Nhà văn Balzac từng nói:“Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào; bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần.”
Tâm con người thế gian phức tạp khôn lường. Có loại người, không màng điều tốt của người khác, mà cứ chăm chăm nhớ chỗ xấu của người khác. Nếu thấy người khác gặp phải việc xấu, thì hoan hỷ đắc thắng, như tự mình đắc được vật quý vậy.
Thân Công Báo là một nhân vật trong cuốn sách “Phong Thần Diễn Nghĩa“. Ông ta và Khương Tử Nha đều là đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn. Thân Công Báo vô cùng đố kỵ với Khương Tử Nha, vì ông ta cho rằng mình tài giỏi như vậy mà Nguyên Thủy Thiên Tôn không chọn mình đi phong Thần, lại chọn Tử Nha, trong tâm vô cùng bất bình. Bởi trong mắt Thân Công Báo, thời gian tu luyện của Khương Tử Nha chẳng qua chỉ tầm 40 năm. Còn mình thì đã tu hành hơn cả nghìn năm, bản sự cũng rất to lớn, sao lại không để cho mình đi phong Thần? Thế là, dưới sự xui khiến của tâm tật đố, Thân Công Báo không màng đến sự bạo ngược vô đạo của Trụ Vương, làm đủ cách cản trở Khương Tử Nha thảo phạt Trụ Vương, khiến vô số sinh linh đồ thán, hàng nghìn hàng vạn người tu Đạo bị hủy trong trận chiến. Thân Công Báo chịu kết cục bị ném vào trong biển Bắc Hải.
Đố kỵ là một loại tâm bệnh
“Tật đố” (嫉妒) là một từ ghép, trong đó cả hai từ đơn “Tật” (嫉) và “Đố” (妒) đều có ý nghĩa là ghen ghét, đố kỵ. Hai chữ này đều có bộ Nữ (女) đứng đầu, hàm ý rằng, tâm tật đố sinh ra từ sự yếu đuối, cảm thấy mình thua kém người khác; trước sự thành công, tốt đẹp của người khác thì tâm trí bất ổn, phiền não.
Chữ “Tật” (嫉) được ghép thành do bộ Nữ (女) và chữ Tật (疾) chỉ ốm đau bệnh tật hoặc thống khổ. Như vậy, cổ nhân nhìn nhận tâm tật đố chính là một loại bệnh – thấy người khác có gì tốt thì trong lòng không vui, lo lắng họ hơn mình, một loại tâm lý quái dị nên giống như là bị bệnh. Bản thân nó cũng khiến người ta sinh bệnh, tranh đấu hơn thua khiến người ta ăn không ngon, ngủ không yên, không giữ được bình an trong tâm.
Chữ Tật (疾) cấu thành bởi bộ Nạch (疒) chỉ tật bệnh và bộ Thỉ (矢), là cung tên, nghĩa là tật đố sinh ra từ tâm tranh đấu, thích công kích, hạ thấp người khác để nâng bản thân mình lên.
Khi truyền thông công khai cổ xúy tâm đố kỵ
Trong xã hội ngày nay, tâm tật đố xuất hiện rất phổ biến. Người ta so bì tị nạnh nhau từ cái ăn, cái mặc, đến vợ chồng, con cái, rồi nhan sắc, địa vị công danh, tài sản… Vì tật đố mà nói xấu dèm pha, thậm chí bày mưu hãm hại để giành giật chút lợi ích hơn người, không thì trong lòng ghen tức khó chịu, khiến thân tâm không phút nào an vui.
Xưa Bàng Quyên vì tật đố hại Tôn Tẫn, cuối cùng binh bại thân vong. Không đến mức như Bàng Quyên, biểu hiện của tâm đố kỵ rất phong phú trong cuộc sống. Nó nguy hiểm bởi nó có mặt ở mọi nơi và dưới nhiều hình thức.
Nhan nhản trên mặt báo là những tiêu đề kiểu như: “Ghen tị với khối tài sản khủng/siêu xe, biệt thự dát vàng…” của người nổi tiếng nào đó; hoặc “Mặc hàng hiệu tiền tỷ, sự sang chảnh, xa hoa của.. khiến cộng đồng mạng ghen tị…”
Báo chí không chỉ trực tiếp lan truyền đến độc giả những thứ độc hại như chủ nghĩa tôn sùng vật chất, bất kể là bằng cách nào, mà còn cổ xúy công khai tâm lý ganh ghét, khiến đố kỵ vốn là một trạng thái cảm xúc xấu nay lại được xem như bình thường.
