‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 3 – Ma nạn trùng trùng (Phần 1)

‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 3 – Ma nạn trùng trùng (Phần 1)
Tiết mục kể chuyện lịch sử “Tiếu đàm phong vân” của đài truyền hình Tân Đường Nhân, do Giáo sư Chương Thiên Lượng thuyết giảng. (Ảnh: Tân Đường Nhân)

Một đêm tóc trắng, Ngũ Tử Tư vượt Chiêu Quan

Lời bạch: Cha của Ngũ Tử Tư bị Sở Bình Vương giam lại, anh trai Ngũ Tử Tư biết rõ rằng đi gặp cha sẽ bị chết cùng với cha, nhưng vẫn trở về đô thành. Anh ta dùng cách cùng chết với cha để tận hiếu, nhưng lại nói với em trai hãy báo thù để làm tròn chữ hiếu. Thế là Ngũ Tử Tư rời khỏi nước Sở, đi tới nước Tống. Ngũ Tử Tư nhất định phải hoàn thành ba việc mới có thể báo thù cho cha và anh. Thứ nhất, có thể thoát khỏi nước Sở; thứ hai là có thể điều động quân đội của một quốc gia khác; thứ ba, có thể đánh bại quân đội của nước Sở. Vậy Ngũ Tử Tư làm thế nào để hoàn thành ba việc này đây?

Xem thêm: “Tiếu đàm phong vân”: Tập 2 – Tai họa bất ngờ (Phần 3)

Khi Ngũ Tử Tư đến nước Tống, vừa lúc nước Tống phát sinh nội loạn, cuộc nội chiến giữa các đại thần và quốc quân rối tinh rối mù, kết quả đã đưa quân đội của nước Sở đến nước Tống. Đối với Ngũ Tử Tư việc này rất nguy hiểm vì thế Ngũ Tử Tư cùng Thái tử Kiến bèn rời khỏi nước Tống, lại đi về phía bắc đến nước Trịnh tìm nơi nương tựa. Đô thành của nước Trịnh là thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam ngày nay, cho nên lần này tuyến đường lánh nạn là từ Thương Châu phía nam của Hà Nam đến Trịnh Châu. 

Lúc này, Thái tử Kiến đã có một đứa con trai, chính là con của Thái tử và cô gái nước Tề, được gọi là công tử Thắng. Ba người là Thái tử Kiến, công tử Thắng và Ngũ Tử Tư vội chạy tới nước Trịnh.

Vị trí địa lý của nước Trịnh rất khó khăn, phía bắc là nước Tấn, là một nước chư hầu vô cùng lớn mạnh. Nước Tấn mạnh cỡ nào? Đến giai đoạn đầu thời Chiến Quốc, nước Tấn chia ra làm ba, trở thành ba nước: nước Hàn, nước Triệu và nước Ngụy. Ba nước này đều được liệt vào Chiến Quốc thất hùng (bảy nước hùng mạnh thời Chiến Quốc). Chính là sau khi nước Tấn được chia ra làm ba thì mỗi quốc gia đều vẫn hùng mạnh như thế. Phía bắc của nước Trịnh chính là nước Tấn. Phía nam của nước Trịnh chính là nước Sở.

Giản đồ các nước cuối thời Xuân Thu. (Ảnh: Yug/Wikimedia Commons/CC-BY-SA-3.0)
Giản đồ các nước cuối thời Xuân Thu. (Ảnh: Yug/Wikimedia Commons/CC-BY-SA-3.0)

Cho nên nước Trịnh nằm ở vị trí giữa nước Sở và Tấn. Nếu như nước Trịnh có mối quan hệ tốt với nước Tấn, thì nước Sở sẽ đến đánh họ; nếu như họ có mối quan hệ tốt với nước Sở, thì nước Tấn sẽ liền đến đánh; thế nên nước Trịnh chẳng khác gì bị kìm kẹp.

