Nói đến Gia Cát Lượng, mọi người thường liên tưởng đến một vị quân sư Thần cơ diệu toán, cầm quân đánh trận xuất quỷ nhập Thần khiến đối phương hồn siêu phách tán. Thực tế Gia Cát Lượng còn là một nhà chính trị giỏi giang với khả năng đánh giá và sử dụng nhân tài lão luyện…
Trong tác phẩm Gia Cát Lượng văn tập có viết: “Đạo trị quốc cốt ở sử dụng hiền tài”. Sách này cũng viết rằng: “Quốc gia có người phò tá giống như nhà có cột trụ. Cột trụ không thể mảnh mai, phò tá không thể yếu nhược. Cột trụ mảnh mai thì nhà bị hư hại, sụp đổ; phò tá yếu nhược thì quốc gia khuynh bại “.
Nhân tài là gốc rễ của việc trị sửa, quản lý quốc gia. Mối quan hệ giữa trị quốc và nhân tài giống như quan hệ giữa ngôi nhà và trụ cột. Thiếu nhân tài thì quốc gia khó mà duy trì nổi. Vậy người như thế nào mới là nhân tài? Gia Cát Lượng đã đưa ra một tiêu chuẩn quan trọng: “Trực sĩ” – kẻ sĩ chính trực. Ông cho rằng: nhân tài không chỉ là người có học thức rộng và sở trường chuyên sâu, mà còn phải là người có phẩm đức cao quý, trung trinh, thành thực, không cầu danh, không tránh tội.
Năm Kiến Hưng thứ 5 (năm 227), trước khi Gia Cát Lượng dẫn quân lên phía Bắc chinh phạt vùng Trung Nguyên, ông đã dâng thư “Xuất sư biểu” lên Hậu chủ Lưu Thiện, hy vọng Hậu chủ có thể trọng dụng những người như Quách Du Chi, Phí Vĩ, Đổng Doãn, Hướng Sủng, Trần Chấn, Trương Duệ, Tưởng Uyển… nói rằng bọn họ là “bề tôi hiền lương, trung trinh sẵn sàng chết để giữa tiết tháo”. Ông mong muốn Hậu chủ “thân cận và tín nhiệm họ”.
Gia Cát Lượng còn nhắm đúng nhược điểm của Hậu chủ mà nói sâu xa rằng: “Thân cận hiền thần, xa lánh tiểu nhân, đó là nguyên nhân khiến Tiên đế hưng thịnh. Thân cận tiểu nhân, xa lánh hiền thần, đó là nguyên nhân khiến nhà Hán suy đồi”.
Từ đó có thể thấy Gia Cát Lượng coi trọng sử dụng nhân tài biết nhường nào. Bản sớ tấu này tràn đầy lòng trung thành của Gia Cát Lượng đối với nhà Thục Hán, ngôn ngữ khẩn thiết, rõ ràng đầy đủ, vì thế được người các đời sau ca ngợi.
Quân chủ cần đi sâu vào nhân gian tìm kiếm hiền tài
Gia Cát Lượng biết rõ, muốn có được nhân tài thực sự quả là không hề dễ dàng. Làm bậc quân chủ, cần phải đi sâu vào trong dân gian, phải tìm cầu nhân tài “đang ở ẩn”, giống như Thương Thang Vương có được người thợ ngói Phó Duyệt, Chu Văn Vương có được lão ngư ông Khương Tử Nha, cần dũng cảm không câu nệ cách thức mà sử dụng họ.
Vì vậy ông đề ra khi sử dụng nhân tài thì cần phải làm được “treo thưởng để đợi người lập công, đặt vị trí để đợi kẻ chí sỹ, các chức quan không bê trễ, mở toang cửa 4 phương đón nhân tài để trị sửa nhằm hưng thịnh quốc gia, dùng lễ mời nhân tài ẩn cư nơi tĩnh vắng”.
Do mỗi người có tài năng thiên phú và tố chất khác nhau: có người tính toán vận trù trong màn trướng, quyết thắng nơi ngàn dặm; có người xung phong hãm trận, bắt sống tướng giặc trong nháy mắt. Đây chính là hiện thực khách quan mà Vương Sung đời Hán đã nói: “Nhân tài có cao có thấp, không thể đánh đồng”.
Gia Cát Lượng đã nhận thức được đầy đủ điểm này và nhấn mạnh, đối với nhân tài khác nhau, cần khéo sắp xếp sao cho thỏa đáng, ông nói: “Nước sạch không cần cả con sông sạch, chỉ cần trừ bỏ chất cáu bẩn là được; ngựa không cần phải là ngựa hay như ngựa kỳ ngựa ký, chỉ cần chạy nhanh là đủ rồi; người hiền tài không cần phải là Thánh nhân, chỉ cần có trí tuệ thông đạt là được rồi”.
