Không hủy bỏ hôn ước vì hôn thê mắc bệnh, dung mạo trở nên xấu xí, người quân tử đắc được phúc báo

Không hủy bỏ hôn ước vì hôn thê mắc bệnh, dung mạo trở nên xấu xí, người quân tử đắc được phúc báo
( Ảnh minh họa: Cảnh hôn lễ rước dâu trong Thanh Minh Thượng Hà Đồ được vẽ bởi Họa viện của triều đình nhà Thanh )

Nếu trước khi kết hôn hay tin vợ chưa cưới của mình mắc bệnh, tướng mạo xấu xí, bệnh tật khắp thân thì bạn sẽ làm như thế nào? Đối diện trước sự lựa chọn này, thời xưa rất nhiều người đã đưa ra sự lựa chọn khiến người đời không khỏi cảm thán.

Cô gái câm có nơi gửi gắm

Thời nhà Tống có một người tên là Trịnh Thúc Thông, thuở nhỏ phụ mẫu đã định hôn ước cho anh, đối tượng hôn phối là con gái nhà họ Hạ. Trịnh Thúc Thông sau khi trưởng thành thì đến kinh đô tham gia khảo thí, sau khi đỗ đạt thì quay trở về chuẩn bị thành hôn. Nhưng sau khi anh về đến nhà thì hay tin con gái nhà họ Hạ vì bị bệnh mà đã trở thành một người câm. Bác của anh dự định lựa chọn người phối ngẫu khác cho anh.

Tuy nhiên, Trịnh Thúc Thông đã cự tuyệt lòng tốt của bác mình, anh nói rằng: “Nếu con không cưới con gái nhà họ Hạ thì cả đời cô ấy cũng không thể gả cho ai được. Hơn nữa, lúc người ta khỏe mạnh lành lặn thì đính hôn, lúc người ta thân mang tật bệnh thì lại ruồng bỏ, điều này có lẽ nào là hành vi của một người quân tử sao?”

Trịnh gia vẫn cử hành hôn lễ như thường. Hai người sau khi kết hôn thì phu thê ân ái, thân mật gắn bó. Về sau Trịnh Thúc Thông làm quan đến chức Triều phụng đại phu, con trai do người vợ câm sinh ra sau khi trưởng thành cũng đỗ đạt khoa cử và ra làm quan.

Trăm năm hòa hợp với người vợ xấu xí

Tô Nhữ Huệ người tỉnh Thiểm Tây sống dưới triều nhà Tống, lúc sáu tuổi thì phụ thân qua đời. Mẫu thân đính hôn ước cho anh. Nửa năm sau, mẫu thân của anh cũng qua đời. Tô Nhữ Huệ dần dần lớn lên nhờ vào sự giúp đỡ của người thân và bạn bè.

Tô Nhữ Huệ sau khi trưởng thành thì chuẩn bị thành hôn. Lúc này anh nghe nói vị hôn thê của mình tướng mạo xấu xí, hơn nữa một bên chân còn có tật, nhưng anh không hề để tâm đến điều này, mà vẫn cưới cô gái về nhà. Hai người sau khi kết hôn thì vô cùng ân ái, trăm năm hòa hợp.

Một ngày kia, một người bạn của Tô Nhữ Huệ nói đùa rằng: “nghe nói rằng phu nhân của anh gương mặt xấu xí, sao anh không mua một tì nữ về hầu hạ mình? Tô Nhữ Huệ đáp: “Đây là hôn sự do mẫu thân của tôi đã định lúc người còn sống, hoa tai và trâm cài tóc mà phu nhân tôi đeo đều là di vật của mẫu thân để lại. Nếu như tôi ghét bỏ nàng ấy thì chính là không nhớ đến mẫu thân. Luận về tình thì gần như là tham sắc, luận về tội thì bằng như là bất hiếu, tôi sao có thể nhẫn tâm làm như vậy được?”, người bạn nghe xong thì vẻ mặt trêu đùa cũng biến mất, mà thay vào đó là sự kính nể đối với anh.

Không quên mẫu thân, không phụ thê tử, Tô Nhữ Huệ từ một diễn viên kịch sau này ra làm quan, cuối cùng làm đến chức Tổng binh.

khong huy bo hon uoc vi hon the mac benh dung mao tro nen xau xi nguoi quan tu dac duoc phuc bao 2
Tranh Thu đường song nhạn đời nhà Tống ( Ảnh: Phạm vi công cộng)

Hàn Vân Môn sống đến già cùng với cô gái mù

Thời nhà Minh, ở huyện Hạng Thành, tỉnh Hà Nam có một người tên gọi là Hàn Vân Môn, có hôn ước với con gái nhà họ Thích. Tuy nhiên, nào ai đoán được chữ ngờ, sau khi đính hôn không lâu thì cô con gái nhà họ Thích đột nhiên hai mắt bị mù. Thích gia nghĩ rằng Hàn Vân Môn tuổi còn trẻ, lại giỏi văn chương, sau này ắt sẽ thành tài, hôn phối với một người con gái mù thì không thích hợp lắm, do vậy mà đề xuất hủy hôn, đồng thời dự định sẽ để con gái ở vậy đến già.