Khi Ngũ Tử Tư đến tìm nơi nương tựa ở nước Trịnh, Quốc quân của nước Trịnh gọi là Trịnh Định Công, vừa lúc có mối quan hệ với nước Tấn vô cùng tốt, với nước Sở không tốt lắm. Nước Trịnh vừa thấy Thái tử Kiến tìm tới, thì đối với Thái tử Kiến rất tốt, để cho Thái tử Kiến ở nhà khách sang trọng, chính là dịch quán, còn cho Thái tử rất nhiều tiền, chiêu đãi ăn ngon uống tốt. Ba người Ngũ Tử Tư liền định cư ở nước Trịnh, đó là vào năm 522 trước công nguyên.

Nhưng nước Trịnh là một nước rất nhỏ, muốn để cho nước Trịnh xuất binh đi đánh nước Sở, căn bản là không thể, từ trước đến nay đều là bị nước Sở đánh. Có một lần, Trịnh Định Công thương lượng với Thái tử Kiến rằng: Ngươi nhìn nước Trịnh nhỏ như thế, không có khả năng báo thù cho ngươi, biện pháp duy nhất chính là đi cầu nước Tấn. Nếu như Quốc quân nước Tấn đồng ý xuất binh, thì chuyện báo thù của ngươi có thể có hy vọng mấy phần. Thái tử Kiến bèn rời khỏi nước Trịnh đi đến nước Tấn.

Lúc ấy, Quốc quân của nước Tấn gọi là Tấn Khoảnh Công, vừa thấy Thái tử Kiến đến, đã nảy ra một chủ ý xấu. Ông ta nói với Thái tử Kiến rằng: Nếu như ngươi chịu làm nội ứng cho ta để tiêu diệt nước Trịnh, ta liền đem toàn bộ nước Trịnh ban cho ngươi, như thế không phải là ngươi muốn xuất binh là có thể xuất binh rồi sao. Thái tử Kiến bị mê hoặc bởi lời dụ dỗ này nên đã đáp ứng, sau khi trở về liền thương lượng với Ngũ Tử Tư.

Ngũ Tử Tư nói việc này ngàn vạn lần không thể làm. Thứ nhất là Trịnh Định Công đối với chúng ta vô cùng tốt, không có chỗ nào thất lễ cả, nếu ngài nghe lời của Tấn Khoảnh Công, chính là đang làm chuyện thương thiên hại lý, làm điều này sẽ phải gặp báo ứng. Điểm thứ hai, dù cho ngài có muốn làm thì cũng làm không được. Ngài nghĩ ngài làm sao có thể giết chết được một Quốc quân của một nước? Một nước có nhiều quan đại thần như vậy, nhiều tướng quân như vậy, họ đều bảo vệ cho Quốc quân. Ngài vừa giết Quốc quân, thì những người kia liền sẽ đem giết chết ngài ngay. Rất nguy hiểm, không thể làm.

Thái tử Kiến đã bị mê hoặc quá sâu, nên cứ nhất định phải làm. Ông bắt đầu dùng tiền kết giao với các văn thần võ tướng xung quanh Trịnh Định Công. Kết quả âm mưu bại lộ. Trịnh Định Công sau khi biết được bèn bày một bàn tiệc rượu, tại bữa tiệc giết chết Thái tử Kiến. Thái tử Kiến cũng là tự tìm đường chết, tự làm tự chịu. Lúc ấy Ngũ Tử Tư đang ở trong dịch quán, đột nhiên tim đập dữ dội, ông còn đang bế công tử Thắng con của Thái tử Kiến. Lúc đó ông có một loại trực giác nói “Thái tử nguy rồi.” Đúng lúc này người đi theo hầu chạy trở về nói với ông Thái tử Kiến đã bị giết chết rồi.

