Kỳ công thứ hai của Hercules và bức tranh in của họa sỹ Michel Dorigny

ky quan minh chan tuong
Giống như Hercules, chúng ta có muôn vàn thử thách phải vượt qua. (Ảnh: Oleg Senkov/Shutterstock)

Chúng ta sẽ tiếp tục hành trình khám phá 12 kỳ công của Hercules. Trong phần trước của loạt bài này, chúng ta đã thấy Hercules đánh bại mãnh sư Nemea. Chúng tôi dự định sẽ tìm hiểu từng kỳ công mỗi tháng cho đến cuối năm. Vì vậy, hãy tham gia cùng chúng tôi trong hành trình khám phá một trong những câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể trong lịch sử của nền văn minh Tây phương.

Kỳ công thứ hai của Hercules

Theo sử gia Apollodorus, ở nhiệm vụ thứ hai, Vua Eurystheus hạ lệnh cho Hercules tiêu diệt con rắn chín đầu Hydra. Quái vật Hydra sống trong đầm lầy nhưng thường xuyên trườn lên các vùng đất canh tác, giết hại gia súc, và phá hoại sinh kế của người dân. Mùi hôi thối khủng khiếp và máu độc của Hydra khiến nguồn nước xung quanh vùng đất canh tác bị ô nhiễm. Đã đến lúc Hercules phải tiêu diệt con quái vật này.

Hercules lên đường cùng cháu trai Iolaos để truy tìm con quái vật. Họ lần tìm ra hang ổ của nó nằm cạnh một dòng suối. Hercules ném những cục than hồng rực lửa vào bên trong để dụ con mãng xà chui ra khỏi hang.

Ngay khi Hydra xuất hiện, Hercules tóm lấy con quái vật khổng lồ và bắt đầu chặt đứt những chiếc đầu của nó. Tuy nhiên, mỗi lần chàng tiêu diệt một cái đầu, thì chỗ đó lại mọc thêm hai cái đầu mới. Để khiến mọi thứ khó khăn hơn nữa, nữ Thần Hera còn sai một con cua khổng lồ đến cắn vào chân và mắt cá chân của Hercules.

Hercules nhận ra mình không thể hạ gục con quái vật này một mình nên gọi Iolaos tới giúp. Chàng tiêu diệt con cua khổng lồ, trong khi đó Iolaos châm lửa đốt cháy khu rừng xung quanh. Sau đó, mỗi lần Hercules chặt đứt một cái đầu của Hydra, Iolaos sẽ dùng những cành cây đang cháy từ khu rừng để đốt vào vết thương ở cổ nó, ngăn không cho những cái đầu mới của nó mọc lại.

Cuối cùng, Hercules cũng loại bỏ được chiếc đầu cuối cùng của con quái vật. Chàng chôn đầu rắn xuống đất và đặt một tảng đá nặng lên trên để ngăn nó tái sinh. Trước khi trở về diện kiến nhà vua, Hercules nghĩ rằng việc nhúng đầu mũi tên vào máu độc của con quái vật vừa bị hạ gục là một cách thông minh, sẽ giúp ích cho chàng trong những thử thách tiếp theo.

Mặc dù Hercules và Iolaos thành công tiêu diệt rắn chín đầu Hydra nhưng Vua Eurystheus không hài lòng, vì Hercules đã không hoàn thành thử thách này một mình. Nhà vua không công nhận hành động anh hùng này là một kỳ công trọn vẹn của Hercules vì có sự trợ giúp của Iolaos.

Hercules
Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Bức tranh in của họa sỹ Michel Dorigny minh họa cho câu chuyện này. Hercules và Iolaos xuất hiện phía bên trái bố cục của bức tranh. Hercules khoác trên mình bộ da bảo vệ của mãnh sư Nemea và vung gậy đánh vào đầu Hydra, kẻ đang cắn vào bắp chân chàng.

Còn Iolaos chĩa ngọn đuốc xuống phía dưới, nhắm vào một trong những chiếc đầu của con quái vật. Ở đây, chỉ vẽ 6 chiếc đầu của Hydra, và chiếc đầu nằm ngay dưới cánh tay của Iolaos đã bị chặt đứt.

Nhẫn nại, khiêm tốn, và hòa hợp

Thay vì miêu tả một sinh vật thực sự giống rắn, một số học giả tin rằng câu chuyện về Hydra này phản ánh cách người Hy Lạp cổ đại đối phó với một vấn đề về môi trường. Các học giả suy đoán rằng, những chiếc đầu của Hydra có thể tượng trưng cho những dòng suối đang gây ngập lụt cho đất canh tác, và tạo ra các đầm lầy. Thậm chí, mùi hôi thối của Hydra cũng được cho là có liên quan đến lưu huỳnh trong đất.

