Cảnh giới ‘Thiên nhân hợp nhất’ của các bậc văn nhân thời cổ đại

Cảnh giới thiên nhân hợp nhất thời cổ đại
Con người dung hợp mật thiết với tự nhiên, điều hòa âm dương, thuận theo bốn mùa, chuyển vần theo Ngũ hành, trọng đức hành thiện, mới có thể được bình an và tốt lành. (Ảnh: Shutterstock)

Ngũ hành âm dương tương sinh tương khắc, cấu thành nên vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Bất kỳ sự vật nào trong thế gian đều có vật chất đối ứng trong không gian vũ trụ. Thời cổ đại, cổ nhân đã dựa trên ảnh hưởng lẫn nhau giữa tam giới “Thiên, Địa, Nhân” và đạo lý tương sinh tương khắc của Ngũ hành để suy tính vận mệnh của con người.

Con người dung hợp mật thiết với tự nhiên, điều hòa âm dương, thuận theo bốn mùa, chuyển vần theo Ngũ hành, trọng đức hành thiện, mới có thể được bình an và tốt lành. Đạo pháp thuận theo tự nhiên – “Thiên nhân hợp nhất,” là đặc điểm chủ yếu trong văn hóa của Trung Hoa cổ đại.

Trong cuốn “Chuyển Pháp Luân,” Ngài Lý Hồng Chí đã giảng rằng: “Thời ấy người đi học, đều phải chú trọng đả tọa, khi ngồi cũng giảng [phải] có tư thế; khi cầm bút viết cũng giảng [phải] vận khí hô hấp; các ngành các nghề đều giảng [phải] tịnh tâm, điều tức; toàn bộ xã hội đều đặt trong trạng thái như thế.” (Trích từ Bài giảng thứ Bảy, “Chuyển Pháp Luân”).

Cung kính, đoan chính, tâm bình khí hòa, tĩnh tâm an định; tâm không phóng túng, không nhanh không chậm, bình tĩnh điềm đạm, phù hợp tối đa với sự vận động của âm dương ngũ hành trong nhân thể; điều hòa tinh, khí, thần trong toàn bộ thân thể, tương thông với khí thái hòa trong vũ trụ. Điều này chẳng phải giống với tu luyện khí công hay sao?!

Dưới ảnh hưởng của văn hóa Đạo gia và Phật gia, rất nhiều người đã quy ẩn chốn sơn lâm, mộ Tiên cầu Đạo, đả tọa thiền định.

Phong vận của thơ Đường có mối liên hệ tự nhiên với trời đất. Đó là thanh âm của trời, sáng trong vang vọng, nhịp điệu và âm nhạc phong phú, ý cảnh tươi đẹp. Lý Bạch sùng Đạo, Đỗ Phủ trọng Nho, Vương Duy tín Phật. Tín ngưỡng khác nhau đã khởi tác dụng quan trọng trong việc hình thành phong cách thơ của riêng họ.

Văn hóa thời Trung Hoa cổ đại là văn hóa Thần truyền, là cầu nối liên kết giữa phàm giới và Thiên giới. Nghệ thuật văn hóa thuần chính của nhân loại là hình thức thể hiện của tinh thần ở Thượng giới. Nếu không có Phật, Đạo, Thần dẫn dắt, thiếu đi sự câu thông với Thượng giới, không có tinh thần quán thông từ trên xuống dưới, thì sẽ không thể biểu đạt được nội hàm cao hơn thâm sâu hơn. Những người bị linh thể tầng thấp và lạn quỷ phụ thể, tác phẩm của họ mê hoặc và chứa đầy tà khí, hại người không ít.

Có thể thấy, đỉnh cao của kiệt tác không phải là sự trau chuốt, phô trương ở tầng diện thế tục, mà là sự đối ứng hài hòa của Trời, Đất và con người, “Thiên nhân hợp nhất,” hợp linh với Thần, hợp diệu với Đạo, thông thiên địa mà hợp nhất với Thần minh.

Lấy cầm, kỳ, thư, họa của văn nhân thời cổ đại làm ví dụ, đó là sự thể hiện của tâm tình nhàn nhã thoải mái, hơn nữa còn là tu tâm dưỡng tính. Những người có trình độ cao thâm còn có thể đạt đến cảnh giới tương đối cao.

