Có lẽ thỉnh thoảng chúng ta vẫn nhìn thấy ở xung quanh mình có cảnh như thế này: Khi một đứa trẻ không may bị ngã hoặc bị khiển trách vì làm sai điều gì đó, một số bậc cha mẹ sẽ tỏ ra rất lo lắng và đau lòng, sợ rằng đứa trẻ sẽ bị tổn thương hoặc tủi thân. Tuy nhiên, sự bảo vệ thái quá này có thực sự tốt cho đứa trẻ? Chúng ta hãy cùng xem lại câu chuyện “Nhạc mẫu khắc chữ” thời cổ đại.
Nhạc Phi là một anh hùng vào thời Nam Tống, từ nhỏ đã thuộc lòng binh pháp và tinh thông võ nghệ. Khi Nhạc Phi mười lăm, mười sáu tuổi, người Kim từ phương Bắc đến xâm lược phương Nam. Lúc bấy giờ triều đình Nam Tống tham tàn hủ bại, bị đánh thua liên tiếp. Trong thời gian này, mẹ của Nhạc Phi là Diêu Thị đã nhiều lần khuyến khích con trai tòng quân báo quốc. Năm 19 tuổi, Nhạc Phi lên đường tòng quân và đã thể hiện sự ưu tú trong chiến trận. Nhưng sau đó không lâu thì cha Nhạc Phi qua đời vì bạo bệnh, ông phải vội vàng trở về Thang Âm chịu tang cha để giữ tròn đạo Hiếu.
Vào năm 1126, quân Kim lại tiến về phía nam và xâm chiếm Trung Nguyên. Nhạc Phi đã tận mắt chứng kiến cảnh chiến tranh khiến cho sinh linh đồ thán, vì vậy ông lần nữa quyết chí lên đường tòng quân. Tuy nhiên, Nhạc Phi vẫn canh cánh nỗi lo lắng cho mẹ già, thê tử và các con ở nhà. Nhìn thấu tâm tình của con trai, Diêu Thị bèn gọi Nhạc Phi đến trước mặt mình và hỏi: “Bây giờ đang có quốc nạn, con có dự tính gì?”
Nhạc Phi kiên định đáp: “Ra trận đánh giặc, tinh trung báo quốc!”
Diêu Thị nghe xong câu trả lời của con trai thì cảm thấy rất nhẹ nhõm. Vì để Nhạc Phi luôn ghi nhớ bốn chữ “Tinh trung báo quốc” này, bà đã quyết định khắc chữ lên lưng con trai. Nhạc Phi nghe xong thì không nói lời nào, bèn nhanh chóng cởi áo, vạch lưng trần rồi mời mẫu thân hạ kim.
Diêu Thị hỏi: “Con trai, kim châm đau lắm, con có sợ không?”
Nhạc Phi nói: “Mẫu thân, cây kim nho nhỏ có tính là gì, nếu ngay cả kim cũng sợ, thì làm sao có thể ra trận!”
Thế là Diêu Thị viết chữ lên lưng Nhạc Phi, sau đó dùng kim thêu để khắc. Sau khi khắc xong, Diêu Thị lại bôi giấm đen lên. Kể từ đó, bốn chữ “tinh trung báo quốc” lưu lại trên lưng Nhạc Phi, vĩnh viễn không phai màu.
Về sau, Nhạc Phi xung trận, anh dũng thiện chiến. Sau khi quê ông bị quân địch chiếm đóng, Nhạc Phi và mẹ phải xa cách trong nhiều năm. Khi có thể liên lạc trở lại, Diêu Thị nhờ người mang đến cho Nhạc Phi một phong thư, viết rằng: “Vị ngã ngữ Ngũ Lang, miễn sự Thánh Thiên Tử, vô dĩ lão ảo vị niệm dã”. Ý tứ của Diêu Thị là dặn dò con trai đừng quan tâm quá nhiều đến bà, hãy lấy quốc gia làm trọng. Nhạc Phi đã nhiều lần sai người đến đón mẹ về ở chung, nhưng Diêu Thị đều từ chối vì sợ ảnh hưởng đến việc ông đánh giặc. Mãi cho đến khi Nhạc Phi đi đón lần thứ 18 thì Diêu Thị mới chịu đi.
