Đức là gì? Đạo Đức Kinh giảng về Đức như thế nào?

Đức là gì? Đạo Đức Kinh giảng về Đức như thế nào?
Đạo Đức Kinh sáng ngời trí tuệ vĩ đại của Lão Tử, khiến người đọc ấn tượng. Tranh thêu chân dung Lão Tử thời Tống. (Nguồn ảnh: Kanzhongguo)

Người đã đọc Đạo Đức Kinh rồi đều biết, Đạo Đức Kinh chia làm Thượng thiên Đạo Kinh và Hạ thiên Đức Kinh, Đạo và Đức không thể tách rời, nhưng lại có hàm nghĩa khác nhau. Hàm nghĩa của Đức là gì? Tiêu chuẩn “Người tốt” trong mắt Lão Tử là như thế nào? Chúng ta làm thế nào để phán đoán một người có đức hay không?

Trong xã hội mà chúng ta đang sống, có người thiện, cũng có người ác. Từ xưa đến nay, có người từ bỏ quang minh theo đường hắc ám, cũng có người từ bỏ ác theo thiện.

Từ nhỏ, chúng ta đã được ông bà cha mẹ và thầy cô dạy làm người tốt, nhưng cùng với tuổi đời tăng lên, chúng ta không những không minh bạch thêm mà ngày càng mê hoặc: Thế nào mới được coi là người tốt thực sự?

Cùng với sự từng trải lịch duyệt tăng lên, thậm chí chúng ta còn mê hoặc bản thân có nên làm một người tốt hay không?

Trong thế giới hiện thực, có rất nhiều sự khác biệt về tiêu chuẩn làm người tốt, thế nên có rất nhiều người trở thành người xấu mà không tự hay biết.

Làm thế nào phán đoán một người là người tốt?

Năm 193, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra bộ sách Đạo Đức Kinh phiên bản viết trên lụa trong ngôi mộ thời Hán ở gò Mã Vương, nó có một số khác biệt với bộ sách phổ biến phát hành hiện nay.

Bộ Đạo Đức Kinh này chia làm Đạo Kinh và Đức Kinh, hơn nữa Đức Kinh đứng trước, Đạo Kinh đứng sau. Từ đó, có người đã đề xuất đổi tên gọi Đạo Đức Kinh thành Đức Đạo Kinh. Điểm này cũng cho thấy Đức Kinh có tác dụng quan trọng cấu thành nên hệ thống tư tưởng của Lão Tử.

Chúng ta biết, tư tưởng Đạo gia dùng Đạo để nghiên cứu tự nhiên, xã hội và mối quan hệ giữa người với người. Vậy tại sao Lão Tử lại viết thiên Đức Kinh? Hàm nghĩa của Đức là gì? Là người tốt chăng? Trong con mắt của bạn, người như thế nào mới được coi là người tốt?

Thời cổ đại, mọi người thường cho rằng, làm được Thánh, Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, thì được gọi là người tốt, người có đức. Tuy nhiên trong sách Trang Tử, nhân vật trong thiên Khư Khiếp lại đưa ra quan điểm phản bác rằng:

Thời Xuân Thu, có tên trộm cướp tên là Đạo Chích, hắn là tướng cướp nổi danh giang hồ, thường đi cướp bóc, nhưng lại tự xưng là Thánh nhân. Thậm chí hắn còn cho rằng, hắn thực sự là Thánh nhân. Hắn nói: Có thể tìm được báu vật trong một ngôi nhà, thì đó chính là Thánh; có thể dẫn đầu băng nhóm đi trộm cướp thì đó chính là Dũng; có thể chủ động đi sau đoạn hậu cho đồng bọn thoát đi an toàn, thì đó chính là Nghĩa; có thể đặt ra kế hoạch trộm cướp thì đó chính là Trí; có thể phân chia hợp lý của cải trộm cướp được thì đó chính là Nhân.

Quan điểm của Đạo Chích xem ra có vẻ trào phúng, nhưng từ một góc độ nào đó mà xét, thì thấy không có tiêu chuẩn cố định cho “người tốt”. Trong con mắt mỗi người, người tốt là khác nhau.

