Xưa nay, các thánh nhân khi đã đắc Đạo đều trở nên thông sáng. Nguyễn Đình Chiểu cũng viết trong Ngư Tiều vấn đáp y thuật: “Có Trời thầm dụ trong lòng, tuy ngồi một chỗ suốt thông trăm đời.”
Đức Khổng tử rất khiêm cung; ngài chỉ nhận ngài là một học giả, chứ không nhận mình là thánh hiền. Ngài nói: “Như làm bậc thánh và bực nhân thì ta há dám? Nhưng làm mà không chán, dạy người mà không mỏi, ta chỉ có thể gọi được như vậy mà thôi!” (Luận ngữ, VII).
Nhưng khi bị vây ở đất Khuông, ngài mới xác nhận một cách nghiêm cẩn về thân thế mình. Ngài nói: “Văn Vương thác rồi, vẻ sáng ấy chẳng ở lại nơi ta hay sao? Nếu Trời muốn để mất vẻ sáng ấy, thì khi Văn Vương đã thác, chẳng có ban nó cho ta. Bằng Trời chưa muốn mất vẻ sáng ấy, thì người đất Khuông làm gì được ta?”
Theo Sử Ký Tư Mã Thiên, trên đường chu du liệt quốc, Đức Khổng tử đến nước Tống và giảng về lễ cho các đệ tử dưới một gốc cây lớn. Quan Tư Mã (phụ trách Bộ Binh) nước Tống là Hoàn Khôi có lẽ sợ ngài gây ảnh hưởng mà chiếm mất quyền bính của mình, cho nên sai người chặt cây đó, có ý hăm doạ muốn giết ngài. Đức Khổng tử ra đi và nói với các đệ tử: “Trời sinh đức ở ta, Hoàn Khôi làm gì ta được?”
Ngài nói rằng mình có đức của Trời, có vẻ sáng của Trời, nhắc đến sự tích Văn Vương, và sánh mình như Văn Vương là có ý nghĩa gì?
Khảo cứu Kinh Thi ta thấy Văn Vương là một vị thánh nhân đã đạt tới mức độ nhân đức cao siêu, có một đời sống liên thông với Thượng Đế. Kinh Thi viết: “Văn Vương trắc giáng, tại Đế tả hữu: Vua Văn Vương lên xuống ở bên trái phải Thượng Đế.” Tức là mường tượng như Thượng Đế sống kề cận bên mình, như nhìn thấy Thượng Đế.
“Việc Trời chẳng tiếng chẳng tăm, Nên dùng dạng thức vua Văn hiển hình, Cho muôn dân thấy mà tin.” (Kinh Thi, Văn Vương). Văn Vương chính là vẻ sáng của Thượng Đế, nói theo cách của Đạo giáo chính là hiện thân của Thượng Đế.
Đức Khổng sánh mình với Văn Vương, tức là xác nhận gián tiếp rằng ngài chính là vẻ sáng của Thượng Đế, là hiện thân của Thượng Đế, xác nhận rằng Ngài có một đời sống thánh thiện kết nối với Thượng Đế, cũng như thánh Paul nhiều lần đã công nhận Ngài có thần Chúa ở trong tâm.
Người quân tử ra làm quan là làm việc nghĩa
Khổng Tử đi hết nước này qua nước nọ, chỉ muốn đem cái đạo của mình ra giúp đời. Có lần Ngài toan sang giúp người bạn là Phật Bật. Thầy Tử Lộ can: “Ngày trước đệ tử được nghe Phu Tử dạy: Người quân tử không có nhập đảng với người nào đã làm điều bất thiện; nay người Phật Bật lấy đất Trung mâu làm sự phản nghịch mà Phu Tử lại định sang giúp là nghĩa làm sao?”
Ngài trả lời rằng: “Ta có nói điều đó thật, nhưng ta cũng nói: Vật gì đã cứng thì dẫu có mài cũng không mòn được; vật gì đã trong sạch thì dẫu có dấn vào chỗ đen, chỗ bẩn, cũng không đen không bẩn được. Ta há phải trái bàu để treo lòng thòng làm cảnh mà chẳng để ăn hay sao?”
Ý ngài nói rằng: Ngài là người ngay chính, tuy có theo giúp người Phật Bật để khiến nó bỏ tà theo chính, thì cái lòng ngay chính của Ngài vẫn không việc gì. Vả người ta có tài có trí thì phải đem ra ứng dụng ở đời, chứ có phải là vật vô dụng đâu mà để cho hẩm nát.
