Dạy con sáng Đạo: Bài 31 –  Người cùng chớ mắng

Người cùng chớ mắng, giặc cùng chớ đuổi.
Người cùng chớ mắng, giặc cùng chớ đuổi. (Tranh: Bình Minh – NTDVN)

Lời dịch

Người cùng chớ mắng, giặc cùng chớ đuổi
Chim cùng thì bay, chó cùng thì cắn
Người tham của chết, chim tham ăn tử
Đói rét thiết thân, chẳng còn liêm sỉ

Chữ Hán

窮人勿罵,窮寇勿追
鳥窮則飛,犬窮則吠
人貪財死,鳥貪食亡
饑寒切身,不顧廉恥

Hán Việt

Cùng nhân vật mạ, cùng khấu vật truy (1)
Điểu cùng tắc phi (3), khuyển cùng tắc phệ (4)
Nhân tham tài tử, điểu tham thực vong (5)
Cơ hàn thiết thân, bất cố liêm sỉ (6)

Diễn giải

– Người vào bước đường cùng, trong cảnh khốn cùng, thì chớ mắng chửi người ta, bởi dễ bị người ta nổi giận làm càn, hại đến tính mạng. Giặc vào bước đường cùng thì chớ truy đuổi, bởi nó sẽ liều chết chống lại, có thể hại đến tính mạng.

(1) Thiên “Quân Tranh” trong sách “Binh Pháp Tôn Tử” có viết: “địch rút về nước thì không nên chặn đường, bao vây quân địch nên chừa một lối thoát cho chúng, địch cùng khốn thì không nên quá bức bách chúng. Phép dùng binh là như thế.”

Nguyên văn: Quy sư vật át, vi sư tất khuyết, cùng khấu mạc bách, thử dụng binh chi pháp dã.

– Con chim vào đường cùng sẽ bay mất, con chó vào đường cùng sẽ cắn lại.

(3) (4) Thiên “Ai Công” trong sách “Trang Tử” có viết: “Con chim vào cảnh khốn cùng thì sẽ mổ lại, con thú và cảnh khốn cùng thì sẽ vồ cào lại”.

Nguyên văn: Điểu cùng tắc trác, thú cùng tắc quắc.

– Người tham lam tiền tài, của cải thì sẽ chết bởi tiền tài của cải, con chim tham miếng mồi thì sẽ chết vì miếng mồi.

(5) Câu này có nguồn gốc từ câu ngạn ngữ cổ chữ Hán: “Con người chết vì tiền tài, con chim chết vì miếng ăn”.

Nguyên văn: Nhân vị tài tử, điểu vị tài vong.

– Người khi vào hoàn cảnh đói rét, thì không còn để ý đến liêm sỉ.

(6) Câu này có nguồn gốc từ sách “Tư trị thông giám”, rằng: “Dân sở dĩ trộm cắp, là do thuế khóa lao dịch nặng nề, quan lại tham lam, đói rét thiết thân, nên không còn để ý đến liêm sỉ nữa”.

Nguyên văn: Dân chi sở dĩ vi đạo giả, do phú phồm dịch trọng, quan lại tham cầu, cơ hàn thiết thân, cố bất hạ cố liêm sỉ nhĩ.

Câu này là nói người bình thường, còn với người có tiêu chuẩn đạo đức cao, người quân tử, thì vào bất kỳ hoàn cảnh nào, vào cảnh khốn cùng, vẫn giữ vững tiêu chuẩn đạo đức, nguyên tắc làm người. Giống như Khổng Tử nói: “Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hỹ”, nghĩa là: “Người quân tử lúc khốn cùng vẫn giữ vững tiêu chuẩn đạo đức làm người, kẻ tiểu nhân gặp lúc khốn cùng ắt làm bậy”.

Câu chuyện tham khảo

Tần Mục Công và 300 dã nhân

tan muc cong va 300 da nhan
Tần Mục Công và 300 dã nhân. (Tranh Bình Minh – NTDVN)

Tần Mục Công đến núi Lương Sơn săn bắn, vào một buổi tối, mấy con tuấn mã của vua bị mất. Thuộc hạ đi theo dấu vết đến chân núi Kỳ Sơn, thấy một đám người hoang dã đang chia nhau thịt ngựa, ăn uống rất ngon lành. Thuộc hạ không dám kinh động đám người hoang dã này, bèn trở về bẩm báo với Tần Mục Công, thỉnh cầu dẫn quân đánh đám dã nhân này.

Tần Mục Công than rằng: “Ngựa đã chết rồi, vì thế mà lại giết người thì bách tính sẽ nói quả nhân coi trọng con vật mà coi thường nhân mạng”.

Thế là Tần Mục Công sai thuộc hạ khiêng mấy chục vò rượu đến ban cho đám dã nhân đó, nói với họ rằng: “Ăn thịt tuấn mã mà không uống rượu sẽ tổn thương đến thân thể, chỗ rượu ngon này là chúa công ban cho các ngươi”.

Đám người hoang dã đó tạ ơn, uống rượu, và cảm thán rằng: “Chúng tôi đã trộm ngựa để ăn thịt, chúa công không những không trách tội chúng tôi, còn lo lắng chúng tôi bị tổn thương thân thể, ban cho chúng tôi rượu ngon. Ân tình này chúng tôi phải báo đáp thế nào đây”.

Mấy năm sau, Tần Mục Công xuất quân tấn công nước Tấn. Nước Tấn đã điều 600 cỗ xe chiến xa bọc giáp nghênh chiến nước Tần. Tần Mục Công dàn trận đối đầu dưới chân núi Long Môn. Trong lúc hỗn chiến, hai viên tướng nước Tấn đã trảm được viên tướng trung quân nước Tần, rồi nhằm thẳng đến Tần Mục Công mà xông đến.

Tần Mục Công đang than thở mình sắp trở thành tù binh của nước Tấn, bỗng nhiên từ phía chính Tây có một đội dũng sĩ dũng mãnh xông đến. Đội quân dũng mãnh này khoảng 300 người, đi giày cỏ, đầu tóc bù xù, mặt mũi nhếch nhác, mặc áo hở vai, tay cầm đại đao, lưng đeo cung tên, chạy cực nhanh, và vô cùng hung hãn. Họ xông đến đâu thì quân Tấn ở đó bị chém gục tan tác. Trong chốc lát, tình thế chiến trường đã hoàn toàn đảo ngược, quân Tấn đại loạn.

300 dũng sĩ này chính là những dã nhân lấy trộm tuấn mã của Tần Mục Công năm xưa. Tần Mục Công nhờ lòng khoan dung “Người cùng chớ mắng, giặc cùng chớ đuổi”, tha chết cho những kẻ trộm, mà được báo đáp, được cứu sống khi đã cận kề cái chết.

Trung Dung

Theo NTD Việt Nam


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x