Tuy nhiên vẫn có tiêu chuẩn cao hơn, khống chế các quy luật vận hành của tự nhiên và xã hội, đó là Đạo, là quy luật của vũ trụ. Đó mới là chân lý mà con người tìm kiếm.

Tại sao chúng ta mê hoặc có nên trở thành người tốt không?

Người mẹ cùng cô con gái nhỏ đói khát vào trong quán ăn sang trọng, chủ quán sợ ảnh hưởng đến khách hàng nên sai nhân viên đuổi đi. Ông khách A liền ngăn lại và gọi hai tô phở bò ngon đem cho hai mẹ con người kia.

Mọi người khen ông A là người tốt, là người có đức.

Nhưng một vị khách khác, ông B lại nói: “Tô phở bò cũng chẳng giúp gì được cho quốc gia. Cứu giúp người nghèo được hay không thì cũng không thể chỉ là tô phở bò. Muốn trợ giúp quốc gia, cần mở công ty, xây nhà máy, kinh doanh”.

Mọi người đều cho rằng ông B là người có đức lớn hơn ông A, là người rất tốt.

Ông B cả đời sản xuất kinh doanh. Khi chiến tranh nổ ra, quân giặc cướp, sau lại bị người dân nghèo đói cướp, cuối cùng nhà máy của ông rơi vào tay người khác, tài sản mất hết. Thế là đến những năm cuối đời, ông B cho rằng: Có tiền thì ăn chơi hưởng lạc, cờ bạc gái gú, muốn làm gì thì làm, chứ nhất định chớ làm người tốt.

Mọi người trong lòng nghi hoặc: Lập chí làm người tốt là sai chăng?

Để tìm câu trả lời này, chúng ta cùng tìm đáp án trong Đạo Đức Kinh.

Dưới con mắt của Lão Tử, Đạo là quy luật vận hành của thế giới, còn Đức là chiểu theo quy luật vận hành của thế giới để hành xử, làm việc.

Đạo Đức Kinh – Chương 38: Người có đức

Nguyên văn: “Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức; hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức. Thượng đức vô vi nhi vô dĩ vi; hạ đức vô vi nhi hữu dĩ vi. Thượng nhân vi chi nhi vô dĩ vi; thượng nghĩa vi chi nhi hữu dĩ vi. Thượng lễ vi chi nhi mạc chi ứng, tắc nhưỡng tý nhi nhưng chi. Cố thất Đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ”.

Tạm dịch: Người đức bậc cao thì không hiển lộ danh tiếng có đức, đó mới là có đức. Người có đức thấp hiển thị đức danh để biểu thị không thất đức, thực ra đó là vô đức (không có đức). Người có đức cao thuận theo tự nhiên, không gắng gượng làm, nên hành xử mà không cố thủ vào một khuôn mẫu đạo đức nào. Người đức thấp thường hành xử với dáng vẻ đạo mạo. Người có tâm nhân ái thì không dựa vào cái danh có đức, không tỏ ra đạo mạo. Người hành xử theo trách nhiệm đạo nghĩa thường là để hiển cái danh có đức. Người hành xử theo quy tắc lễ nghi, thường gắng gượng làm. Thế nên, Đạo mất rồi mới có đức, đức mất rồi mới có nhân, nhân mất rồi mới có nghĩa, nghĩa mất rồi mới có lễ.

Chương này có thể coi là chương khó giải nghĩa nhất trong Đạo Đức Kinh, chúng ta sẽ giải nghĩa từng câu.

Đạo đức kinh
Từ bề mặt mà xét thì “Đạo đức kinh” giảng về đạo trị quốc, dạy con người làm một vị đế vương như thế nào. Đứng tại tầng thứ cao hơn mà xét thì sẽ phát hiện ra bộ sách này giảng chân lý Đại Đạo tu thành Tiên như thế nào. (Ảnh: hk.epochtimes.com)

Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức

Câu này nghĩa là: Người đức bậc cao thì không hiển lộ danh tiếng có đức, đó mới là có đức.

