Dạy con sáng Đạo: Bài 12 – Vua cần kính thần

Vua cần kính thần
Ảnh minh họa. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh của NTD Việt Nam)

Lời dịch

Vua cần kính thần, thần cần trung quân
Cha cần nhân từ, con cần hiếu thuận
Anh cần yêu em, em cần kính anh
Bạn bè cần tín, lớn nhỏ khiêm nhường
Chồng cần hòa ái, vợ thuận theo chồng
Làng xóm thuận hòa, láng giềng nhường nhịn 

Nguyên văn chữ Hán

為君止敬,為臣止忠
為父止慈,為子止孝
為兄止愛,為弟止龔
為夫止和,為婦止順
朋友止信,長幼止謙
鄉党止和,鄰旁止讓

Âm Hán Việt

Vi quân chỉ kính, vi thần chỉ trung
Vi phụ chỉ từ (1), vi tử chỉ hiếu (2)
Vi huynh chỉ ái, vi đệ chỉ cung
Vi phu chỉ hòa, vi phụ chỉ thuận
Bằng hữu chỉ tín, trường ấu chỉ khiêm
Hương đảng chỉ hòa, lân bang chỉ nhượng

Diễn giải

Làm quốc quân (ngày nay có thể hiểu là lãnh đạo quốc gia, cấp trên) thì cần phải làm được tôn kính, trọng dụng bề tôi, cấp dưới, người hiền tài, chăm lo cho người dân.

Làm bề tôi (ngày nay có thể hiểu là, quan chức, cấp dưới, người dân) thì cần phải làm được trung thành với vua (ngày nay có thể hiểu là trung thành với quốc gia).

(1), (2): Sách Đại học của Nho gia viết: “Làm con thì phải làm được hiếu kính, làm cha thì phải làm được nhân từ”. (Nguyên văn là: “Vi nhân tử chỉ ư hiếu, vi nhân phụ chỉ ư từ”).

Làm cha cần nhân từ, yêu thương, nghiêm khắc nuôi dạy con cái.
Làm con phải biết hiếu thuận, cảm ân, phụng dưỡng cha mẹ.
Làm anh cần phải biết yêu thương nhường nhịn em.
Làm em cần phải tôn trọng, lễ phép, tôn kính anh.
Giữa bạn bè thì cần thành tín, tin tưởng lẫn nhau.
Giữa người trên với người dưới phải biết nhường nhịn, bao dung.
Làm chồng thì cần phải hòa ái, thương yêu, che chở vợ.
Làm vợ thì cần phải nhu thuận theo chồng.

Giữa làng xóm, láng giềng với nhau (người trong cộng đồng xã hội) thì cần hòa ái đối đãi, giữ được thuận hoà, yêu quý, tôn trọng.

Câu chuyện tham khảo:

Chử Đồng Tử hiếu với cha đắc đại phúc

Vua cần kính thần
Ảnh minh họa: NTD

Theo sách “Lĩnh Nam chích quái” kể lại, Hùng Vương truyền tới đời thứ ba sinh được một Mỵ Nương đặt tên là Tiên Dung, đến tuổi 18 dung nhan đẹp đẽ, không muốn lấy chồng, thích chu du vui chơi khắp nơi trong thiên hạ. Vua đành chịu vậy, không cấm đoán được. Mỗi năm vào khoảng tháng hai tháng ba Tiên Dung lại sắm sửa thuyền bè chèo chơi ở ngoài biển, vui quên trở về.

Hồi đó ở làng Chử Xá ven sông, có người dân tên là Chử Vi Vân sinh được một người con trai là Chử Đồng Tử. Cha từ, con hiếu, nhà gặp hỏa hoạn, của cải sạch không, chỉ còn lại một khố vải duy nhất, cha con ra vào thay nhau mà mặc. Tới lúc cha già lâm bệnh gần chết bảo con rằng: “Cha chết cứ để trần mà chôn, giữ khố lại cho con, để khỏi xấu hổ”.

Chử Đồng Tử thương cha, không nỡ làm theo, liệm khố rồi đem chôn. Đồng Tử thân thể trần truồng đói rét khổ sở, đứng ở bên sông cầm cần câu cá; hễ nhìn thấy có thuyền buôn qua lại thì đứng ở dưới nước mà xin ăn.

Bất ngờ thuyền của Tiên Dung tới, chiêng trống nhã nhạc, cờ lọng huy hoàng, kẻ hầu người hạ rất đông. Đồng Tử rất kinh sợ, không biết chạy trốn đi đâu. Trên bãi cát có khóm lau sậy, lưa thưa dăm ba cây, Đồng Tử bèn nấp trong đó, bới cát thành lỗ nằm xuống phủ cát lên mình. Lát sau, Tiên Dung cắm thuyền dạo chơi trên bãi cát, ra lệnh đào hố, lấy lau vây màn làm chỗ tắm. Tiên Dung vào màn, cởi áo dội nước, cát trôi mất để lộ ra thân hình của Chử Đồng Tử. Tiên Dung hổ thẹn hồi lâu, thấy là con trai bèn nói: “Tôi vốn không muốn lấy chồng, nay lại gặp chàng, cùng ở trần với nhau trong một hố, đó chính là do Trời xui khiến vậy. Chàng hãy mau đứng dậy tắm rửa”.

