Trung thần không được trọng dụng, bề tôi được trọng dụng là loại bất trung, kẻ bất tài chiếm giữ địa vị trọng yếu, kẻ tiểu nhân át chế người hiền minh, quân vương không hay không biết…
Nhạc Thánh – Sư Khoáng tên chữ là Tử Dã, là người Hồng Động tỉnh Sơn Đông ngày nay. Ông sống vào thời Tấn Điệu Công và Tấn Bình Công thời kỳ Xuân Thu (572 TCN – 532 TCN).
Sư Khoáng bị mù bẩm sinh, do đó ông tự xưng là Manh Thần (bề tôi mù), và cũng tự xưng Minh Thần (bề tôi tối tăm). Sư Khoáng từng đảm đương chức vụ đại phu của nước Tấn với tên hiệu Tấn Dã và cũng được mệnh danh là đại sư âm nhạc nổi tiếng đương thời. Vị đại sư này có đôi tai thẩm thấu và bình giá âm nhạc vô cùng tinh tế. Tài nghệ âm nhạc của ông vang danh đến tận các đời sau và được hậu thế tôn xưng là Nhạc Thánh.
Sư Khoáng còn là nhà chính trị kiệt xuất và là học giả bác cổ thông kim. Bởi lẽ đó, người đương thời còn gọi ông là Bác Văn (người hiểu biết rộng).
Tuy là nhạc sư nhưng Sư Khoáng lại thường chỉ ra những sai lầm trong chính sách của quốc vương giống như một nhà hiền triết. Ông dốc hết khả năng của mình, nỗ lực ngày đêm những mong giúp cho nước Tấn được thịnh vượng.
Một lần Tấn Bình Công nhìn dáng vẻ Sư Khoáng với hai mắt bị mù, bỗng cảm thán rằng: “Thái sư tuy thông minh tuyệt đỉnh, nhưng lại là người mù, thế giới của thái sư quả thực là quá đen tối“.
Sư Khoáng nói: “Cũng không hẳn như thế. Thực ra thiên hạ có 5 loại đen tối, mà thần thì vẫn chưa bị rơi vào một trong năm loại đó“.
“Khanh nói vậy là có ý nghĩa gì?” – Tấn Bình Công không hiểu nên đã hỏi lại.
“Để thần nói từng loại cho đại vương nghe nhé” – Sư Khoáng nói hùng hồn:
“Quần thần thông qua hối lộ để giành được danh dự, người dân chịu oan khuất mà không có nơi kêu oan, quân vương không nghe đến, không hỏi đến về những việc trên. Đó là loại đen tối thứ nhất“.
“Trung thần không được trọng dụng, bề tôi được trọng dụng là loại bất trung, kẻ bất tài chiếm giữ địa vị trọng yếu, kẻ tiểu nhân át chế người hiền minh, quân vương không hay không biết đối với những sự việc đó. Đây là loại đen tối thứ hai“.
“Gian thần nịnh thần hoành hành, hai bên bịt tai che mặt để được tôn vinh, người hiền năng bị vu cáo hãm hại, bị đuổi đi, nhưng quân vương vẫn không phát hiện ra, không tra xét. Đây là loại đên tối thứ ba“.
“Quốc gia nghèo khổ, bách tính mệt mỏi, nhưng quân vương ham thích động binh lực can qua, thích công to nghiệp lớn, say đắm trong những lời siểm nịnh mà không tỉnh ngộ. Đó là loại đen tối thứ tư“.
“Không phân biệt thị phi, pháp lệnh không thi hành được, tham quan ô lại bẻ cong pháp luật, người dân không cách nào yên ổn làm ăn, nhưng quân vương không hề hay biết. Đó là loại đen tối thứ năm“.
“Một khi quốc gia rơi vào 5 loại đen tối này thì không nước nào là không sụp đổ. Xem ra sự đen tối của thần chỉ là đen tối nhỏ, vẫn chưa đến nỗi nguy hại cho quốc gia“.
Tấn Bình Công nghe được những lời bàn luận tuyệt diệu này thì rất cảm động, kể từ đó ông quyết tâm chuyên cần quốc chính, dốc sức làm một vị minh quân có Đạo.
Theo Secretchina.com
Thanh Hà biên dịch
Nguồn: NTD Việt Nam
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!