Cầm

Trung Hoa cổ đại coi trọng nhã nhạc chính âm, lấy sự thanh u (đẹp và tĩnh mịch) và mộc mạc làm chủ, không chạy theo âm thanh hỗn tạp náo nhiệt. Cầm sắt, tiêu địch, hồ cầm đều có âm sắc nhu hòa, điềm đạm, âm vận ngân lâu. Đằng sau âm nhạc thanh nhã, uyển chuyển là di sản văn hóa phong phú, cao thâm.

Nho gia chú trọng việc “giáo hóa” luân lý xã hội, chú trọng vẻ đẹp của trung hòa, bình ổn, chừng mực, hàm súc, tinh tế, trang nhã, bài xích âm nhạc dâm lụy, trầm mê trong huyên náo mị hoặc.

Đạo gia chủ trương hòa hợp với tự nhiên, thanh tĩnh vô vi. Lão Tử nói: “Đại âm hy thanh” (âm lớn ít tiếng), âm thanh chân chính nên “giản tĩnh” (đơn giản và thanh tĩnh), tĩnh mới có cảm giác không gian thanh cao, thể nghiệm được tâm linh vạn vật hợp nhất. Trang Tử cho rằng “bình dị điềm đạm” là lý tưởng của cuộc sống. “Bình dị điềm đạm thì ưu lo không vào được, tà khí không xâm nhập được, vậy nên bảo toàn được đức mà thần khí không bị hư.”

Lâm Đại Ngọc trong “Hồng Lâu Mộng” – Vị Lâm muội muội từ trên trời hạ phàm này cũng là một người thông hiểu “đạo cầm.” Nàng nói, nên tấu đàn ở nơi thanh u thoát tục như nhà cao yên tĩnh, trên lầu cao, trong rừng sâu, trên đỉnh núi, hoặc trên ghềnh nước, trước khi gảy đàn nên tắm rửa sạch sẽ, đốt hương tĩnh tọa, váy áo chỉnh tề, tướng mạo đoan trang, thân tâm đều ngay chính, thong dong tự tại, ngắm trăng thanh gió mát, thưởng đá lạ tùng xanh, một phen nâng niu mới không phụ với cây đàn này.

Dật sĩ văn nhân thời cổ đại dùng đàn để kết giao bằng hữu, tìm kiếm tri âm nơi núi cao nước sâu, chẳng tranh chẳng cầu, không khoe khoang kỹ năng, chẳng bán nghệ mua vui, tránh xa vòng danh lợi, lấy sự thanh tu làm niềm vui của bản thân. Thể ngộ uyên thâm và yêu cầu cao đối với cầm nghệ của họ khiến người khác phải thán phục.

“Thân thủ tĩnh tại có thể tương dung với đạo diệu, tương thông với Thần linh.” “Cho nên thanh sạch là nguồn gốc của đại nhã… hai tay như loan phụng hòa tiếng, không hề nhiễm tạp khí dơ bẩn xiên ngang xẻ dọc… tất lấy sự trinh tĩnh, cao xa làm thước đo… thong dong uyển chuyển.”

“Thần nhàn khí tĩnh, làm lạnh khí nóng, buông bỏ tâm ganh đua, lấy đầu ngón tay quét sạch xô bồ, giữ gìn sự trong sạch trên dây đàn,” “tâm cốt thanh nhàn, thể khí tựa Tiên,” “chuyển tinh chú Thần, cảm động quỷ Thần.” Đây quả thật là cảnh giới của tu luyện.

Bức Thính cầm đồ
Một phần bức “Thính cầm đồ” của Tống Huy Tông thời Bắc Tống. (Ảnh: Tài sản công)

Kỳ

“Kỳ” trong tứ nghệ “Cầm, Kỳ, Thư, Họa” là chỉ cờ vây. Kỳ thực, cờ vây là một công cụ quan sát thiên văn của cổ nhân. Bàn cờ tượng trưng cho bầu trời đầy sao, còn quân cờ tượng trưng cho các vì sao. Bàn cờ phân thành bốn bộ phận, có 361 điểm giao thoa, vừa khớp với tự nhiên: trời tròn đất vuông, bốn mùa thay đổi, 361 ngày Hoàng lịch.

Chính giữa bàn cờ là Thái cực, hai màu đen-trắng của cờ vây biểu thị cho âm-dương. Quy tắc của cờ vây rất đơn giản, không phân loại quân cờ, không quy định chức năng, tự do đặt cờ, cạnh tranh bình đẳng, có thể nói là Đại Đạo chí giản. Ván cờ diễn ra, thể hiện sinh động sự vận động mâu thuẫn của hai cực âm dương đối nghịch, hạn chế, cân bằng và chuyển hóa lẫn nhau. Những hình thức này của cờ vây đều mang nội hàm văn hóa Trung Hoa rất phong phú.

