Bạch Xà truyện: Chuyện tình lãng mạn hay bài học cảnh tỉnh thế nhân?

120091313 692746388264508 4797426832756700699 n

“Bạch Xà truyện” là truyền thuyết về mối tình ngang trái giữa Hứa Tiên và Bạch Xà. Trong câu chuyện còn có một nhân vật đáng chú ý là đại sư Pháp Hải, vị cao tăng đã nhốt Bạch Xà dưới chân tháp Lôi Phong.

Bạch Xà truyện: Chuyện tình lãng mạn hay bài học cảnh tỉnh thế nhân? (Ảnh: Shutterstock)
Bạch Xà truyện: Chuyện tình lãng mạn hay bài học cảnh tỉnh thế nhân? (Ảnh: Shutterstock)

“Bạch Xà truyện” là một trong những truyền thuyết dân gian khá phổ biến, trải qua năm tháng câu chuyện có rất nhiều dị bản. 

Một phiên bản nổi tiếng là “Bạch Nương Tử vĩnh trấn Lôi Phong tháp”, được ghi chép trong bộ sách “Cảnh thế thông ngôn” của Phùng Mộng Long viết vào cuối đời Minh. Truyện kể rằng:

Vào năm Thiệu Hưng thời Tống, ở Hàng Châu có một chủ hiệu thuốc tên là Hứa Tuyên (sau đổi thành Hứa Tiên). Trong một lần đi qua Tây Hồ, anh gặp một người con gái đẹp tên Bạch Nương Tử, vốn là bạch xà tinh ngàn năm hóa thành, cùng người tỳ nữ tên Thanh Thanh, là thanh ngư tinh hóa thành. Sau đó hai người gặp lại rồi đem lòng yêu nhau, nhờ có Thanh Thanh tác hợp, hai người kết làm vợ chồng.

Sau khi thành thân, Hứa Tiên thấy Bạch Nương Tử có những hành vi kỳ quái. Chàng may mắn gặp được cao tăng Pháp Hải ở chùa Kim Sơn. Pháp Hải lấy chiếc bát giao cho Hứa Tiên, dặn chàng chụp bát vào đầu bạch xà, nhờ đó Bạch Nương Tử và Thanh Thanh mới hiện nguyên hình.

Pháp Hải mang bát đặt trước chùa Lôi Phong, dùng đá xếp thành tòa bảo tháp bảy tầng, tên là Lôi Phong, rồi lưu lại một bài kệ: “Tây Hồ nước cạn, sông hồ chẳng lên, tháp Lôi Phong đổ, Bạch Xà xuất thế”.

Nhưng kể từ sau cuộc vận động phản truyền thống phản phong kiến trong phong trào Ngũ Tứ, câu chuyện này đã biến đổi ý nghĩa, từ chuyện Pháp Hải đại sư trừ yêu diệt quái trở thành kiệt tác ca ngợi tình yêu tự do, trong đó vị đại sư bị phê phán là đại diện của “thế lực phong kiến độc ác”. 

Khổ luyện tu hành

120091313 692746388264508 4797426832756700699 n 1
Vậy trong lịch sử, cao tăng Pháp Hải là ai? Ngọn nguồn của “Bạch xà truyện” như thế nào?. (Ảnh:internet)

Pháp Hải, thuở nhỏ tên là Bùi Văn Đức, là con trai của danh tướng Bùi Hưu thời Đường Tuyên Tông. Vì khi sinh ra đầu rất ít tóc nên được gọi là Bùi Đầu Đà (“đầu đà” là chỉ người tu hành khất thực). Tướng Bùi Hưu vốn là một tín đồ Phật giáo, chính ông đã đưa Pháp Hải đến với cửa Phật. 

Pháp Hải thuở nhỏ đọc nhiều sách vở, thông minh đĩnh ngộ, tuổi còn trẻ đã vào làm ở Hàn lâm viện. Sau đó, ông được cha đưa đến Lao Sơn (Tân Châu), bái Linh Hữu thiền sư làm thầy, lấy danh là Pháp Hải. Cha ông từng viết một bài kệ rằng: 

“Ôm sầu đưa con trai nhập cõi Phật.
Sớm chiều cần phải trồng thiện căn.
Thân mắt không tùy tiện mà nhiễm sắc.
Đạo tâm tất được gìn giữ qua năm tháng.
Đọc kinh niệm Phật theo thầy dạy.
Tấm lòng sáng trong báo tứ ân.
Đến ngày kia đột nhiên sẽ thành người đức độ,
Ở nhân gian hay thiên thượng đều được tôn trọng”. 

