Vận mệnh của con người tuy là Trời định, là đã được định sẵn từ trước, nhưng không phải là không thể thay đổi được.
“Vận mệnh” là một khái niệm rất quan trọng trong văn hóa truyền thống phương Đông. Người xưa nói chung rất kính Trời, tin vào số mệnh, cho rằng: “Sống chết có mệnh, phú quý do Trời”, “trong mệnh chỉ có tám phần đấu gạo thì dù có đi khắp thiên hạ cũng không thể làm đầy được cả đấu”, “đại phú dựa vào mệnh, tiểu phú dựa vào cần”, “có được nó là tôi may mắn, mất đi đó là số mệnh”, “tất cả do số mệnh, chút đỉnh chẳng do người”. Mỗi người đều có vận mệnh của mình, vận mệnh của mỗi người là khác nhau.
Vậy rốt cuộc Mệnh là gì? Mạnh Tử nói: “Mạc chi vi nhi vi giả, thiên dã; mạc chi trí nhi chí giả, mệnh dã” (Mạnh Tử – Tận tâm thương). Tức là: “Việc mình không có ý làm, mà thành, đó là do ý Trời vậy. Việc gì mình không mong cầu mà tự nhiên tới, đó là do mệnh Trời vậy.”
Trong “Đổng Trọng Thư truyện”, Đổng Trọng Thư viết: “Thiên lệnh chi vị mệnh” (Lệnh của Trời được gọi là mệnh). Bởi vậy, mệnh và Trời là có liên quan với nhau, cũng được gọi là “nhân mệnh quan thiên”. Vậy nên, mệnh cũng được gọi là “thiên mệnh”.
Tức, mệnh hoặc thiên mệnh là tiên thiên, là khi sinh mang theo đến, hay còn nói là thiên định. Trong thuật đoán mệnh truyền thống, người ta thường dựa vào tiến trình thời gian mà đem sự vận hành của sinh mệnh con người phân chia thành đại vận, tiểu vận, lưu niên. Sự vận hành của mệnh, chính là vận mệnh, cho nên mệnh cũng được gọi là “vận mệnh”, tức là vận trình khác nhau mà mệnh biểu hiện ra.
Sinh mệnh của con người là do một số vận trình khác nhau tạo thành. Nó có thể là vận may, hoặc là vận rủi, hoặc là trước may sau rủi, hoặc là rủi trước may sau. Ở các vận trình khác nhau của sinh mệnh sẽ biểu hiện ra chất lượng sinh mệnh khác nhau. Chất lượng thông thường của sinh mệnh là do phú quý, sang hèn, sống thọ hay chết yểu, trắc trở hay suôn sẻ để đo lường. Bởi vậy, mệnh hay vận mệnh, trên thực tế chính là quỹ đạo vận hành của sinh mệnh con người vốn đã được Trời định sẵn từ trước.
Văn hóa truyền thống Trung Quốc cho rằng vận mệnh của một người là có thể biết được, và rất coi trọng đến việc dự đoán vận mệnh, tức là “tri mệnh”. Khổng Từ giảng: “Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã”, tức là: “Người không biết mệnh thì không là người quân tử”. Khổng Tử cũng cho rằng: “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, ý nói rằng, con người khi đến tuổi 50 thì hiểu được mệnh.
Vậy, vì sao lại cần phải biết mệnh? “Dự tắc lập, bất dự tắc phế”, ý tứ là: Việc gì mà có sự chuẩn bị trước thì cũng sẽ thành, không có sự chuẩn bị trước thì thường sẽ dở dang. Cầu lợi tránh hại, cầu may mắn tránh hung dữ là bản năng của con người. Biết được vận mệnh của con người thì có thể ứng phó được với những điều nguy hiểm xảy ra trên con đường đời phía trước. Vậy nên, trong Kinh Dịch mới có câu: “Lạc thiên tri mệnh, cố bất ưu”. Tức là: “Vui theo sự sắp đặt của ý Trời, biết được mệnh của mình, không phải lo lắng gì.”
