Vào thời nhà Thanh, Trung Quốc, có một vị chức lại họ Trương phụ trách thuế quan. Vào một năm ông phụng mệnh áp giải ngân lượng lên kinh thành, giữa đường bị mất trộm, việc công không thành, ông muốn chết cho xong chuyện. May sao có thương nhân tiệm bạc rộng lòng ra tay tương trợ, giúp ông qua kiếp nạn. Sau này, hai nhà định ra hôn ước. Con trai thương nhân kia chưa lớn thì vị ấy đã qua đời, cậu lưu lạc rồi trở thành ăn mày. Trong thế tục thói đời hiểm ác, có người trọng nghĩa, người thủ nghĩa, thì dưới sự an bài của Thiên Thượng họ đều có sẵn phúc phần…
Thời nhà Thanh, Đơn Đình Ky người phủ Thuận Thiên, từ nhỏ đã là ăn mày. Khi anh ta 41 tuổi, trôi dạt đến Vu Hồ, Giang Nam xin ăn. Ban ngày khất thực, đêm xuống ngủ nhờ dưới mái hiên. Một năm, ban đêm trời lạnh căm căm, anh ta nằm co ro run rẩy. Lúc ấy, anh ta nhìn thấy một người cầm đèn lồng, dắt theo một cụ già đến trước mặt, rồi nói: “Ai đang ở dưới mái hiên nhà ta?”
Đơn Đình Ky nói mình là ăn mày trú nhờ qua đêm. Ông già động lòng thương, gọi anh ta vào nhà, không những cho ăn cháo, mà còn cho ở nhờ. Chủ nhà vào phòng riêng, người hầu cũng lui hết.
Đơn Đình Ky đi ra ngoài, nên phải đi qua đình viện. Một người hầu trông thấy, cho là anh lợi dụng tối trời ăn trộm! Bị người vu cáo, anh ta không chịu. Gia nhân xúm cả lại định đánh cho anh một trận.
Ông lão xuất hiện, gọi anh ta lại bảo: “Ta thương cậu bị rét, mới cho cậu ở nhờ; cũng thương cậu bị đói, mà múc cháo cho ăn. Sao cậu lại có thể vong ân bội nghĩa như vậy?”
Đơn Đình Ky giải thích: “Con cảm ơn ân đức của ông còn chưa hết, sao có thể lại trộm cắp của ông được cơ chứ? Thân là ăn mày bị khinh thường, nhưng con cũng không đi ăn cắp. Con cũng không trộm gì, thử hỏi gia nhân của ông xem, con trộm cái gì nào? Rõ đây là vu oan cho con. Ông sao có thể tin lời họ chứ?”
Ông lão quát: “Im miệng lại. Nhìn ngươi sức dài vai rộng, sao lại phải lưu lạc xin ăn?”
Đơn Đình Ky trả lời: “Con từ khi 5 tuổi đã thành ăn mày. Cho đến tận bây giờ, những người con gặp đều là ăn mày cả. Cho nên trừ việc ăn xin ra, con chưa bao giờ có dự định nào khác.”
Hỏi ra, ông lão biết được anh ta mang họ Đơn, tên Đình Ky, là người trong kinh thành.
Ông lão hỏi: “Cha cậu làm nghề gì?”
Anh ta đáp: “Khi ấy con còn nhỏ, không nhớ rõ. Chỉ biết rằng, cha con mở cửa hiệu buôn tiền bạc ở một ngõ nào đó. Khi ông mất, gia nghiệp khánh kiệt, bên thân không có người thân thích. Con phải làm nô bộc cho vương gia, làm con nuôi. Sau đó bị vương gia đuổi đi, rồi thành ăn mày.”
Ông lão gật gật đầu, rồi sai người đưa anh ta đến nhà trọ.
Đến sáng sớm hôm sau, Trương gia cho người mang mũ áo đến mặc cho Đơn Đình Ky. Anh ta không hiểu ra sao, mặc xong y phục đi gặp ông lão. Nhờ ông giải thích, anh ta mới biết rằng, trước đây hai nhà Trương, Đơn đã định ra hôn ước. Vị lão ông này là bố vợ anh, còn anh là con rể của nhà họ Trương.