“Giữa nơi nước chảy rừng tùng, chỉ nghe tiếng cờ vây,” “Nhàn nhã gõ quân cờ, thả đèn hoa đăng,” từ đây có thể thấy được lạc thú chơi cờ của người xưa.

Lúc nhàn hạ, chơi cờ kết giao bằng hữu, trí huệ thăng hoa. Bàn cờ tuy nhỏ, nhưng ảo diệu biến hóa, thể hiện đức nhân, đức trí, cũng như trời đất âm dương, cách thức cai trị, binh pháp thao lược, đối nhân xử thế, tiến thoái được mất v.v. Thế cục của bàn cờ như chiến trường, hai bên đen trắng bày binh bố trận, công chiếm ngự thủ, đấu trí đấu dũng; Không thể nhút nhát, bảo thủ, cũng không thể tham công hiếu chiến.

Cờ vây đặc biệt chú ý đến tình thế đại cục, không tính ngày ngắn hay dài, không tranh được hay mất của một vùng. Gặp phải thất bại không nản lòng, tạm chiếm được ưu thế cũng không khinh địch, luôn luôn nghĩ đến đại cục. Ứng Sướng, một văn sĩ thời Đông Hán từng nói: “Đạo chơi cờ quý thay ở tính nghiêm cẩn.” Cần phải có chiến lược xuất thế, lại cần có mưu kế chi tiết cho việc nhập thế.

Có nhiều tình huống khác nhau trong chơi cờ, và nó thường thể hiện tính cách tu dưỡng của người chơi. Lo chuyện được mất, do dự, thiếu quyết đoán, bước đi không chắc chắn; tranh giành từng tấc đất, trừng mắt báo thù, vậy mưu lớn ắt loạn, cuối cùng ắt sẽ bại; trong lòng có sự tự tin, bất động thanh sắc, như vậy có thể biến bị động thành chủ động.

Chơi cờ kết giao bằng hữu
Lúc nhàn hạ, chơi cờ kết giao bằng hữu, trí huệ thăng hoa. (Ảnh: Epoch Times)

Phan Thận Tu, đại thần triều Tống đã lấy đạo của Khổng Tử và Mạnh Tử ví von với cờ vây: “Đạo chơi cờ ở chỗ yên tĩnh, trầm mặc, nhưng lựa chọn lấy hay bỏ là cấp bách. Nhân thì có thể toàn, Nghĩa thì có thể thủ, Lễ thì có thể đổi, Trí thì có thể chiếm, Tín thì có thể khắc.”

Thắng đương nhiên vui, nhưng thua cũng không buồn. Gặp được đối thủ cũng như gặp được hiền tài. Rời xa chốn xô bồ, hòa mình vào ván cờ, thần khí an định, trầm mặc diệu vợi, ung dung phong nhã.

Từ thời Tùy và Đường sớm đã định cửu phẩm cho cờ vây, nhất phẩm gọi là Nhập Thần, nhị phẩm gọi là Tọa Chiếu, tam phẩm gọi là Câu Thể, tứ phẩm gọi là Thông U, ngũ phẩm gọi là Dụng Trí, lục phẩm gọi là Tiểu Xảo, thất phẩm gọi là Đấu Lực, bát phẩm gọi là Nhược Ngu, cửu phẩm gọi là Thủ Chuyết.

Người chơi cờ giỏi nhất, đương nhiên là người chơi xuất thần nhập hóa, có thể đứng vào hàng ngũ của các vị Thần Tiên. Hạng thứ hai Tọa Chiếu là chơi cờ không cần hao thần phí lực, vận dụng thế cờ ảo diệu, cơ hồ chỉ trong tâm trí. Hạng sau là Câu Thể, ý nghĩa là cái gì cũng đi được, mười tám loại võ nghệ đều có thể mang ra thi triển, nhưng cảnh giới thấp hơn hai hạng trước. Hạng tiếp theo là Thông U, dường như đã tìm thấy một con đường nhỏ thông đến cảnh giới cao hơn. Những phẩm vị này có danh xưng mang nội hàm rất sinh động và kỳ diệu.

