Lời dịch
Phụng dưỡng lễ nghi, chẳng kiêng dơ bẩn.
Cha mẹ ở nhà, chẳng thể đi xa.
Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ.
Chẳng dám hủy hoại, là hiếu khởi đầu.
Lập thân hành Đạo, nức tiếng đời sau.
Cha mẹ vẻ vang, tận cùng chữ hiếu.
Chữ Hán:
奉養禮儀,莫避污穢
父母在堂,不可遠遊
身体髮膚,受之父母
不敢毀傷,孝之始也
立身行道,揚名於後
以顯父母,孝之終也
Hán Việt:
Phụng dưỡng lễ nghi, mạc tị ô uế
Phụ mẫu tại đường, bất khả viễn du
Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu
Bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã
Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu
Dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã
Diễn giải:
Phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ theo đúng lễ nghi, chớ kiêng dè e ngại bẩn thỉu.
Cha mẹ còn thì không được đi xa. Thân thể, tóc da đều nhận từ cha mẹ, không được làm tổn thương, hủy hoại thân thể, đó là khởi đầu của Đạo hiếu.
Tu dưỡng xác lập được chỗ đứng trong xã hội, thực hành theo Đạo để danh tiếng lưu truyền hậu thế, khiến cha mẹ được hiển vinh, đó là tận cùng của Đạo hiếu.
Câu chuyện tham khảo
Vua Tự Đức dâng roi xin chịu đòn
Vua Tự Đức triều Nguyễn là người con hết sức có hiếu với mẹ. Ông lên ngôi khi 18 tuổi, trong 36 năm ở ngôi vua, ông vẫn luôn coi trọng bổn phận làm con với mẹ là Hoàng Thái hậu Từ Dụ.
Nhà vua đặt lịch làm việc là các ngày chẵn trong tháng, vua vào cung Diên Thọ vấn an sức khỏe mẫu hậu, còn các ngày lẻ thì thiết triều hoặc lo công việc triều đình.
Hoàng thái hậu Từ Dụ là người thuộc nhiều sử sách, học nhiều hiểu biết rộng. Khi hoàng thái hậu dạy bảo câu gì hay, vua liền chép ngay vào một quyển sổ gọi là “Từ Huấn Lục”. Cuốn sách này vua luôn mang trong mình, khi rảnh rỗi lại mang ra nghiền ngẫm.
Sách “Đại Nam liệt truyện” viết: “Đức vua phụng sự mẹ chí hiếu. Bà thường muốn nghe đọc sách sử, vua thuận theo ý bà. Chẳng có khi nào dám trái ngược, chừng nào mẹ hết muốn nghe, bảo thôi đọc thì vua mới thôi. Chẳng những việc đọc sách sử mà bất cứ chuyện gì, vua cũng nhất nhất thừa theo ý mẹ”.
Sách sử triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện đều ghi lại rằng vua Tự Đức “răm rắp” nghe lời mẹ.
Một ngày rảnh việc nước, vua đi săn bắn tại rừng Thuận Trực thì gặp nước lũ nên không về được. Còn hai ngày nữa thì đến ngày giỗ vua cha Thiệu Trị mà vẫn chưa thấy vua trở về, Hoàng Thái hậu Từ Dụ nóng ruột sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi tìm và rước vua về.
Do mưa to nước lũ lớn, thuyền nhà vua ngược nước nên đến tối mịt mới đến bến. Vừa tới hoàng cung, vua liền lên kiệu đi thẳng sang cung Diên Thọ để lạy xin chịu tội mặc dù trời vẫn đang đổ mưa. Vua dâng lên một chiếc roi mây đặt trong mâm son, rồi vua nằm phục xuống sàn xin chịu đòn. Hoàng Thái hậu ngồi quay mặt vào trong không nói lời nào, một hồi lâu, bà mới quay ra hất cái roi đi.
Tuy không phạt roi, hoàng thái hậu dặn nhà vua phải ban thưởng cho quan quân cực khổ đi hầu ngự, rồi sáng mai vào hầu lạy. Lúc đó, vua Tự Đức mới đứng dậy, lạy tạ lui về. Ngay đêm hôm đó, vua Tự Đức ban thưởng cho quan quân đi hầu ngự.
Một lần khác, vua Tự Đức mải vui ở cửa Thuận An nên bỏ buổi ngự triều. Hoàng Thái hậu giận lắm. Lúc về, vua đến xin lỗi mẹ, nhưng bà sai người đóng cửa cung Diên Thọ không cho vào. Vua phải đứng chờ cả giờ, sau bà mới cho gọi vào và dạy: “Nước đang có nhiều việc rối, Hoàng đế đã không lo lắng mà còn vui chơi được sao? Thôi, hãy mau về triều cùng các quan bàn quốc kế”.
Bà dạy vua rằng: “Biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính”.
Nghe lời dạy bảo của bà, vua Tự Đức không chỉ là người con hiếu thảo, mà còn là một vị vua yêu dân, chăm lo việc triều chính.
Xem tiếp: Bài 17 – Muốn trên dưới hòa
Trung Dung
Theo NTD Việt Nam
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Dạy con sáng Đạo – Bài 36: Họa phúc không cửa
- Dạy con sáng Đạo – Bài 35: Lời tổn hại người
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!