Hơn 2,500 năm trước, bạo chúa Phalaris của vùng đảo Sicilia với bản chất khát máu, hắn lạm dụng khổ hình để trấn áp dân chúng. Để thỏa mãn sự lạm dụng uy quyền của mình, hắn ra lệnh rằng người nào có thể dâng lên loại công cụ tra tấn thú vị nhất thì người đó sẽ được trọng thưởng.
Vì để có được phần thưởng, một người thợ tay nghề khéo léo đã chế tạo ra hình cụ trâu đồng. Kết quả là người chế tạo ra hình cụ trâu đồng này đã bị tra tấn đầu tiên, trở thành phiên bản phương Tây của “Mời anh vào chum”. Dọc theo quá trình phát triển của nền văn hóa, chúng tôi xin được giới thiệu về các câu chuyện “Mời anh vào chum” của phương Đông và phương Tây.
Vào năm Vĩnh Thuần thứ hai (năm 683), Đường Cao Tông Lý Trị băng hà, hoàng thái tử Lý Hiển kế vị, gọi là Đường Trung Tông. Thái hậu Võ Tắc Thiên lâm triều xưng chế, nắm giữ đại quyền trong triều, rất nhiều đại thần không muốn quy thuận bà.
“Mời anh vào chum” phiên bản phương Đông
Sau cuộc phản loạn thất bại của Anh Quốc Công Lý Kính Nghiệp, Võ Tắc Thiên với mục đích diệt trừ thế lực của Lý Đường Tông nên khuyến khích tố giác. Khi đó, Chu Hưng đảm nhiệm chức Thượng thư đô sự của Thượng thư tỉnh, tích cực tham gia tố giác, do vậy mà thăng chức rất nhanh.
Ông ta đã phát minh ra rất nhiều cực hình tàn khốc, khiến tội phạm vừa nhìn thấy hình cụ thì” run rẩy đổ mồ hôi, tự mình nhận tội oan”. Dưới sự vu cáo hãm hại và cực hình bức cung của Chu Hưng, rất nhiều hoàng thân quốc thích và đại thần đã bị tra tấn đến chết. Chu Hưng cùng với ác thần Lai Tuấn Thần cấu kết với nhau làm việc xấu, hại chết rất nhiều người bằng cách thêu dệt tội danh, vu cáo hãm hại và sử dụng cực hình.
Người xưa thường nói rằng: “Làm nhiều việc bất nghĩa ắt tự hại mình”, Chu Hưng dựa vào việc tố giác mà có được quyền thế, không ngờ rằng đến cuối cùng lại bị người ta vạch trần tố giác. Vào năm Thiên Thụ thứ hai (năm 691), Võ Tắc Thiên nhận được một bức mật thư, có người tố giác rằng Chu Hưng và Khâu Thần Tích đang cấu kết với nhau, chuẩn bị mưu phản. Võ Tắc Thiên nổi giận lôi đình, hạ lệnh cho ác thần Lai Tuấn Thần thẩm tra.
Ngày hôm đó, Lai Tuấn Thần trong lúc dùng cơm cùng với Chu Hưng đã nói đến chuyện xử án, hắn ta nói:”Hiện nay rất nhiều phạm nhân không chịu nhận tội, nên dùng biện pháp nào đây?” Chu Hưng đáp:” Chuyện này đơn giản thôi. Ông lấy một cái chum lớn, xung quanh chất đầy than rồi châm lửa đốt nó, đem phạm nhân bỏ vào trong chum, xem hắn còn chuyện gì không dám thừa nhận?”
Liền sau đó, Lai Tuấn Thần sai người đi tìm một cái chum lớn đến, theo cách của Chu Hưng chất đầy than củi rồi đốt cái chum: Tiếp đó, hắn đứng dậy nói với Chu Hưng rằng: “Có người tố giác huynh mưu phản, thái hậu ra lệnh cho ta phải điều tra nghiêm ngặt. Mời lão huynh chui vào trong chum đi”. Chu Hưng nghe thấy vậy thì hoảng hốt kinh sợ, vội vàng dập đầu xin tha mạng.