Một người làm những sự tình có đức hạnh là xuất phát từ nội tâm, chứ không phải vì để có được danh lợi, chỉ lặng lẽ làm, đó mới là người có đức thực sự.

Vậy Đức mà Lão Tử nói đến là gì? Lão Tử nói: “Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trưởng nhi bất tể, thị vị huyền đức”.

Nghĩa là: Dưỡng dục vạn vật mà không chiếm làm sở hữu riêng; thành tựu công lao mà không kể công; giúp vạn vật sinh trưởng mà không cai quản chúng, như thế gọi là huyền đức.

Ví như chúng ta sinh thành dưỡng dục ra cháu con đời sau, nhưng chúng ta không sở hữu chúng, không can thiệp vào cuộc sống của chúng, để chúng làm những việc chúng muốn, như vậy gọi là Thượng đức (đức bậc cao).

Như thế có thể thấy, Lão Tử không tán thành “nuôi dưỡng con để sau này về già để con chăm sóc mình” – đây là tư tưởng người đời sau xuất phát từ góc độ lợi ích cá nhân.

Theo quan điểm của Lão Tử, giống như Trời Đất sinh thành nuôi dưỡng vạn vật, vốn là để cho sinh mệnh sống theo kiểu mà nó nên có. Nếu chỉ suy nghĩ “nuôi con để con dưỡng già”, thì đó không phải tình thân quyến, mà giống như một vụ giao dịch trao đổi. Thế nên thuận kỳ tự nhiên chính là Thượng đức (đức bậc cao), nuôi con để con dưỡng già là hạ đức (đức bậc thấp).

Hạ đức bất thất đức thị dĩ vô đức

Câu này có ý nghĩa là: Người có đức thấp hiển thị đức danh để biểu thị không thất đức, thực ra đó là vô đức (không có đức).

Nếu một người dùng cái miệng của mình, đi đến đâu cũng cũng muốn để mọi người biết anh ta là người có đức, như thế thì thực tế anh ta đã trở thành người không có đức rồi.

Câu này khá giống với câu trong “Chu Tử trị gia cách ngôn”:

Thiện muốn người biết, chẳng phải chân thiện.
Ác sợ người hay, chính là đại ác.

Để lý giải “bất thất đức”, chúng ta hãy đứng từ góc độ của Lão Tử nhìn nhận Đức mà Nho gia giảng. Nho gia luôn dạy mọi người phải làm người có đức. Nho gia đặt ra luân lý nghiêm khắc và các tiêu chuẩn đạo đức, tức là Tam cương Ngũ thường.

Tam cương là: Quân vi thần cương, phụ vi tử cương, phu vi thê cương. Nghĩa là: Vua là giềng mối của bề tôi, cha là giềng mối của con, chồng là giềng mối của vợ.

Ngũ thường là: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Tư tưởng Nho gia tuyên dương những tư tưởng đạo đức này, hiệu triệu mọi người tuân theo. Điều này với một số người có thể biến thành Đức ở cửa miệng. Với con mắt của Lão Tử, Đức của Nho gia, trừ bậc Thánh vương, minh quân thực sự thực hành theo, rất có thể sẽ trở thành thủ đoạn thống trị của đế vương. Đế vương sẽ dùng các loại tiêu chuẩn đạo đức để làm chuẩn mực yêu cầu dân chúng tuân theo, ví như “Trung thành”.

Trong con mắt của Lão Tử, đế vương thực sự có đức phải là “dưỡng dục vạn vật mà không chiếm làm của riêng. Đứng đầu vạn vật mà không làm chúa tể của vạn vật. Đó mới là Huyền đức”.

Một người chào đời, thì nhân tính là sinh ra đã có. Ai cũng khát vọng tự do và bình đẳng, nhưng nếu một người không tu dưỡng bản thân thành người tốt, được mọi người công nhận, thế thì trên thực tế anh ta đã trở thành người vô đức rồi, hoặc là nói đó là ngụy quân tử, ngụy trang thành người có đạo đức.