Đời xưa người đi học đạo của thánh hiền gọi là Nho (儒) tức là người đã học thấu suốt được lẽ trời đất và người, để dạy bảo người ta ăn ở cho phải đạo luân thường. Nho là bởi chữ Nhân đứng bên chữ Nhu mà thành ra. Nhân là người, nhu là cần dùng, tức là một hạng người bao giờ cũng cần dùng đến để giúp cho dân trăm họ biết đường mà ăn ở và hành động cho hợp lẽ trời.
Chữ Nhu lại có nghĩa là chờ đợi, tức là người học giỏi, đợi người ta cần đến. Bởi vậy những người nho học đều là người chực ra cáng đáng việc đời, để làm ích quốc lợi dân.
Bởi thế mới hiểu tại làm sao Khổng Tử cứ phải đi chu du thiên hạ để cầu ra xuất chính. Khổng Tử là người theo đạo Nho, bao nhiêu tư tưởng và sự học tập của ngài cốt đem thực hành ra ở xã hội, làm ích lợi cho xã tắc. Cho nên thầy Tử Lộ nói rằng: “Người quân tử ra làm quan là làm việc nghĩa vậy” (Luận Ngữ, Vi tử).
Tình thế nước Tàu lúc bấy giờ rất là rối loạn, lòng người ngao ngán. Thế sự điên đảo tưởng không sao vãn hồi lại được, người thì chủ nghĩa yếm thế, phó mặc sự đời, ẩn dật an nhàn vui thú. Người thì theo cái chủ nghĩa phóng túng không thiết gì đến cương thường đạo lý nữa.
Khổng Tử biết rằng những điều biến loạn trong trời đất, xã hội không có điều gì là vô duyên vô cớ, chẳng phải một sớm, một tối mà thành ra được mà bởi căn nguyên tích tụ từ lâu. Ngài nói rằng: “Tôi giết vua, con giết cha, không phải một buổi sớm, một buổi tối; cái căn do dần dần đã lâu mà thành ra vậy. Bởi vì những kẻ lo liệu phòng bị những việc ấy, không biết lo liệu phòng bị sớm” (Dịch: Văn ngôn truyện).
Nếu những người có trách nhiệm đến vận mệnh của xã hội biết lo xa, biết tìm cách ngay chính mà sửa đổi lòng người lại, thì cuộc loạn lạc có thể cải trị được. Vậy nên Khổng Tử chủ tâm về việc giáo hóa và cải tổ chính trị. Ngài cho người ta đã sinh ra ở đời, ai cũng có cái nghĩa vụ đối với đời. Người nào bỏ việc đời không nghĩ đến là làm điều trái với đạo người, cho nên ngài càng thấy thế sự rối loạn bao nhiêu, lại càng muốn ra sức sửa đổi bấy nhiêu.
Thiên hạ có đạo thì đâu cần Thánh nhân
Thuở ấy có người biết thời cơ không thể làm gì được, mà thấy ngài cứ cố tìm cách sửa đổi, cho nên mới chê rằng: “Biết không thể làm được mà cứ làm” (Luận Ngữ: Hiến vấn). Lại có người nói rằng: “Ào ào như nước chảy một chiều, thiên hạ đều thế cả, ai mà theo mình để sửa đổi được loạn ra trị?” Ngài nói rằng: “Thiên hạ hữu đạo Khâu bất dữ dịch dã: Thiên hạ có đạo thì Khâu này còn dự đến việc thay đổi làm gì” (Luận Ngữ: Vi tử).
Muốn làm việc thay đổi trong thiên hạ thì tất phải có quyền thế mới làm được, chứ chỉ dùng lời nói thì khó thành sự. Cho nên ngài không muốn giữ cái địa vị cao quý làm ông thầy dạy học an phận mà bôn ba khắp nơi, muốn gặp ông vua nào biết trọng dụng, giao quyền bính cho ngài để sửa đổi phong tục và chính trị, làm cái gương cho các nước khác bắt chước.
Chủ ý của Khổng Tử là muốn hành đạo, chứ không phải cầu lấy danh lợi. Ngài tin rằng nếu cái đạo của ngài mà thi hành ra được thì tất thế nào cũng hay, cho nên ngài quả quyết mà nói rằng: “Nếu ai dùng ta, thì trong một năm đã khá, ba năm ắt thành” (Luận Ngữ, Tử Lộ).