Khi còn ở trong chùa, ngày ngày Pháp Hải phải gánh nước, kiếm củi, sớm chiều đều gánh nước từ dưới chân núi lên chùa, quần quật từ lúc 5 giờ sáng cho đến 10 giờ tối, vô cùng cực khổ.

Một ngày nọ sau khi gánh nước trở về, ông mệt nhoài đến nỗi không thể nhấc chân, lúc ấy trong thiền viện các tăng nhân đều nhàn nhã, người thì ngủ gật, người thì ngồi tán gẫu, có người lại đứng nghe ngóng, chẳng phải làm gì. Pháp Hải không nhịn được, bèn nói: “Kẻ sĩ hàn lâm gánh nước mồ hôi đẫm lưng, hòa thượng ăn rồi ngồi một chỗ liệu có tiêu được không?”. Linh Hữu thiền sư nghe vậy, quay ra nói với Pháp Hải rằng: “Lão tăng ngồi đả toạ một lần có thể tiêu vạn cân lương thực”.

Pháp Hải ngộ ra đạo hạnh cao thâm của sư phụ, cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Linh Hữu thiền sư biết cơ duyên đã đến bèn cho Pháp Hải đi vân du. Trước lúc đi, Linh Hữu thiền sư đưa cho Pháp Hải tám đồng tiền, dặn rằng: “Đây là số tiền mà 3 năm qua con vất vả làm lụng, con hãy cầm lấy. Sau này khi tiêu hết tiền rồi thì cũng là lúc con đến được nơi cần đến”.

Pháp Hải ra đi, mang theo mình tám đồng tiền làm lộ phí. Số tiền ấy chỉ đủ cho một bữa ăn, vậy mà con đường trước mặt lại quá xa xôi, hiểm trở. Dọc đường, ông phải khất thực xin cơm, ăn gió nằm sương, chịu biết bao nhiêu khổ cực. Ông đi từ Hồ Nam đến Hồ Bắc, rồi lại tới Nam Kinh, sau đó tới Trấn Giang. Khi đến bến sông, người lái đò nói với Pháp Hải: “Trả ta tám đồng, ta sẽ đưa ông sang ngọn núi bên kia sông”. 

Pháp Hải nghe vậy ngộ ra rằng cuối cùng mình cũng đến nơi mà sư phụ chỉ định, liền đồng ý ngay. Bên kia sông có một ngôi chùa nhỏ, ngói vỡ vườn hoang, cỏ dại rậm rạp. Sau khi vân du và chịu bao khổ cực, Pháp Hải đã buông bỏ tâm oán trời trách người, ông ở trong sơn động tĩnh tâm tu thiền, vừa tụng kinh, vừa tự cày cấy khai hoang, lại vừa bỏ công tu sửa ngôi chùa đổ nát đó. 

Câu chuyện tu luyện khắc khổ của thiền sư Pháp Hải được chép trong cuốn “Kim Sơn tự chí”. Trong sách kể rằng, Pháp Hải một mình tu luyện, khai hoang đồi núi để thể hiện quyết tâm tu Phật.

Trong một lần sửa chùa, ông đào được một đống vàng bèn mau chóng mang nộp lên quan Thái thú ở Trấn Giang là Lý Kỳ. Lý Kỳ lại tâu lên Hoàng đế Đường Tuyên Tông. Hoàng đế vô cùng khâm phục, hạ chiếu cấp hết số vàng ấy để khôi phục lại ngôi chùa, rồi cho đổi tên thành chùa Kim Sơn. Từ đó, Pháp Hải trở thành thiền sư mở ra truyền thống ở ngôi chùa này, được hậu thế tôn xưng là “Kim Sơn Bùi tổ”. 

Chùa Kim Sơn nổi tiếng về các cao tăng thu phục xà tinh, và người đầu tiên chính là Pháp Hải. Câu chuyện sau này được dân gian truyền kể và gọi là “Bạch Xà truyện”. 

Hàng phục xà tinh

“Kim Sơn tự chí” và “Cao tăng truyện” chép rằng, vào thời Võ Tắc Thiên, ở dòng sông gần chùa có một con rắn lớn thường phun nọc độc, tạo ra những đám mây khiến nhiều người trúng độc mà chết. Sau đó, Linh Thản thiền sư đã hàng phục con rắn khổng lồ này, ném nó rơi xuống biển, từ đó đám mây độc trên trời cũng biến mất.

“Kim Sơn tự chí” cũng ghi lại câu chuyện hàng phục xà tinh của thiền sư Pháp Hải: “Trong hang động của mãng xà, bên phải có những mũi dao sắc bén, vô cùng nguy hiểm, vào sâu khoảng 4, 5 trượng sẽ nhìn thấy một con rắn trắng đang nuốt chửng người, bị Bùi Đầu Đà thu phục”. 

