“Tháng tư đong đậu nấu chè, ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm”.
Giết sâu bọ, đeo bùa ngũ sắc, mặc áo dấu, xâu lỗ tai cho bé gái, nhuộm móng tay móng chân, đổ bệnh cho cây, khảo cây, đi sêu… là những phong tục Tết Đoan Ngọ của người Việt xưa, mà Henri Oger – tác gia người Pháp mô tả lại trong bộ sách “Kỹ thuật của người An Nam” đã gọi là ‘Tết kỳ lạ nhất của người Việt’
Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương (ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch). Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc, ở nhiều nước châu Á cũng có Tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ là một phong tục lễ Tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm, mang theo ước vọng về sức khoẻ, sự thịnh vượng của người xưa.
Vì sao Tết Đoan Ngọ lại được gọi là Tết diệt sâu bọ?
Ở Việt Nam, tết Đoan Ngọ còn được gọi bằng cái tên dân dã hơn là “Tết giết sâu bọ”. Sách Đồng Khánh địa dư chí chép: “Tết Đoan Ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả, gọi là giết sâu bọ.…” Sở dĩ như vậy bởi trong dân gian người xưa truyền lại sự tích rằng:
Vào một ngày nọ sau vụ mùa, nông dân khắp các nẻo thôn quê đều ăn mừng vì năm ấy sản xuất nông nghiệp được mùa lớn. Nhưng chẳng bao lâu sau sâu bọ lại kéo đến dày đặc tàn phá nghiêm trọng cây trái, lương thực, thực phẩm đã thu hoạch.
Nhân dân đang đau đầu không biết phải làm cách nào để có thể giải trừ được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ phương xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Ông lão Đôi Truân ấy chỉ cho dân chúng diệt sâu bọ bằng cách mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh tro và trái cây, sau đó thắp hương làm lễ. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn đàn lũ lũ ngã chết rũ rượi. Lão ông còn bảo thêm:
– Sâu bọ hằng năm vào đúng ngày này sẽ thường xuất hiện, chúng rất hung hăng phá phách, vì vậy mỗi năm vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.
Dân chúng hết thảy đều vui mừng và biết ơn Đôi Truân, định kéo nhau tới thi lễ cảm tạ thì mới hay ông lão đã biến đi đâu mất tự khi nào. Để tưởng nhớ công đức của ông lão và thể hiện nét đẹp trong truyền thống sản xuất nông nghiệp, bảo vệ mùa màng, dân chúng đặt cho ngày này là ngày ‘Tết diệt sâu bọ’, có người gọi là ‘Tết Đoan Ngọ’, vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Ngày lễ không thể thiếu với người Việt
Không chỉ người Pháp thấy kỳ lạ, nhà văn Vũ Bằng từng cảm thán về sự lạ lùng của ngày lễ đặc biệt này, bởi đó là ngày lễ không thể thiếu đối với người Việt:
“Ờ, mà nghĩ cũng thật tình thật. Sống vào cái thời đại mới này, mỗi khi muốn phát động một chiến dịch gì, gây một phong trào gì, kỷ niệm một ngày lịch sử gì ta vẫn thấy dán khẩu hiệu ầm ầm, bắc loa đi cổ động nhân dân sa sả thế mà có nhiều lúc nhân dân cũng lười biếng chẳng theo;
Vậy mà sao cứ đến mấy ngày lễ vớ vẩn ở đâu, chẳng cần cổ động, chẳng căng biểu ngữ, chẳng hô khẩu hiệu gì mà dân vẫn cứ tự động theo răm rắp? Cứ lấy cái ví dụ người mình, nghìn nhà như một vạn nhà như một, tự động ăn tết Đoan ngọ thì đủ biết.
Ở thành thị vào cái tháng này, người ta lo làm ăn. Mỗi phố tổ chức lễ vào hè riềng biệt đã phờ râu ra rồi. Còn ở nhà quê, càng bận, vì tháng năm là tháng làm mùa: Ấy thế mà tôi đố ai thuyết phục nổi nhà quê cũng như thành thị đến ngày mùng năm cứ cắm đầu làm việc, không ăn tết Đoan ngọ đấy. Không bao giờ, không bao giờ.’”
Tết Đoan Ngọ là dịp người ta thường ăn tết ở nhà với gia đình. Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi họ ngủ dậy.
Nhà văn Vũ Bằng hoài niệm về Tết Đoan Ngọ đặc biệt khó quê bởi món rượu nếp làm say lòng người:
“Cứ sáng mùng năm tháng năm, các đường phố Hà Nội ngày xưa đâu cũng sang sảng tiếng rao rượu nếp. Kêu một hàng vào mua, cả nhà ăn, chỉ mất hơn hào chỉ là cùng, nhưng có phần thú hơn của nhà làm, không những vì các bà bán hàng này là những chuyên viên làm rượu nếp, mà còn vì lẽ nữa là từ cái chén đến đôi đua của họ cũng hợp lệ bộ hơn.