Trong lịch sử, các nhân vật đại biểu của Nho gia, Phật gia và Đạo gia, Hoàng Đế, tướng lĩnh, chính trị gia, quân sự gia, văn học gia, số học gia, triết học gia, v.v., đều ca ngợi cờ vây và tin rằng đã nhận được rất nhiều lợi ích từ nó.

Thư

Thư pháp là hình thức nghệ thuật rất phổ biến ở Trung Hoa cổ đại, được cả những người thanh nhã và bình dân đánh giá cao. Học thư pháp có thể giúp điều hòa thần khí, tu dưỡng tâm tính, khỏe mạnh và trường thọ.

Âu Dương Tuân nói, lúc luyện thư pháp cần “an định thần trí, chỉnh đốn diện mạo,” bài trừ tạp niệm, quên hết vinh nhục, tập trung thần khí, đạt đến trạng thái nhập tĩnh chuyên nhất. Sau đó, sử dụng bàn tay, cổ tay, khuỷu tay và cánh tay một cách linh hoạt và tự do, huy động khí lực toàn thân, thông qua phần cuối của cây bút, hữu ý chuyển nó vào các nét chấm, nét ngang, nét sổ, nét phẩy, nét mác và bố cục giữa các hàng chữ. Đó gọi là “lấy cái khí, cái công, cái lực quán thông thân thể mà sử dụng.”

Chu Tinh Liên viết trong “Lâm trì quản kiến” rằng: “Tĩnh tọa viết vài chục chữ hay mấy trăm chữ Khải thư, liền cảm thấy bứt rứt, nóng nảy đã biến thành an tĩnh.” Ở đây đã nói rõ việc luyện Khải thư có thể dưỡng khí an thần, tiêu trừ phiền não, nóng nảy. Còn Lệ thư thì thư pháp trầm ổn, tao nhã, êm dịu và sảng khoái như dòng suối trong rừng, khiến khí huyết của những người mắc chứng đau đầu, mất ngủ được bình hòa, điều hòa cảm xúc. Nguyên nhân các nhà thư pháp trường thọ phải chăng chính là ở đây?!

Mặc dù hình dạng chữ viết là ở trên giấy, nhưng thần, ý của nó lại nằm ngoài giấy mực. Tất cả động thái đều có sự trùng hợp đối ứng trong môi trường tự nhiên, đúng như câu “Đạo pháp tự nhiên” của Lão Tử. Phật gia gọi là “nhất sa nhất thế giới, nhất diệp nhất xuân hạ” (Một hạt cát là một thế giới, một lá cây là một mùa xuân thu). Thiên văn, địa văn, nhân văn, tựu trung đều có Đạo cả.

Vương Hy Chi có được bút pháp từ việc ngắm chân ngỗng đạp trong nước, Trương Húc nhìn Công Tôn đại nương múa kiếm mà có được phép Thảo thư, Hoàng Đình Kiên xem tiều phu chèo thuyền mà có được thế bút… Các nhà thư pháp treo cổ tay vận bút, bàn tay là hư mà ngón tay là thực, nhanh mà không gấp, chậm mà không đình trệ. Nắm bắt được tư thế “loan múa,” “rồng bay,” có thể đạt đến trạng thái ‘Thiên nhân hợp nhất, hồn nhiên vong ngã’ (trời và người hòa làm một, hồn nhiên quên bản ngã).

Hình Vương Hy Chi
Hình Vương Hy Chi do họa sĩ Tiền Tuyển (钱选) thời Nguyên vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Đường Thái Tông lúc luận về thư pháp cũng có kiến giải đặc biệt, nhấn mạnh đến “gân cốt” và “thần khí” trong viết thư pháp, còn chủ trương thư pháp cần có “khí xung hòa” (xung hòa có thể hiểu là đạm bạc và bình hòa). “Trung ắt chính. Chính ấy gọi là xung hòa vậy,” “Dùng sắc nhọn không bằng dùng khí xung hòa, cổ tay tự nhiên nhẹ yếu, ắt trong sự sắc nhọn ấy đã bao hàm trầm tĩnh.”

Thư pháp như người viết ra nó, “Người có phẩm cách cao quý, một nét một chấm, tự đã có khí vận thanh cao, cương cường, nho nhã, chính trực; Người có phẩm cách thấp kém, tuy lúc mãnh liệt lúc thâm trầm, nhưng nghiễm nhiên có thể nhìn thấy tung hoành cường bạo, không tránh khỏi thể hiện ra bên ngoài mặt giấy.” (Chu Hòa Canh, “Lâm trì tâm giải”).

