Danh họa Ingres thể hiện kỹ năng hội họa điêu luyện trong các yếu tố tả thực lộng lẫy.
Hai mỹ nhân nổi tiếng của xã hội Paris giữa thế kỷ 19 là Louise de Broglie, Nữ bá tước d’Haussonville, và Joséphine-Eléonore-Marie-Pauline de Galard de Brassac de Béarn, Công chúa de Broglie. Hai mỹ nhân này là “les belles-sœurs,” nghĩa là chị em dâu, và mỗi người đều trở nên bất hủ trong bức chân dung kiều diễm của danh họa người Pháp Jean-Auguste-Dominique Ingres. Các bức tranh này hiện được lưu giữ lần lượt tại Bảo tàng The Frick Collection và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và là biểu tượng của các bảo tàng này, thường được sử dụng với vai trò là hình ảnh quảng bá, và được du khách yêu mến.
Danh họa Ingres được các học giả tôn vinh là họa sĩ vẽ chân dung xuất sắc thế kỷ 19, và là một trong những họa sĩ vẽ phác thảo vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật. Ông được đào tạo theo phong cách Tân cổ điển, thụ nghiệp họa sĩ Jacques-Louis David. Dựa trên nền tảng Tân cổ điển này, danh họa Ingres đã phát triển phong cách nguyên bản, độc đáo của riêng mình. Từ các yếu tố của Trường phái lãng mạn và các mẫu thiết kế Trung Đông, ông luôn sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật tinh tế và đẹp mắt. Kỹ năng phác thảo chính xác của họa sĩ Ingres cho thấy ông được đào tạo trường phái tân cổ điển dưới thời danh họa David. Tuy nhiên, những đường nét cách điệu và độ kéo giãn theo giải phẫu đã khẳng định nét riêng của ông và tạo tiền đề cho phong trào Lãng mạn trong nghệ thuật sau này.
Những đặc điểm phong cách cơ bản này có thể được tìm thấy trong các bức chân dung lộng lẫy của Nữ bá tước d’Haussonville và Công chúa de Broglie của danh họa Ingres. Các bức chân dung này được vẽ vào cuối đời của họa sĩ, khi ông đã ở trên đỉnh cao sự nghiệp nghệ thuật của mình.
Nữ bá tước duyên dáng
Các nghiên cứu cho bức chân dung Nữ bá tước D Haussonville được danh họa Jean-Auguste-Dominique Ingres thực hiện từ năm 1842−1845. Tranh vẽ bằng than chì và phấn đen trên giấy màu kem được dán lên một tờ giấy làm từ cây dâu tằm. (Ảnh: Art Renewal Center)
Danh họa Ingres miêu tả nữ bá tước trong khuê phòng được bày trí sang trọng. Bà đứng dựa vào chiếc lò sưởi bọc nhung, và có vẻ như bà mới về nhà sau khi thưởng thức đêm nhạc kịch. Ống nhòm xem nhạc kịch và chiếc túi dạ hội nằm trên lò sưởi, chiếc áo choàng cởi ra và đặt trên ghế. Những trang phục này và đồ nội thất trong căn phòng được miêu tả thanh thoát như chủ thể của bức chân dung vậy.
Tác phẩm là một bản giao hưởng của các gam màu xanh lam với điểm nhấn màu vàng và màu đỏ sẫm, ấm áp — tất cả được tạo nên từ nét vẽ liền mạch, chính xác. Chiếc vòng tay và nhẫn vàng của nữ bá tước được đính ngọc lam, mang lại một tông xanh lam khác. Chiếc nhẫn hình con rắn của bà [thiết kế] theo phong cách “à la Cléopatre.” Cơn sốt văn hóa Ai Cập cổ đại quét qua Pháp quốc theo sau chiến dịch Ai Cập của Napoléon khi bước sang thế kỷ mới, tiếp diễn trong suốt thế kỷ 19 và sau đó nữa, đặc biệt ảnh hưởng đến lĩnh vực nghệ thuật trang sức.
Mặc dù ánh mắt trầm ngâm và lôi cuốn của nữ bá tước thu hút người thưởng lãm tranh, nhưng bà vẫn toát lên vẻ bí ẩn quyến rũ. Bức chân dung hoàn thiện được giới phê bình hết sức khen ngợi, và được nữ bá tước xem như báu vật cho đến khi lâm chung.
Nàng công chúa mộ đạo
Bức chân dung “Joséphine-Eléonore-Marie-Pauline de Galard de Brassac de Béarn (1825–1860), Princesse de Broglie” (Joséphine-Eléonore-Marie-Pauline de Galard de Brassac de Béarn (1825–1860), Công chúa de Broglie) của danh họa Jean Auguste Dominique Ingres, năm 1851–1853. Tranh sơn dầu trên vải canvas; kích thước: 47 3/4 inch x 35 3/4 inch (~ 121 cm x 91 cm). Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Thành phố New York. (Ảnh: Tài liệu công cộng)
Thành công vang dội của bức chân dung nữ bá tước đã truyền cảm hứng cho anh trai bà, ông Albert de Broglie, đặt hàng họa sĩ này vẽ chân dung cho vợ ông vài năm sau khi họ kết hôn. Lịch sử lặp lại: Ban đầu, danh họa Ingres không muốn nhận lời, nhưng sau đó ông đã nhường bước, bức chân dung hoàn tất nhận được lời tán tụng và hoan nghênh như một kiệt tác hội họa.