Cái chén đựng rượu nếp phải là những cái chén nhỏ như chén chè, còn đũa dùng thì là một thứ đũa riêng vót bằng tre cật, ngắn bằng hai ngón tay, tròn trịa, nhẵn nhụi mà lớn chỉ hơn cái tăm bông một chút… khẽ cầm đũa xới từng hạt rượu nếp lên, để lên đũa rồi thong thả nhấm nhót từng miếng nho nhỏ, be bé và cô sẽ thấy cái rượu ấy nó ngọt biết chừng nào, cái nếp ấy nó ngậm, nó thơm, nó bùi, nó bổ biết chừng nào!”
‘Đoan Ngọ’ – mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm
Tết Đoan Ngọ ăn vào ngày mồng 5 tháng Năm âm lịch. Theo sách “Phong Thổ ký” thì Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương. “Đoan” nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là giữa trưa, Đoan Ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa; còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Sở dĩ Tết này được gọi là Tết Đoan Ngọ, chính vì tháng Năm là tháng bắt đầu nắng to, khi dương đang thịnh như Mặt trời vào lúc giữa trưa. Và tháng năm cũng lại là tháng Ngọ trong một năm. Bởi thế các tập tục trong dịp lễ đặc biệt này đều hướng đến mục đích tiêu độc, giải nhiệt.
Ở Trung Hoa, vào ngày lễ này, trẻ con đeo túi ngải cứu may bằng vải đỏ trước ngực để hít thở mùi dịu mát của chúng mà trừ nhiệt. Trên bàn của người Trung hầu như luôn có ấm trà ngải cứu để dùng cho cả nhà, một số nơi uống rượu nếp pha bột hùng hoàng để bảo vệ sức khỏe.
Trong ngày này người Hàn ăn hai loại bánh làm từ gạo là Suritteok và Yaktteok. Bánh Suritteok làm từ lá ngải, bánh Yaktteok được kết hợp gạo với nhiều loại hạt khác nhau, đều là những loại thực phẩm nguội mang tính mát để chống nóng.
Người Hàn có câu: “Dano tặng quạt, đông chí tặng lịch”. Dịp lễ Dano (tết Đoan ngọ) diễn ra vào ngày hè, vì vậy những chiếc quạt là món quà truyền thống hấp dẫn mà họ thường trao tặng nhau để xua tan đi cái nóng bức.
Trong ngày này, người ta cúng lễ cho một tiết mới, mừng sự trong sáng và quang đãng.
Ngày lễ “thanh khiết, sạch sẽ”
“Vào ngày tết Đoan ngọ họ ăn chí tử; ăn bao nhiêu thứ đó cho là chưa đủ, đến bữa trưa, nhiều nhà lại ăn bún xáo vịt, tố thêm dưa hấu rồi đi tắm với nước đun với lá chanh và vỏ bưởi. Tắm như thế, theo nhiều người, trừ được nhiều thứ bệnh” (Thương nhớ mười hai – Vũ Bằng)
Tục tắm nước lá thường xuất hiện ở các làng quê nông thôn Việt Nam. Người ta thường đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre rồi lấy ra pha tắm để tẩy trừ ‘sâu bọ’ và phòng bệnh. Mùa nóng lại tắm nước ấm có lá thơm, mồ hôi toát ra, cảm giác khoan khoái dễ chịu, làm cho con người phấn chấn, có thể trị được cảm mạo.
Một số nơi còn tắm biển lúc chính Ngọ (đúng 12 giờ trưa) được gọi là ‘tắm mồng năm’ để gột rửa hết thảy vật chất xấu quanh cơ thể, diệt trừ ‘sâu bọ’. Trong khi đó ở Trung Hoa, người ta nấu nước lá ngải, lá chương phổ hoặc lá hoa lan để tắm mát, và vì vậy tết Đoan ngọ còn gọi là Ngải tiết hoặc Dục lan tiết.
Đối với xứ sở Kim Chi thì thay vì tắm bằng nồi lá hỗn hợp, họ dùng lá cây Thuỷ xương bồ để nấu nước gội đầu. Phụ nữ Hàn Quốc tin rằng, nếu muốn tóc suôn mượt óng ả thì phải gội đầu bằng thảo dược này. Đàn ông Hàn Quốc thì quấn rễ cây xung quanh thắt lưng để xua đuổi tà ma và bảo vệ mình khỏi những linh hồn xấu rình rập.