Họa

Văn nhân vẽ chú trọng tu dưỡng toàn diện văn hóa, tức là nói thi, thư, họa bổ sung cho nhau, giảng nhân phẩm, tài tình, học vấn và tư tưởng, một cái cũng không thể thiếu. Văn nhân chú trọng đến khí vận và thú vui bút mực, ý cảnh sâu xa, người nhẫn nại có thể tầm phong vị trong đó. Có bốn phong cách hội họa là dật cách, thần cách, diệu cách và năng cách. Như phong cách ẩn dật, tiêu sái là ở cảnh giới cực cao, nhìn có vẻ bình đạm, trong sáng, nhưng thực ra là cao lớn vô tỉ, tiêu dật xuất trần, không thể bắt chước.

Một bức họa đẹp có thể khiến tạp niệm con người tiêu trừ, tịnh hóa đề cao, dần nhập vào cảnh đẹp, thậm chí có hiệu quả chữa bệnh kỳ diệu. Tần Quán ngắm bức “Võng xuyên đồ” của Vương Duy, cảm thấy sảng khoái thanh thoát, tâm vui vẻ thoải mái, các triệu chứng về tiêu hóa từng chữa trị nhiều lần không khỏi, vậy mà một lúc quét sạch hết. Vương Duy từ quan, tụng kinh phụng Phật, kiền thành hướng thiện, dùng trạng thái này dung nhập vào bút mực, năng lượng thuần tịnh, khí tức thanh sạch từ trong bức họa chầm chậm phát tán ra bên ngoài, khiến toàn thân người thưởng thức được sảng khoái, ít nhiều giúp bổ trợ sức khỏe.

Hoàng Công Vọng, người đứng đầu trong “Nguyên tứ gia” (bốn nhà thư pháp xuất sắc thời nhà Nguyên) cũng là người tu Đạo. Ông trải qua nhiều gian khổ, thuở nhỏ sớm thông tuệ, tài hoa xuất chúng, vì không hợp với quyền quý, về sau liên lụy bị tống giam, năm mươi tuổi mới được tự do. Ông đả tọa tu luyện, phong cách vẽ cũng biến hóa siêu dật phóng khoáng, thanh tao, trầm hùng. Ông vân du bảy năm, rất yêu thích phong vị sơn thủy. Lúc gần tám mươi tuổi, Hoàng Công Vọng đã vẽ xong bức “Phú xuân sơn cư đồ,” thành tựu rất cao, được xưng tụng là “lan đình trong tranh,” có ảnh hưởng rất lớn đối với hậu thế.

Trong các văn nhân họa gia hàng đầu có rất nhiều người tu luyện, nổi bật nhất là “Tứ họa tăng” vào đầu thời nhà Thanh, phong cách hội họa trầm tĩnh đạm bạc, nhưng mỗi người đều có nét đặc sắc riêng. Trong số bốn vị tăng nhân này, Bát Đại sơn nhân và Thạch Đào có ảnh hưởng khá lớn.

Thông thiên đại đạo

Văn nhân thời cổ đại có đạo thống tốt đẹp, không mê đắm quyền lực, không chạy theo thói tục, tự do độc lập từ tư tưởng nhân cách đến nghệ thuật, đó là sự bảo chứng cho chất lượng tác phẩm của họ.

Tô Đông Pha sau khi bị biếm chức đày ải về vùng đất Hoàng Châu, ông đã tiếp tục du ngoạn tiêu dao, làm thi, từ, thư, họa, đặt thân giữa bầu không khí của Đạo và Thiền, gửi gắm vào đó một loại niềm vui siêu nhiên ngoại vật, đồng hóa với trời đất.

Tào Tuyết Cần thà bán tranh kiếm sống, cũng không nguyện ý vào Hoàng cung làm văn nhân để vua trọng dụng. Trong hoàn cảnh nghèo khó, ông đã dành hết tâm sức sáng tác nên tác phẩm nổi tiếng thiên cổ “Hồng Lâu Mộng.”

Những người đạt đến “Thần phẩm,” “dật phẩm” là những người phi phàm, có bản sự thông Thiên, đi theo con đường nghệ thuật mà thăng tiến, đạt đến cảnh giới “Thiên nhân hợp nhất,” là người đắc Đạo tương thông với Thần linh.

Thượng Nhất biên tập

Tường Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x