“Nhạc gia quân” do Nhạc Phi thống lĩnh đã khiến cho quân Kim đại bại, giúp Nam Tống giành lại được lãnh thổ. Người ta truyền tai nhau rằng: “Núi dễ lay, nhưng khó mà lay nổi Nhạc gia quân”. Nhạc Phi đã lập nên những chiến công lừng lẫy trong cuộc chiến chống quân Kim vào thời Nam Tống, trở thành một vị danh tướng nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Câu chuyện Diêu Thị khuyến khích con trai tòng quân, tận trung báo quốc đã được người đời sau truyền lại như một giai thoại. Bà cũng được người đời sau ca ngợi là một trong “Tứ đại hiền mẫu”.
Câu chuyện truyền cảm hứng
Mẹ của Nhạc Phi lẽ nào không biết trên chiến trường đao kiếm vô tình, con bà có thể mất mạng bất cứ lúc nào? Tất nhiên là bà biết. Tuy nhiên, bà là một người phụ nữ lớn lên dưới sự giáo dưỡng của văn hóa truyền thống, bà hiểu đại nghĩa, cũng thông hiểu những giá trị phổ quát. Bởi vậy, trong tâm của bà, sự an nguy của quốc gia và bách tính, còn quan trọng hơn sự an toàn của con trai bà.
Làm cha mẹ, có ai không mong muốn con cái của mình có một cuộc sống an nhàn êm ấm, con cháu đầy đàn? Nhưng cũng có mấy ai có thể giáo dục con mình một cách sâu sắc và đúng đắn như vậy?
Khi tôi còn đi học, những học sinh xung quanh tôi thường đánh nhau vì những chuyện vặt vãnh. Tôi nhớ một lần, có hai cậu bé trong lớp cãi nhau về việc ai sẽ ngồi ở hàng ghế đầu, thế là đánh nhau, một cậu bé bị đánh đến mức mắt thâm tím. Ngày hôm sau, phụ huynh của hai cậu bé đã tìm đến trường, cùng nhau chất vấn giáo viên về chuyện này. Kết quả là hai phụ huynh cũng đánh nhau, không ai chịu nhượng bộ, giáo viên bất đắc dĩ đành phải lấy việc đuổi học ra dọa thì họ mới dừng lại.
Nhìn thấy cảnh tượng như vậy, chẳng phải khiến chúng ta “lắc đầu ngán ngẩm” hay sao! Tuy nhiên trong cuộc sống, những sự việc tương tự như vậy lại rất nhiều. Ai cũng không muốn lùi lại một bước để bao dung hoặc cảm thông cho người khác. Những bậc cha mẹ như vậy, làm sao để có thể giáo dục tốt con cái của chính mình?
Chúng ta hãy thử nghĩ, một đứa trẻ lớn lên dưới sự giáo dục vị tư như vậy, làm sao có được những hoài bão và tầm nhìn lớn hơn? Nếu bạn hằng ngày chỉ tập trung vào việc “lợi ích của mình có bị tổn thất hay không”, thì làm sao có thể hy sinh bản thân mình cho người khác và xã hội? Cứ như vậy, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mối quan hệ giữa con người với nhau sẽ chỉ trở nên ngày càng thận trọng, và chực chờ nguy cơ đổ vỡ giống như đi trên băng mỏng vậy.
Từ câu chuyện Diêu Thị – mẹ của Nhạc Phi, chúng ta có thể rút ra được những bài học khi giáo dục con trẻ:
- Có thể nhẫn chịu một số trở ngại trong quá trình trưởng thành, điều này sẽ giúp trẻ trở nên mạnh mẽ và có được cuộc sống tốt hơn trong tương lai. Bởi vậy, các bậc cha mẹ không cần phải bảo vệ con khỏi bị tổn thương một cách thái quá.
- Làm cha mẹ, chúng ta không nên lúc nào cũng chỉ chăm chăm dạy trẻ bảo vệ lợi ích của bản thân mình. Hãy để trẻ làm nhiều việc có ích hơn cho người khác, trẻ sẽ học được cách nghĩ cho người khác nhiều hơn.
- Cha mẹ nên khuyến khích con làm những việc đúng đắn về mặt đạo đức, qua đó tôi luyện ý chí của trẻ. Cuối cùng, cha mẹ hãy dạy trẻ trau dồi phẩm đức cao thượng, đó là nghiêm khắc với bản thân và khoan dung đối đãi với người khác.
Tác giả: Quyển Vân
Lê Vi biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!