Theo truyền thuyết dân gian ở Trấn Giang (Giang Tô) khi ấy, trước khi Pháp Hải đến chùa Kim Sơn, gần chùa có một con rắn trắng dài đến vài trượng hay ăn thịt người. Con rắn trắng này biết Pháp Hải có pháp lực cao cường, liền biến thành hình người chạy đến trước mặt ông và nói: “Chủ nhân của ta đến rồi”. 

Đêm hôm đó, con rắn trắng lại nhập vào giấc mộng của Pháp Hải mà rằng: “Ta là Bạch Xà tinh, đã ở núi này rất nhiều năm rồi. Bây giờ ta giao lại ngọn núi này cho ông, dưới chân núi có một kho đàn cổ bằng vàng, ông hãy xuống lấy đi”. Sau đó mới có câu chuyện Pháp Hải đào được vàng khi tu sửa ngôi chùa.

Bạch Xà truyện có ý nghĩa gì?

Từng được coi là một tình yêu lãng mạn, Bạch Xà truyện lưu truyền rộng rãi trong dân gian, thậm chí còn được chuyển thể thành phim ảnh. Nhưng ý nghĩa ban đầu của câu chuyện lại không phải là ca ngợi tình yêu nam nữ hay cổ vũ tự do yêu đương, mà là cảnh báo con người chớ nên u mê trong tình sắc, nếu không biết kiềm chế dục vọng sẽ rất dễ bị quỷ ma cám dỗ, uổng phí một kiếp làm người. 

Nguyên mẫu đầu tiên của Bạch Xà truyện được giới học thuật công nhận là “Tây Hồ tam tháp ký”. Thời Tống Hiếu Tông, có một người đọc sách đến từ Lâm An tên là Hề Tuyên. Vào dịp lễ thanh minh, Hề Tuyên đi thuyền dạo chơi trên Tây Hồ và cứu được một cô gái tên là Mão Nô. Nửa tháng sau, bà nội của Mão Nô đến tìm Hề Tuyên cảm ơn, sau đó mời anh đến nhà chơi.

Nhà của Mão Nô ở trong hang động, có những bức tường bùn màu hồng, trên tường chạm ngọc bích, trong nhà mở tiệc thết đãi Hề Tuyên để trả ơn cứu mạng. Hề Tuyên thấy một cô nương mặc quần áo màu trắng, xinh đẹp như hoa, cô ngỏ ý muốn kết nghĩa phu thê với anh.

Nhưng cũng trong bữa tiệc hôm ấy, anh bất chợt nhìn thấy một người đàn ông trẻ tuổi bị cột trên cột, trong khi vị cô nương kia đang dùng dao rạch lấy trái tim của người đàn ông đó. Cảnh tượng ấy khiến anh sợ hãi đến mức hồn bay phách lạc, sau đó Mão Nô vì báo ơn cứu mạng mà giúp Hề Tuyên chạy trốn về nhà. 

Không ngờ 1 năm sau, Hề Tuyên lại bị đưa trở lại hang động. Chú của Hề Tuyên là Hề chân nhân, vốn là một Đạo sĩ trên núi Long Hổ, một hôm nhìn thấy ở Thành Tây có con yêu quái đang quấn người, bèn đuổi theo. Hề chân nhân tìm được chỗ Hề Tuyên bị giam hãm, ra tay hàng phục cả ba người: cô nương áo trắng, Mão Nô và bà nội Mão Nô. Thì ra đây là ba con yêu quái rắn trắng, gà đen và rái cá. Hề chân nhân liền dựng ba tòa tháp ở Tây Hồ rồi nhốt cả ba con yêu vào đó. 

Đến thời nhà Minh, Bạch Xà truyện lại được Phùng Mộng Long phát triển thành “Bạch Nương Tử vĩnh trấn Lôi Phong pháp”. Trong đó hình ảnh của Hề chân nhân được thay thế bằng Pháp Hải, còn Hứa Tiên thì thay cho Hề Tuyên.

Trong một lần Hứa Tiên đến chùa Kim Sơn và gặp Pháp Hải thiền sư, vị hòa thượng cảm thấy rất kỳ lạ khi thấy trên thân người này có yêu khí toát ra. Sau khi tìm hiểu, ông biết Hứa Tiên đang bị một con rắn xanh thành tinh và một con rắn trắng thành tinh chiếm hữu. Cuối cùng Pháp Hải thi triển pháp lực giúp Hứa Tiên nhận ra Bạch Xà tinh hại người, sau đó lại dùng bát vàng thu phục Bạch Xà tinh mang đến đặt ở chân tháp Lôi Phong. 