Dưới góc nhìn này, việc loại bỏ những chiếc đầu của Hydra chỉ liên quan đến việc ngăn chặn thủy vực để chúng không gây ra họa lũ lụt. Còn việc dùng lửa để thiêu rụi khu rừng được cho là có liên quan đến việc thay đổi dòng chảy của nước.

Nước — một trong bốn yếu tố cơ bản trong tư tưởng Hy Lạp cổ xưa (đất, nước, lửa, khí), được cân bằng bởi yếu tố đối lập với nó — là Lửa. Và chỉ khi các yếu tố này cân bằng thì vũ trụ và cơ thể con người mới hài hòa.

Tuy nhiên, câu chuyện này còn có thể có hàm ý gì đối với chúng ta thời nay? Có thể, chúng ta đang có một nhiệm vụ quá sức để hoàn thành một mình. Phải chăng kỳ công này ngụ ý rằng, dù chúng ta có thể nghĩ mình mạnh mẽ và tài giỏi đến đâu, thì vẫn có những lúc cần phải nhờ cậy hoặc chấp nhận sự giúp đỡ?

Có thể một người bạn hoặc đồng nghiệp sẽ học hỏi được điều gì đó khi cùng chúng ta hoàn thành nhiệm vụ, và chúng ta cũng có thể học hỏi được điều gì đó từ người bạn đồng hành của mình. Chúng ta rất dễ bị rơi vào cái bẫy khi nghĩ rằng, ta có khả năng tự mình làm mọi việc, nhưng Đấng Tạo Hóa có nhiều cách để nhắc nhở chúng ta rằng không có việc gì mà chúng ta có thể hoàn thành một mình.

Để vượt qua khó khăn, chúng ta không chỉ cần đến sự giúp đỡ mà còn cần cả sự nhẫn nại. Mỗi lần Hercules chặt bỏ một cái đầu của Hydra thì chỗ đó lại mọc lên hai cái đầu mới. Đôi khi, chúng ta cũng cảm thấy những khó khăn ngày càng nhiều thêm. Vì vậy, chúng ta cần có tâm đại nhẫn để chịu đựng được những gì xảy đến với mình.

Hercules
Bức tranh “Hercules and the Hydra” (Hercules và Hydra) năm 1651, của họa sỹ Michel Dorigny

Phải chăng, để có tâm đại nhẫn đòi hỏi chúng ta phải loại bỏ cái tôi — những chiếc đầu rắn của chính mình — khi ta vượt qua gian khó? Phải chăng, câu chuyện này đang ngụ ý về một cuộc chiến nội tâm? Và rằng, Hercules đại diện cho tâm hồn đích thực của chúng ta, còn quái vật Hydra với nhiều đầu rắn tượng trưng cho những tội lỗi của tự ngã?

Cuối cùng, điều cần thiết là nhận ra khi nào bản thân chúng ta đang bị mất cân bằng. Lửa là khắc tinh đối với Hydra (đại diện cho nước), đã giúp Hercules hoàn thành mục tiêu của mình. Để đạt được trạng thái cân bằng, chúng ta cần biết khi nào bản thân đã chạm đến cực hạn. Vậy làm thế nào ta nhận ra bản thân đã chạm đến cực hạn để có thể áp dụng biện pháp ngược lại và khắc phục khó khăn đó?

Hercules là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong thần thoại Hy Lạp. Sức mạnh và lòng dũng cảm phi thường của chàng đã truyền cảm hứng cho thế giới Tây phương.

Tuy nhiên, Hercules là một nhân vật phức tạp mà những hành động của chàng đôi khi không dễ lý giải. Trong loạt bài “Những nhiệm vụ Hercules của chúng ta,” chúng ta sẽ khám phá mười hai kỳ công của Hercules để tìm kiếm trí huệ cho thời đại ngày nay.

Để trợ giúp cho nhiệm vụ khó khăn trong toàn bộ loạt bài này, tôi sẽ chủ yếu tham khảo từ cuốn sách “Library of Greek Mythology” (Thư Viện Thần Thoại Hy Lạp) của sử gia Apollodorus, trừ khi có tuyên bố khác, và sử dụng “Oxford Handbook of Hercules” (Sổ Tay Oxford về Hercules) như nguồn tham khảo thứ hai.

Ở phần trước của loạt bài này kể về hành trình Hercules chinh phục kỳ công đầu tiên, đánh bại Mãnh sư Nemea.

Hữu Minh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x