Trong văn hóa truyền thống, Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ “thanh khiết, sạch sẽ”, mọi người vào ngày này đều cần lau dọn nhà cửa, quét tước sân vườn, treo nhành ngải, treo cành cây xương bồ, vẩy nước Hùng Hoàng (khoáng vật có sắc vàng dùng làm thuốc, có thể giải độc), uống rượu Hùng Hoàng trừ khuẩn phòng bệnh v.v.
Trong mùa hè nóng bức có thể trừ tà, phòng độc. Vì thế mà gọi ngày lễ này là một ngày lễ “thanh sạch”.
Ngày lễ đuổi tà, trừ độc, trị bệnh
Cuốn họa “Đoan dương cố sự đồ” của họa gia Từ Dương trong thời đại nhà Thanh sáng tác, gồm 8 trang, mỗi một bức họa khắc họa hoạt động của con người cổ xưa trong ngày tết Đoan Ngọ, tiết lộ ý nghĩa Tết Đoan Ngọ của người xưa
Trong đó có bức “Thải dược thảo”, với đề tự: “Buổi trưa ngày mồng 5 đi hái cỏ thuốc chữa bệnh, vô cùng hiệu nghiệm”
Theo quan niệm truyền thống, mỗi loại thảo mộc đều có công dụng riêng, vào giờ Ngọ ngày Đoan ngọ được tin là thời khắc dược tính đạt mức cao nhất. Những loại lá thuốc được thu hái nhiều nhất trong ngày này là trà xanh, ngải cứu, đinh lăng, lá mua, ích mẫu, tía tô, kinh giới, bồ công anh, sen, lá vối, lạc tiên, lá đơn đỏ… tuỳ thuộc vào từng địa phương.
Lá và thân cây ngải có mùi vị khá nồng, có tác dụng diệt các loại côn trùng như muỗi, kiến, ngoài ra còn có thể lọc sạch không khí. Cây xương bồ cũng vậy, dân gian thường tin chúng có tác dụng trừ tà miễn dịch.
Vì thế từ thời nhà Hán đến nay, nhà nhà đều cắm cành ngải trong tết Đoan Ngọ, sau này đến thời Đường chuộng cây xương bồ hơn. Còn có nhà đem lá ngải tạo thành hình người, treo trước cửa nhà.
Vào buổi trưa ngày 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, mọi người sẽ lên núi để hái các loại thảo mộc, cỏ thuốc, nó có tác dụng bài trừ khí bệnh. Trong tiết Đoan Ngọ, vùng núi yên tĩnh, vang động tiếng gió, tiếng nước khe suối róc rách hòa quyện vào nhau.
Ngay sau khi lên núi không lâu, một người lớn và một cậu bé tựa hồ như bị chìm đắm trong ngọn núi yên tĩnh này. Trong tâm trí họ dường như chỉ có thảo mộc, đặc biệt vào lúc buổi trưa, thảo mộc được hái sẽ có tác dụng hiệu quả nhất trong chữa trị.
Bức họa “Huyền ngải nhân”. Đề tự: Theo phong tục nước Sở, lấy cây ngải treo lên cửa, có thể đuổi khí độc”
Phong tục tết Đoan ngọ ở Trung Quốc, Việt Nam cũng như Hàn Quốc đều phát sinh trong quá trình sống và cách ứng xử với thiên nhiên của người dân xưa. Qua các giai đoạn lịch sử, phong tục này gắn thêm các ý nghĩa giáo dục đạo đức xã hội và quan niệm tâm linh, làm cho tết Đoan ngọ trở thành một phong tục văn hóa thể hiện sâu sắc các đặc trưng cơ bản của tính cách văn hóa dân tộc.
“Bảo mình bỏ tết Đoan ngọ vì nó hủ lậu không hợp thời, nhất định mình không chịu. Có khi chính vì thế mà mình lại yêu tháng năm hơn nữa cũng nên bởi vì tháng năm có tết Đoan ngọ… mà nhớ đến bao nhiêu phong tục của nước ta đã tạo nên một nền văn hoá oai hùng mà bao nhiêu ngoại nhân muốn cắt ngọn đều tỏ ra bất lực.” (Vũ Bằng – Thương nhớ mười hai)
Những lễ nghi truyền thống cũ xưa, mà chứa trong đó bao nhiêu là quy luật của trời đất, âm dương, ngũ hành, gửi gắm bao nhiêu là ý tình, mong ước của dân chúng về việc được sống một đời hòa hợp với tự nhiên ấy, chính là hồn dân tộc, không bao giờ mất trong lòng mỗi người dân Việt.
Đan Thư từ EPOCH TIMES Tiếng Việt
- Xem thêm:
- Lý Nhân Tông – Vị Vua mang đến nhiều điềm lành nhất trong sử Việt
- Những câu chuyện về tinh thần chí công, vô tư của Trần Thủ Độ
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!