Câu chuyện “Chu Xử trừ tam hại”, là câu chuyện nổi tiếng trên mảnh đất Trung Nguyên, hầu như ai cũng biết, nhưng kẻ bị các bô lão hương thân gọi là một trong ‘Tam hại’ (ba thứ tác hại)- anh chàng Chu Xử, sau này cuối cùng ra sao? Vào năm Trinh Quán Đại Đường, tể tướng Phòng Huyền Linh viết trong “Tấn thư” có kể lại cuộc đời trắc trở chìm nổi của Chu Xử.
Chu Xử, tự Tử Ẩn, người Đông Ngô thời Tam Quốc, cha là Chu Phường từng làm Thái thú Bà Dương của Đông Ngô, cũng là một danh tướng đương thời. Tiếc thay Chu Phường mất sớm, nên Chu Xử thiếu người bảo ban. Chu Xử sức lực hơn người, thích cưỡi ngựa săn bắn, nhưng tính tình ngỗ ngược, gây họa hại cho bà con hương thôn. Khi ấy các bô lão trong làng gọi mãnh thú Nam Sơn (có thuyết nói là Hổ), giao long dưới cầu, và Chu Xử là ‘Tam hại’.
Chu Xử nghe thấy mình là một trong ba họa hại của thôn làng, trong lòng cảm khái, nên chàng biểu thị ý nguyện muốn giúp hương thôn trừ hại, thế là chàng vào núi tìm và bắn chết mãnh thú, xuống nước chém chết giao long, sau đó đi bái kiến hai vị Lục Cơ, Lục Vân, biểu thị muốn học đạo lý tu thân làm người tốt.
Lục Cơ, Lục Vân là hai anh em danh sĩ nước Ngô, khi Chu Xử bái kiến, vừa vặn Lục Cơ không có nhà, Lục Vân ra đón tiếp. Chu Xử hỏi Lục Vân: “Trò muốn học đạo tu thân, nhưng cũng đã lớn rồi, sợ không còn kịp, làm thế nào bây giờ?”
Lục Vân đáp: “Cổ nhân từng dạy: ‘Triêu văn đạo, tịch khả tử’ (sáng được nghe đạo, tối chết cũng cam lòng), người ta chỉ sợ không có chí hướng cao xa, chứ lo gì không có danh tiếng?”
Từ đó Chu Xử ra sức học hành, lấy trung nghĩa khí tiết để lập chí, nói lời trung tín, nỗ lực tu dưỡng bản thân.
Khoảng một năm sau, khi châu phủ nước Ngô tuyển quan, Chu Xử được làm Đông Quan Sai Thừa, sau đó lại kiêm nhiệm chức Thái Thường Vô Nan Đốc. Sau này nhà Tấn thống nhất ba nước, ông lại đảm nhiệm chức Thái thú Tân Bình triều Tây Tấn, vỗ về thu phục tộc Khương, Địch. Sau này, Chu Xử chuyển làm Thái thú Quảng Hán, nơi đó còn tồn những vụ án 30 năm chưa xử xong. Chu Xử tìm hiểu rõ sự tình uẩn khúc, và rất nhanh giải quyết xong.
Về sau, Chu Xử lấy lý do chăm sóc mẹ già nên từ quan về quê, nhưng không lâu sau lại được chiếu gọi làm Sở Nội Sứ. Khi ông đi nhậm chức, chưa tới đất Sở thì đã được vời vào triều đảm nhiệm Tán Kỵ Thường Thị.
Chu Xử nói: “Cổ nhân từ đại quan bất từ tiểu chức” (cổ nhân từ chức quan to chứ không từ chức vụ nhỏ).
Thế nên ông vẫn cứ tới đất Sở nhận nhiệm vụ. Khi ông tới đất Sở, nơi này vừa trải qua chiến loạn, ông thúc đẩy giáo hóa, cho thu nhặt xương cốt nơi hoang dã mang mai táng, xong rồi mới quay về triều nhậm chức, người đời xa gần đều tán thưởng ngợi khen ông.
Trong triều, Chu Xử nhiều lần khuyên can Hoàng đế. Sau được phong làm Ngự Sử Trung Thừa, có chức trách giám sát quan viên trong triều. Ông cương chính bộc trực, không ngại gì sủng thần, hoàng thân quốc thích, tất cả đều bị xem xét hạch tội. Lương Vương Tư Mã Dung vi phạm pháp luật, Chu Xử tiến hành tra xét, nghiêm khắc chỉnh trị, từ đó Tư Mã Dung mang lòng oán hận với Chu Xử.
Sau này Tề Vạn Niên người tộc Đê tạo phản, do Chu Xử cương trực nghiêm khắc, nên đắc tội với không ít đại thần, nên các đại thần kiến nghị với Hoàng đế rằng, Chu Xử là con trai danh tướng nước Ngô, trung thành dũng cảm, nên phái đi dẹp loạn.
