Trong lòng có thiện niệm, Trời Đất đều biết chăng? Thiện niệm có thể khởi tác dụng to lớn không? Người xưa đã lưu truyền lại rất nhiều câu chuyện thiện tâm cứu giúp người, lưu lại cho chúng ta những tấm gương sáng ngời, mang theo năng lượng lớn mạnh truyền mãi không thôi.
Người “trán đen” đảo ngược kiếp nạn sinh tử
Đây là câu chuyện xảy ra ở huyện Kim Lăng vào thời nhà Thanh. Hôm đó có mấy chục người cùng ngồi thuyền qua sông, thuyền ra đến giữa sông đột nhiên có một trận gió to nổi lên, từng trận nối tiếp kéo tới. Trong lúc khẩn cấp, chợt trên không trung truyền tới tiếng nói rằng: “Người trán đen!”
Trên con thuyền này quả thực có một người “trán đen”. Người đó thầm nghĩ: “Những vị ở trên không trung đó đã chỉ đích danh của mình, mình sao có thể liên lụy đến mọi người được?” Thế là người này tự mình nhảy xuống sông. Ngay trong khoảnh khắc ấy, chiếc thuyền cũng lập tức bị gió lớn lật úp xuống sông.
Sau khi người trán đen nhảy xuống nước, một khúc gỗ trôi đến bên cạnh ông, ông bèn bám vào khúc gỗ trôi dạt vào bờ, kết quả là may mắn thoát chết.
Mọi người biết chuyện ông đã tránh được tử kiếp, đều rất đỗi ngạc nhiên và khó hiểu, bèn rối rít hỏi ông phải chăng thường ngày làm việc thiện tích đức gì.
Ông nói: “Đời tôi cũng không làm việc thiện gì cả, chẳng qua là luôn nhắc nhở bản thân rằng sinh mệnh con người bị hủy hoại bởi một chữ ‘tham’; cho nên chỉ cần trong lòng tôi vừa khởi tham niệm, thì tôi dùng ‘đạo lý suy bụng ta ra bụng người’ để áp chế cái ‘tham’ niệm kia xuống, hoặc những lợi ích không chính đáng thì đều không nhận.”
Trong cuộc sống thường ngày, mỗi ngày người trán đen này đều luôn thực hiện “đạo lý lấy bụng ta mà suy bụng người”, khi gặp chuyện luôn đặt mình vào hoàn cảnh người khác mà suy nghĩ, đây chẳng phải là đang tu hành sao? Ông có thể dùng “đạo lý suy bụng ta ra bụng người” để không tham sống sợ chết. Ở trên thuyền giữa sông, ông chấp nhận vận mệnh, với suy nghĩ vì người khác, ông đã buông bỏ sinh mệnh của mình. Loại ý chí thản nhiên đối mặt với sinh tử này đã không còn là cảnh giới của người bình thường nữa, kết quả ngược lại, đã giúp ông tìm được đường sống trong kiếp nạn.
Hòa thượng dùng thiện niệm hóa giải mối oán thù kiếp trước
Có một vị hòa thượng tu hành trong một ngôi chùa nọ, tự giữ mình trong sạch thuần khiết, tu hành rất tinh tấn.
Lúc bấy giờ nạn trộm cướp nổi lên khắp nơi. Một đêm, hòa thượng nằm mộng thấy Thần nói cho ông biết: “Ngày mai là tử kỳ của ngươi. Có một tên cướp cưỡi con ngựa trắng, tên là Chu Nhị, hắn là kẻ thù kiếp trước của ngươi, nghiệp báo này không thể tránh được.”
Trong mộng, vị hòa thượng cầu khẩn: “Hãy niệm tình tôi kiếp này cố gắng tu hành làm việc thiện, cầu Thần linh rủ lòng cứu giúp.”
Vị Thần trả lời: “Ta không thể cứu ngươi, ngươi chỉ có thể dựa vào chính mình mà tự cứu.”
Hôm sau trời vừa sáng, quả nhiên có đám cướp tiến vào núi rồi bắt giữ hòa thượng, tra hỏi ông tiền của và phụ nữ ở đâu, đồng thời uy hiếp hòa thượng dẫn đường đưa bọn chúng đi tìm.
Hòa thượng nhìn thấy tên cầm đầu đúng là cưỡi con ngựa màu trắng, đột nhiên nghĩ rằng: Hiện giờ mình chịu nghiệp báo chắc chắn là phải chết rồi, nếu như còn dẫn bọn cướp đi cướp bóc tiền của, cưỡng bức phụ nữ, thì nghiệp càng thêm nghiệp! Nghĩ như thế, hòa thượng bèn lớn tiếng nói với tên cướp: “Ta sẽ không dẫn ngươi đi, ngươi không phải là Chu Nhị sao? Ta ắt sẽ bị ngươi giết chết, ngươi cứ việc giết ta.”