Nước Trịnh cũng không thể ở lại được nữa, Ngũ Tử Tư liền bế công tử Thắng bước vào con đường chạy trốn lần thứ hai. Quốc gia duy nhất mà bây giờ ông chỉ có thể đi đến chính là nước Ngô. Chúng ta biết, đô thành nước Ngô là ở vùng phụ cận thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô ngày nay. Lúc ấy cũng không phải ở Tô Châu, bởi vì khi ấy còn chưa có thành Tô Châu, nhưng là ở vùng phụ cận, mà Ngũ Tử Tư hiện đang ở Trịnh Châu. Nhìn bản đồ mọi người sẽ biết, ông phải đi quãng đường rất xa, mới có thể từ Hà Nam đi đến Giang Tô. Trong quãng đường đó phải đi qua An Huy. Vào thời ấy, dọc theo đường đi có rất nhiều tiểu quốc đều là thuộc quốc của nước Sở, chính là xem nước Sở là mẫu quốc, là nghe theo mệnh lệnh của Vua Sở. Cho nên, mỗi tiểu quốc này đều có thể bắt Ngũ Tử Tư đưa đến nước Sở. Thế nên con đường chạy trốn lần thứ hai này vô cùng gian nguy, đây là vào năm 519 TCN. Ngũ Tử Tư còn mang theo một đứa trẻ là công tử Thắng. Ông cũng sợ bị người khác bắt được, bèn ngày nấp đêm đi, ban đêm gấp rút lên đường ban ngày nghỉ ngơi.

Ngũ Tử Tư ẩn nấp trong khi chạy trốn. (Ảnh: Phạm vi công cộng)
Ngũ Tử Tư ẩn nấp trong khi chạy trốn. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Sau đó ông đi tới một vùng, là vùng phía bắc huyện Hàm Sơn, tỉnh An Huy ngày nay, cách khá gần Sào Hồ. Nơi này có hai ngọn núi đối diện nhau, ở giữa là một khe hẹp. Sở Vương vì muốn bắt được Ngũ Tử Tư, bèn dựng lên một cửa ải ở ngay tại khe hẹp này. Cửa ải này chính là Chiêu Quan. Còn cố ý phái một vị tướng của quân Sở coi giữ. Vị tướng này được gọi là Vĩ Việt, cho vẽ hình của Ngũ Tử Tư dán lên đó, ngày đêm vặn hỏi tất cả những người đi qua nơi đây. Bởi vì họ đều cho rằng, nếu như Ngũ Tử Tư muốn báo thù, nơi duy nhất có thể đi đến chính là nước Ngô, đến nước Ngô thì nhất định phải đi qua Chiêu Quan, cho nên bọn họ ở ngay tại Chiêu Quan chờ Ngũ Tử Tư.

Ở vùng cách Chiêu Quan 60 dặm có ngọn núi là Lịch Dương, cây cối vô cùng tươi tốt. Ngũ Tử Tư mang theo công tử Thắng ở trong rừng cây này nghỉ ngơi một lúc. Đúng lúc này có một ông lão đi đến, khi nhìn thấy Ngũ Tử Tư và công tử Thắng, ông liền hỏi: Chẳng lẽ ngươi là Ngũ Tử Tư ư? Ngũ Tử Tư cảm thấy rất căng thẳng, bởi vì một người chạy trốn rất sợ người khác nhận ra mình. Ngũ Tử Tư không trả lời thẳng, mà nói: Cụ vì sao muốn hỏi một câu hỏi như vậy chứ. Ông lão nói ngươi không cần phải sợ, ta là một thầy thuốc xem bệnh cho người khác, gọi là Đông Cao Công, vừa trở về sau khi xem xong bệnh cho tướng quân Vĩ Việt nước Sở. Cái này càng đáng sợ hơn rồi, bởi vì Vĩ Việt chính là ở cửa ải đợi bắt Ngũ Tử Tư.

Ông lão nói: Ta là một thầy thuốc chỉ có tâm cứu người, sẽ không làm hại người. Ở Chiêu Quan có treo hình vẽ ngươi, là hình truy nã ngươi, cho nên khi ta vừa nhìn thấy ngươi liền nhận ra. Bởi vì đặc điểm nhận dạng của Ngũ Tử Tư thực sự rất đặc biệt. Tôi đã từng nói ở tập trước, thân cao một trượng, lông mày rộng một thước, ánh mắt như điện. Vừa nhìn thấy Ngũ Tử Tư liền có thể nhận ra được ngay.