Khổng Tử ngắm cảnh tượng của tạo hóa mà xét việc cổ kim, thấu hiểu lẽ biến hóa của trời đất. Ngài muốn người ta theo cái đạo ấy mà hành động, lấy nhân sự mà điều hòa theo thiên lý thành đạo thái hòa trong vũ trụ, vậy là thành bậc nhân. Cho nên cuộc đời Ngài toàn hướng về sự hoàn thiện, cốt là để thực hiện sự hoàn thiện: và dạy cho mọi người con đường hoàn thiện. “Cầu điều nhân được điều nhân thì còn oán trách gì nữa?”
Người nào tu dưỡng đến bậc nhân, thì trí tuệ sáng suốt, xem xét điều gì cũng biết rõ thực hư, hành vi bao giờ cũng hợp với Thiên lý. Người chí thành tức là người đã khiến mình trở nên thuần túy như nguyên tính của Trời phú cho cho nên mới gọi là thánh. Đạo Khổng chung quy là vậy. Những điều hiếu nghĩa, lễ trí, trung tín đều bởi đó mà ra.
Đức Khổng hiểu rõ sứ mệnh của mình là một vị thánh nhân có một đời sống hoàn thiện, nối kết với Thượng Đế, muốn giúp nhân quần sáng ngọn đuốc lương tâm nhân loại, để đem an bình lại cho thiên hạ muôn đời. Vì vậy mà đức Khổng có lần ví mình như một người đánh xe, đánh xe đạo lý để đưa muôn triệu người tới tinh hoa, tới hoàn thiện (Luận ngữ). Vì vậy mà quan tể đất Nhi đã ví Ngài như chiếc mõ gỗ, mõ gỗ để rao truyền chân lý cho vang dậy khắp muôn phương…
Sơn hà gặp buổi lao lung, càng cao tiết ngọc, càng bừng vẻ son
Trong dòng sông dài của lịch sử, để duy trì đạo đức của con người, các thánh nhân hạ thế để quy chính nhân tâm, ngăn không để con người rơi vào hủy diệt, đồng thời dẫn dắt nền văn minh của con người phát triển và hoàn thiện. Chẳng hạn, Moses và Jesus ở phương Tây, Lão Tử ở phương Đông, Thích Ca Mâu Ni ở Ấn Độ, hay Socrates của Hy Lạp cổ đại chính là những vị như thế.
Thánh nhân là bậc trên hiểu thiên mệnh, dưới khai sáng nhân văn như Bàn Cổ, Nữ Oa, Phục Hy, Thần Nông, v.v.; cho đến những Thánh Vương dùng thân người để giáo hóa dân chúng như Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ.
Các đấng thánh nhân, các vị giáo chủ thường biết rõ thân thế và sứ mạng mình. Phật xưng mình là Phật đã thành. Chúa Jesus xưng mình là con Thiên Chúa, Thánh Phaolô xưng có Thần Chúa trong mình. Xưa nay, các thánh nhân khi đã đắc Đạo đều trở nên thông sáng. Nguyễn Đình Chiểu cũng viết trong Ngư Tiều vấn đáp y thuật: “Có Trời thầm dụ trong lòng, tuy ngồi một chỗ suốt thông trăm đời.”
Bậc thánh nhân đức độ siêu việt, có một đời sống nội tâm dồi dào và thâm thúy như vậy rồi, thì dẫu có sống trong nghịch cảnh cũng không nản lòng. Văn Thiên Tường cũng viết trong bài Chính Khí Ca rằng:
“Anh hoa chính khí đất trời
Khoác hình vật chất khắp nơi vẫy vùng
Tràn mặt đất tuôn sông kết núi
Vút trời mây chói lói trăng sao
Trần ai lẩn bóng anh hào
Muôn ngàn khí phách rạt rào tầng xanh
Thuở non nước thanh bình khắp chốn
Nét đan thanh chóng lộn bệ rồng
Sơn hà gặp buổi lao lung
Càng cao tiết ngọc, càng bừng vẻ son”
Vào những giai đoạn thế cục biến loạn, dân tình khổ sở, đạo đế vương mờ tối, cương thường đổ nát, nhân quần rối loạn, lòng người ngao ngán, thế cuộc điên đảo quá nỗi tưởng không sao vãn hồi lại được, người ta phó mặc cho chủ nghĩa phá hoại, người đời say đắm về đường danh lợi, không thiết gì đến nhân nghĩa, cương thường đạo lý nữa, là lúc Thánh nhân xuất hiện, thay Trời hành Đạo, cứu thế mà biến đổi thời đại vô đạo ra thời đại hữu đạo.
Xưa nay, phàm khi Thánh nhân xuất hiện thì đều bị người đời không tin, chê cười, phỉ báng. Vậy nên Chúa Jesus nói: ‘Phúc cho ai không thấy mà tin’!
Đan Thư
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!