Lão ông hồi tưởng chuyện xưa, ông từng làm chức lại thu thuế. Trên đường áp giải ngân lượng về kinh thành thì bị mất trộm, ngân lượng bị thiếu hụt. Đang lúc vô vọng, muốn chết cho xong, may sao gặp cha của Đơn Đình Ky. Ông ấy hào phóng tặng cho 400 tiền, Trương ông mới hoàn thành công việc. Ba năm sau, Trương ông lại đến kinh thành, đi thăm ông Đơn. Khi ấy, Đình Ky mới hai tuổi, con gái ông Trương cũng hai tuổi. Thế là hai nhà định ra hôn ước cho hai đứa.
Bốn năm sau, Trương ông lại qua kinh thành, biết tin ông Đơn đã qua đời, ông tìm Đơn Đình Ky khắp nơi nhưng không thấy. Người ta đều nói: “Thương nhân họ Đơn không phải người bản địa, ông mất đi, người cũng ly tán, không tìm được đâu.”
Hàng chục năm nay, Trương ông không tìm thấy Đơn Đình Ky. Con gái Trương gia thủ tín hôn ước, thề không lấy người khác, kiên định trung trinh thủ tín đến tận hôm nay.
Mấy chục năm chờ đợi, nay người đã ở đây. Đơn Đình Ky bái Trương ông làm nhạc phụ. Hoàn thành hôn ước. Ông Trương hỏi con rể, xem có rành nghề gì? Chàng Đơn trả lời: “Con chỉ giỏi đi khắp bắc nam, thông thuộc đường đi, lại còn biết tiếng Mãn Châu.”
Ông Trương nghe xong, cười xòa cho qua.
Gặp lúc quan đốc đại nhân vùng đó đang chuẩn bị đi đón gia quyến, nên tuyển người làm việc này, ông Trương tiến cử Đơn Đình Ky. Thấy chàng Đơn, quan đốc rất vui mừng, lệnh nhanh chóng lên đường. Đơn Đình Ky về nhà kể cho vợ nghe sự việc, bàn với vợ rằng, gia quyến nhà quan từ kinh đô lần đầu đến miền nam, nhân cơ hội này mà đón tiếp phục dịch họ để sau này còn nhờ vả. Trương thị đồng ý và ra sức tương trợ phu quân.
Gia quyến nhà quan tới, phàm là đồ dùng, ăn uống, du lãm, Đơn Đình Ky đều làm họ hài lòng. Phu nhân quan đốc rất vui mừng, tới quan sở liền hết lời khen ngợi Đơn Đình Ky, đồng thời còn bảo trên đường đón tiếp đã phải tiêu tốn nhiều tiền, nên được thưởng lớn. Thế là quan đốc đại nhân cho Đơn Đình Ky làm chức lại thu thuế thay cho chức vị của ông Trương nghỉ hưu.
Đơn Đình Ky nhậm chức, được nhạc phụ Trương ông cẩn thận dạy dỗ, mang kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề thuế quan truyền lại cho anh. Đơn Đình Ky làm ba năm, cẩn trọng cần cù, tích lũy được vạn tiền. Theo quy định của quan phủ, qua đóng góp tiền tài rồi có chức thông phán. Sau khi bước vào quan lộ, Đình Ky không tránh quá khứ ăn mày của mình, từng kể cho đồng liêu nghe chuyện hành khất khi xưa. Về sau, ông được thăng chức Đồng Tri và chuyển đến Tương Hà, vài năm sau thì mất khi đương nhiệm. Trương ông hàng năm vẫn gom áo quần bố thí cho những người hành khất, hành thiện không mệt mỏi.
Khi xưa, Trương ông bị mất trộm trên đường đi nộp thuế, may gặp cha của Đơn Đình Ky hào phóng giúp đỡ mà qua được nạn. Cha qua đời, Đơn Đình Ky lưu lạc ăn xin thiên hạ. Trương ông không cho đó là việc thấp hèn nhục nhã, vẫn tín thủ hôn ước, thành hôn cho hai người, còn cho ở rể, rồi giúp đỡ dạy dỗ, không phụ ân đức của cha Đơn Đình Ky. Con gái ông Trương mấy chục năm thủ tín hôn ước, thật là một nữ nhân hiền thục. Trong câu chuyện trên, vô luận là người trọng nghĩa thủ tín, hay người hào phóng trượng nghĩa, thì dưới sự an bài của Thiên Thượng, họ đều có phúc phận của riêng mình.
(Theo truyện “Tiểu Đậu Bằng” – quyển 1)
Thái Bình
Theo Đỗ Nhược – Epochtimes
Nguồn: NTD Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!