Đáng sợ là, sự đầu độc kiểu “ám thị vô thức” này gây nguy hại cho nhận thức xã hội, nhưng ít ai xem đó là một vấn đề nghiêm trọng; có lẽ bởi chúng ta thấy có quá nhiều thứ quan trọng đã trở nên hủ bại một cách nghiêm trọng hơn nữa.
Vấn đề là loại báo chí theo trào lưu này lại thu hút lượng độc giả rất lớn; chắc là tâm thái biến dị được cổ xúy công khai một cách tinh vi đó sẽ lớn dần, và sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, đời sống của họ.
Vừa qua, khi sự việc một người lái xe chở hàng nhanh chóng trèo lên mái hiên ra tay đỡ cháu bé rơi từ tầng cao, cháu bé được cứu sống, và anh tài xế trở thành “người hùng” trong mắt cộng đồng.
Thế nhưng người ta không thỏa mãn với việc xem người lái xe ấy là tấm gương của sự sẵn sàng xả thân vì người khác, mà lại tìm đủ mọi cách biện giải, cốt để chứng minh rằng anh ấy không thực sự đỡ được cháu bé, rồi hoan hỷ đắc thắng khi tuyên bố người lái xe không xứng đáng như mọi người ca ngợi.
Con người có khuynh hướng đánh giá bản thân thông qua việc so sánh mình với người khác. Tâm tật đố là một cảm xúc tiêu cực, được tạo ra bởi việc không chấp nhận sự thật rằng những người khác có thể vượt trội hơn chúng ta về phẩm hạnh, kỹ năng, thành tựu, hay cảnh ngộ.
Tâm lý biến dị này đã trở thành phổ biến đến mức người ta không tự nhận ra được sự “kỳ dị” nữa; cho nên những câu như: “Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình” trở thành lời động viên bản thân; Cha mẹ cho con đi học không để ý con trau dồi được gì về đạo đức hay phẩm hạnh, mà chỉ quan tâm việc: Học sao để điểm số không thua kém bạn bè. Điểm số càng cao hơn bạn bè thì cha mẹ càng nở mày nở mặt. Xã hội chạy theo các loại danh hiệu, thành tích, bằng cấp để thỏa mãn sự hơn người; bản chất của việc so sánh hơn kém với người khác chính là tâm đố kỵ và tâm tranh đấu.
Nhà văn Somerset Maugham mô tả tâm đố kỵ bằng một câu nói không thể nào trần trụi hơn: “Sự thành công của ta không thôi chưa đủ, người khác phải thất bại nữa cơ.”
Nhà Phật cũng nói: “Bi ai lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ.” Phật gia giảng, đối với người tu luyện, nếu không buông bỏ tâm tật đố thì không thể viên mãn được; ý nói rằng đây là một tâm thái đáng sợ, có thể hủy hoại đời người. Một người hay sinh lòng tật đố với người khác, dù có tổn hại cho người khác hay không, thì đã làm bại hoại đạo đức của chính mình.
Thấy người thành bại như chính mình thành bại
Hoàng đế Khang Hy khi xưa hiểu rõ mối nguy hại của tâm đố kỵ, có thể khiến con người biến dị nhân cách, cho nên đã răn dạy các hoàng tử trong “Đình Huấn Cách Ngôn” rằng:
“Phàm là người giữ thân xử thế, chỉ nên để khoan thứ trong tâm. Khi thấy người có việc đắc ý thì nên sinh lòng hoan hỷ. Khi thấy người có việc thất ý thì nên sinh lòng thương xót. Đó đều khiến bản thân thu được lợi ích. Nếu như đố kỵ với thành công của người khác, vui thấy người khác thất bại, thì sao có thể mưu sự cùng với người khác được? Chỉ làm bại hoại cái tâm mình mà thôi. Cổ ngữ nói: ‘Thấy người thành công thì như chính mình thành công. Thấy người thất bại thì như chính mình thất bại’. Giữ cái tâm như thế thì Trời ắt bảo hộ.