Tên cướp kia kinh hãi nói: “Sao ông có thể biết được tên của ta? Nhất định là Thần tăng!”
Hòa thượng bèn kể hết những gì gặp được trong mộng cho tên cướp nghe. Tên cướp buông cây gậy gỗ xuống rồi thở dài nói: “Oán oán tương báo biết đến bao giờ mới kết thúc? Vị Thần kia nói không cứu ông, trên thực tế là đang cứu ông rồi; ông không dẫn đường cho ta, chính là tự cứu mình. Chúng ta hãy đem thù oán của kiếp trước kia hóa giải, có gì là không thể chứ?”
Nói xong tên cướp hướng về tượng vị Thần trong chùa bái lạy rồi bỏ đi. Giờ khắc này, một mối oán thù của kiếp trước ở trong trời đất đã được hóa giải.
Bầy chim sẻ có linh tính để lại dấu ấn cảm ơn trên thân người
Ở huyện Trấn Giang, vợ của một người họ Phạm nọ mắc bệnh lao phổi đã cận kề cái chết. Có một vị thầy thuốc nói với người họ Phạm rằng: “Dùng 100 con chim sẻ nghiền thành bột chế thành thuốc, uống trong 36 ngày, qua ngày 37 thì uống não chim sẻ, thì sẽ khỏi hẳn. Nhớ kỹ, phương thuốc này dù là thiếu một con chim cũng không thể được.”
Người họ Phạm liền theo lời của thầy thuốc bắt đầu đi bắt chim sẻ. Sau khi người vợ biết chuyện thì vô cùng tức giận, nói với chồng rằng: “Chỉ vì một cái mạng của thiếp mà đi tàn sát động vật, giết trăm cái mạng khác; thiếp thà rằng chịu chết, cũng tuyệt đối không làm việc như vậy.”
Người họ Phạm nghe vậy bèn mở lồng thả bầy chim sẻ bay đi. Không bao lâu sau, bệnh của người vợ vậy mà tự nhiên khỏi hẳn, hơn nữa còn mang thai sinh được một bé trai. Lúc đứa bé được sinh ra, trên hai cánh tay của bé có những đốm đen, giống như hình dáng của chim sẻ vậy.
Giữ lại người thiếp bệnh tật, Ngô gia được phúc báo
Một người dân thường nọ tên là Ngô Thứ Lỗ, 50 tuổi, ông có một người con trai tên là Quốc Ngạn đã lập thân. Quốc Ngạn cảm thấy mình gầy yếu, khó lòng có con nối dõi, cho nên muốn phụ thân tiếp tục sinh thêm con để nối dõi tông đường. Anh bèn nhờ mẫu thân chuyển lời của mình với phụ thân.
Sau khi biết, Ngô Thứ Lỗ nói: “Nhà chúng ta vốn nghèo, có con là đủ rồi, cần gì phải muốn nhiều hơn?”
Mẫu thân và Quốc Ngạn bèn âm thầm bàn bạc đem quần áo và trang sức bán đi, tích góp tiền mua một người thiếp. Ai ngờ người thiếp được mua về lại là người gầy yếu mắc bệnh nặng.
Thầy thuốc nói bệnh của nàng chữa không hết được, nhưng nếu cố gắng tranh thủ bán đi, thì còn có thể bán được chút tiền.
Hai mẹ con Quốc Ngạn liền tìm người mối lái, muốn đem người thiếp bán đi cho người khác. Khi hai bên thương lượng xong xuôi thì Ngô Thứ Lỗ mới biết, ông nói: “Mua thiếp không phải là ý muốn của ta, ta chẳng hay biết gì mà đã làm ra một việc sai trái rồi. Sao có thể lại đi làm hại người khác được chứ? Hơn nữa người thiếp này ở lại nhà chúng ta còn có hy vọng sống sót, nếu ra khỏi nhà chúng ta thì sẽ không có cơ hội sống nữa rồi. Mà bán nàng đi bất quá chỉ thu được 10 đồng tiền, sao nhẫn tâm vứt bỏ nàng ấy được?”
Ngô Thứ Lỗ bèn đem tình hình của người thiếp nói cho người mua, rồi trả lại tiền cho họ, chấm dứt chuyện mua bán thiếp. Không ngờ bệnh tình của người thiếp từ đó ngày càng chuyển biến tốt, hơn nữa còn mang thai, không lâu sau thì sinh được một người con trai cho Ngô gia.
Trên đây là những câu chuyện có thực, sức mạnh của một niệm thiện lương có thể tỏa ra ánh quang huy sáng lạn, đem đến những điều tốt lành.
Nguồn tư liệu: “Đức Dục Cổ Giám”
Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!