Phụ mẫu của Hàn Vân Môn cảm thấy rằng giải quyết như vậy cũng hợp lí, định bụng đồng ý từ hôn, nhưng Hàn Vân Môn lại kiên quyết không đồng ý, vẫn theo nghi lễ thông thường chuẩn bị rước cô gái mù về nhà. Thích gia vô cùng cảm động liền thêm một tỳ nữ xinh đẹp làm của hồi môn.

Hàn Vân Môn lại nói: “Về tình lý mà nói, người một khi nhìn thấy nữ tử xinh đẹp thì trong lòng nhất định sẽ bị rung động, do vậy chi bằng không nhìn thấy, như vậy có thể bảo đảm được sự hòa hợp giữa hai vợ chồng chúng con”, nói rồi liền cho tỳ nữ quay trở về Thích gia.

Về sau, Hàn Vân Môn đảm nhiệm chức quan chưởng quản giáo dục. Ông đem phu nhân theo cùng, vợ chồng hết mức thân mật gắn bó. Người Hà Nam sau khi nghe nói về chuyện này thì đều ca ngợi hành vi quân tử của ông, cho rằng Lưu Đình Thức của triều Tống lại một lần nữa xuất hiện.

Lưu Dĩ Bình không bỏ rơi cô gái bệnh tật

Lưu Dĩ Bình, người huyện Y Thị, tỉnh Sơn Tây dưới thời Minh Triều Vạn Lịch năm thứ 8 (năm 1580) khoa Canh thìn đỗ đạt tiến sĩ vị trí thứ 152 trong đệ tam giáp, sau làm quan đến chức Hành thái phó tự khanh tỉnh Thiểm Tây.

Thuở ban đầu, Lưu gia hỏi cưới con gái lớn nhà họ Quan cho Lưu Dĩ Bình. Hôn lễ chưa kịp cử hành thì con gái lớn nhà họ Quan phát bệnh. Đến ngày cử hành hôn lễ, bệnh của cô vẫn chưa khỏi, nhà họ Quan không còn cách nào khác, đành để con gái thứ thay chị xuất giá.

Ngay lúc diễn ra lễ hợp cẩn trong phòng tân hôn thì Lưu Dĩ Bình phát hiện sắc mặt của cô gái không có vẻ gì là bệnh cả, liền hỏi người mai mối nguyên nhân. Người mai mối bèn nói ra sự thật. Lưu Dĩ Bình thất vọng mà nói rằng: “Tôi gửi sính lễ cầu thân là cô chị đang mắc bệnh, nếu bỏ rơi nàng ấy thì là bất nghĩa, chỉ e vì điều này mà nàng ấy sẽ ra đi sớm. Nhưng cô em gái cũng đã gả vào gia đình nhà chúng tôi rồi, cũng không có lý do trả nàng ấy về, làm bại hoại danh dự của nàng ấy, có thể gả nàng ấy cho em trai của tôi.”

Nói rồi Lưu Dĩ Bình liền đích thân đi nghênh đón cô chị đang mắc bệnh. Đến nơi thì được biết quả nhiên cô gái đang khóc lóc thảm thiết đòi sống đòi chết. Nhưng sau khi  đón dâu về thì tâm tình của cô lại rất vui vẻ, bệnh cũng khỏi một cách mau chóng. Sau đó, huynh đệ hai người cùng cử hành hôn lễ trong một ngày, Lưu Dĩ Bình về sau làm quan đến chức Thái phó khanh.

Không nghi ngờ gì nữa, những người trong câu chuyện được kể trên đây đều là người quân tử có cảnh giới đạo đức cao thượng. Trong Tả truyện có lời rằng: “Phu hòa nhi nghĩa, thê nhu nhi chính”, trong Lễ kí lễ vận đề rằng: “Phu nghĩa, phụ thính”, cũng có nghĩa là thân là chồng thì nhân phẩm phải đoan chính, hết lòng có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ vợ mình, phải làm được vừa chính trực vừa nhân nghĩa; thân làm vợ phải vừa dịu dàng chu đáo, vừa đoan trang hòa thuận. Lý Chí thời nhà Minh cho rằng “phu phụ chi tế, ân tình vưu thậm” (trong mối quan hệ giữa vợ chồng thì ân tình là đặc biệt quan trọng), mà người chồng được kể trong những câu chuyện trên đây đều nỗ lực thực hiện phu hòa thê nhu (chồng hòa khí vợ dịu dàng), quan hệ vợ chồng đôi bên ân ái, để lại hết giai thoại này đến giai thoại khác cho hậu nhân.

  Tài liệu tham khảo: 

  • Thái thượng cảm ứng thiên
  • Cô Thặng, thời nhà Thanh
  • Thanh bại loại sao‧Hôn nhân loại 7

Do Văn/Lưu Hiểu thực hiện
Lí Tịnh Thành biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epochtimes Tiếng Việt

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

4 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x