“Kinh Dịch” trong “Tứ Thư Ngũ Kinh” được xếp hạng đứng đầu trong các kinh thời cổ đại. Mà Kinh Dịch trên thực tế là một bộ sách về bói toán. “Hệ Từ” trong Kinh Dịch chính là dùng từ (một thể loại văn học cổ điển của Trung Quốc) để gieo quẻ đối với quẻ tượng đầu tiên. Khổng Tử đã dành cả đời để tiến hành nghiên cứu sâu đối với Kinh Dịch, thế cho nên đã đạt đến trình độ “vi biên tam tuyệt”.
Cuốn “Dịch truyện” chính là những tâm đắc thể hội trong nghiên cứu Kinh Dịch của Khổng Tử. Đạo gia Trung Quốc có thuật toán mệnh vô cùng phong phú; bao gồm Lục Hào, Mai Hoa Dịch Số, Tứ Trụ Bát Tự, Kỳ Môn Độn Giáp, Lục Nhâm, Thiết Bản Thần Số, tướng mặt, tướng tay, v.v… Vì sao lại gọi là đoán mệnh? Là bởi vì trong văn hóa truyền thống cho rằng, hết thảy đều đã có định số. Đoán mệnh chính là căn cứ theo dịch số, mệnh số mà suy đoán vận mệnh của con người.
Trong sử sách của Trung Quốc đã ghi chép lại rất nhiều cao thủ tinh thông về thuật số đoán mệnh, như: Khương Tử Nha, Gia Cát Lượng, Viên Thiên Cang, Lý Thuần Phong, Lưu Bá Ôn, v.v… quả thật là không sao kể hết. Trong tu luyện của Phật gia còn xuất hiện một loại công năng đặc dị là “túc mệnh thông”. Người có được loại công năng này có thể dùng thiên mục mà trực tiếp nhìn thấy được quá khứ, hiện tại, tương lai, thậm chí đời trước kiếp trước, nhiều kiếp nhiều đời của người khác.
Vận mệnh của con người tuy là Trời định, là đã được định sẵn từ trước, nhưng không phải là không thể thay đổi được. Đạo gia Trung Quốc có cách nói “ngã mệnh tại ngã bất tại thiên”, nghĩa là: “mệnh của ta do ta chứ không do trời”. Tức là con người có thể thông qua cố gắng sau này của mình, thì có thể tiến hành thay đổi được vận mệnh ở một mức độ nhất định. Nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Nếu sự cố gắng của con người là mù quáng, không đúng đắn thì không thể thay đổi được vận mệnh, mà trái lại lại càng làm cho nó tệ hại hơn, hỏng hơn. Vậy nên dưới tình huống thông thường, mọi người thường chỉ có thể là làm hết bổn phận của con người và nghe theo mệnh Trời, nhưng tốt nhất là nên “thuận theo tự nhiên”.
Con người nếu muốn thật sự thay đổi vận mệnh thì cần phải hành xử thuận theo Thiên Đạo. Bởi vì mệnh của con người là thiên mệnh, là được Thần Phật, những sinh mệnh cao cấp trên Thiên thượng an bài. Căn cứ vào điều gì để an bài? Chính là căn cứ vào hành vi thiện ác và tỷ lệ lớn nhỏ của đức và nghiệp do hành vi thiện ác này gây ra ở đời trước hoặc nhiều đời trước kiếp trước của con người mà tạo ra an bài. Thiện nhân có thiện quả, ác nhân có ác quả, đây chính là cái gọi là “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.
