Ở vùng Hoài Tây có một vị tú tài tên là Diệp Chư Lương. Vì gia cảnh khốn khó nên ông phải hành nghề dạy học để mưu sinh, sau ông được vị phú hào họ Mã đến mời về để kèm cặp cho hai quý tử trong nhà.
Diệp tú tài vốn là người tài giỏi, mưu trí, chẳng mấy chốc đã được gia chủ trọng dụng. Mỗi năm nhà họ Mã đều trả Diệp Chư Lương hàng trăm lượng, đãi ngộ rất hậu hĩnh, hơn nữa còn cho ông vay tiền để kinh doanh kiếm sống. Diệp Chư Lương cảm nhận được đức độ của gia chủ nên cũng tận tâm tận lực dạy dỗ hai đứa trẻ.
Chỉ sau vài năm Diệp Chư Lương đã tích lũy được nghìn lượng vàng, bước vào hàng ngũ giàu có. Nhưng đúng lúc này Mã phú hào chẳng may qua đời vì bạo bệnh, hai quý tử nhà họ Mã lại quen thói xa xỉ, tiêu xài vô độ. Tất cả tài sản trong nhà, từ ngân lượng đến đất đai, đều qua tay của Diệp tú tài mà bán mất.
Diệp Chư Lương ngày đêm trăn trở, vận dụng tâm kế, không chỉ mưu đồ chiếm đoạt toàn bộ gia sản mà còn nhẫn tâm đẩy hai đứa nhỏ đến chỗ bần cùng lưu lạc. Hai đứa trẻ bỗng chốc trở nên bơ vơ, không nơi nương tựa, lại không biết kiếm tiền, không có kế sinh nhai nên thân thể hốc hác tiều tụy, tình cảnh trông rất bi thảm.
Một đêm nọ, Diệp Chư Lương nằm mộng thấy mình bị đưa xuống âm tào địa phủ. Trên công đường là vị quan sắc mặt uy nghiêm, còn Diệp tú tài thì khép nép đứng dưới bậc thềm. Vị quan xem hồ sơ tội trạng của Diệp tú tài thì nổi cơn thịnh nộ, mắng rằng ngươi là kẻ vong ơn bội nghĩa, cần bị đọa kiếp súc sinh, mang thân trâu bò mà đền tội.
Diệp tú tài sợ hãi cuống quýt cầu xin, thỉnh cầu đức quan khoan dung cho ông một cơ hội. Ông hứa rằng nếu được quay trở về, nhất định sẽ trả lại toàn bộ tài sản cũng như chăm sóc chu đáo hai công tử nhà họ Mã.
Vị quan địa phủ nói: “Vì ngươi đã sám hối nên ta sẽ cho ngươi về. Nhưng nếu nhà ngươi không thực hiện lời hứa thì sẽ bị đày xuống địa ngục A Tỳ vĩnh viễn”. Địa ngục A Tỳ còn được gọi là ngục vô gián, chỉ những kẻ thập ác bất xá mới bị đọa vào đây.
Nghe xong, Diệp Chư Lương chợt đột nhiên tỉnh giấc. Sau khi hoàn hồn ông mới quay sang vợ mình, nói: “Vinh quang phú quý mà chúng ta được hưởng ngày hôm nay, thực chất đều là gia sản của nhà họ Mã. Thậm chí nếu trả hết thì chúng ta vẫn là phú gia, cần chi phải kết oán với quỷ Thần làm gì?”.
Vậy là sớm ngày hôm sau, Diệp tú tài tìm đến nơi ở của hai công tử nhà họ Mã, thấy họ đang sống trong cảnh nghèo khó tột cùng ở nơi hoang vu, tình cảnh thê thảm thật đáng thương. Hai người trông thấy Diệp lão sư ngày nào thì bất giác cất tiếng khóc. Thấy vậy, ông cũng nhớ đến tình sư đồ, ôm hai học trò vào lòng rồi bật khóc.
Diệp tú tài đưa hai trò về nhà, thay y phục mới, rồi gửi trăm lượng bạc để họ có thể tạm thời vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt. Vài tháng sau, ông lại thu xếp hoàn trả tất cả tài sản. Diệp tú tài còn giúp họ tính kế sinh nhai, một người mở tiệm kinh doanh còn người kia ra ngoài buôn bán.
Hai quý tử nhà họ Mã đã trải qua nhiều khó khăn và gian nan, cảm nhận được sự lạnh lẽo và ấm áp trên đời, nên từ đó đã sửa đổi những sai lầm trước đây và chăm chỉ làm ăn. Sau vài năm tích lũy được gia sản kếch xù, họ bèn tính cả vốn lẫn lời đem trả lại cho Diệp lão sư.
Thế nhưng Diệp Chư Lương kiên quyết không nhận, nói: “Trước đây ta rất nghèo khó, được phụ thân của hai con hậu đãi ta mới có ngày hôm nay. Các con đừng bận tâm, cũng đừng khách khí. Đây là mối thâm giao của ta với phụ thân các con. Như vậy thì khi xuống suối vàng gặp lại phụ thân hai con, ta mới có thể nhìn ông ấy mà cười được”.
Hôm ấy là tết Trung Thu, Diệp Chư Lương vừa uống rượu ngắm trăng, nằm say dưới cửa sổ. Trong lúc nửa mê nửa tỉnh, ông thấy Mã phú hào đến trước mặt cảm tạ rằng: “Những việc trước đây đều là việc không đáng có. Nhưng dù sao các con tôi từ nhỏ đều đã quen thói xa hoa, nếu đem tài sản giao cho chúng thì chúng tất sẽ phung phí.
Chúng trải qua gian khổ, giờ biết hối hận nên mới có thể sửa chữa lỗi lầm và đạt được thành tựu như ngày hôm nay – đây chính là nhờ tiên sinh. Ân đức này tôi sẽ báo lại với các vị quan dưới âm phủ, nhờ họ chuyển lời tấu lên Thượng Đế. Tiên sinh từ nay sẽ phúc đức dài lâu, tôi tới đây chỉ để phụng báo”. Mã phú hào cảm tạ vài lần nữa rồi mới cáo biệt.
Kể từ đó, mọi việc kinh doanh của Diệp Chư Lương đều thuận buồm xuôi gió, tài sản ông tích góp được cũng nhiều gấp bội so với trước đây, các con ông đều chuyên tâm vào việc đèn sách. Về sau, họ Diệp cũng trở thành gia đình quý tộc chức tước, danh gia vọng tộc.
Theo “Đạo đức tùng thư – quyển 7”
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
- Xem thêm:
- Đạo làm giàu và dùng tiền của các thương nhân xưa
- Trời xanh có mắt: Mọi việc lớn nhỏ trong đời đều đã có an bài
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!