Thế nào là thượng đức

Thượng đức (đức cao) khác với hạ đức (đức thấp) ở chỗ làm việc, hành xử ‘mà không hiển lộ cái danh có đức’, và ‘để hiển lộ cái danh có đức’. Người có đức cao tuân theo quy luật tự nhiên, không dựa vào ý nguyện chủ quan hành sự. Còn người có đức thấp luôn không thể buông bỏ cái gọi là quy phạm đạo đức, cuối cùng phá hoại Đạo của tự nhiên.

Có câu chuyện như sau.

Phía trước có một con sông, một hòa thượng, một chú tiểu và một phụ nữ, cả 3 người trùng hợp là cùng qua sông. Hòa thượng thấy người phụ nữ không lội qua sông được bèn cõng cô qua sông.

Sau khi qua sông, đi được mấy dặm đường, chú tiểu không thể nhẫn được nữa, bèn hỏi: “Sư phụ sao lại phạm giới sắc, chạm vào phụ nữ?”

Hòa thượng nói: “Ồ, con vẫn còn nhớ đến chuyện đó à? Ta đã quên cô ấy từ lâu rồi”.

Câu chuyện là một ví dụ minh họa giữa đức cao và đức thấp. Người đức cao hành sự theo Đạo tự nhiên, lợi cho vạn vật, mà không để ý đến người ta đánh giá thế nào, cũng không cố chấp vào một quy định đạo đức, và sau khi làm xong việc cũng không để sự việc đó trong tâm. Còn người đức thấp thì cố thủ một quy phạm đạo đức.

Lão Tử nói: Thế nên, Đạo mất rồi mới có đức, đức mất rồi mới có nhân, nhân mất rồi mới có nghĩa, nghĩa mất rồi mới có lễ. Lễ là khi trung tín bị bội bạc, và là khởi đầu của loạn”.

Khi xã hội mất Đạo rồi thì mới bắt đầu chú trọng Đức, mọi người không tôn trọng quy luật tự nhiên nữa nên mới cần tiêu chuẩn đạo đức để ước thúc. Đến khi tiêu chuẩn đạo đức biến thành khẩu hiệu, thì xuất hiện Nhân. Khi không còn Nhân nữa thì xuất hiện Nghĩa. Không còn nghĩa nữa thì xuất hiện Lễ.

Lễ là sản vật khi trung tín không còn đầy đủ nữa, là sự khởi đầu của loạn thế. Ví dụ Chu Lễ xuất hiện là khi nhân nghĩa đạo đức đều đã mất rồi. Lễ là quy phạm các hành vi hàng ngày, ai cũng có thể dễ dàng làm được, do đó Lễ rất dễ bị ngụy trang, dễ bị người ta lợi dụng.

Không phải là Lão Tử từ bỏ tiêu chuẩn đạo đức, mà chỉ có đạo đức trong Đại Đạo thì mới là thượng đức (đức cao), còn nếu đạo đức nhân nghĩa chỉ dừng ở lời nói thì đó là giả đức, là cội nguồn của họa loạn.

Quan hệ giữa Đức và Đạo

Đức trong Đạo Đức Kinh không phải là đức mà mọi người nói hiện nay. Đức, đức hạnh mà con người nói ngày này chủ yếu là chỉ tiết tháo cao thượng. Đức và Đạo trong Đạo Đức Kinh thể hiện trong vạn vật ở thế gian, mọi người chiểu theo quy luật khách quan của Đạo hành sự.

Đức nghĩa là đắc, đắc được. Trang Tử nói: “Thứ mà vạn vật đắc được ở trong Đạo thì gọi là Đức”. Tức là vạn vật khi có được bản tính nguyên sơ nguyên thủy của nó, thì đó là Đức.

Đạo là cội nguồn của Đức, Đức là sự mang chở của Đạo. Sau khi Đạo sinh ra vạn vật, thì Đức dưỡng dục vạn vật. Đạo là thứ siêu việt, nó không thay đổi theo vạn vật, cũng không tiêu vong theo vạn vật.

Theo Tiantiandushuhui
Trung Hòa biên dịch

Nguồn: NTD Việt Nam


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x