Nhớ lại lúc đầu có bao nhiêu người vì sợ những cực hình do Chu Hưng phát minh mà đã nhận tội oan. Chu Hưng cuối cùng cũng không thoát được khỏi hình thức bức cung do chính mình phát minh ra, bị lưu đày đến Lãnh Nam, giữa đường bị kẻ thù giết chết.
Câu chuyện lịch sử này về sau phát triển thành một thành ngữ cố định” mời anh vào chum”, ví von việc dùng cách của một người nào đó để trừng trị chính người đó, cũng chính là kết quả của việc làm nhiều điều bất nghĩa của Chu Hưng.
Nền văn hóa của phương Đông và phương Tây trong sự diễn dịch của lịch sử, tuy ngôn ngữ bất đồng, tín ngưỡng khác biệt, nhưng các giá trị phổ quát truyền đạt lại thường khiến người đời sau kinh ngạc thán phục bởi sự kỳ diệu về”phương thức khác nhau nhưng hiệu quả như nhau” trong đó.
Trên vùng đảo Sicilia có một thành phố gọi là Acragas (nay là Agrigento), trước đây thuộc quyền cai trị của bạo chúa Phalaris (tại vị từ năm 570 TCN đến năm 554 TCN). Người này bản chất tàn bạo, thích tra tấn và giết chóc, ông ta lạm dụng bạo lực và cực hình để trấn áp dân chúng. Khi hình phạt thông thường không còn thỏa mãn được “thú vui” của mình, ông ta tìm người “hiến kế”, ai có thể hiến lên loại hình cụ thú vị nhất thì sẽ được trọng thưởng.
“Mời anh vào chum” phiên bản phương Tây
Ở thành phố Athens dưới thời Hy Lạp cổ đại có một người thợ tay nghề khéo léo tên là Perillus. Để được trọng thưởng, anh ta vắt óc chế tạo ra một dụng cụ tra tấn hình con trâu bằng đồng rỗng ruột, hiến lên Phalaris, đồng thời giới thiệu phương pháp sử dụng cụ thể của nó. Trâu đồng sau khi được nung đỏ thì tiếng kêu thảm thiết của người bị tra tấn ở bên trong truyền ra ngoài giống hệt như tiếng thét của một con trâu, cuối cùng người bị tra tấn sẽ bị thiêu sống đến chết.
Để thử nghiệm công cụ tra tấn này, Phalaris đã ra lệnh trước tiên nhốt Perillus lại. Sau đó, người bị tra tấn đầu tiên của hình cụ trâu đồng này lại chính là Perillus-người đã chế tạo ra nó.
Perillus là người có tài năng, nhưng lại không dùng tài trí của mình vào việc tạo phúc cho người, làm vinh quang tài năng mà Thượng đế đã ban tặng, mà ngược lại dùng nó để chế tạo ra công cụ tàn hại mạng người. Kết quả, anh ta trở thành người đầu tiên bị chính công cụ tra tấn trâu đồng của mình xử tử.
Trong “Thần khúc” của Dante, hình cụ trâu đồng nổi tiếng xấu xa này được gọi là”trâu đực của Sicilia”
Sự bạo hành của bạo chúa Phalaris đã khơi dậy sự phẫn nộ của nhân dân,cuối cùng hắn bị chính nhân dân của mình lật đổ, bắt giữ và bị thiêu chết sau khi bị ném vào trong trâu đồng. Làm nhiều việc bất nghĩa ắt tự hại mình, trong quan niệm phổ quát của phương Đông và phương Tây, điều này giống nhau một cách kì lạ như vậy.
Nguồn tư liệu: Thái bình quảng ký, quyển 121, Tư trị thông giám – Đường kỉ – Tắc Thiên Hoàng Hậu năm Thiên Thụ thứ 2, Cựu Đường thư, quyển 186
Nguồn: Epoch Times
Link bài dịch từ Epoch Times Tiếng Việt
- Xem thêm:
- Bức tranh ‘Carnation, Lily, Lily, Rose’: Hành trình họa sỹ John Singer Sargent tìm lại chính mình
- Vũ điệu cung đình Trung Quốc (Phần 4): Thời kỳ Đại Đường (2)
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!