Thế là triều đình lệnh cho Lương Vương Tư Mã Dung làm Chinh Tây Đại Tướng Quân, lệnh Chu Xử theo An Tây Tướng Quân Hạ Hầu Tuấn cùng dẹp loạn. Phục Ba Tướng Quân Tôn Tú thấy rõ nguy hiểm, bất lợi cho Chu Xử, nên khuyên ông: “Mẹ ông tuổi đã cao, cần người chăm sóc, ông thử lấy lý do này mà chối từ”
Chu Xử nói: “Trung, Hiếu không thể vẹn đôi đường, do tôi đã vào triều phục vụ quân vương, thì không cách nào phụng dưỡng cha mẹ được, đây cũng chỗ đáng chết mà thôi!”
Trung Thư Lệnh Trần Chuẩn biết là Lương Vương tới lúc đó sẽ lấy cớ để hãm hại Chu Xử, nên ở trên triều đình, ông đưa kiến nghị: “Tư Mã Dung và Hạ Hầu Tuấn đều là hoàng thân quốc thích, không thạo lĩnh binh đánh trận, Chu Xử tuy trung nghĩa dũng cảm, nhưng lại bị Tư Mã Dung thù hận, đánh trận như vậy, nếu không có quân viện trợ, thì nhất định thất bại, chi bằng mời Mạnh Quán mang một vạn tinh binh cho Chu Xử làm quân tiên phong, như vậy nhất định giành thắng lợi”.
Thế nhưng, cuối cùng thì triều đình không tiếp thu kiến nghị này.
Khi đại quân xuất chinh, Chu Xử biết rằng Tư Mã Dung nhất định sẽ hãm hại mình, nhưng ông cho rằng mình là đại thần của triều đình, nên phải làm tròn chức trách, nên bình thản lên đường ‘nghĩa vô phản cố’ (vì việc nghĩa, không quay đầu). Khi đó 7 vạn quân địch đang đóng quân trên núi, Hạ Hầu Tuấn bức bách Chu Xử mang 5 nghìn quân xuất kích. Chu Xử nói: “Tôi chỉ có 5 nghìn người ngựa, nếu không có quân chi viện thì nhất định sẽ thất bại, sinh tử cá nhân không là gì cả, nhưng sẽ là nỗi nhục của quốc gia!” .
Nhưng Tư Mã Dung cứ khăng khăng ép Chu Xử xuất kích, thậm chí lúc ấy đội quân của Chu Xử chưa được ăn cơm, mà không đợi vẫn bị ép lên đường, không có quân chi viện.
Lúc này Chu Xử biết chắc sẽ thất bại, ông viết ra mấy dòng thơ:
Khứ khứ thế sự dĩ
Sách mã quan tây nhung
Lê hoắc cam lương thử
Kỳ chi khắc lệnh chung
Tạm dịch:
Thế sự chuyện đã qua
Thúc ngựa nhìn Tây Nhung
Rau dưa như mỹ vị
Đợi thời khắc cuối cùng
Thế là Chu Xử dẫn quân xông trận, đánh nhau từ sáng đến chiều, cuối cùng cung đứt tên hết, hộ vệ xung quanh chẳng còn ai. Có người khuyên Chu Xử lui quân, Chu Xử khẳng khái nói, hôm nay là ngày ta xả thân báo quốc, tận lực giao chiến tới chết. “Tấn thư” có ghi chép rằng, trước lúc Chu Xử xuất binh có nói một câu: “Ngã vi đại thần, dĩ thân tuẫn quốc, bất diệc khả hồ?” (ta làm đại thần, xả thân vì nước, chẳng phải là điều nên làm sao?)
Khí tiết xả thân vì nghĩa lớn của ông làm cho thế nhân kính phục.
Chu Xử mất vào năm Nguyên Khang thứ 7 đời Tây Tấn (năm 297), sau khi ông mất được triều đình truy tặng làm Bình Nguyên Tướng Quân, ban thưởng cho Chu gia ruộng vườn tiền tài, đồng thời phụng dưỡng mẹ già của ông. Sau này Tây Tấn gặp loạn bát vương, loạn ngũ Hồ, và nhanh chóng bị diệt vong.
Tới thời Nguyên Đế, triều Đông Tấn, do Chu Xử có công lao xả thân báo quốc, nên phong thêm thụy hiệu. Thái Thường Khanh Hạ Tuần có lời ca tụng: “Đức hạnh trong sạch, tài cao hơn người; từng làm quan bốn quận, an dân lập chính, qua nhiều chức quan, khí tiết bất khuất, xả thân đánh giặc, thấy nguy vẫn làm, là chỗ thực của bậc trung hiền, là khí tiết cao vời của liệt sĩ. Theo “Thụy hiệu” ‘chấp đức bất hồi viết Hiếu’ (ngày xưa chữ Hiếu này được coi là mỹ đức cao nhất, có khác với từ Hiếu thuận thường dùng ngày nay).”
Thế là triều đình phong thụy hiệu cho Chu Xử là Hiếu.
Chu Xử thời trai trẻ là một trong ‘Tam hại’, sau này tự sửa đổi mình, tài kiêm văn võ, trung chính cương trực, cuối cùng tuy bị hãm hại, nhưng đã vì nghĩa lớn mà xả thân báo quốc. Cuộc đời Chu Xử đã thể hiện rõ nội hàm ‘Trung Nghĩa’ trong văn hóa truyền thống Á Đông, khiến hậu thế đời đời ca tụng.
Theo Cổ Phong – Epochtimes
Thái Bình biên dịch
Nguồn: NTD Việt Nam
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!