Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa nhắc nhở chúng ta về những truyền thống và giá trị đạo đức đã được trân trọng và gìn giữ trên khắp thế giới. Chúng tôi hy vọng những câu chuyện và thông điệp trong loạt bài này sẽ khiến trái tim và tâm trí của độc giả được thăng hoa.
Câu chuyện “Túi tiền thần kỳ” kể về sự cám dỗ mà một người tiều phu chăm chỉ phải đối mặt, khi được trời ban cho một túi tiền có thể tiêu xài cả đời nhưng phải kèm theo một điều kiện.
Câu chuyện được kể lại này là một phần của bộ sưu tập đặc biệt dành cho trẻ em, gồm các câu chuyện bằng âm thanh và hình ảnh minh họa gốc được biên soạn và sản xuất vào năm 2012 như một phần của chương trình “Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa” của Đài Phát thanh Hy Vọng.
Hãy đọc bản dịch câu chuyện bên dưới, và du hành vào một thế giới khác!
Ngày xửa ngày xưa, có một cặp vợ chồng trẻ sống trong một túp lều tranh nhỏ bên cạnh một con mương. Họ nghèo đến nỗi ngày nào cũng phải đốn hai bó củi và mang ra chợ bán [để mưu sinh].
Một ngày nọ, đôi vợ chồng trẻ gánh củi từ trên núi trở về. Họ đặt một bó trong sân và dự định hôm sau sẽ đem ra chợ bán để mua gạo. Bó còn lại, họ cất trong bếp để dùng.
Sáng hôm sau khi họ thức dậy, bó củi trong sân đã biến mất một cách bí ẩn. Không còn cách nào khác, họ đành phải đem bán bó củi trong bếp.
Cũng trong ngày hôm đó, họ lại đốn thêm hai bó củi như thường lệ. Họ đặt một bó trong sân để đem ra chợ bán và giữ lại bó kia để dùng. Nhưng sáng ngày kế tiếp, bó củi trong sân lại biến mất. Điều tương tự cũng xảy ra vào ngày thứ ba và thứ tư. Người chồng bắt đầu nghĩ rằng có điều gì đó kỳ lạ đang xảy ra.
Vào ngày thứ năm, anh khoét một cái lỗ rỗng giữa bó củi trong sân và ẩn mình trong đó. Từ bên ngoài mà nhìn, bó củi trông vẫn giống như trước. Đến nửa đêm, có một sợi dây khổng lồ từ trên trời vắt xuống, móc vào bó củi và kéo nó lên trời, trong khi người tiều phu vẫn đang ở trong đó.
Đến nơi, anh nhìn thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, vẻ mặt hiền hậu đang đi đến chỗ anh. Ông lão tháo bó củi ra và khi thấy người đàn ông bên trong, ông hỏi: “Người khác mỗi ngày chỉ đốn một bó củi thôi. Tại sao con lại đốn hai bó?”
Người tiều phu cúi đầu đáp: “Thưa ông, nhà chúng con rất nghèo, nên chúng con phải đốn hai bó củi mỗi ngày. Một bó để ở nhà đun nấu và bó còn lại chúng con mang ra chợ bán. Có nó, chúng con mới có thể mua gạo nấu cháo.”
Ông lão cười nhẹ và nói với người tiều phu bằng một giọng ấm áp: “Từ lâu ta đã biết rằng hai con là một cặp vợ chồng tử tế, tiết kiệm và chăm chỉ. Ta sẽ cho các con một kho báu. Hãy mang về, nó sẽ cho con kế sinh nhai.”
Ông lão vừa dứt lời thì có bảy nàng tiên hiện ra và dẫn chàng thanh niên vào một cung điện nguy nga. Những mái hiên vàng óng và mái ngói lấp lánh của cung điện tỏa sáng rực rỡ đến nỗi, ngay khi bước vào, anh đã không thể mở mắt ra được. Bên trong cung điện trưng bày rất nhiều loại đồ vật quý hiếm mà anh chưa từng thấy trước đây. Trong một căn phòng có treo những túi tiền với đủ các hình dạng và kích cỡ, các nàng tiên hỏi anh: “Anh thích cái nào nhất? Hãy chọn bất kỳ cái nào anh muốn và mang về nhà.”