(Trích: Gia Cát Lượng tập).
Gia Cát Lượng căn cứ vào tài năng cao thấp của nhân tài chia thành 6 đẳng cấp: tướng của mười người, tướng của trăm người, tướng của nghìn người, tướng của vạn người, tướng của mười vạn người và tướng của thiên hạ. Khi đề bạt tướng soái cao cấp, tuyệt đối không được dùng người lỗ mãng, cũng không được dùng người chỉ có kiến thức quân sự và kinh nghiệm tác chiến, mà nên là người toàn tài, có đầy đủ trí tuệ, am hiểu nhiều phương diện: “khoa thưởng phạt nghiêm, đạo tổng hợp văn võ, thuật cương nhu”.
Gia Cát Lượng còn nói: “Nhân ái khắp thiên hạ, tín nghĩa khiến lân bang tâm phục, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, trong khắp bốn biển coi như ở nhà, đó là bậc tướng của thiên hạ”.
Gia Cát Lượng còn cho rằng: tài năng của con người không hoàn toàn là do thiên phú, mà còn phải trải qua rèn luyện thực tế mới trở thành nhân tài, nếu chỉ có tri thức sách vở thì không được. Bản thân ông cũng là như thế. Ví như ông ẩn cư núi rừng, không xuất sơn theo nghiệp chinh phạt, không trải qua thực tiễn thì cùng lắm cũng chỉ có tên hiệu Ngọa Long mà thôi.
7 phương pháp phân biệt nhân tài
Trải qua thực tiễn nhiều năm, kết hợp với kinh nghiệm lựa chọn nhân tài của người xưa, Gia Cát Lượng đã tổng kết ra 7 phương pháp phân biệt nhân tài.
Gia Cát Lượng nói rằng: “Đạo nhận biết nhân tài có 7 phương pháp: Thứ nhất, đặt họ trước việc phải trái lớn để xem chí hướng. Thứ hai, dùng ngôn từ truy vấn họ tận cùng để xem tài ứng biến. Thứ ba, tham vấn họ mưu kế để xem kiến thức. Thứ tư, nói với họ, để họ trước họa hoạn, khó khăn để xem lòng dũng cảm. Thứ năm, chuốc rượu, để họ say để xem bản tính. Thứ sáu, cho họ cơ hội có lợi ích tiền tài để xem sự liêm khiết. Thứ bảy, giao nhiệm vụ cho họ để xem chữ tín”.
Sáng lập “tham thự” để lắng nghe ý kiến từ mọi phía
Điều đáng chú ý là để phát huy hiệu dụng đầy đủ của nhân tài, Gia Cát Lượng đã sáng lập ra một cơ cấu gọi là “tham thự”. Ông giải thích rằng: “Tham thự là nơi để tập hợp ý kiến của đông đảo mọi người, mở rộng ích lợi của những lời trung”.
Gia Cát Lượng còn nói: “Có cơ cấu này thì Lượng tôi có thể giảm thiểu sai lầm”.
Như vậy “tham thự” chính là tiền thân của cơ quan tham mưu ngày nay.
Gia Cát Lượng muốn thông qua “tham thự” để tiếp nhận ý kiến rộng rãi mọi mặt, sau đó xem xét đánh giá lợi hại, tập trung các ý kiến, mở rộng áp dụng những ý kiến có lợi ích, lựa chọn những ý kiến tinh tế, chính xác, từ đó đặt ra chính sách, phương châm chính xác.
Gia Cát Lượng còn nhấn mạnh rằng: “Đạo quản lý chính sự thì cốt yếu ở nghe nhiều mặt, tiếp thu ý kiến của đông đảo mọi người ở dưới, hỏi mưu kế từ quan lại cho đến thứ dân, như thế thì mọi sự việc đều làm sáng tỏ, mọi tiếng nói đều được ghi nhận”.
Quan niệm về nhân tài của Gia Cát Lượng khá khách quan và toàn diện. Do đó, các nhân sĩ chí sĩ của chính quyền Thục Hán đã tụ tập về xung quanh ông, trở thành một tập đoàn lãnh đạo đầy sức mạnh.
(Tài liệu tham khảo: Tam Quốc chí)
Tác giả: Văn Ích Dân – Secretchina.com
Trung Hòa biên dịch
Link bài dịch: NTD Việt Nam
- Xem thêm:
- Tú tài từ bỏ công danh, lập chí tế thế cứu người, danh thơm truyền khắp từ cổ chí kim
- Bí ẩn chưa có lời giải: Người bần cùng bỗng trở nên giàu có. Liệu họ có nắm giữ bí mật nào không?
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!