Nàng công chúa de Broglie trẻ tuổi rất được kính trọng nổi tiếng là người bẽn lẽn, là một tín đồ Công Giáo ngoan đạo kiêm tác giả của một số cuốn sách về Cơ Đốc Giáo. Trong bức chân dung gần cuối này của mình, danh họa Ingres thể hiện tấm lòng mộ đạo của bà thông qua mẫu hoa văn dấu thánh giá trên mặt dây chuyền vàng. Mặt dây chuyền này có hình dạng giống như bulla, một loại bùa hộ mệnh của người La Mã cổ đại. Mặt dây chuyền có thể được nghệ nhân trang sức người La Mã Fortunato Pio Castellani chế tác, người đã khởi xướng phong cách trang sức phục hưng khảo cổ học vào giữa thế kỷ 19; hoặc được hãng trang sức Mellerio dits Meller của Pháp quốc chế tác. Hãng Mellerio dits Meller thành lập vào thế kỷ 17 và hiện là hãng trang sức lâu đời nhất trên thế giới. Danh họa Ingres đích thân lựa chọn chuỗi vòng ngọc trai mà công chúa đeo, và bố trí chính xác dáng đeo tao nhã của dây chuyền. Các đồ trang sức này, cùng với đôi hoa tai bằng hạt ngọc trai cũng như chiếc vòng tay nạm kim cương và hồng ngọc trong bức chân dung, vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong gia tộc của công chúa.
Tương tự, các yếu tố bố cục chủ yếu trong bức tranh của nữ bá tước cũng được tìm thấy trong bức chân dung này của công chúa. Một lần nữa, màu xanh lam nổi trội trên nền vải canvas, với chiếc váy dạ hội tinh xảo bằng vải satin, tuy nhiên màu xanh lam ở đây là tông màu lạnh, độ mát của màu được cân bằng lại bằng chiếc ghế bọc lụa màu vàng. Khung váy phồng lớn đóng vai trò như chiếc áo giáp, để người thưởng lãm tranh không đến quá gần người phụ nữ e thẹn và bí ẩn này.
Trong khung cảnh hết sức riêng tư này, công chúa tạo dáng yêu kiều khi bà [đứng] dựa vào đồ vật, lần này là một chiếc ghế chất đầy vật dụng: chiếc khăn choàng thêu màu vàng, chiếc quạt khảm xà cừ, đôi găng tay, và áo choàng không tay bằng vải nhung đen có đường viền trang trí, chuỗi hạt cườm màu đen, những chùm lông vũ. Danh họa Ingres thể hiện kỹ năng hội họa điêu luyện của mình trong các yếu tố tả thực được miêu tả lộng lẫy này. Trường phái tả thực của bức tranh được cân bằng với các hình dạng phẳng dẹt và thon dài đánh lừa [thị giác].
Bà Kathryn Calley Galitz, một học giả về nghệ thuật Pháp cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, đã viết: “Việc miêu tả điêu luyện nhiều nếp gấp trên váy lụa của công chúa, chiếc ghế bằng gấm hoa chần bông, và những chiếc lông cò marabou trên đồ cài tóc đối lập với đôi tay thon dài không tự nhiên, những ngón tay trông như không có xương, và khuôn mặt được lý tưởng hóa của bà.”
Khuôn mặt trái xoan quý phái như sứ của công chúa, nổi bật với đôi mắt sâu mang vẻ u sầu — dự đoán trước rằng vài năm sau khi bức tranh này hoàn thành, bà mắc chứng lao phổi và qua đời, để lại phía sau năm người con trai và phu quân tàn tạ, người đã dùng tấm vải để che bức tranh của bà trong suốt quãng đời còn lại của mình.
‘Cô gái bích chương’ của bảo tàng
Cả hai bức chân dung “Louise, Công chúa de Broglie, về sau là Nữ bá tước d’Haussonville” và “Joséphine-Eléonore-Marie-Pauline de Galard de Brassac de Béarn (1825–1860), Công chúa de Broglie” đều thuộc sở hữu của những gia tộc này mãi đến thế kỷ 20. Trong suốt khoảng thời gian đó, các bức chân dung thỉnh thoảng được trưng bày ở các buổi triển lãm, và việc thưởng lãm tranh đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ nổi tiếng cũng như công chúng. Sau khi người con út của nữ bá tước qua đời, bức chân dung của bà được đưa vào Bảo tàng The Frick Collection thông qua phòng trưng bày Wildenstein vào năm 1927. Kể từ đó, bức tranh được vinh dự xuất hiện trên trang bìa tạp chí “Life” và thường được biết đến với tên gọi “Cô gái bích chương” của The Frick. Bức chân dung của công chúa được lưu truyền trong gia tộc bà cho đến khi bức tranh cũng được bán cho chủ ngân hàng người Mỹ Robert Lehman thông qua phòng trưng bày Wildenstein. Ông Robert Lehman đã tặng bộ sưu tập nghệ thuật của mình cho Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan vào năm 1958.
Danh họa Ingres từng nói rằng vẽ chân dung phụ nữ là việc khó làm nhất: “Đó là điều viển vông. Điều này đủ khiến một người phải rơi lệ.” Nhưng cho dù ông phản đối và miễn cưỡng nhận lời ủy thác của Haussonville và Broglie như thế nào đi nữa, thì ông đã sáng tác những bức chân dung lôi cuốn của hai mỹ nhân mang vẻ bí ẩn tiếp tục làm say lòng chúng ta thời nay.
Thu Quý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
[ https://etviet.com/ ]- Xem thêm:
- Bức tranh ‘Carnation, Lily, Lily, Rose’: Hành trình họa sỹ John Singer Sargent tìm lại chính mình
- Vũ điệu cung đình Trung Quốc (Phần 4): Thời kỳ Đại Đường (2)
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!