Nhân tâm con người thế gian không giống nhau. Có một loại người, không nhớ chỗ tốt của người khác, mà chuyên nhớ chỗ xấu của người khác. Nếu người ta gặp phải việc xấu, thì liền trở nên rất sung sướng, như tự mình đắc được vật quý vậy. Tuy nhiên loại người cười trên nỗi đau của người khác này, không biết tâm của mình đã trở nên quái dị như thế. Các con cần phải lấy đó mà dè chừng.”
Đạo đức có nguồn gốc từ tấm lòng rộng mở. Bản Đình Huấn này có ý nghĩa sâu xa, gợi mở cho con người phản tỉnh sâu sắc.
“Đệ Tử Quy” viết:
“Chỉ đức học, chỉ tài nghệ
Không bằng người, phải tự gắng
Nếu quần áo, hoặc ăn uống
Không bằng người, không nên buồn”
Ý cổ nhân giảng rằng: Nếu muốn so sánh với người khác, thì hãy nên so sánh về đức hạnh; đức hạnh mình còn thua kém thì mau chóng nỗ lực tu thân. Còn như kém người về vật chất bề ngoài hoặc sự hưởng thụ, thì không nên phiền não.
Tử Cống (tên thật là Đoan Mộc Tứ) có thói quen so sánh người này với người kia. Đức Khổng Tử nói: “Trò Tứ nhọc nhằn vậy thay! Còn ta thì chẳng nhàn rỗi.”
Đức Khổng Tử muốn Tử Cống dành thời giờ để học tập và tu đức, hơn là phải nhọc sức so sánh, phê phán người; bởi so sánh đố kỵ là tâm thái của kẻ tiểu nhân.
Sách “Tuân Tử” viết: “Quân tử có tài năng, có thể khoan hồng đại lượng, có thể khiêm tốn chính đạo dẫn dắt người khác; nếu không có tài năng thì cung kính khiêm tốn thoái nhượng phụng dưỡng người khác cẩn thận. Tiểu nhân có tài năng, thì tự cao tự đại khinh thường làm nhục người khác; không có tài năng, thì đố kỵ oán hận phỉ báng đấu đá phá hoại người khác.”
Người không có tâm đố kỵ thì đối với những ai hơn mình về dung mạo, giàu có, tài hoa, hạnh phúc, họ nhất định sẽ chúc phúc và thể hiện sự vui mừng từ đáy lòng. Chỉ cần là vậy thì tu dưỡng của họ đã vượt trên người thường rất nhiều rồi. Trái lại, một người mang tâm đố kỵ quá mạnh, dù có biểu hiện ra hay không, thì lúc nào cũng khiến bản thân sống trong sự bất mãn, thậm chí còn ác ý phỉ báng, làm tổn hại người khác, kết cuộc hại người hại mình. Trong lịch sử, không thiếu những câu chuyện như vậy.
Buông bỏ tâm đó thì Thiện tính trong người càng sáng tỏ, bởi tâm đố kỵ khiến lòng người tăm tối. Vui khi thấy người có được điều tốt lành, khi thấy người khác thành công, chính là tạo một cơ hội vui cho mình.
Nhà Phật có câu: “Tùy hỷ” – có nghĩa là vui theo, khi thấy người khác có cái gì tốt đẹp, an ổn, hạnh phúc, thành đạt thì mình vui theo, như chính mình được; khi thấy họ làm điều phước thiện, đạo đức thì mình cố công giúp đỡ khiến họ được thành tựu.
Phật gia giảng: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên”, “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu”, tức là trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ cưỡng cầu. Con người nên vui với bổn phận, thuận theo thiên mệnh, sống đời an hòa, tu dưỡng bản thân, biết đủ với những gì đang có, dửng dưng với những thứ không thuộc về mình, thì mới là thuận theo thiên lý.
Phật trở thành Phật bởi thấy tất cả đau khổ của chúng sinh chính là đau khổ của mình. Nên ra sức cứu độ chúng sinh, khuyên con người sống vì người khác chứ không phải vì mình. ‘Thấy người khác thành công hoặc có sở đắc thì giống như chính mình thành công, chính mình sở đắc. Thấy người khác thất bại, mất mát thì giống như mình thất bại, mất mát.’ Người có cái tâm và suy nghĩ như thế thì không những thành tựu cho người mà cũng viên mãn bản thân, nói như Hoàng đế Khang Hy, trời cao nhất định sẽ phù hộ.
Tác giả: Đan Thư
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!