Hết thảy các loại biểu hiện vận mệnh của con người, bao gồm: họa và phúc, trắc trở hay suôn sẻ, giàu và nghèo, cát và hung, thọ mệnh hay chết yểu… không có một điều gì là không phải kết quả của nhân quả báo ứng thiện ác. Vì vậy, vận mệnh của con người là do Thần Phật chủ trì, dựa theo thiên lý hay quy luật của vũ trụ mà đưa ra an bài. Mệnh là thể hiện của quy luật vũ trụ hoặc phép tắc của vũ trụ trong quá trình sinh mệnh của con người.
Bởi vậy, nếu con người muốn thay đổi phương diện không tốt trong vận mệnh của mình, thì cần phải tuân theo phép tắc, quy luật của vũ trụ, trọng đức hành thiện, gắng sức sữa chữa sai lầm trước đây, tránh làm điều ác. Bởi vì, Thiên đạo ban thưởng cho cái thiện và trừng phạt cái ác.
Đây chính là tu luyện truyền thống, tu luyện mới có thể thay đổi vận mệnh. Thông qua tu luyện mà thay đổi vận mệnh được gọi là “tu mệnh”. Viên Liễu Phàm tác giả của “Liễu Phàm Tứ Huấn” chính là một tấm gương điển hình của việc tu mệnh thành công. Cái gọi là: “Đoán mệnh không bằng tri mệnh, tri mệnh không bằng tu mệnh”, đạo lý chính là ở chỗ này.
Căn bản của tu mệnh chính là tu tâm. Tâm là nguồn gốc của hành vi cử chỉ và các loại biểu hiện của sinh mệnh con người. Tâm thiện thì hành vi ắt sẽ thiện, tâm ác thì hành vi ắt sẽ ác. Tu tâm chính là chiểu theo Phật Pháp và Đạo Pháp để cải biến hết thảy những tư tưởng quan niệm của bản thân mà không phù hợp với Phật Pháp và Đạo Pháp. Tu tâm mới có thể từ căn bản mà thay đổi được hết thảy những thứ không tốt trong vận mệnh của con người.
Người xưa có câu: “Nhất thiết phúc điền, bất ly phương thốn”, là có ý nói rằng hết thảy ruộng phúc không ở đâu xa mà ở ngay gần lòng người. Nói về mối quan hệ giữa tâm và mệnh, có một bài “Tâm mệnh ca” viết rằng: “Mệnh tốt tâm cũng tốt, phú quý mãi đến già.
Mệnh tốt tâm không tốt thì sẽ thất bại giữa đường. Tâm tốt mệnh không tốt, Trời đất cuối cùng cũng bảo hộ cho. Tâm mệnh đều không tốt, bần cùng chịu phiền não”. Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển. Tu tâm có thể bù đắp được hết những thiếu sót trong vận mệnh đã được an bài trước, tu tâm có thể xoay chuyển và cải biến được vận hạn trong đời.
Không phải chỉ những ai có vận mệnh không tốt mới cần phải tu tâm. Trên thực tế mỗi người đều cần phải tu luyện và tu tâm. Người dẫu có vận mệnh tốt hơn người khác đi nữa thì cuối cùng cũng không tránh khỏi “sinh lão bệnh tử”. Phú quý danh lợi không mang đến khi sinh, không mang theo khi chết. Sau khi phúc phận đã hưởng hết, có thể phải tiếp tục nhập lục đạo trong tam giới, luân hồi không dứt.
Bởi vậy, thay đổi vận mệnh mà người bình thường nói đến, trên thực tế chẳng qua chỉ là cải thiện vận mệnh cho tốt hơn mà thôi. Một người nếu muốn triệt để thay đổi vận mệnh, vĩnh viễn giữ được thân người, không còn phải chịu khổ nữa, thì duy chỉ có phát đại thệ nguyện, khởi tâm tinh tấn, nương tựa Thần Phật, gian khổ tu luyện, cuối cùng tu đắc chính quả, thoát khỏi lục đạo trong tam giới.
Theo Secretchina
Lam Sơn biên dịch
Nguồn: NTD Việt Nam
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!