Chàng tiều phu vô cùng vui sướng: “Tôi muốn cái túi đựng tiền đó, cái có đầy những thứ quý giá và trông tròn trịa, căng phồng.” Anh chọn cái to nhất và lấy xuống.
Đúng lúc này, ông lão tóc bạc bước vào. Với vẻ mặt nghiêm nghị, ông nói với chàng thanh niên: “Con không được lấy cái đó. Ta sẽ cho con một cái túi rỗng. Mỗi ngày, con có thể lấy từ túi ra một lượng bạc, không hơn.”
Người tiều phu miễn cưỡng đồng ý. Anh nhận lấy cái túi rỗng rồi bám lấy sợi dây khổng lồ và hạ xuống đất.
Khi về đến nhà, anh đưa chiếc túi cho vợ mình và kể lại toàn bộ sự việc. Cô vô cùng vui mừng. Ban ngày, họ vẫn đi đốn củi như thường lệ. Nhưng kể từ đó, bất cứ khi nào trở về nhà sau khi trời tối, họ sẽ đóng cửa và mở túi tiền ra. Ngay lập tức, một nén bạc sẽ lăn ra với tiếng kêu leng keng. Khi họ cân trên lòng bàn tay, họ thấy nén bạc này nặng đúng một lượng.
Mỗi ngày một lượng bạc, không hơn; và người vợ đã đề dành từng nén bạc một.
Thời gian dần trôi đi. Một ngày nọ, người chồng đề nghị: “Chúng ta hãy mua một con bò.” Người vợ không đồng ý. Vài ngày sau, người chồng lại gợi ý: “Mua vài mẫu đất thì sao?” Vợ anh cũng vẫn không đồng ý. Một vài ngày nữa trôi qua, chính người vợ đã đề xuất: “Hãy xây một ngôi nhà tranh nhỏ.”
Người chồng muốn tiêu hết số bạc dành dụm bấy lâu nay nên đề nghị với vợ: “Chúng ta có rất nhiều tiền, tại sao chúng ta không xây một ngôi nhà gạch lớn nhỉ?”
Người vợ không thể khuyên can chồng và miễn cưỡng làm theo ý tưởng của anh. Người chồng đã mua gạch, ngói, gỗ, rồi thuê thợ mộc và thợ hồ. Kể từ đó, cả hai người không ai vào núi đốn củi nữa.
Rồi cũng đến một ngày, chỗ bạc của họ sắp hết, trong lúc ngôi nhà mới vẫn còn đang xây dang dở. Về phần anh chồng, từ lâu, anh đã có ý định đòi túi tiền phải cho ra nhiều bạc hơn thay vì phải chờ đến ngày hôm sau. Hôm đó, thừa lúc người vợ không hay biết, anh đã mở chiếc túi lần thứ hai. Ngay lập tức, một nén bạc trắng như tuyết khác lại leng keng lăn ra từ trong túi. Anh [tiếp tục] mở túi tiền lần thứ ba và lại có được nén bạc thứ ba.
Anh nghĩ thầm: “Nếu mình cứ tiếp tục làm như vậy, mình sẽ có thể xây xong nhà rất nhanh!” Anh đã quên lời cảnh báo của cụ già. Tuy nhiên, khi anh mở chiếc túi lần thứ tư, nó hoàn toàn trống rỗng, không một nén bạc nào rơi ra khỏi túi. Cái túi chỉ là một cái túi vải cũ kỹ. Anh quay lại nhìn ngôi nhà gạch đang xây dang dở của mình, ngôi nhà đã biến mất. Trước mặt anh giờ lại là túp lều tranh cũ của mình.
Chàng tiều phu vô cùng buồn bã. Vợ anh bước đến và an ủi: “Vợ chồng chúng ta không thể mãi dựa dẫm vào túi tiền thần kỳ được. Chúng ta hãy lại lên núi đốn củi như trước đây. Đó là kế sinh nhai của chúng ta mà.”
Kể từ đó, ngày ngày, đôi vợ chồng trẻ lại lên núi đốn củi và quay về với công việc mưu sinh vất vả như trước.
Nguồn: Epoch Times
Link bài dịch: Epoch Times Tiếng Việt
- Xem thêm:
- Bức tranh ‘Carnation, Lily, Lily, Rose’: Hành trình họa sỹ John Singer Sargent tìm lại chính mình
- Vũ điệu cung đình Trung Quốc (Phần 4): Thời kỳ Đại Đường (2)
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!