Thời nhà Thanh, “Bạch Xà truyện” không phải là tác phẩm ca ngợi tình yêu mà là việc cao tăng trừ yêu cứu người, đồng thời cảnh báo thế nhân không nên trọng sắc tham dục. Pháp lý trong trời đất là người và yêu không thể cùng chung sống, càng không thể trở thành vợ chồng. Bởi vậy, hình tượng thiền sư Pháp Hải là hiện thân của bậc cao tăng đắc đạo cứu người, giúp đời. 

Những truyền thuyết dân gian

Trong dân gian có rất nhiều câu chuyện cổ cảnh cáo con người phải thanh tỉnh trước thói xa hoa dâm dật. Nam giới nếu đam mê tửu sắc thì sẽ bị xà tinh chiếm hữu hồn phách, hút mất tinh khí khiến thân thể kiệt quệ, thậm chí vong mạng. “Bạch Xà ký” đời Đường kể rằng, xưa có một người tên là Lý Tốn ở cùng một cô gái áo trắng suốt ba ngày ba đêm không rời, sau đó toàn thân liền mưng mủ mà chết. Anh ta không biết rằng cô gái đó chính là một con rắn đã thành tinh.

Trong “Bạch Xà ký” cũng có câu chuyện như sau: Lý Quản là con trai thứ của Tiết độ sứ Phượng Tường tên là Lý Thính, phụng mệnh lên đường tòng quân. Trên đường đi, anh gặp một chiếc xe trắng bằng bạc, lại có hai người phụ nữ cưỡi ngựa trắng đi bên cạnh, hương thơm bay khắp không gian. Lý Quản không kìm lòng mà đi theo hai người phụ nữ đó, đến khi về nhà thì đột ngột qua đời.

Người nhà dựa vào hương thơm lần theo dấu vết của những người phụ nữ, chỉ nhìn thấy một con rắn trắng đang cuộn mình trong khu vườn hoang vắng, thấy vậy họ liền đánh chết con rắn trắng này. 

***

Như vậy có thể thấy, câu chuyện về Bạch Xà và Hứa Tiên là bài học chính diện, cảnh báo con người về mối nguy của sắc dục. Nhưng tháng năm đằng đẵng qua đi, nguyên gốc cũng thay đổi, hậu thế không còn biết được ý nghĩa giáo huấn ban đầu. Qua từng thời đại, đạo đức ngày càng tụt dốc, người ta lại nhìn nhận về “Bạch Xà truyện” bằng một cái nhìn khác, tưởng là mới mẻ hơn nhưng thực ra là ngày càng suy đồi. Đến thời hiện đại thì “Bạch Xà truyện” đã trở thành một câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn!

Những tác phẩm sau này như “Lôi Phong tháp” của Hoàng Đồ Tất và “Lôi Phong Tháp truyền kỳ” của Phương Thành Bồi thời Thanh đã biến Bạch Xà truyện sang phiên bản ca ngợi tình yêu nam nữ, biến câu chuyện cao tăng trừ yêu trở thành lời cổ vũ tự do yêu đương. Sau phong trào cải cách Ngũ Tứ, thứ gọi là xu hướng giải phóng nhân cách, chống phong kiến và chống truyền thống đã bắt đầu xâm chiếm Trung Hoa.

Trong các tác phẩm phê bình của mình, Lỗ Tấn đã thay đổi cách hiểu về đại sư Pháp Hải: Từ chỗ là bậc cao tăng đắc đạo chân chính, ra tay trừ yêu diệt hoạ, Pháp Hải trở thành “thế lực lễ giáo phong kiến” ngăn cản Bạch Xà và Hứa Tiên đến với nhau. Các nhà phê bình nghệ thuật sau này có nhìn nhận sai lệch rằng con người nên từ bỏ những giá trị truyền thống để giải phóng nhân cách, đạt đến tự do về thân thể, yêu đương và hôn nhân. 

Hiện nay, trong suy nghĩ của nhiều người, cao tăng Pháp Hải vẫn là một hình tượng bị chỉ trích. Trong xã hội nơi bạo lực, khiêu dâm, tình ái… trở thành những chủ đề được yêu thích, người ta không ngại ngần cải biên các tác phẩm truyền thống, thổi vào những quan niệm biến dị và biến tất cả trở thành những sản phẩm thấp kém, suy đồi. “Bạch Xà truyện” cải biên cũng chính là một “nạn nhân” như thế!

Tác giả: Lý Tinh Thành
Biên dịch: Tịnh Văn
Biên tập: Thảo Ngọc
từ EPOCH TIMES TIẾNG VIỆT

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x