu liệt quốc chí” rất hợp logic. Tác giả của “Đông Chu liệt quốc chí” là Phùng Mộng Long, sống vào cuối triều Minh. Lúc nhỏ Phùng Mộng Long rất thích đọc sử, theo sách sử ghi lại, ông đọc rất nhuần nhuyễn kỹ lưỡng bộ sử Nhị thập nhất sử.

Nhị thập nhất sử là gì? Chúng ta biết trong thời kỳ Càn Long triều Thanh, đã từng tu sửa “Tứ khố toàn thư”. “Tứ khố toàn thư” chính là bốn bộ Kinh, Sử, Tử, Tập. Bộ “Kinh” là các tác phẩm kinh điển của Nho gia, bộ “Sử” là bộ Nhị thập tứ sử, bộ “Tử” là các học thuyết của các gia và kinh Phật thời Tiên Tần, bộ “Tập” là các tác phẩm tiểu thuyết, hý kịch, tản văn, thơ ca v.v. Như thế bộ “Sử” bao gồm tập hợp 24 bộ chính sử, chính là những tư liệu lịch sử được cho là đáng tin cậy nhất.

Trong bộ Nhị thập tứ sử này nếu loại trừ đi “Cựu Đường thư”, “Cựu ngũ đại sử” và “Minh sử”, thì còn lại 21 bộ được gọi là Nhị thập nhất sử. Phùng Mộng Long là người cuối triều Minh, vì thế thời ấy chưa có “Minh sử”, thế nên khi nói trừ bỏ “Cựu Đường thư” và “Cựu ngũ đại sử”, thì cũng có nghĩa là Phùng Mộng Long đã đọc nhuần nhuyễn 21 bộ chính sử này bắt đầu từ “Sử Ký” cho đến “Nguyên sử”. Khi Phùng Mộng Long viết “Đông Chu liệt quốc chí”, ông rất chú trọng việc khảo chứng sự thật của lịch sử.

Chúng ta biết bộ “Tam quốc diễn nghĩa”, thường có người nói nó “ba phần là hư, bảy phần là thực”, đúng không? Nhưng khi Phùng Mộng Long viết “Đông Chu liệt quốc chí”, ông chủ yếu tham khảo bốn bộ sách “Sử ký”, “Tả truyện”, “Quốc ngữ”, “Chiến quốc sách”. Ông rất nghiêm túc trong việc chọn các tài liệu lịch sử để viết “Đông Chu liệt quốc chí”.

Vào thời kỳ Càn Long triều Thanh có một người tên là Thái Nguyên Phóng đã viết rất nhiều, rất nhiều để phê bình và chú giải cho “Đông Chu liệt quốc chí”, ông thường nói có thể xem “Đông Chu liệt quốc chí” như một bộ chính sử để đọc. Điều này là có liên quan đến việc bản thân Phùng Mộng Long đã rất nghiêm túc và cẩn thận trong việc nghiên cứu lịch sử. Chúng ta cũng nói một chút xem trong “Đông Chu liệt quốc chí” nói chuyện Tôn-Bàng đấu trí như thế nào.

Về con người Quỷ Cốc Tử này, trong “Sử ký” chỉ nhắc tới tên mà không có bất kỳ ghi chép gì về sự tích của ông. Quỷ Cốc Tử không phải là tên thật, bởi vì nơi ông ở được gọi là Quỷ Cốc nên lấy đó làm tên. Tên thật của ông là Vương Hủ, là một người tu luyện Đạo gia. Tác phẩm “Quỷ Cốc Tử” của ông được ghi chép trong “Đạo Tạng” (Kho kinh sách của Đạo giáo).

Quỷ Cốc Tử có bốn môn học vấn cực kỳ xuất sắc, môn thứ nhất là bói toán, chúng ta đều biết rất nhiều người xem bói đều tự xưng là được truyền thừa từ Quỷ Cốc Tử; môn học vấn thứ hai của ông chính là binh pháp, ở phương diện binh pháp này ông đã dạy ra hai đồ đệ vô cùng nổi danh: Tôn Tẫn và Bàng Quyên; môn học vấn thứ ba của ông là du thuyết, rất giỏi về tài hùng biện, dạy người ta làm thế nào để biện luận, làm thế nào để thuyết phục người khác.

Như thế về phương diện biện luận này, ông cũng có hai học trò, là các nhân vật đại biểu cho phái Tung hoành gia thời Chiến quốc: Tô Tần và Trương Nghi; môn học vấn thứ tư của ông là tu chân dưỡng tính, chính là phép thuật tu luyện Đạo gia.

Thời đó ông ở Quỷ Cốc, là vùng phụ cận thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam ngày nay. Vùng đó có một ngọn núi, ông ở trong đó dạy đồ đệ. Tôn Tẫn và Bàng Quyên đến học binh pháp, Tô Tần và Trương Nghi học biện luận. Tôn Tẫn và Bàng Quyên cùng học với nhau ba năm, vì thế hai người họ là bạn đồng môn. Tôn Tẫn là sư huynh, Bàng Quyên là sư đệ. Sau ba năm, có một lần Ngụy Huệ Vương của nước Ngụy treo bảng chiêu hiền, tin tức ấy truyền đến được Quỷ Cốc.

Lúc ấy Bàng Quyên xuống núi lấy nước, nghe người ta bàn tán xôn xao về Ngụy Vương chiêu hiền, Bàng Quyên nghĩ, mình đã học binh pháp được ba năm, cũng học được khá tốt rồi, có thể xuất sĩ rồi. Bàng Quyên trở về thưa với Quỷ Cốc Tử rằng muốn đến nước Ngụy.

Quỷ Cốc Tử đã gieo một quẻ cho Bàng Quyên, rồi nói với ông ta rằng, ngươi không nên lừa gạt người khác, nếu không sẽ có một ngày người bị ngươi lừa gạt kia sẽ quay lại lừa ngươi. Đương nhiên Bàng Quyên nghe có thể không hiểu lắm, nhưng ông ta đã ghi nhớ lại. Khi Bàng Quyên rời núi, Tôn Tẫn đi tiễn ông.

Bàng Quyên nói với Tôn Tẫn, sư huynh, chúng ta ở cùng với nhau trong thời gian dài như vậy, tình cảm cũng rất tốt, tương lai nếu như có một ngày đệ thăng quan tiến chức, nhất định sẽ tiến cử huynh. Nếu như đệ nuốt lời, sau này đệ sẽ bị vạn tên xuyên chết. Tôn Tẫn và Bàng Quyên rơi lệ từ biệt nhau.

Khi Tôn Tẫn quay về gặp Quỷ Cốc Tử, trên mặt  còn vương nước mắt. Quỷ Cốc Tử hỏi Tôn Tẫn, ngươi cảm thấy Bàng Quyên học binh pháp như thế nào? Tôn Tẫn thưa, sư đệ đã học với sư phụ ba năm, lại dụng công như thế, khẳng định là đã học xong rồi. Quỷ Cốc Tử nói, hắn còn kém xa lắm, lúc ấy Tôn Tẫn đã rất giật mình.

Sau đó Quỷ Cốc Tử gọi Tôn Tẫn vào phòng ngủ của mình, lấy ra một cuốn sách và nói, cuốn sách này là mười ba thiên binh pháp của tổ tiên Tôn Vũ của ngươi lưu lại, ta lại thêm các chú thích rõ ràng, hiện giờ ta muốn đem bộ binh pháp này truyền lại cho ngươi.

(Còn nữa)

Do Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo 
bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x