Ngũ Tử Tư sau khi trải qua một phen trò chuyện với ông lão, cảm thấy Đông Cao Công là người rất tốt. Đông Cao Công nói với Ngũ Tử Tư rằng, hiện giờ ngươi không thể nào qua được Chiêu Quan. Nhà của ta cách đây không xa, ngươi cứ đến nhà ta, hai chúng ta cùng thương lượng kế sách vượt quan. Ngũ Tử Tư cũng không có cách nào khác bèn cùng Đông Cao Công đi về nhà ông ấy.

Mỗi ngày Đông Cao Công lấy rượu ngon đồ ăn ngon chiêu đãi Ngũ Tử Tư và công tử Thắng, không hề đề cập đến việc vượt quan, đã qua bảy ngày liên tiếp. Ngũ Tử Tư liền nói với Đông Cao Công: “Ngã đại thù tại tâm, thử khắc vi tuế, thiên diên tại thử, uyên như tử nhân, tiên sinh cao nghĩa, ninh bất ai hu?” (Tạm dịch: “Lòng mang mối đại hận, mỗi khắc như một năm, thời gian càng lâu, càng giống người đã chết, tiên sinh hiểu lễ nghĩa, có hiểu cho lòng tôi”)

Chính là nói trong tâm tôi mang theo mối cừu hận to lớn như thế, mỗi khắc trôi qua giống như một năm vậy. Cái gì gọi là một khắc? Tính theo thời gian của người Trung Quốc cổ đại, họ đem 24 giờ của một ngày chia thành 100 khắc. Hiện nay chúng ta nói 1 khắc là 15 phút, nhưng thời đó là 14 phút 4 giây. Ngũ Tử Tư nói mỗi khắc trôi qua tôi cảm thấy giống như một năm. Cứ chậm trễ ở nơi này, giống như người chết cái gì cũng không làm được, một người tốt giống ngài như vậy chẳng lẽ không đồng tình với tôi sao?

Đông Cao Công nói tôi đang chờ một người bạn, đợi đến khi người bạn này đến ta sẽ có biện pháp. Ông cũng không chịu nói chi tiết, Ngũ Tử Tư cũng không biết rốt cuộc ông đang chờ người nào.

Vào ban đêm lúc ngủ, Ngũ Tử Tư liền cảm thấy như có gai đâm vào tim, thực sự không ngủ được, nửa đêm nằm xuống lại ngồi dậy, ngồi dậy rồi lại nằm xuống, nằm xuống rồi lại ngồi dậy, đi quanh quẩn trong phòng, đi quanh quẩn trong phòng ròng rã một đêm, bất giác phương đông trời đã dần sáng.

Sáng ngày hôm sau khi Đông Cao Công mở cửa vừa nhìn thấy Ngũ Tử Tư thì thất kinh. Ông nói tóc của ngươi làm sao mà bạc trắng rồi, “e là sầu tư mà nên”? Phải chăng do ngươi sầu khổ và suy nghĩ quá mức? Ngũ Tử Tư không tin, Đông Cao Công liền đem cho Ngũ Tử Tư một cái gương. Ngũ Tử Tư cầm gương vừa soi, lập tức liền ném gương xuống đất, ngửa mặt lên trời than dài: “Chưa làm được việc gì, hai bên tóc mai đã đốm bạc, trời ơi? trời ơi?”

Đông Cao Công nói: Người ở thế gian phúc họa thường chuyển hóa lẫn nhau, ngươi làm sao biết đây không phải là một việc tốt? Mặc dù nói tóc ngươi bạc, như thế người khác cũng không nhận ra ngươi. Ngươi trước đây rất khôi ngô, đầu tóc đen nhánh, ánh mắt như điện, người ta vừa nhìn liền nhận ra được ngươi, hiện giờ diện mạo của ngươi đều đã thay đổi rồi. Ngươi như thế này khi đi qua quan ải, người khác có thể sẽ không nhận ra ngươi, đây là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là, ta nói cho ngươi, người bạn của ta hôm nay sẽ đến đây. Người bạn của ta có họ kép là Hoàng Phủ, tên chỉ có một chữ Nột, có dáng dấp rất giống ngươi. Người này thân cao chín thước, so với Ngũ Tử Tư thì thấp hơn một chút; lông mày rộng tám tấc, ngắn hơn lông mày của Ngũ Tử Tư một chút, nhưng dáng dấp vô cùng giống với Ngũ Tử Tư.