Tiên Dung ban cho quần áo mặc rồi cùng xuống thuyền mở tiệc vui chơi. Người trong thuyền đều cho đó là cuộc giai ngộ xưa nay chưa từng có. Đồng Tử kể lại tình cảnh của mình, Tiên Dung ta thán, muốn nên vợ chồng. Đồng Tử cố từ chối, song Tiên Dung nói rằng: “Đây do Trời chắp nối, sao chàng lại cứ chối từ?”

Người theo hầu vội về tâu lại với Hùng Vương. Vua giận nói: “Tiên Dung không thiết tới danh tiết, không màng tới của cải của ta, ngao du bên ngoài, hạ mình lấy kẻ nghèo khổ, còn mặt mũi nào trông thấy ta nữa”. Thế rồi vua cấm không cho Tiên Dung trở về.

Tiên Dung nghe sợ không dám về, bèn cùng Đồng Tử mở chợ búa, lập phố xá, cùng dân buôn bán, dần dần trở thành phố chợ lớn (nay là chợ Thám). Thương nhân nước ngoài tới lui buôn bán, kính nể tôn Tiên Dung và Chử Đồng Tử làm chủ.

Có người lái buôn giàu có nói với Tiên Dung rằng: “Người bỏ một dật vàng, cùng tôi ra ngoài bể mua vật quý, sang năm có thể thành mười dật”.

Tiên Dung cả mừng bảo Đồng Tử: “Vợ chồng chúng ta do Trời tác thành, đồ ăn thức mặc do người làm nên, vậy nên đem vàng cùng phú thương ra biển buôn bán làm ăn”.

Đồng Tử bèn cùng lái buôn đi buôn bán. Đến núi Quỳnh Vi, trên núi có am nhỏ, bọn lái buôn thường ghé lại đó lấy uống nước. Đồng Tử lên am chơi, trong am có nhà sư tên gọi Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử. Chử Đồng Tử ở lại học phép, giao tiền cho lái buôn mua hàng. Sau bọn lái buôn quay lại am chở Đồng Tử trở về. Sư bèn tặng Đồng Tử một cây trượng và một chiếc nón mà nói rằng: “Linh thiêng ở những vật này đây”.

Đồng Tử trở về, giảng Đạo lại cho Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ, liền bỏ phố phường, chợ búa cơ nghiệp, rồi cả hai đều tìm thầy học Đạo. Có lần, trên đường đi xa, trời tối chưa về kịp nhà, tạm nghỉ ở giữa đường, cắm trượng che nón mà trú thân. Đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu ngọc, điện vàng, đền đài, kho tàng, xã tắc, vàng bạc, châu báu, giường chiếu, chăn màn, Tiên đồng, Ngọc nữ, tướng sĩ, thị vệ, la liệt trước mắt. Sáng hôm sau, ai nấy trông thấy cũng kinh ngạc lạ lùng, đem hương hoa, lễ vật tới dâng xin làm bề tôi, có văn võ trăm quan, chia quân túc vệ, lập thành nước riêng.

Hùng Vương nghe tin, cho rằng con gái làm loạn, bèn sai quân tới đánh. Quần thần của Tiên Dung xin đem quân ra chống giữ. Tiên Dung cười mà bảo: “Điều đó ta không muốn làm, do Trời định đó thôi, sống chết tại Trời, há đâu dám chống lại cha, chỉ xin thuận theo lẽ chính, để mặc cho cha chém giết”.

Lúc đó, dân mới tới theo đều kinh sợ tản đi, chỉ có dân cũ ở lại với Tiên Dung. Quan quân tới, đóng trại ở bãi Tự Nhiên, chỉ còn cách con sông lớn thì trời tối không kịp tiến quân. Nửa đêm, bỗng nhiên gió lớn nổi lên, cát bay, cây đổ, quan quân hỗn loạn. Tiên Dung cùng thủ hạ, thành quách phút chốc bay bổng lên trời. Đất chỗ đó sụt xuống thành cái đầm lớn. Ngày hôm sau, dân chúng không thấy thành quách đâu cả, đều cho là linh dị. Về sau, dân lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế, gọi đầm là đầm Nhất Dạ (Nhất Dạ Trạch, nghĩa là đầm một đêm), gọi bãi là bãi Tự Nhiên, còn gọi là bãi Mạn Trù (hố tắm), và gọi chợ là chợ Hà Thị (chợ Hà).

Xem tiếp: Bài 13 – Người đi nhường đường

Trung Dung

(Tham khảo: Lĩnh Nam chích quái, Wikipedia )

Theo NTD Việt Nam


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x