Đông Cao Công nói: Ngày mai ta để cho Hoàng Phủ Nột mặc áo quần của ngươi. Ngũ Tử Tư mặc quần áo gì vậy? Ông mặc chính là đồ tang, bởi vì Thái tử Kiến vừa bị giết chết. Đông Cao Công nói: Để cho Hoàng Phủ Nột mặc áo quần của ngươi, ngươi mặc áo quần của người bình thường. Ngày mai khi đi qua quan ải, vì Hoàng Phủ Nột có dáng dấp rất giống ngươi, một khi đến Chiêu Quan, vị tướng quân coi giữ quan ải kia khẳng định sẽ nhận nhầm hắn ta thành ngươi, binh lính sẽ bao vây lấy hắn. Ngay thời điểm hai bên tranh cãi lẫn nhau, hoàn cảnh ắt tương đối buông lỏng, lúc này ngươi hãy tranh thủ thời gian nhân cơ hội trộn lẫn trong đó mà vượt qua Chiêu Quan.

Trong khi đang nói chuyện thì Hoàng Phủ Nột đến. Ngũ Tử Tư vừa nhìn thấy người này có dáng dấp quả nhiên khá giống với mình, trong lòng cũng cảm thấy nhẹ nhõm đi nhiều. Đông Cao Công có bài thuốc gia truyền, sau khi Ngũ Tử Tư dùng nước thuốc rửa mặt xong thì màu da cũng biến đổi. Ngày hôm sau, Ngũ Tử Tư mặc áo quần người bình thường, hóa trang công tử Thắng thành một đứa trẻ con nhà nông. Hoàng Phủ Nột mặc bộ đồ tang, Ngũ Tử Tư và công tử Thắng đi theo xa xa phía sau anh ta.

Đến Chiêu Quan, quả nhiên Hoàng Phủ Nột vừa xuất hiện, những binh sĩ kia lập tức vây quanh anh ta. Tướng quân Vĩ Việt vốn đang đứng trên cửa ải, từ xa trông thấy Hoàng Phủ Nột đi đến, liền cho là Ngũ Tử Tư đến rồi. Vĩ Việt cưỡi ngựa từ trên quan ải xông tới. Hoàng Phủ Nột liền cùng bọn họ tranh cãi. Lúc ấy Hoàng Phủ Nột còn biểu lộ một chút sợ hãi, chính là loại sợ hãi của người dân thường khi nhìn thấy binh lính, kết quả bọn họ cho rằng đây đúng là Ngũ Tử Tư, liền bao vây quanh Hoàng Phủ Nột. Thừa cơ hội này Ngũ Tử Tư trộn lẫn trong đó đã vượt qua Chiêu Quan.

Đương nhiên sau đó Đông Cao Công cũng đã tới, nói với Vĩ Việt: Tôi đã hẹn với người bạn thân Hoàng Phủ Nột muốn cùng nhau ra bên ngoài đi du ngoạn, đúng lúc đi qua quan ải này. Hoàng Phủ Nột bèn nói: ôi chao, ông hẹn tôi thế nào mà sao có người ở đây bắt tôi vậy… Mà Đông Cao Công lại là bạn tốt với Vĩ Việt, đã từng xem bệnh cho Vĩ Việt, nên Vĩ Việt cũng khá tin tưởng ông, còn nói lời xin lỗi với Hoàng Phủ Nột, còn đưa cho hai người họ một ít tiền lộ phí… rồi đưa tiễn hai người họ đi. Cứ như thế, Ngũ Tử Tư trộn lẫn trong đám người mà vượt qua được Chiêu Quan.

Do Bi Hui thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo 
bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x